King’s Bounty: Dark Side – Là một thương hiệu game lâu đời, từ những ngày đầu King’s Bounty (1990) không chỉ gầy dựng được tên tuổi của mình bằng lối chơi nhập vai theo lượt lôi cuốn, mà sau còn tạo “nền móng” cho loạt game Heroes of Might and Magic (chiến thuật theo lượt, sắp tới đây sẽ tung ra phiên bản thứ 7) trứ danh.
Cũng chính vì sự ra mắt và quá sức thành công của loạt game Heroes of Might and Magic mà người ta đã vội quên ngay King’s Bounty, mãi cho đến khi thương hiệu được 1C Company, một trong những hãng phát hành kiêm phát triển phần mềm lớn nhất của Nga, mua lại, King’s Bounty mới thực sự phát triển thành dòng game và “hồi sinh”.
Ở lần đầu ra mắt sau gần hai thập niên bị lãng quên, King’s Bounty: The Legend (2008) đã gặt hái vô số thành công không ngờ.
Nhưng cũng chính vì quá “bảo toàn” cho công thức thành công, sau 4 phiên bản lặp đi lặp lại về nhiều yếu tố, những tưởng dòng game trứ danh này đã đi vào lối mòn – khi mà thậm chí những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất cũng dần “tắt lửa lòng”.
Nhận thấy được nguy cơ đó, Katauri Games đã có những chuyển biến đáng khen khi mang đến cho chúng ta một phiên bản mới toanh, ra mắt gần đây: King’s Bounty: Dark Side.
Hãy cùng Vietgame.asia đánh giá những điều cách tân, thú vị trong King’s Bounty: Dark Side bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện có đầu tư
Trái với “thông lệ” xưa nay, đó là tùy tiện dựng nên một cuộc chiến rồi cho người chơi làm “anh hùng cứu thế”, King’s Bouty: Dark Side đã chọn một hướng phát triển khác.
Lần đầu tiên trong lịch sử dòng King’s Bounty, người chơi có thể trải nghiệm đến ba tuyến truyện khác nhau, tùy theo lớp nhân vật mà họ chọn.
Với chiến tướng Bagyr của tộc Orc đại diện cho lớp Chiến Binh, nữ quỷ Neoline – công chúa loài quỷ Demoness đại diện cho lớp Hiệp Sĩ, và hoàng tử Daert của tộc ma cà rồng đại diện lớp Pháp Sư – có thể nói rằng đúng như tên gọi, cốt truyện của King’s Bouty: Dark Side sẽ đưa người chơi vào góc nhìn từ phía các nhân vật phe… hắc đạo.
Tuy có cùng bối cảnh như nhau, đó là bị… diệt tộc bởi các phe phái chính nghĩa, nhưng động cơ chiến đấu của các nhân vật trong King’s Bounty: Dark Side lại không như nhau.
Dù chọn xuất phát điểm nào, thì người chơi vẫn sẽ phải đối mặt với một khởi đầu gian khó, nhìn đâu cũng thấy… quân thù
Bagyr mang gánh nặng phải phục quốc, lãnh đạo tộc Orc giành lại vinh quang ngày xưa nay đã bị liên quân Elf chà đạp.
Neoline lại chỉ mong thoát khỏi trận vây công của liên minh Hiệp sĩ Ánh Sáng, vì số phận loài Demoness xem như đã “tạch”.
Còn chàng Daert điển trai lại muốn liên kết sức mạnh của các giống loài sinh vật hắc ám, cùng chung sức đối đầu với bọn Thợ săn quỷ hùng mạnh.
Dù chọn xuất phát điểm nào, thì người chơi King’s Bounty: Dark Side vẫn sẽ phải đối mặt với một khởi đầu gian khó, nhìn đâu cũng thấy… quân thù.
Đây có thể xem là một cải tiến đáng khen của Katauri Games, khi sử dụng thủ pháp này để khiến người chơi chú tâm nhiều hơn đến các đoạn thoại để hiểu cốt truyện – mà trước đây vốn thường bị… tua qua nhanh vì quá chán!
Hình – âm trau chuốt
Từ phiên bản đầu tiên, King’s Bounty: The Legend, đến nay, dòng game này vẫn dùng lại một nền tảng đồ họa.
Tuy người viết không thật sự tán đồng với kiểu làm “biếng nhác” này, nhưng vẫn phải thừa nhận dòng King’s Bounty sở hữu một nền tảng đồ họa rất tốt.
Với King’s Bounty: Dark Side, có vẻ như Katauri Games đã đột phá lên một tầm cao mới, khi chỉ sử dụng lại những công cụ vốn có trong tay để tạo nên một thế giới hắc ám hoàn mỹ.
Không cần phải là một chuyên gia mới có thể nhận ra những nét đổi mới trong đồ họa của King’s Bounty: Dark Side.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất, chính là môi trường trong game.
Từ những thảo nguyên xanh rì, non xanh nước biếc hữu tình quen thuộc trong các phiên bản trước – giờ đây người chơi sẽ có thể trải nghiệm một chiến trường khốc liệt chất đầy xác Orc, một ma giới ngùn ngụt đỏ lửa dung nham mà chỉ nhìn đã thấy nóng.. chảy mồ hôi, một cõi chết u linh với những bóng ma lẩn khuất sau góc tối…
Katauri Games đã rất thành công khi tái tạo được bầu không khí của những thế giới khác nhau, nhằm mang đến cho người chơi một cái nhìn khác hẳn về thế giới quan, đặc biệt là khi xét vấn đề từ phía những kẻ xưa nay vẫn bị xem là “tà đạo”.
Các loại binh chủng trong King’s Bounty: Dark Side cũng được đầu tư khá phong phú và tỉ mỉ.
Không hiểu do đâu, nhưng giờ đây khi quan sát những đơn vị mới như Cerberus, Vampire Lord, Goblin… thì thấy rõ ràng chúng có khí chất và thần thái hơn hẳn khi đặt cạnh những đơn vị cũ.
Katauri Games đã rất thành công khi tái tạo được bầu không khí của những thế giới khác nhau, nhằm mang đến cho người chơi một cái nhìn khác hẳn
Có thể là Katauri Games đã sử dụng nhiều thủ pháp mới trong khâu thiết kế tạo hình cũng nên.
Âm nhạc trong King’s Bounty: Dark Side cũng là một điểm cộng sáng giá, khi ngoài những trường đoạn anh hùng ca quen thuộc, giờ đây người chơi còn có thể thưởng thức những khúc cầu hồn ai oán thê lương trên chiến trường, những đoạn nhạc “trợ tim” vừa kích thích, vừa hồi hộp khi rảo bước trong ma giới, những giai điệu réo rắt du dương khi vừa từ lòng đất bước ra cõi trời xanh mây trắng…
BẠN SẼ GHÉT
Vẫn còn lắm “sạn”!
Là một phiên bản cải tiến đáng khen, thế như King’s Bounty: Dark Side vẫn mắc phải khá nhiều lỗi lặt vặt.
May mắn thay bản thân các lỗi này cũng không thật sự quá nghiêm trọng để làm tổn hại đến “chân giá trị” của sản phẩm.
Đa phần, các lỗi mắc phải của King’s Bounty: Dark Side vẫn chính là những khuyết điểm còn tồn đọng từ khi dòng game King’s Bounty xuất hiện vào những ngày đầu tiên.
Trước hết phải đề cập đến cơ chế hướng dẫn game tồi.
Với một game có số lượng binh lính, kỹ năng và các yếu tố khác nhiều như thế này, Katauri Games thật biết cách làm… khó game thủ khi không hề có một bài hướng dẫn nào cả.
Người chơi cứ thế bị ném thẳng vào vòng xoáy phân tranh của ba phe thần – người – ma và phải tự xoay sở.
Đặc biệt với phần King’s Bounty: Dark Side này, mỗi phe đều có những cơ chế đặc tính mới, chẳng hạn như Adrenaline (Orc), Necro Energy (Vampire) và Frenzy (Demoness) – thế nhưng ngoài việc phải tự mò mẫm ra, người chơi không có một phương pháp nào khác để tìm hiểu cả.
Kế đến, chính là độ khó mang tính thử thách hơi “quá lửa”.
Nếu người chơi là “tay tổ gạo cội” của dòng game chiến thuật theo lượt, hoặc đã gắn bó với King’s Bounty từ những ngày đầu, thì không nói làm chi.
Thế nhưng với người mới tiếp xúc, độ khó của King’s Bounty: Dark Side bỗng tăng đột biến từ sau chương 2, khiến mỗi bước tiến lên của người chơi sẽ rất chật vật.
Thắng đã khó, muốn thắng với thương vong thấp lại càng khó “dàn trời” hơn!
Cuối cùng, đó là tuy phân chia thành ba lớp nhân vật, nhưng cả ba đều chia sẻ chung một bảng kỹ năng phân ra ba nhánh Sức mạnh, Lãnh đạo, Phép thuật.
Có khác chăng đó là mỗi lớp đều bị “gợi ý” để phát triển theo bảng thuần túy cho riêng mình.
Như vậy thì tính tùy biến trong King’s Bounty: Dark Side có gì là đa dạng đâu?
thắng đã khó, muốn thắng với thương vong thấp lại càng khó “dàn trời” hơn!
THÔNG TIN
- Sản xuất: 1C-Softclub
- Phát hành: 1C Company
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 14/08/2013
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows XP SP3 | Vista | 7 | 8
- CPU: 2.6GHz trở lên
- RAM: 1GB
- VGA: 128MB GeForce 6600
- HDD: 8GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA : Gigabyte Rx 560 OC 2GB
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 1C COMPANY – CHƠI TRÊN HỆ PC