Hitman: Episode 1 – Paris – Đã thấm thoát 10 năm trôi qua kể từ khi lễ rửa tội đẫm máu khép lại một chặng đường dài của đặc vụ 47 gắn liền với cái tên Hitman, đã giới thiệu đến giới mộ điệu khái niệm “social stealth” (hành động bí mật trộn lẫn vào đám đông) và tạo nên trải nghiệm gắn liền với “nghệ thuật ám sát” cực kỳ thành công.
Trong thế giới đầy hiểm nguy của sát thủ, cái giá dành cho sự im lặng là những đồng tiền vấy máu.
Ẩn số 47 đã trở lại sau 10 năm vắng bóng, và đây là lúc mà thế giới sẽ phải cẩn trọng bởi tiếng súng hãm thanh có thể phát ra từ bất cứ ngõ ngách nào.
Phần đầu tiên trong tựa game “dài tập”, Hitman: Episode 1 – Paris, đã thành công vang dội trong việc dập tắt mọi hoài nghi về phía mình và tạo nên một bước khởi đầu không thể nào tuyệt vời hơn.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi: đậm đà bản sắc “Hitman”
Câu hỏi đầu tiên của bất kỳ người hâm mộ nào đối với Hitman: Episode 1 – Paris hẳn sẽ là: nó có giống Hitman: Blood Money hay không?
Câu trả lời ngắn gọn: CÓ.
Ở thời điểm hiện tại, Hitman: Episode 1 – Paris không phải là một tựa game hoàn hảo, nhưng những gì mà trò chơi đã thể hiện rất có thể là thứ bám gần sát với không những Hitman: Blood Money, mà còn cả toàn bộ những tựa game Hitman cổ điển trước đây.
Điều đó đồng nghĩa với: màn chơi rộng lớn, rất nhiều thứ để người chơi khám phá và thử nghiệm và dĩ nhiên rất nhiều cung cách hoàn thành nhiệm vụ khác nhau.
Hitman: Episode 1 – Paris quay trở lại với phong cách chơi cổ điển của mình là buộc người chơi phải thử nghiệm và sắp đặt, và màn chơi “The Showstopper” đặt bối cảnh tại Paris là minh chứng rõ nhất cho lối thiết kế này.
Mặc dù mọi hoạt động trong game đều diễn ra theo thời gian thực, bạn vẫn có thể thoải mái quan sát chậm rãi mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình, lên kế hoạch và thực thi.
Cải trang đã quay trở lại, và tác động của nó đối với lối chơi của Hitman: Episode 1 – Paris có lẽ còn lớn hơn bất kỳ tựa game nào trước đó.
Trong Hitman: Blood Money, hệ thống cải trang được phân lớp theo cơ chế hàng ngũ, tức là những người có cùng bộ đồ giống bạn sẽ không bao giờ phát hiện ra danh tính của bạn.
Nhược điểm của nó là khiến 47 có thể “ăn gian” hệ thống đối với các NPC cùng cấp bậc.
Hitman: Episode 1 – Paris thì không như vậy, bạn cải trang thành một lính canh, một vài người ở khu vực xung quanh sẽ để ý đến bạn nhưng những người ở khu vực khác thì không; bạn cải trang thành bảo vệ riêng của mục tiêu, không ai khác ngoài mục tiêu sẽ nhận ra bạn; bạn cải trang thành một nhân vật “độc nhất”, không ai dám đặt ra dấu chấm hỏi về bạn.
Nó mang lại cảm giác tự nhiên hơn, có lý hơn (một đội ngũ lo khâu kỹ thuật sẽ dễ nhớ mặt nhau hơn là hàng chục bảo vệ rải rác khắp màn chơi), ít máy móc hơn, khác hẳn với bất kỳ phiên bản Hitman nào trước đây.
Tìm đường đến mục tiêu của bạn rất dễ dàng, thử thách thật sự nằm ở việc “điều binh khiển tướng”, vận dụng kỹ năng của mình và tác động từ môi trường để triệt hạ mục tiêu, và cũng là minh chứng rõ nhất cho lối thiết kế dựa nhiều vào phong cách thử nghiệm.
Những mục tiêu, cơ hội, thử thách và các yếu tố mà bạn có thể sử dụng đều nằm gọn trong một trình đơn duy nhất, nhưng nếu như bạn đã “có thâm niên” và tự tin với tài nghệ ám sát của mình thì bạn hoàn toàn có thể phớt lờ chúng và tắt hẳn biểu tượng chỉ đường, tạo nên một trải nghiệm Hitman “thuần khiết” nhất có thể.
Hitman: Episode 1 – Paris không chỉ là một cuộc đuổi bắt và ám sát đơn thuần, nó còn là một câu đố bao gồm những mảnh ghép nhỏ, và thứ tự và cách thức sắp xếp những mảnh ghép đó đều tùy thuộc vào người chơi.
Hitman: Episode 1 – Paris tạo nên một sân chơi mà trong đó, người chơi vừa đóng vai trò là “game master”, vừa là người tham gia cuộc chơi.
Bạn không chỉ thâm nhập vào hành vi của NPC và quãng hoạt động của mọi thứ trong game, bạn tự tay “chọc ngoáy” nó như một thợ máy, xoay chuyển nó về hướng có lợi cho mình như một vị tướng, “hô biến” nó và tạo nên một màn trình diễn đẹp mắt như một ảo thuật gia.
Tất cả mọi thứ về Hitman đều muốn người chơi thử nghiệm theo cách sáng tạo và tự do nhất có thể.
Ở thời điểm hiện tại, Hitman: Episode 1 – Paris không phải là một tựa game hoàn hảo, nhưng những gì mà trò chơi đã thể hiện rất có thể là thứ bám gần sát với không những Hitman: Blood Money, mà còn cả toàn bộ những tựa game Hitman cổ điển
Trong các phiên bản trước đây, hầu như mọi yếu tố môi trường trong màn chơi đều hẳn là liên quan đến việc ám sát mục tiêu trực tiếp.
Nếu như bạn thấy một chiếc đèn chùm, chắc chắn rằng bạn có thể thả nó xuống đầu mục tiêu, nếu như bạn tìm thấy một món đồ uống, ắt hẳn game sẽ cho phép bạn bơm thuốc độc vào để đầu độc mục tiêu.
Hitman: Episode 1 – Paris thì không như vậy, nội trong màn chơi “The Showstopper” có đến hàng chục chiếc đèn chùm và bạn có thể thả bất cứ cái nào xuống.
Bạn có thể bỏ thuốc chuột vào ly cocktail của Viktor Novikov (một trong hai mục tiêu), nhưng đồng thời bạn cũng sẽ tìm thấy vài món đồ ăn và thức uống khác nhau và chúng đều có thể “bị” tẩm thuốc mà chưa chắc 100% rằng Viktor sẽ động đến chúng.
Điều này dẫn đến việc khi các vật thể tương tác được xuất hiện, Hitman: Episode 1 – Paris không khiến người chơi nghĩ rằng “ắt hẳn phải có mục đích nào đó mà nó lại nằm ở đây”, mà trái lại, chúng có thể hỗ trợ người chơi nhưng phải ở một thời điểm cụ thể nào đó mới.
Ví dụ như bạn tìm được vài cái búa tạ và tua vít, nhưng khi cần xà beng để cạy cửa xuống tầng hầm thì lại… chả thấy đâu, và bạn lại lốc cốc đi tìm một chiếc.
Bạn phải thích nghi với từng tình huống mà trò chơi đề ra, khiến cho việc theo dõi, bám sát “con mồi” và đặt bẫy trở nên tự nhiên và khó đoán hơn rất nhiều!
Không có những phân đoạn điện ảnh “ngáng đường” bạn giữa chừng ngoài những thông báo từ Diana Burnwood, không có chuyện buộc bạn phải đi theo những chỉ dẫn có sẵn (trừ phi bạn cố tình làm theo), không có chuyện game “làm khó dễ” bạn bởi độ khó của trò chơi đều tùy thuộc vào việc người chơi tự đề ra cung cách thực hiện nhiệm vụ của mình, Hitman: Episode 1 – Paris không bao giờ tước đi quyền làm chủ của người chơi, và vở kịch với vai diễn chính là đặc vụ 47 được đạo diễn bởi không ai khác ngoài bạn!
BẠN SẼ GHÉT
A.I ngây ngô, vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng!!!
Mặc dù lối chơi chính và các cơ chế của Hitman: Episode 1 – Paris đều được thiết kế khá trơn tru, người viết vẫn “nhớ” một vài yếu tố hay ho từ Hitman: Blood Money mà thực chất game hoàn toàn có thể vận dụng.
Khá đáng tiếc khi hệ thống “Notoriety” không xuất hiện trong game, súng tỉa chỉ có thể được “vận chuyển” vào một vài khu vực nhất định thay vì cho phép 47 xách theo trong vali (có thể do không phù hợp với nội dung màn chơi chăng?), không cho phép tước vũ khí của địch, không có “Human Shield” (dùng người thường làm lá chắn), và không có dấu máu vấy trên quần áo và trên sàn nhà khi 47 kéo lê xác đi – một trong những yếu tố khiến người chơi phải cẩn thận không sử dụng súng đạn bừa bãi trong các phiên bản trước.
A.I của game thỉnh thoảng cũng hoạt động một cách kỳ quặc.
Bạn vô tình vượt rào vào trong một khu vực cấm, hãy sẵn sàng bởi 20 lính canh sẽ đồng loạt chỉ súng về phía bạn, nhưng nếu bạn leo lên bờ tường và đi dọc theo các cửa sổ thì những người ở dưới sẽ chỉ có chung một phản ứng thắc mắc “thằng cha kia muốn làm Ezio à?” (dĩ nhiên nếu bạn không ở trong khu vực “vượt rào”).
Nếu như bạn từ bên ngoài một cửa sổ ở tầng hai và nhảy thẳng vào khu vực mà hai lính canh đang gác cầu thang lên tầng trên, cả hai sẽ chỉ… khám người bạn rồi cho lên, thay vì thắc mắc “vì sao một gã mặc bộ Texudo trắng vừa leo cửa sổ vào – chắc chắn thằng cha đấy… không có gì mờ ám!”
Người viết còn gặp phải trường hợp oái ăm là… chẹt cổ một NPC trên tầng hai, bỗng dưng vì một lý do nào đấy mà một anh chàng tiếp tân từ tầng dưới lại bị đánh động và… chạy thẳng vào căn phòng rồi truy tìm như bảo vệ – chưa kể đấy là khu vực cấm vào dành cho tiếp tân!
Mặc dù lối chơi chính và các cơ chế của Hitman: Episode 1 – Paris đều được thiết kế khá trơn tru, người viết vẫn “nhớ” một vài yếu tố hay ho từ Hitman: Blood Money mà thực chất game hoàn toàn có thể vận dụng
Tuy nhiên, những khuyết điểm trên thật sự không ảnh hưởng quá nhiều đến trò chơi, mà điều khiến người viết “tức điên” nhất lại chính là những lỗi kỹ thuật quá đáng mà Hitman: Episode 1 – Paris dội thẳng vào trong quá trình chơi.
Đây là năm 2016 và các nhà làm game hiện đang bị ám ảnh với khái niệm “kết nối trực tuyến mọi lúc mọi nơi”, mỗi tội đối với Hitman: Episode 1 – Paris, người viết đã bị đứt kết nối và… bị “đá” thẳng ra ngoài trình đơn chính của game trong lúc chơi không dưới… 10 lần, vì game không kết nối được tới máy chủ của Square Enix.
Chả có gì đáng nói lắm nếu như tập tin lưu game cho phần chơi Online và Offline lại được chia thành… hai phần khác nhau, đồng nghĩa với việc nếu bạn phải chơi mà không có mạng thì phải chơi “sạch” lại từ đầu mà không có hệ thống Challenge, Oppportunity kèm theo.
Mỗi lần nạp game là bạn có thể thấy hình ảnh cho từng mục cũng mất thời gian để… xuất hiện vì cần phải tốn thời gian tải xuống, thậm chí nhấn nút F1 để bật trình đơn trong game cũng khiến game khựng hình chút ít để nạp thông tin xuống.
Kể cả vậy, những hệ thống cần dùng đến mạng – đặc biệt là bảng xếp hạng của Hitman: Episode 1 – Paris, còn chả hoạt động ra hồn.
Liệt kê mỗi tên và số điểm cao nhất của toàn bộ người chơi toàn cầu và… hết, không có so sánh giữa bạn bè hay liệt kê các cách thức ám sát được “ưa chuộng” nhất.
Người viết tự hỏi: mục đích của cái bảng xếp hạng này xuống Trái Đất là gì khi mà nó vô dụng đến như vậy?
THÔNG TIN
- Sản xuất: IO Interactive
- Phát hành: Square Enix
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 12/03/2016
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: OS 64-bit Windows 7
- CPU: Core i5-2500K 3.3GHz / Phenom II X4 940
- RAM: 8 GB
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 660 / Radeon HD 7870
- HDD: 50 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: AMD Ryzen 5 1600 3.2Ghz
- RAM: 16 GB
- VGA: ASUS ROG RX 570 4GB
- SSD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIX – CHƠI TRÊN HỆ PC