Homefront: The Revolution – Số phận lận đận về mối tương giao giữa Homefront: The Revolution và những studio từng “nhúng tay” vào quá trình phát triển tựa game có lẽ quá dư thừa để tạo nên một bộ phim tư liệu nhỏ.
Từ Kaos Studios và THQ cho đến Crytek và cuối cùng quy tụ tại Dambuster Studios và được Deep Silver đỡ đầu, có lẽ quá trình “thai nghén” của trò chơi này cũng đầy mong lung hệt như cuộc kháng chiến mà quân khởi nghĩa bám lấy và lấy nó làm nghĩa sống của mình.
Cá nhân người viết luôn cho rằng mặc dù phiên bản Homefront đầu tiên thật sự là một tựa game đáng quên, đơn giản vì nó chẳng làm được điều gì để khiến nó nổi bật hơn những tựa game cùng thể loại ra mắt bấy giờ, nhưng chí ít bối cảnh đậm chất Red Dawn ít ra cũng mang lại cho nó một thứ gọi là “danh tính riêng”.
Còn Homefront: The Revolution?
Người viết thật sự trân trọng tâm huyết của Dambuster Studios đổ vào trò chơi này, nhưng cái sự thật phũ phàng rằng Homefront: The Revolution không phải là một tựa game đáng chơi vẫn cứ lưng lửng như một trò đùa ác ý vậy.
BẠN SẼ GHÉT
PHILADELPHIA KHÔNG YÊN TĨNH…
Điều đầu tiên và có lẽ là duy nhất mà Homefront: The Revolution phần nào đó thực hiện thành công, chính là lối thiết kế thế giới mang đậm tính “dystopia” khi mà quân đội KPA hoàn toàn đô hộ nước Mỹ.
Hình ảnh Philadelphia phản chiếu trong Homefront: The Revolution giống như quan niệm về thuyết định mệnh (niềm tin về sự sắp đặt của những sự kiện mà gần như không thể tránh khỏi) đầy đen tối của con người, đó là lý do mà Homefront: The Revolution có cảm giác rất giống với Half-Life 2.
Tại sao lại là Half-Life 2?
Bạn có nhớ lần đầu tiên khi Gordon Freeman đặt chân tới thành phố City 17 chứ?
Cái cảm giác “lạnh người” mà trong đó, những tên Combine túc trực khắp mọi ngõ ngách và luôn quay đầu nhìn bạn cho đến khi bạn đi khuất tầm mắt chúng cùng với camera giám sát với ánh đèn xanh chiếu sáng mọi cung đường, những tên lính KPA với vẻ ngoài cực giống với Combine, những dãy nhà san sát nhau bị bỏ hoang với những đống đổ nát chất đầy, ý tưởng cho phép người chơi rảo bước qua những góc phố bị giám sát chặt chẽ mà không cần phải trốn chui trốn nhủi, tất cả đều khiến cho trò chơi mang lại cảm giác giống như những giây phút đầu tiên của Half-Life 2 trong thế giới mở vậy.
Những khu vực Greentree Yellow Zone là khu vực thành thị đầy “sạch sẽ” và dĩ nhiên là văn minh hơn khu vực Red Zone chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy rằng nơi đây đang bị đô hộ, cho tới khi bạn đào sâu vào những góc khuất bên trong nó.
Tất cả tạo nên một bối cảnh Philadelphia rất lạ, rất đậm chất “Half-Life“, và có thể nói là rất độc đáo!
Vậy Homefront: The Revolution mắc sai lầm ở đâu?
Câu trả lời: tất cả mọi thứ còn lại.
Ngay từ những giây phút đầu tiên, không khó để người chơi có thể nhận thấy được lối chơi và phong cách thiết kế đậm chất Far Cry – chỉ với mức độ tinh tế kém hơn chuẩn mực AAA hơn đôi chút.
Ethan Brady – nhân vật chính của game di chuyển khá chậm rãi và cục mịch; bạn lái chiếc xe môtô chạy xuyên qua kẻ địch khiến cho chúng có cảm giác như hình chiếu 3D vì chúng không tỏ ra chịu phải tác động nào; NPC mắc kẹt ở xó xỉnh nào đó hoặc thỉnh thoảng chạy… vòng tròn.
Nếu như không khoác lên mình bộ “cánh” CryEngine thì có lẽ rất nhiều người có thể tưởng nhầm rằng Homefront: The Revolution là một tựa game FPS “nghiệp dư” đang thử nghiệm trong Early Access không hơn không kém.
Homefront: The Revolution mắc sai lầm ở đâu? Câu trả lời: tất cả mọi thứ còn lại…
Homefront: The Revolution sở hữu rất nhiều cung cách thiết kế kỳ quặc và cực kỳ thiếu logic.
Có một điều khiến cho người viết “điên đầu” trong suốt thời lượng của game, đó là mình có thể sử dụng tính năng chế đồ và tự tạo ra chất nổ, dụng cụ gây cháy, dụng cụ hack thiết bị, hoặc dụ địch theo nhiều phương thức khá đa dạng, có thể là “dính” nó vào một con gấu bông để đặt bẫy trên đường đi hay bỏ chúng lên xe đồ chơi RC Car và vận chuyển khuất tầm mắt kẻ thù, thế nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà game lại không cho phép chế tạo món trang bị tối quan trọng và cần thiết nhất – các hộp cứu thương dùng để hồi máu, đặc biệt khi nhân vật chính của game không tự động hồi máu?
Tương tự như các phiên bản Far Cry gần đây, Homefront: The Revolution cũng cho phép người chơi lựa chọn phương thức tiếp cận nhiệm vụ, hoặc xả súng hoặc hành động bí mật, nhưng vấn đề ở chỗ là dường như trò chơi chẳng biết phải làm sao để cân bằng cả hai mặt này, kết quả là bắn súng trong Homefront: The Revolution chỉ ở mức tàm tạm, hành động bí mật cũng chả khá khẩm hơn.
Với hành động bí mật, bạn có thể mua nòng giảm thanh nhưng chỉ có thể gắn nó vào khẩu súng lục cầm tay với uy lực rất ư là… thiếu tin cậy, bởi không ít lần người viết bóp cò khi hồng tâm nằm gọn ghẽ trên đầu của địch thủ ở khoảng cách đủ để “ôm hôn thắm thiết”, thì địch thủ chỉ phản ứng bằng cách xoa tay sau lưng như thể… bị muỗi chích vậy!
Khẩu súng cầm tay dùng lực đẩy cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.
Bạn có thể mua một số nâng cấp phục vụ cho hành động bí mật như “camouflage” khiến bạn khó bị phát hiện hơn, hay tiếng chân biến mất hoàn toàn, nhưng thực sự chúng không khả dĩ mấy với hệ thống A.I (trí thông minh nhân tạo) thiếu tin cậy và sẵn sàng hoạt động một cách phi logic.
Kho vũ khí của Homefront: The Revolution chỉ ở mức tạm được nhưng sở hữu một chức năng “lạ mà quen” đó là cho phép người chơi gắn phụ kiện trực tiếp lên vũ khí (tương tự như trong Crysis) và có thể biến đổi chủng loại vũ khí dựa theo khung chỉ bằng một nút bấm duy nhất.
Đây là một hệ thống khá tiềm năng, nhưng thực chất lại không có “đất dụng võ” nhiều, bởi trò chơi định hình quá rõ những vũ khí hữu dụng so với cơ số còn lại.
Tại sao phải sử dụng khẩu Assault Rifle thông thường khi LMG sở hữu băng đạn gấp 3-4 lần với sát thương và tầm bắn tương đương?
Tại sao phải sử dụng Pump-Action Shotgun khi mà khẩu Shotgun tự động quá mạnh?
Tại sao phải sử dụng Marksman Rifle khi mà Battle Rifle bắn bán tự động, nhiều đạn hơn và chỉ tốn thêm đúng một viên đạn để hạ một kẻ địch?
Và cũng thật kỳ lạ khi trò chơi sở hữu cả đống nâng cấp khác nhau, nhưng lại không chất nổi thêm nâng cấp gia tăng số lượng trang bị mà người chơi có thể mang theo mình.
MỘT CUỘC TRANH ĐẤU THIẾU THUYẾT PHỤC
Toàn bộ thế giới trong Homefront: The Revolution được chia thành hai khu chính: Red/Yellow Zone.
Khu vực Red Zone sở hữu một hệ thống báo động rất ư là… ba chấm, một khi bạn bị phát hiện và truy sát, chỉ cần chạy đến khu vực nhiệm vụ, có thể là hack một chiếc máy thu phát nào đó thì bỗng dưng báo động sẽ chấm dứt!
Bối cảnh của Red Zone cũng khá là kỳ quặc, bởi nó chỉ bao gồm những tàn tích đổ nát nối tiếp tàn tích đổ nát, và người viết đặt ra câu hỏi: tại sao KPA lại sở hữu lực lượng tuần tra dày đặc như vậy ở khu vực này?
Thậm chí điều này tái diễn ở khu Lombard gần như biến thành Chernobyl khi không khí dày đặc khí gas, và KPA cũng… rảnh đến mức đưa một số loại vũ khí tối tân đến nơi đây!
Khu vực Yellow Zone là khu thành thị như đã nói ở trên, bạn có thể ẩn nấp và trà trộn sau dân thường, nhưng trên thực tế, lựa chọn duy nhất của người chơi để không bị phát hiện là chạy nhanh tới các địa điểm như thùng rác hoặc nhà vệ sinh công cộng để thoát khỏi kẻ thù.
Khu vực Yellow Zone trông thì có vẻ kém an toàn hơn Red Zone, nhưng thực chất mức độ nguy hiểm của KPA tại đây chẳng thay đổi chút nào trong suốt thời lượng của game, và cách thức mà bạn đối phó với quân thù dĩ nhiên chẳng hề thay đổi.
Những hoạt động trong game lặp lại và đáng chán một cách điên khùng.
Bạn sẽ phải tìm cách đánh chiếm các địa điểm quan trọng, kích hoạt máy thu phát để đánh dấu tất cả các máy móc của KPA và các radio của phe kháng chiến trên bản đồ hoặc căn cứ/nhà an toàn cho quân kháng chiến đặt điểm canh phòng.
Vấn đề ở đây là cách thức đánh chiếm các địa điểm này lặp lại từ đầu đến cuối game: kích hoạt chúng, hết.
Ở khu vực Yellow Zone, các địa điểm này thường nằm trong các căn phòng ở các tầng trên cao của những tòa nhà, và thường người chơi buộc phải leo trèo qua những khu vực lắc léo thì mới tiếp cận chúng được, thế nên mặc định một khi thâm nhập được các khu vực này thì người chơi được an toàn, đơn giản bởi vì KPA… chẳng có khả năng leo trèo để đuổi theo bạn như vậy.
Các khu vực này sở hữu quy mô rất nhỏ, khiến chúng chẳng bao giờ đáng để người chơi do thám động tĩnh của lính tuần tra.
Và khác với Far Cry, bạn không thể thực hiện các chiêu trò như “bay” thẳng vào căn cứ của địch với bộ đồ lượn (wingsuit) hay ngồi trên chiếc máy bay mini và bắn phá từ trên không, bởi những căn cứ trong Homefront: The Revolution chỉ sở hữu đúng một lối đi duy nhất để người chơi sử dụng.
Thậm chí các khu nhà máy bơm ở Red Zone sở hữu bố cục y chang nhau và số lượng địch thủ tương đồng với nhau.
Những hoạt động trong game lặp lại và đáng chán một cách điên khùng
Cuối cùng, cốt truyện của Homefront: The Revolution không những tồi, mà cách thức truyền tải nó tồi một cách… ĐIÊN KHÙNG.
Nó là một tựa game mà kể cả khi bạn chơi trong lúc say xỉn thì hẳn bạn cũng sẽ phải nhíu mày bởi cái sự nực cười trong cái cách mà trò chơi trình bày quan niệm: khởi nghĩa.
Thật khó để coi trò chơi một cách nghiêm túc khi mà có một thằng *** dở người cứ khen “bạn làm tốt lắm” mỗi khi bạn khử một tên KPA hay bật một chiếc radio vớ vẩn nào đó.
Cuộc kháng chiến trong Homefront: The Revolution được dẫn dắt bởi những “đứa trẻ con đội lốt người lớn” biết cầm súng và hô hào “REVOLUTION” với mục đích duy nhất là tiêu diệt hết KPA, mà chẳng màn quan tâm gì đến người dân.
Khoảng phân nửa trò chơi buộc người chơi phải đi tìm và giải cứu một nhân vật được coi là “mắt xích” của của cuộc kháng chiến và người viết thú thật là… mình chẳng quan tâm và cũng chẳng thèm nhớ đến tên của hắn, còn ba nhân vật chủ chốt còn lại khiến người viết hiểu ra rằng Dambuster Studios không dám cho Ethan Brady giọng nói, bởi vì nếu có thì hẳn anh chàng sẽ thẳng thắn hét lên “IM MỒM HẾT ĐI LŨ NGU ĐỘN”, mỗi khi ba nhân vật này tham gia đối thoại.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Dambuster Studios
- Phát hành: Deep Silver
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 20/5/2016 (PC)
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7/8/10 all x64
- CPU: Intel Core i5-2500K (3.3 GHz) / AMD FX-8320 (3.5 GHz)
- RAM: 8192 MB
- VGA: GeForce GTX 760 (2048 MB) / Radeon HD 7870 (2048 MB)
- HDD: 38 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen 5 1600 3.7Ghz
- RAM: 16GB
- VGA: GTX 1070 8GB
- SSD: Crucial BX500 960GB
GAME ĐƯỢC VIETGAME ASIA HỖ TRỢ – CHƠI TRÊN HỆ PC