Skip to content

Homefront: The Revolution – Lá cờ tự do – Giới Thiệu Game

Homefront: The Revolution - Giới Thiệu Game
[dropcap style=”style1″]S[/dropcap]au khi THQ (nổi tiếng với các thương hiệu game như Darksiders, Saints Row, Titan Quest…) tuyên bố phá sản vào tháng 12/2012, tài sản của hãng game này mà giá trị bậc nhất trong đó là bản quyền sở hữu các thương hiệu game đã “tan đàn xẻ nghé” vào tay nhiều hãng game khác nhau qua những lần đấu giá, mua bán, đổi chác.

Trong số các thương hiệu game của THQ, Homefront – thương hiệu game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) lấy đề tài cuộc kháng chiến của người dân Mỹ kết hợp cùng quân đội chống lại sự chiếm đóng của quân đội KPA trên đất Mỹ – dù không nổi danh như Darksiders hay Saints Row nhưng cũng đã được mua lại. Và phiên bản tiếp theo của Homefront vốn đang được THQ thực hiện dang dở cũng đã được tiếp tục phát triển.

Thế nhưng tựa game này đã gặp không ít “sóng gió” trong quá trình sản xuất, đến mức đã có lúc, tưởng chừng như phiên bản kế nhiệm này cũng như bản thân dòng game Homefront sẽ bị “xếp xó”. Nhưng may mắn là khả năng xấu nhất đó đã không xảy ra và vào giữa tháng 5 này, cuối cùng thì Homefront sẽ trở lại và hứa hẹn “lợi hại hơn xưa” với Homefront: The Revolution.

Vậy, tựa game Homefront thứ hai này có những gì để hiện thực hóa mong muốn của Deep Silver về một sản phẩm xuất sắc nhất năm của làng game nói chung và của thể loại game bắn súng nói riêng, cũng như đập tan những sự nghi ngờ của người chơi đối với bản thân mình khi mà phiên bản tiềm nhiệm chỉ là một tựa game “thường thường bậc trung” với nhiều hạn chế?

LỊCH SỬ DÒNG GAME HOMEFRONT

Về “số phận” lận đận của Homefront cũng như Homefront: The Revolution: phiên bản Homefront đầu tiên ra mắt vào giữa tháng 03/2011 đã chỉ nhận được đánh giá ở mức “trung bình khá” của người chơi cũng như giới chuyên môn bởi nhiều khuyết điểm (sẽ được đề cập ở dưới). Tuy nhiên, thành công về mặt tài chính bên cạnh những đánh giá tích cực về chất lượng của game đã tạo động lực cho THQ theo đuổi thương hiệu game này và quyết định phát triển phiên bản thứ hai của Homefront.

Với việc Kaos Studios – nhà phát triển của Homefront – đã bị THQ đóng cửa vào tháng 06/2011 như một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của mình, trách nhiệm phát triển “Homefront 2” đã được chuyển giao cho chi nhánh Crytek tại Anh dù trước đó, THQ cho biết rằng studio của họ tại Montreal (Canada) sẽ đảm nhiệm việc này.

Vậy nhưng, như đã đề cập ở trên, vào tháng 12/2012, THQ đã phải tuyên bố phá sản và tài sản của họ, bao gồm bản quyền sở hữu các thương hiệu game, đã bị đem ra “bán tháo” tại các cuộc đấu giá. Trong khi Darksiders về tay Nordic Games, Saints Row tìm được “nhà” mới cho mình ở Deep Silver thì Homefront “may mắn” đã được chính Crytek mua lại và quá trình phát triển phiên bản tiếp theo của thương hiệu game này (được Crytek chọn tên chính thức là Homefront: The Revolution) tại chi nhánh Crytek ở Anh vẫn diễn ra bình thường với kế hoạch phát hành trong năm 2015. Vào tháng 06/2014 tại sự kiện E3, Crytek đã công bố kế hoạch đồng phát hành Homefront: The Revolution với Deep Silver.

Thế rồi cũng ngay trong tháng 06/2014, dự án Homefront: The Revolution đã bị đẩy đến bờ vực khi mà hàng loạt nhân sự phát triển game, bao gồm cả “đầu não” của dự án là Hasit Zala đã “dứt áo ra đi” do khó khăn tài chính đã khiến Crytek không thể chi trả lương thưởng cho họ đúng như đã hẹn. Vào thời điểm đó, rất nhiều người đã tin rằng Homefront: The Revolution sẽ gia nhập “danh sách buồn” của những tựa game “chết yểu” từ khi còn chưa ra mắt.

Nhưng vận may đã mỉm cười với Homefront: The Revolution khi chỉ hơn một tháng sau, vào cuối tháng 07/2014, Koch Media, công ty mẹ của Deep Silver, đã mua lại thương hiệu Homefront từ tay Crytek và nhiệm vụ phát triển game đã được giao lại cho Dambuster Studios – một studio mới thành lập dưới quyền của Deep Silver, quy tụ chính các nhân sự đã tham gia phát triển Homefront: The Revolution tại Crytek, bao gồm cả Hasit Zala ở vị trí lãnh đạo studio cũng như “cầm trịch” dự án game mà ông vốn là “chỉ huy”.

Quá trình phát triển không suôn sẻ với việc bị “sang tay đổi chủ” giữa chừng nghiễm nhiên đã khiến tiến độ của dự án Homefront: The Revolution không được đảm bảo như dự kiến ban đầu của Crytek. Thế nên không ngạc nhiên khi mà vào giữa tháng 3 năm ngoái, Deep Silver đã thông báo dời ngày phát hành của Homefront: The Revolution sang năm nay. Và chỉ vừa mới đây, thời điểm ra mắt chính thức của game mới được xác nhận là vào trung tuần tháng 5 này – hơn 5 năm sau khi tựa game Homefront đầu tiên đến với người chơi.

SỰ LỘT XÁC TOÀN DIỆN

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Đã năm năm từ khi Homefront ra mắt, đó thực là một khoảng thời gian rất dài đối với làng game nếu xét trên tốc độ phát triển từ đó đến nay của ngành công nghiệp này. Kĩ thuật làm game, tư duy làm game, thị hiếu chơi game,… tất cả đều đã rất khác. Và Dambuster Studios cũng như Homefront: The Revolution, tất nhiên, cũng không thể đứng ngoài sự thay đổi đó.

Tại sao game lại có cho mình cái tên Homefront: The Revolution mà không phải đơn giản là “Homefront 2”? Bởi theo lý giải của Dambuster Studios, so với game tiền nhiệm của mình thì tựa game Homefront thứ hai này khác biệt hoàn toàn về mọi phương diện, một sự lột xác đến “chân tơ kẽ tóc”.

Bối cảnh của game, thế giới của game, lối chơi của game… Homefront: The Revolution hầu như chẳng còn một chút liên hệ nào với game tiền nhiệm của mình ngoài cái tên và nội dung về cuộc kháng chiến chống ách đô hộ của người dân Mỹ.

tựa game Homefront thứ hai này khác biệt hoàn toàn về mọi phương diện, một sự lột xác đến “chân tơ kẽ tóc”
MỘT PHILADELPHIA KHÔNG IM TIẾNG SÚNG

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Bối cảnh của Homefront: The Revolution diễn ra sau các sự kiện của Homefront hai năm, thời điểm mà quân đội KPA đã chiếm đóng nước Mỹ được bốn năm. Sau thất bại trước quân đội Mỹ cùng lực lượng kháng chiến Resistance trong trận chiến ở cầu Cổng Vàng tại San Francisco (sự kiện cao trào và khép lại mạch truyện của Homefront), KPA đã mất đi quyền kiểm soát bờ Tây nước Mỹ (chưa tính Hawaii cũng như Alaska) và buộc phải rút quân về phía đông.

Với sức mạnh quân sự vẫn còn rất lớn, KPA vẫn thành công trong việc bình định phía đông nước Mỹ. Thời điểm này, đại bản doanh của KPA được đặt tại thành phố Philadelphia, và đây chính là nơi mà bạn sẽ cùng những người đồng đội trong lực lượng kháng chiến Resistance của mình chiến đấu để dành lại trong Homefront: The Revolution.

Bị cô lập và phải hoạt động gần như độc lập trong một thành phố bị KPA kiểm soát gắt gao với bàn tay sắt, dù cho được rất nhiều người dân ủng hộ, tiếp tế hết lòng bất chấp an nguy của bản thân họ, Resistance vẫn luôn ở trong tình trạng thất thế hoàn toàn về nhân lực, vũ khí, trang bị… so với kẻ địch của mình.

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Bối cảnh của Homefront: The Revolution diễn ra sau các sự kiện của Homefront hai năm, thời điểm mà quân đội KPA đã chiếm đóng nước Mỹ được bốn năm
Cơ may chiến thắng duy nhất của họ chính là chiến lược chiến tranh du kích cần và phải được áp dụng triệt để, sáng tạo, thông minh nhằm tiêu hao sinh lực của KPA trước khi có thể tính đến những trận đánh lớn, trực diện với kẻ thù của mình. Hầu như không ngày nào Philadelphia vắng đi tiếng súng của những cuộc đụng độ giữa KPA và Resistance.

Trong những cuộc chiến đó, chẳng phải khi nào Resistance cũng dành được thắng lợi nhưng họ không hề nản chí, luôn xem thất bại như những bài học xương máu để rút kinh nghiệm cho những trận đánh tiếp theo, tất cả vì mục tiêu giải phóng Philadelphia và những người dân đang ngày đêm bị KPA đàn áp.

Homefront: The Revolution sẽ có cho mình một tuyến nhân vật hoàn toàn mới so với phiên bản tiền nhiệm và cho đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy người chơi sẽ được gặp lại những nhân vật đã xuất hiện ở Homefront trong phần hai này. Dẫu vậy, cá nhân người viết vẫn mong chờ vào những cuộc hội ngộ thú vị.

MỘT THẾ GIỚI MỞ CỦA SỰ TỰ DO
Một vấn đề bị rất nhiều người chơi chê trách ở Homefront đó là việc game quá sức tuyến tính, tuyến tính đến mức khiến người chơi khó chịu như đang bị ai đó cầm tay điều khiển mình chơi theo đúng một kịch bản đã được định sẵn, không được sai dù chỉ một ly. Thế giới của game đúng nghĩa là một “thế giới đóng” khi người chơi bị tước đoạt sự tự do ở một mức độ khó chấp nhận.

Rút kinh nghiệm từ điều này cũng như để đáp ứng xu hướng hiện tại của làng game, Homefront: The Revolution sẽ là một tựa game thế giới mở, nơi bạn được “tự do” hành động theo ý mình trong một Philadelphia đang bị “giam cầm”.

Giống như đa phần các tựa game hành động thế giới mở khác, bên cạnh những nhiệm vụ chính, Homefront: The Revolution còn cho phép bạn tham gia vào nhiều hoạt động khác như các nhiệm vụ phụ, các sự kiện bên lề. Mọi hoạt động được thực hiện thành công đều sẽ mang lại cho bạn điểm kinh nghiệm, các kĩ năng mới cùng nhiều lợi ích khác, nhất là các vật phẩm cần thiết cho cuộc chiến đấu của bạn cũng như Resistance.

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Với việc tổ chức kháng chiến của bạn luôn ở trong tình trạng thiếu thốn, “khát” vũ khí, khí tài thì dù chỉ là vài viên đạn hay vài thiết bị điện tử nhỏ cũng điều rất quý giá, đừng bao giờ lơ là việc thu thập tài nguyên, vật phẩm trong Homefront: The Revolution.

Và trong mỗi nhiệm vụ, bạn sẽ được tự do lựa chọn cách tiếp cận của mình, đối đầu trực diện với kẻ địch hay hành động lén lút như một bóng ma, quyền quyết định nằm trong tay bạn. Tất nhiên, với việc bạn và Resistance bị KPA áp đảo về quân số, trang bị thì phương án thứ hai sẽ hợp lý hơn nhiều, đúng với tinh thần chiến tranh du kích.

Thời lượng phần chơi đơn của Homefront: The Revolution được Dambuster Studios ước tính rơi vào khoảng tầm 30 giờ chơi (chưa tính giá trị chơi lại, bởi mỗi nhiệm vụ có nhiều cách thực hiện như đã nói ở trên). Con số này lớn hơn nhiều so với phiên bản Homefront tiềm nhiệm, tựa game đã phải nhận nhiều lời phàn nàn vì phần chơi đơn có “chất” nhưng thiếu về “lượng” khi khá ngắn.

TÙY BIẾN NHÂN VẬT, VŨ KHÍ ĐA DẠNG
Vào thời điểm hiện tại, chơi một tựa game không cho phép bạn tùy biến nhân vật mà mình điều khiển hẳn sẽ khiến bạn ít nhiều cảm thấy khó chịu, thậm chí là “tức tối” nhỉ? Yên tâm, Homefront: The Revolution sẽ cho phép bạn tùy biến nhân vật rất chi tiết, không chỉ về ngoại hình mà còn về cả trang bị, vũ khí, kĩ năng, đảm bảo bạn có thể có được cho vật ưng ý. Bạn thích một “nam thần” cơ bắp hay một “đóa hồng có gai” nào?

Về phần nhân vật là vậy, còn về vũ khí thì Homefront: The Revolution cũng mang đến cho bạn khả năng tùy biến rất sâu. Thậm chí, bạn có thể thay đổi hẳn cơ chế hoạt động của những khẩu súng trong tay mình nếu muốn, chứ không chỉ đơn thuần lắp thêm cho chúng những phụ kiện như thiết bị ngắm quang học, những chiếc ống giảm thanh hay tay cầm giảm giật,…

Bên cạnh súng ống, kho vũ khí của bạn trong game còn rất nhiều món “đồ chơi” thú vị khác, đặc biệt là các thiết bị nổ với sức sát thương lớn, khả năng gây bất ngờ cao trong giao tranh.

Homefront: The Revolution sẽ cho phép bạn tùy biến nhân vật rất chi tiết, không chỉ về ngoại hình mà còn về cả trang bị, vũ khí, kĩ năng
PHẦN CHƠI MẠNG “TÀN KHỐC CỠ DARK SOULS”
Một trong những điểm sáng được đánh giá cao của phiên bản Homefront đầu tiên, như đã nói ở trên, chính là phần chơi mạng nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Vậy nhưng với Homefront: The Revolution, Dambuster Studios đã quyết định sẽ không kế thừa “tinh túy” này của phiên bản tiềm nhiệm mà thay vào đó, họ đã chọn xây dựng một phần chơi mạng hoàn toàn mới cho tựa game của mình, nơi người chơi sẽ hợp tác với nhau thay vì chĩa súng vào nhau như đã làm với Homefront.

Cụ thể, phần chơi mạng của Homefront: The Revolution sẽ chỉ có một chế độ chơi mang tên “Resistance”, nơi người chơi sẽ phối hợp với nhau trong các tổ đội bốn người để vượt qua các màn chơi đầy thử thách, nơi mà đối thủ của họ là lực lượng quân đội KPA hùng hậu do AI điều khiển.

Đọc đến đây, hẳn là nhiều bạn đọc sẽ thấy thất vọng nhỉ? Sau khi đã đối đầu “chán chê” với những kẻ địch do AI kiểm soát trong phần chơi đơn, hẳn là bạn sẽ muốn chiến đấu với những người chơi khác trong phần chơi mạng (chia phe Resistance – KPA để đấu súng với nhau chẳng hạn) hơn là lại phải đối mặt với những tên lính do máy tính làm chủ, đúng không?

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

người chơi sẽ phối hợp với nhau trong các tổ đội bốn người để vượt qua các màn chơi đầy thử thách
Vậy nhưng, hẳn là Dambuster Studios phải có cái lý của mình khi quyết định xây dựng một phần chơi mạng như vậy cho Homefront: The Revolution. Và cái lý của họ chính là lòng tin vào việc mình có thể mang lại một trải nghiệm hấp dẫn cho người chơi với những màn chơi gay cấn, khốc liệt, nơi mà người chơi chỉ có thể giành chiến thắng bằng kĩ năng chiến đấu xuất sắc bên cạnh khả năng phối hợp đồng đội nhịp nhàng, chuẩn xác.

Khi được hỏi về mức độ “khó nhằn” của những màn chơi mạng mà người chơi sẽ phải đối mặt trong Homefront: The Revolution, Dambuster Studios đã tự tin cho biết mức độ “tàn khốc” của chúng có thể so sánh với Dark Souls – dòng game nổi danh lý tưởng cho những ai thích… chết và chơi lại! Chà, bạn có cảm thấy “run” trước lời “đe dọa” này không?

Dambuster Studios đã cam đoan về việc sẽ cập nhật nhiều gói nội dung mở rộng miễn phí cho Homefront: The Revolution trong vòng ít nhất là một năm, kể từ ngày game ra mắt bên cạnh những gói nội dung trả phí. Trong những gói nội dung đó, sẽ không thiếu những màn chơi mới của phần chơi mạng “Resistance” để người chơi thử sức, mà cụ thể là khoảng 20 màn chơi để bổ sung cho 12 màn chơi sẵn có của game ở thời điểm ra mắt.

BƯỚC NHẢY VỌT VỀ ĐỒ HỌA

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Không như người tiền nhiệm được dựng nên bằng Unreal Engine 3 của mình, Homefront: The Revolution là một sản phẩm của CryENGINE 3 (game vốn do Crytek phát triển mà!). Và nghiễm nhiên, không đời nào mà Dambuster Studios lại bắt “đứa con” của mình phải “mặc” lại lớp “áo” cũ đã năm năm tuổi.

Qua những video đã được công bố, đồ họa của Homefront: The Revolution thật sự là một bước nhảy vọt so với Homefront về mọi phương diện (vào thời điểm ra mắt, chất lượng đồ họa của Homefront được đánh giá rất tốt). Một Philadelphia điêu tàn, ngột ngạt, được chắp vá bởi sự an toàn, phồn vinh giả tạo hiện lên trong mắt người chơi một cách chân thật qua từng tòa nhà đổ nát, từng ngõ phố bụi bặm, bẩn thỉu, những hình dáng, những gương mặt khắc khổ của người dân. Có đủ cơ sở để tin rằng, luận về phương diện đồ họa, Homefront: The Revolution sẽ nằm trong danh sách những tựa game xuất sắc nhất của năm nay!

đồ họa của Homefront: The Revolution thật sự là một bước nhảy vọt so với Homefront về mọi phương diện
KHI NÀO RA MẮT?

Homefront: The Revolution - Trải Nghiệm Game

Như đã đề cập ở trên, sau 5 năm phát triển đầy những “sóng gió” và cũng là 5 năm từ khi người tiền nhiệm – tựa game Homefront đầu tiên – ra mắt, Homefront: The Revolution sẽ chính thức trình làng vào giữa tháng 5 này. Chính xác là vào ngày 17/05, game sẽ “lên kệ” trên các hệ máy PC, PlayStation 4 và Xbox One.

Một quá trình “thai nghén” lâu dài đã tạo nên một Homefront: The Revolution “lột xác” hoàn toàn so với game tiền nhiệm của mình về mọi mặt, không chỉ nhằm bắt kịp với “nhịp thở thời đại” của làng game mà còn nhắm đến mục tiêu bứt phá, khẳng định mình ở thể loại game bắn súng nói riêng và trong toàn ngành game nói chung.

Dambuster Studios cũng như Deep Silver không hề giấu giếm tham vọng biến “đứa con tinh thần” của mình trở thành một tựa game xuất sắc nhất không chỉ trong năm nay, mà còn là vài năm tới. Liệu mục tiêu đáng nể đó có được Homefront: The Revolution hiện thực hóa? Hãy chờ xem![su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: html5″ icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”https://www.homefront-game.com/”][/su_icon_panel][su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: facebook-square” icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”https://www.facebook.com/homefrontgame”][/su_icon_panel][su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: twitter-square” icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”https://twitter.com/HomefrontGame”][/su_icon_panel][su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: steam-square” icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”http://store.steampowered.com/app/223100/”][/su_icon_panel]

Tác giả

Thảo luận