Temple of Osiris – Khi Lara Croft and the Guardian of Light ra mắt, tựa game đã được đánh giá cao nhờ vào việc sở hữu lối chơi phối hợp hai người (co-op) và vẫn giữ được phong cách khám phá mạo hiểm, đan xen giải đố hóc búa.
Đây cũng là trò chơi đầu tiên không mang thương hiệu Tomb Raider mà tạo nhánh rẽ mang tên “Lara Croft”, nhân vật chính của dòng game Tomb Raider trứ danh!
Tiếp đà thắng lợi, Crystal Dynamics tiếp tục tung ra phần tiếp theo của nhánh rẽ “Lara Croft”, mang tên: Lara Croft and the Temple of Osiris, cùng việc tăng số người chơi lên tối đa bốn người.
Nhưng ngoài điều đó, liệu tựa game này có xứng đáng để fan của Tomb Raider trải nghiệm?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau!
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi thú vị!
Về cơ bản, lối chơi trong Lara Croft and the Temple of Osiris cũng tương đồng với Lara Croft and the Guardian of Light, tức là một tựa game hành động có góc nhìn từ trên xuống (isometric view), nhưng giờ đây tốc độ của nó được đẩy lên nhanh hơn.
Nói một các đơn giản, cảm giác khi chơi game sẽ tương tự như khi người chơi đang khám phá Diablo III, với khung cảnh đầy rẫy các hầm mộ và cạm bẫy.
Tất nhiên, Lara Croft and the Temple of Osiris không phải là một game nhập vai hành động như kiểu Diablo 3.
Người chơi sẽ điều khiển nàng Lara Croft xinh đẹp nhưng mạnh mẽ, phiêu lưu một mình (hoặc cùng ba người chơi khác) trong một khu vực rộng lớn.
Để đem lại cảm giác hoàn niệm cho các fan của những bản Tomb Raider cổ điển, nhà phát triển đã đặt rất nhiều hầm ngục tại đây, cùng với vô số các cạm bẫy và những con trùm được thiết kế dữ dội để thử thách người chơi.
Người chơi sẽ nhập vai nàng Lara Croft xinh đẹp nhưng mạnh mẽ, phiêu lưu một mình hoặc cùng 3 người chơi khác trong một khu vực rộng lớn
Trang bị của người chơi cũng khá đa dạng, khi Lara có thể mang ba loại vũ khí khác nhau, cùng các vật phẩm tăng chỉ số nhất định. Tất nhiên phần này không được làm chi tiết, nhưng nhờ đó lại làm cho một tính năng khác “tỏa sáng”.
Rải rác ở khu vực chính, hoặc các điểm kết thúc của hầm mộ sẽ là các rương báu. Để mở các rương này, người chơi sẽ phải thu thập các viên ngọc (Gem) kiếm được trong cuộc phiêu lưu.
Tùy vào số ngọc yêu cầu, mà rương sẽ cho ra vật phẩm có giá trị khác nhau. Chính điều này góp phần khiến người chơi luôn phải lục tung mọi ngõ ngách, vừa thỏa mãn tính hay khám phá, vừa để kiếm đủ số ngọc yêu cầu.
Chế độ chơi Co-op hào hứng!
Cũng như phần trước, Lara Croft and the Temple of Osiris hoàn toàn có thể chơi một mình, nhưng cảm giác ấy sẽ khác hoàn toàn khi chơi Co-op (phối hợp) cùng với những người khác, với việc hỗ trợ lên tới 4 người cùng màn hình.
Khi ở chế độ này, người chơi thứ nhất sẽ điều khiển Lara, trong khi người chơi thứ hai sẽ vào vai vị thần sở hữu gậy sức mạnh, và cũng áp dụng cho hai người chơi còn lại.
Chính cây gậy trên là “chìa khóa” để giải mọi câu đố trong màn chơi, và khiến dạng chơi này trở nên hào hứng hơn rất nhiều khi chơi đơn.
Sự khác biệt nằm ở chỗ các màn chơi sẽ có những thay đổi nhỏ trong việc thiết kế, khiến cho người chơi dù chơi đơn hay Co-op vẫn có thể tiếp tục cuộc vui mà không hề bị gián đoạn.
Chẳng hạn, nếu như chơi một mình, người chơi có thể dễ dàng bắn dây móc để leo lên các vị trí cao hơn.
Trải nghiệm của người chơi trong Lara Croft and the Temple of Osiris sẽ không bị nhàm chán nhanh chóng khi chơi một mình bởi mức độ khó
Còn nếu Co-op, nhân vật dùng gậy phép phải tạo ra một quả cầu ánh sáng để người còn lại leo lên cao, sau đó dùng dây để kéo người còn lại.
Ngoài ra, các phần giải đố cũng được thay đổi một cách tương tự, khiến cho trải nghiệm của người chơi trong Lara Croft and the Temple of Osiris sẽ không bị nhàm chán nhanh chóng khi chơi một mình bởi mức độ khó.
BẠN SẼ GHÉT
Đồ họa kém, nhiều lỗi vặt
Trước khi ra mắt, có nhiều tin đồn rằng Lara Croft and the Temple of Osiris là một sản phẩm được “port” (chuyển hệ) cẩu thả từ PC lên các hệ máy next-gen như PS4 và Xbox One.
Và trên thử nghiệm thực tế, có vẻ như điều đó là đúng vì game đến tận lúc bài viết này được đăng vẫn tồn tại những lỗi khó chịu mà hãng phát triển Crystal Dynamics vẫn chưa ra bản cập nhật sửa lỗi.
Một trong số đó, đáng ngạc nhiên là lỗi có thể khiến Lara Croft and the Temple of Osiris bị “crash” (văng) ra màn hình chờ PS4, cùng lời thông báo phản ảnh lỗi đến nhà phát triển.
Đây là một điều hầu như không bao giờ xuất hiện trên các tựa game console, cho thấy sự không nghiêm túc khi phát triển.
Rất may, lỗi này cũng rất hiếm gặp phải nên cũng có thể “dễ châm chước”.
Điều đáng nói chính là ở chất lượng đồ họa của Lara Croft and the Temple of Osiris, dù các màn cháy nổ khá hoành tráng, nhưng thiết kế nhân vật, màn chơi lại thiếu độ chi tiết và thô, không đem lại chút khác biệt gì khi so với phần trước đó. Chưa hết, khung hình của game vẫn kém ổn định trong một số cảnh nhất định.
Nhìn chung, trải nghiệm Lara Croft and the Temple of Osiris trên PS4 sẽ mang lại không ít khó chịu đối với người chơi.
Thiết kế nhân vật, màn chơi lại thiếu độ chi tiết và thô, không đem lại chút khác biệt gì khi so với phần trước đó
Hệ thống điều khiển và góc nhìn khó chịu!
Hệ thống điều khiển trong Lara Croft and the Temple of Osiris hầu như không có cải tiến gì so với trước, mà trái lại, còn đem lại một ít ức chế với người chơi.
Không bàn đến vấn đề game chỉ dẫn rất sơ sài vào lúc khởi đầu, người chơi phải còn mất thêm thời gian để nhớ cách điều khiển, bởi mỗi nút trên tay cầm đều có chức năng riêng biệt.
Chính điều này, cùng với việc không có “hồng tâm” khiến cho việc “xả đạn” trở nên khó khăn khi xung quanh đầy rẫy quái vật.
Ngoài ra, góc nhìn của Lara Croft and the Temple of Osiris không cố định, mà lúc thu cận cảnh, lúc dời ra xa, làm cho việc di chuyển trở nên bất lợi trong vài khung cảnh, đặc biệt là những cảnh người chơi bị các con trùm hay cạm bẫy truy đuổi.
Hơn nữa, góc nhìn còn là một điểm trừ khi chơi Co-op trên cùng một máy, bởi số lượng nhân vật có thể lên đến bốn, khiến cho người chơi đôi khi không theo dõi kịp diễn tiến.
Góc nhìn còn là một điểm trừ khi chơi Co-op trên cùng một máy, bởi số lượng nhân vật có thể lên đến bốn, khiến cho người chơi đôi khi không theo dõi kịp diễn tiến