Kingdom Come: Deliverance – Mối lương duyên giữa video game và lịch sử nói chung có thể coi như là đường thẳng một chiều với đích đến khá là… trơ trọi, bởi vì dẫu cho kho tàng lịch sử của nhân loại có tiếp tục được gầy dựng theo thời gian và thu thập vô số tư liệu từ đời sống của con người xuyên suốt hàng thế kỷ, thì thứ duy nhất được “lãng mạn hóa” bởi ngành công nghiệp game lại là chiến tranh.
Không phải ngẫu nhiên mà dòng game Total War với tuổi đời chạm con số 18 gầy dựng được thành công như ngày hôm nay, đơn giản bởi vì cung cách mà những trò chơi này khắc họa “nghệ thuật tử chiến” đầy khắc nghiệt và bạo tàn trong lịch sử không thể được thực hiện bởi bất kỳ loại hình nghệ thuật hay phương tiện truyền thông nào khác.
Đó là lý do vì sao mà Kingdom Come: Deliverance đã tạo nên âm hưởng vang dội đến giới mộ điệu khi lần đầu tiên được công bố vào năm 2014 – một trò chơi nhập vai thế giới mở lấy bối cảnh xứ Bohemia thế kỷ 15 được chống lưng bởi “người thật, việc thật” với tham vọng truyền đạt những hình ảnh sống động nhất của đời sống con người vào thời Trung Cổ.
Một tiền đề thật quen thuộc được thực hiện bên dưới góc nhìn rất khác so với những gì mà chúng ta thường mong đợi ở video game, và những nỗ lực mà Warhorse Studios đã vun đắp cho tựa game đầu tay của họ hoàn toàn đáng khen ngợi, dẫu cho nó vẫn còn vấp phải những bấp bênh khó tránh khỏi.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
BẢN TUYÊN CÁO CỦA TRÁNG SỸ
Kể cả nếu như bạn sở hữu “zero” kiến thức về bản sắc của vùng đất Bohemia (ngày nay là 2/3 lãnh thổ của cộng hòa Séc), thì thật ra cũng không quá khó để tự “thu nạp” những mô-típ cơ bản nhất về xứ Trung Cổ và áp đặt một vài phần vào bối cảnh của Kingdom Come: Deliverance: chúng ta có những vị hiệp sỹ với lòng tự tôn cao cả và hành sự với một tôn chỉ duy nhất là danh dự; những chúa tể với hai bản sắc đối lập nhau – hoặc là uy nghiêm, quyền quý và nhân hậu, hoặc là lươn lẹo, mờ ám.
Thêm chút “gia vị” trắng đen không rõ ràng, và chúng ta có thêm những kẻ chực chờ “đâm sau lưng” bạn (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), hay chỉ đơn giản là quyền lực bảo hộ cái ác khỏi cái mà chúng ta coi là “công lý”.
Câu chuyện của Kingdom Come: Deliverance xoay quanh Henry – con trai của một thợ rèn có tiếng tại ngôi làng Skalitz, có thể không thực sự khắc nghiệt và tàn bạo như đa số người mong đợi, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thành công trong việc khắc họa bức tranh đầy chân thực của Trung Cổ thế kỷ 15.
Thời khắc mà cuộc nội chiến bùng nổ khiến đất nước bị giày xéo bằng bạo lực sau khi hoàng đế Wenceslaus Đệ Tứ bị giam cầm bởi chính anh trai mình, cũng là lúc mà các lãnh chúa kết bè kéo cánh và bận rộn với những mưu đồ của riêng mình.
Những anh hùng hào kiệt đơn giản là không tồn tại trong mốc thời gian này, và bạn – Henry, đơn giản chỉ là một quân tốt vô tình được chọn để đặt vào một phe trên bàn cờ mà thôi.
[su_quote]Những anh hùng hào kiệt đơn giản là không tồn tại trong mốc thời gian này, và bạn – Henry, đơn giản chỉ là một quân tốt vô tình được chọn để đặt vào một phe trên bàn cờ mà thôi[/su_quote]Để cho dễ hình dung thì bạn có thể tách bạch nội dung của Kingdom Come: Deliverance ra thành hai phần: mạch truyện chính đậm chất “The Name of The Rose” dõi theo Henry trong cuộc hành trình đoạt lại thanh kiếm cuối cùng từ người cha đã khuất, gián tiếp đưa người chơi vào cuộc đua chính trị giữa những bá tước tại Bohemia đối đầu với lực lượng lính đánh thuê Cuman của kẻ lật đổ ngai vàng: Sigismund.
Phần còn lại của trò chơi là tập hợp những mẩu chuyện ngắn, đôi khi nối kết hoặc… chẳng liên quan tới mạch truyện chính, nhưng được thực hiện để cho người chơi cái nhìn rõ nhất về xứ sở Bohemia, về tập quán, những quy luật, giáo lý, tín ngưỡng, chênh lệch về địa vị và quyền uy, và có lẽ là cả sự đồng cảm giữa con người đối với con người.
Kingdom Come: Deliverance không phải là trò chơi nhập vai đầu tiên vận dụng cấu trúc như một cuốn truyện ngắn theo phong cách “The Canterbury Tales”, nhưng bối cảnh của nó đóng góp một phần không nhỏ tạo nên tác động của những mẩu chuyện này.
Tất cả những yếu tố trên được thực hiện một cách rành mạch nhất nhờ vào lối dẫn chuyện đầy sắc bén và diễn xuất đầy tự nhiên của dàn nhân vật trong Kingdom Come: Deliverance, và đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự tồn tại của giọng điệu hài hước thấm nhuần trong kịch bản của trò chơi.
Chúng ta đang nói đến một tựa game khởi đầu bằng cảnh tượng lính Cuman tàn sát dân thường dã man và buộc người chơi chôn cất người thân của mình dưới con mưa lạnh lẽo, thế nhưng 30 giờ sau và người chơi đứng trên bục thuyết giáo bên trong một nhà thờ nhỏ, chỉ trích Công Giáo bằng cách trích dẫn triết gia Jan Hus sau khi tỉnh dậy khỏi trạng thái say xỉn tột độ.
Chất giọng hài hước của Kingdom Come: Deliverance được phân bổ đồng đều xuyên suốt trò chơi, biết điểm dừng và được phụ trợ bằng hội thoại đầy sắc bén.
Nó không ủy mị một cách sướt mướt, nó chẳng sến súa một cách cưỡng ép, nó không tự cao hoặc thể hiện sự sâu sắc của mình, chỉ cần một liều thuốc của tiếng cười đầy tự nhiên là quá đủ để làm sáng lên màu xám của yếu tố chính trị lịch sử đầy khô khan và khó nuốt.
Nếu như cốt truyện là phương tiện đưa người chơi tới đích, thì thế giới trong Kingdom Come: Deliverance trám đầy những ngoạn cảnh mà người chơi thưởng lãm trong suốt chiều dài của trò chơi.
Những ngôi làng nhỏ nhưng đầy sức sống được dẫn lối bằng các cung đường bẩn thỉu từ màu nâu của đất bùn, những khu rừng bận rộn bên trong màu xanh mộng mơ của hàng nghìn tán lá chắp nối nhau, thấu xuyên bởi ban mai của ánh nắng và mảng xám của cơn mưa hung tợn, nơi mà lũ thỏ và lợn rừng cợt nhả trước hàng tá mũi tên phóng về phía chúng một cách vụng về.
Bohemia trong Kingdom Come: Deliverance có thể không rộng lớn đến mức ná thở, cũng không chứa chấp quá nhiều bí mật dành cho những nhà phiêu lưu bạo gan muốn thỏa mãn bản năng tìm tòi của mình, thế nhưng nếu bảo rằng nó không đẹp đẽ và đầy mê hoặc một cách diệu kỳ thì đó sẽ là một lời dối trá nặng nề.
Không những vậy, thế giới trong Kingdom Come: Deliverance không chỉ được tạo tác để phục vụ phần nhìn, mà nó còn hoạt động theo quy luật của chính nó và buộc người chơi phải tuân theo (hoặc vận dụng để phục vụ cho mục đích của mình).
Không có ai rảnh rỗi mà lại đi sửa đôi giày của bạn vào nửa đêm, nhưng nó cũng là thời điểm “vàng” dành cho những ai muốn trổ tài thích khách.
NPC sở hữu chu kỳ hoạt động của riêng mình, thức dậy vào thời điểm nhất định, trú mưa, giao tiếp, nấu ăn, trò chuyện một cách đầy tự nhiên và sinh động, và thay đổi cách phản ứng tùy vào trang phục mà Henry mặc trên người.
Một NPC sống ở nơi xó xỉnh nào đó trong khu rừng có thể sẽ cất công tới quán rượu tại Rattay, một số khác đôi khi sẽ dành thời gian săn bắn (cả trái phép lẫn hợp pháp) trong rừng.
Có thể những hành vi này còn dễ đoán và đôi khi còn khá cục mịch, nhưng đây là phẩm chất mà có lẽ khiến Bethesda Game Studios phải “thèm khát”.
BẢN HÙNG CA LÃNG DU XỨ BOHEMIA
Cụm từ “vô danh tiểu tốt” có lẽ chỉ đúng với Henry trong giai đoạn đầu của trò chơi, khi mà người chơi vẫn còn đang vật lộn với hàng tá cơ chế khác nhau và được nâng cấp qua thời gian thông qua 17 chỉ số liên quan tới gần như mọi mặt, từ sinh hoạt cá nhân và chiến đấu cho tới các kỹ năng thiết yếu như đọc hiểu, pha chế thuốc, săn bắn (hay thậm chí là ảnh hưởng từ… rượu bia mà người chơi nốc vào).
Hệ thống kỹ năng của Kingdom Come: Deliverance gần tương tự với các phiên bản The Elder Scrolls gần đây, khi mỗi hoạt động sẽ gia tăng chỉ số tương ứng mà lên cấp cho chỉ số sẽ mở khóa những bổ trợ phụ, thế nên việc xây dựng một Henry-of-All-Trades là hoàn toàn khả thi.
Trò chơi không hề thiếu những cơ hội cho phép người chơi trở thành một chàng quý tộc cao nhã luôn dùng lời lẽ để thuyết phục người khác, hay một tay đểu cáng xăm xăm đe dọa bất cứ ai với bộ giáp bẩn thỉu dính đầy máu của mình.
Những chỉ số không phải là nhân tố khiến cho Kingdom Come: Deliverance trở nên phức tạp, cái mà người chơi nên để tâm là sự tương giao giữa rất nhiều mặt và hành vi bắt nguồn từ vô số các cơ chế khác nhau.
Trang phục hoặc giáp trụ nếu dính bẩn thì có thể được rửa sạch một phần tại vô số máng nước được đặt rải rác ở bất kỳ nơi nào có người dân, thợ may và thợ rèn giáp luôn sẵn sàng trợ giúp để giữ vẻ ngoài “sáng chói” của bạn – bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi chỉ số liên quan đến giao tiếp đối với bất kỳ tầng lớp NPC nào.
Thức ăn không bao giờ thiếu khi người chơi được quyền vô tư “vét” những nồi thức ăn nấu sẵn dài ngày, đồ ăn thông thường được cung cấp thừa mứa từ thương nhân hoặc săn bắn và có thể được kéo dài “hạn sử dụng” bằng tinh dược Preserver.
Năng lượng của Henry sẽ dần bị hao mòn và chỉ có thể được hồi lại nếu người chơi đánh một giấc, ngủ nghỉ và dịch chuyển trên bản đồ cần tiêu tốn thời gian, có thể gây nên sự “sai lệch” thời gian biểu hoặc tệ hại hơn là kha khá các nhiệm vụ phụ sẽ thất bại nếu người chơi phí quá nhiều thời gian vô ích…
Về khía cạnh mang tính… ít nhỏ nhặt hơn chút, trò chơi sở hữu cơ chế chồng giáp/trang phục, nôm na là bạn có thể đặt nhiều lớp giáp bảo hộ để tăng chỉ số phòng thủ cho Henry.
Những lớp giáp sẽ giảm thiểu khả năng Henry bị tổn thương trong chiến đấu hơn, nhưng sẽ khiến Henry ra đòn chậm hơn đôi chút, cũng như gây nên tiếng động ồn ào, không thích hợp khi lén lút hành sự vào ban đêm.
Những chiếc mũ có lớp giáp che mặt sẽ khiến Henry ít bị choáng nếu bị đánh vào đầu hơn, nhưng đồng thời nó sẽ giới hạn tầm nhìn người chơi trong chiến đấu.
[su_quote]cái mà người chơi nên để tâm là sự tương giao giữa rất nhiều mặt và hành vi bắt nguồn từ vô số các cơ chế khác nhau[/su_quote]Tất cả những cơ chế này nghe qua thì có vẻ như chúng tồn tại chỉ để làm vướng chân người chơi, nhưng thực chất không tốn quá nhiều thời gian để làm quen và tuân theo những quy luật của nó.
Kingdom Come: Deliverance cố gắng làm mọi cách để người chơi không chỉ “dạo chơi” một cách thoải mái trong Bohemia, mà buộc phải “sống” và hoạt động có chừng mực bên trong những chuỗi hoạt động diễn ra cả trong lẫn ngoài thế giới quan của người chơi.
Thậm chí người viết cho rằng về độ thực tế thì Kingdom Come: Deliverance vẫn còn nhiều thiếu sót: thời tiết, đặc biệt là mưa, không ảnh hưởng đến mặt đất hoặc cản trở tầm nhìn lẫn khả năng di chuyển của người chơi; không có cơ chế nấu ăn và rèn vũ khí (một sự thiếu hụt đầy kỳ quặc khi nhân vật chính của chúng ta là… con trai của một thợ rèn), dẫn đến sự vắng bóng của hệ thống chế đồ ít nhất là ở mức căn bản; thức ăn hoạt động theo kiểu “nạp là đủ” dẫn đến hiện tượng người viết có thể sống một tuần lễ chỉ bằng… rượu, và còn nhiều hơn nữa.
Thế nhưng với vô số những sự sắp đặt đầy phức tạp và sống động trong Kingdom Come: Deliverance, thì thật sự khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở Warhorse Studios được nữa.
Một trong những cơ chế mà người viết ưa thích nhất trong Kingdom Come: Deliverance là chế thuốc (Alchemy), vốn không thể được thực hiện ngay mà chỉ có thể được “mở khóa” gián tiếp khi Henry biết… đọc chữ.
Alchemy trong trò chơi không chỉ đơn thuần là một trình đơn để người chơi kéo thả nguyên liệu vào, mà nó trực tiếp đặt người chơi vào bàn chế tác với những công cụ cho phép tạo ra tinh dược dựa trên công thức từ “bí kíp thảo mộc” (Herbarium).
Những loại thảo dược sở hữu số lượng vừa đủ và dễ tìm kiếm, mấu chốt của hệ thống chế thuốc nằm ở những công đoạn buộc phải thực hiện theo trình tự nhất định, khiến cho người viết không thể không thốt lên “AHA!” mỗi khi một loại tinh dược mới được chế tác.
Nó không phải là một cơ chế siêu phức tạp, nhưng chắc chắn một điều rằng nó mang lại cảm giác tự nhiên và hứng khỏi hơn trình đơn nhàm chán và đơn điệu mà chúng ta đã chứng kiến trong vô vàn những tựa game thế giới mở trước đây.
Chiến đấu trong Kingdom Come: Deliverance cũng mang tinh thần đặt mức độ thực tế vừa phải làm tiền đề của mình.
Kết quả là chúng ta được thưởng thức một hệ thống khá tương đồng với For Honor, với 5 hướng tấn công cho phép “xả” những đòn liên hoàn nối nhau và chỉ được giới hạn bằng thanh thể lực.
Bắn cung cũng đầy thử thách tương tự khi trò chơi xóa bỏ hồng tâm và “điểm xuyết” bằng động tác kéo cung run bầm bập, khiến cho mọi phát bắn dường như là một thử thách tung đồng xu đúng nghĩa.
Tuy có thể mang cảm giác thô kệch vào ban đầu, chiến đấu trong Kingdom Come: Deliverance không thiếu sự hồi hộp thường thấy trong những tựa game giác đấu bởi sự rủi ro tiềm tàng trong mỗi cuộc giao chiến, và cảm giác làm chủ được vũ khí bằng kinh nghiệm khiến cho chiến đấu từ “quơ đại thí một thanh sắt” chuyển tiếp sang “nhảy múa cùng những đường kiếm” đúng nghĩa.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
BẤP BÊNH
Những khuyết điểm mà Kingdom Come: Deliverance mắc phải, có lẽ là kết quả của một dự án sở hữu quy mô quá tầm với của đội ngũ phát triển lần đầu thực hiện một tựa game nhập vai thế giới mở, và điều này càng trở nên dễ nhận thấy hơn khi cái kết của trò chơi đến gần.
Cơ chế chiến đấu của Kingdom Come: Deliverance mang lại ấn tượng tốt vào ban đầu, thế nhưng do cân bằng sát thương kém cũng như động tác phản đòn Master Strike quá hữu dụng và dễ thực hiện, khiến cho đấu kiếm trở nên quá dễ dãi ở giai đoạn cuối game khi Henry có khả năng “chọt” chết thảo khấu chỉ bằng một cú nhấn chuột phải duy nhất.
Người viết cũng khá là quan ngại với quyết định gán chức năng đỡ đòn bằng một nút bấm duy nhất, thay vì để người chơi điều chỉnh hướng đỡ như trong For Honor – một quyết định khá là phi logic và có phần giản lược chiều sâu không đáng có.
[su_quote]Những khuyết điểm mà Kingdom Come: Deliverance mắc phải, có lẽ là kết quả của một dự án sở hữu quy mô quá tầm với của đội ngũ phát triển lần đầu thực hiện một tựa game nhập vai thế giới mở[/su_quote]Giai đoạn cuối của trò chơi cũng sở hữu khá nhiều nhiệm vụ chính với chất lượng khá là “khiêm tốn” so với những gì mà trò chơi thể hiện trước đó, đặc biệt mạch truyện đưa Henry cùng các vị lãnh chúa đồng minh chiếm lại thành trì Talmberg bao gồm vô số các nhiệm vụ dường như được thiết kế để làm phí phạm thời gian của người chơi: nhiệm vụ Night Raid hoàn toàn vô thường, vô phạt; Siege sở hữu tận 4, 5 chỉ định phụ và không gây nên hậu quả gì nếu người chơi bỏ qua; công đoạn oanh tạc bằng máy bắn đá vì một lý do nào đó mà lại buộc người chơi phải chờ hai ngày mới có thể tiếp diễn.
Một nhiệm vụ chính đưa người chơi thám tính một tu viện tại Sasau với tiền đề khá thú vị: tìm kiếm kẻ liên quan đến một vụ thảm sát đang trà trộn bên trong tu viện, trong lúc tuân theo những luật lệ, công việc và thời gian biểu đề ra dành cho “chú tiểu”.
Nhiệm vụ này đáng lý ra đã có thể trở thành một điểm sáng của Kingdom Come: Deliverance, nhưng bởi cái sự phí phạm thời gian của người chơi quá thể cùng với gã quản giáo có “mắt đại bàng” luôn tìm ra Henry ở thời điểm và khu vực phi lý nhất, khiến người viết chán nản đến nỗi thà tự làm mình bị đuổi cổ và tìm cách “tỉa” mục tiêu bằng cung tên còn hơn là phải chật vật với những luật lệ ngu xuẩn đó.
Vấn đề nan giải nhất của Kingdom Come: Deliverance là vô số vấn đề kỹ thuật bám lấy toàn bộ trò chơi không khác gì bệnh dịch.
Từ những vấn đề như những bậc thang khó chịu khiến người chơi di chuyển một cách khó khăn, hình tròn vàng dùng để xác định điểm cạy khóa biến mất, biểu tượng chỉ điểm vị trí nhiệm vụ bị “ném” vào một góc màn hình do kịch bản của nhiệm vụ khác được ưu tiên khiến cho trò chơi dịch chuyển mọi NPC ra khỏi bản đồ nhưng không thông báo, lỗi hành vi khiến cho NPC không thực hiện hành động mà trò chơi chỉ định làm một vài nhiệm vụ kẹt cứng cho tới khi người chơi nạp lại điểm lưu trước đó.
Những vấn đề này khiến cho cơ chế lưu game hơi… khác thường (chỉ lưu sau khi ngủ, trong một số giai đoạn nhất định của nhiệm vụ hoặc sau khi uống một loại chất cồn tên là “Saviour Schnapps”) của Kingdom Come: Deliverance trở thành một rào cản khó nuốt, nhất là khi nó còn tồn tại quá nhiều vấn đề có thể xảy ra ngoài dự đoán và gây thiệt hại khó lường cho người chơi.
“Cục mịch” không chỉ được dùng để diễn tả chiến đấu trong Kingdom Come: Deliverance, mà còn cả hành vi của NPC.
Dẫu cho được sắp đặt khá chi tiết như đã nói ở trên, dường như trí thông minh nhân tạo không được thiết lập ổn thỏa để phản ứng lại hành vi của người chơi trong môi trường sở hữu nhiều NPC.
Kết quả là người chơi có thể hạ sát chúng sinh tại Rattay với rất ít kháng cự, dân thường đôi khi đứng trơ ra như con rối, lính tráng giương vũ khí và tấn công… theo tuần tự.
Người viết không rõ điều này được gây ra do khả năng xử lý nhiều tác vụ AI cùng lúc của CryEngine 5 yếu kém, hay đơn thuần chỉ là do Warhorse Studios không có đủ thời gian và kinh phí để “mài dũa” AI hơn, nhưng dẫu cho nhìn về phía nào đi chăng nữa thì nó cũng gây nên sự thiếu nhất quán kỳ quặc của hệ thống AI trong Kingdom Come: Deliverance.
Và cuối cùng là cái kết của trò chơi.
Người viết có cảm tưởng rằng các nhà làm game nhập vai phương Tây gần đây sở hữu một điểm chung quá dễ nhận ra, đó là họ dường như chẳng tìm ra nổi cung cách kết thúc trò chơi của mình mà không gắn cho nó một cái “cliffhanger” bự chảng hoặc mồi kéo cho hậu bản/bản mở rộng/DLC hay cái quái quỷ gì đó sẽ ra mắt trong tương lai gần.
Kingdom Come: Deliverance kết thúc ở con số 72 giờ chơi, và ấn tượng cuối cùng của người viết là một cú nhấc lông mày quen thuộc, bởi vì mong đợi rằng game nhập vai ngày nay kết thúc một cách thỏa đáng có lẽ là một yêu cầu quá sức xa xỉ…
THÔNG TIN
- Sản xuất: Warhorse Studios
- Phát hành: Warhorse Studios
- Thể loại: Nhập vai, Hành động
- Ngày ra mắt: 13/02/2017
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: 64-bit Windows 7/ 64-bit Windows 8 (8.1)/Windows 10
- CPU: Intel CPU Core i5-2500K 3.3GHz, AMD CPU Phenom II X4 940
- RAM: 8 GB
- VGA: Nvidia GPU GeForce GTX 660, AMD GPU Radeon HD 7870
- HDD: 40 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: AMD Ryzen 5 1600 3.2Ghz
- RAM: 16GB
- VGA: ASUS ROG STRIX RX 570 4GB
- SSD: 960GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI WARHORSE STUDIOS
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- STALKER 2: Heart of Chornobyl công bố kế hoạch ra mắt bản cập nhật! – Tin Game
- Kadokawa, công ty mẹ của FromSoftware, xác nhận Sony có ý định mua lại tập đoàn! – Tin Game
- Hãng phát triển Unknown 9: Awakening cắt giảm 18% nguồn nhân lực! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard và Silent Hill 2 Remake “ế ẩm” tại Châu Âu – Tin Game
- Tổng hợp đánh giá STALKER 2: Heart of Chornobyl: Bất đồng ý kiến! – Tin Game
- Square Enix công bố Final Fantasy XIV Mobile – Tin Game