Skip to content

The Ascent – Đánh Giá Game

The Ascent

The Ascent – Một thành phố với những công trình kiến trúc lạ kỳ của tương lai, với những chiếc xe bay ồn ào gào thét trên bầu trời, lọt thỏm dưới đất là những khu phố sặc sỡ ánh đèn neon xanh đỏ nhộn nhịp các cư dân, đó là những kẻ lạ kỳ, họ “lai” tạp với máy móc hỗ trợ dù đó là con người hay những chủng loài đến từ một hành tinh nào đó. 

Họ thì thầm những câu chuyện về các cuộc thanh trừng giữa những băng đảng mới đây thôi, về luật pháp và tội phạm đang lũng đoạn nhau, về những chính sách phân tầng giai cấp ngày càng sâu sắc, tha hóa, vân vân và vân vân.

Bạn có lẽ đã mường tượng ra khung cảnh của một chủ đề có tên gọi “cyberpunk”, một chủ đề khá thu hút giới phim ảnh và game, đâu đó hiện diện trong Blade Runner vang danh một thuở hay qua loạt phim truyền hình Altered Carbon cuốn hút của Netflix… 

Bạn cũng có thể đang nghĩ đến hình bóng của một trò chơi hết sức quen thuộc và… gây phẫn nộ trong một quãng thời gian nhiều tháng sau khi nó ra mắt: Cyberpunk 2077, đến từ tượng đài CD Projekt RED – nơi tạo ra siêu phẩm The Witcher 3 trứ danh! 

Thế nhưng ngày hôm nay chúng ta không nói đến những sản phẩm “to” vừa kể (mà trong ngành công nghiệp game thường gọi chúng là sản phẩm “Triple A”, tức ba chữ AAA) mà người viết sẽ giới thiệu đến bạn một siêu phẩm, một game indie đầy bất ngờ của một studio nhỏ chỉ có 12 thành viên, studio Neon Giant và sản phẩm đầu tay của họ: The Ascent.

The Ascent có hết những thứ mà người viết vừa kể với bạn, nhưng lược bỏ đi những câu thoại rườm rà, những hệ quả của sự lựa chọn, đặt bạn vào một thành phố cyberpunk tuyệt vời (mà người viết dám cá rằng bạn chưa từng được diện kiến đầy đủ trước đây, kể cả qua “siêu phẩm” Cyberpunk 2077 vừa qua) và cuốn phăng bạn đi bằng những cuộc phiêu lưu kỳ thú qua các góc phố tương lai hoàn hảo và những màn chạm trán “sướng cả tay”!

Nào, hãy đặt một chiếc taxi bay và chúng ta cùng bước chân vào cuộc hành trình của The Ascent!

BẠN SẼ THÍCH

THÀNH PHỐ CYBERPUNK “TRONG MƠ”

Chúng ta khi thưởng thức một tác phẩm về “cyberpunk” thường rất háo hức muốn được du ngoạn thành phố tương lai nhiều hơn, đã hơn, và ngắm nó lâu hơn. 

Rất tiếc là đa phần các tác phẩm (phim, game) đều chỉ thể hiện chớp nhoáng cho đến khi Cyberpunk 2077 xuất hiện, nó mang tới một niềm hi vọng chực chờ bùng cháy để rồi mọi thứ vỡ tan (ra sao thì bạn đã biết rồi) và người ta trút hết sự phẫn nộ, nhạo báng, mỉa mai lên nó như thể chính nó là “kẻ thù truyền kiếp” mà hơn ai hết, nếu bình tĩnh nhìn nhận đó chính là sự nuối tiếc của chính chúng ta về một thành phố “trong mơ” như vậy…

Cho đến khi The Ascent xuất hiện, không ai tin được một thứ như vậy lại tồn tại.

The Ascent bắt đầu bằng việc tạo một nhân vật theo những mô thức thường thấy của các game nhập vai cổ điển như chọn giới tính, mắt mũi tai vân vân và khởi động một cách chậm chạp ở một nơi nào đấy đầy những cỗ máy móc khổng lồ dơ bẩn, những con robot sửa chữa buồn chán và thỉnh thoảng một vài con quái “nhép” trèo lên từ một lan can nào đó hù dọa bạn!

Dĩ nhiên, bạn sẽ đánh trả lại chúng theo những cách giản đơn hoặc là bỏ qua và… bỏ chạy như cả trăm game nhập vai hành động mà chúng ta từng chơi qua trước đây!

Từng bước, từng bước, những hành lang chật hẹp mang tính lặp lại hiện ra. Sự lề mề của màn “khởi động” đã làm cho người viết ngái ngủ và cố gắng lết tiếp để xem điều gì đón chờ.

“Đây có lẽ là một game nhập vai hành động “copy paste” nhàm tẻ, buồn chán nào nữa đây”, người viết từng nghĩ vậy và dự tính sẽ gỡ game sau 15 phút “nỗ lực” nữa. Cho tới khi…

Bước chân vào một cái thang máy, vài nhân vật ngốc nghếch đứng cùng, nhân vật chính của chúng ta có thể lộn qua lộn lại theo nút nhấn của bạn để “giết thời gian” và…

Cánh cửa thang máy mở ra, tức màn chơi đã nạp (load) xong, bạn sẽ đứng hình vài giây và vỡ òa cảm xúc khi đặt chân lên tầng trên của một thành phố “mơ ước”.

Một khung cảnh sống động hiện ra như trí tưởng tượng của những ai mê cyberpunk: các tòa kiến trúc mê hoặc, những hình ba chiều (hologram) của các cô gái gợi cảm nhún nhảy, xe bay, bla bla… Tâm trạng mê hoặc của bạn sẽ được The Ascent dẫn dắt qua từng con phố để rồi bạn nhận ra nó sâu và thu hút đến dường nào.

Đó có thể là một con phố Tàu với những bảng hiệu chữ Hán chi chít qua ánh màu neon xanh đỏ đặc trưng. Chưa đã? Bạn hãy dùng thang máy trọng lực bay qua khu ăn chơi với một bức tượng… Phật Di lặc khổng lồ đầy nổi bật, được sơn vàng chóe y hệt màu vàng trên sợi dây chuyền vàng dầy cui của một tay anh chị hợm hĩnh “thích khoe của” nào đấy đang ngồi bên trong một khu vực ăn chơi bên trong tượng Phật này! Thật là một quang cảnh ví von tréo ngoe…

Lướt qua phố Tàu, bỗng dưng trời đổ mưa và hàng người bước vội qua đường với chiếc ô trắng trong suốt, chờ đã, hình ảnh này rất quen thuộc trong các phim của Nhật đây! Còn phải nói, bạn sẽ đi ngang những công trình có các cánh cửa gỗ trượt đặc trưng, mà người Nhật gọi là “shoji”, đâu đó trên tầng thượng là những khu vườn zen và những gã yakuza vận đồ vét luôn trực chờ gây hấn! 

Khu phố Nhật còn chào mời bạn dừng chân tại các gian hàng được thiết kế tỉ mẩn, mà hầu như gian hàng nào của The Ascent cũng chi tiết như vậy cả, có cảm giác như chúng được nhà phát triển “nặn tay” từng thứ vật dụng, nhét chúng vào một căn phòng dạng isometric ba chiều nhỏ nhắn và họ tạo ra hàng trăm tỷ thứ như vậy để gắn vào trò chơi. Quả thực rất mãn nhãn! 

Bạn đã chán phong cảnh Á Đông? Các khu phố Tây luôn hiện diện khắp nơi qua những thang máy lạnh lẽo, đưa bạn lên cao vút của một tòa nhà hoành tráng nào đó để ngắm nhìn thành phố từ trên cao trong những cơn mưa lất phất, còn không thì hãy lạc bước vào những góc phố đầy nghẹt người với vô số cửa hiệu chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ lỡ để bước vào như quán rượu (để bán thành quả săn tội phạm của bạn), vũ khí, áo giáp, nâng cấp…

Càng đi, bạn sẽ càng thấy nhiều thứ thú vị của thành phố cyberpunk “trong mơ” hiện ra. 

Phải thừa nhận rằng nhiều lúc chơi, người viết dừng lại và… chụp hình lia lịa phong cảnh thành phố và tự hỏi “điều gì làm cho việc khám phá The Ascent không thể buồn chán?”, trong khi ở các game hành động nhập vai tương tự, khi càng vào sâu bạn càng trở nên như một cái máy, chỉ muốn mau mau cho xong nhiệm vụ và trở về thị trấn để “thở”, để nâng cấp hơn là thưởng thức hành trình hiện tại.

The Ascent sẽ đưa bạn đi từ mắt chữ O tới mồm chữ A trong quá trình chơi khi liên tục đổi góc nhìn, có lúc trái phải, có khi lên xuống, xa gần đủ kiểu làm cho bạn phải “bối rối” thay đổi hành vi

Qua quá trình trải nghiệm, người viết đúc kết ra rằng, The Ascent có hai phương pháp được ứng dụng vào game để giải quyết vấn đề trên.

Thứ nhất, trò chơi sử dụng việc xoay camera, đảo góc nhìn của người chơi làm cho não bộ của bạn sẽ bị “reset”. 

Phương pháp này thường được một số họa sĩ “số” dùng khi vẽ, họ sẽ lật hình từ trái qua phải (hay ngược lại) để tìm ra sơ hở của bức vẽ vốn đã được não bộ “cố định” bằng góc nhìn rằng nó đã hoàn hảo. Một ví dụ khác có lẽ sẽ dễ hình dung với bạn là khi xem Youtube, thỉnh thoảng streamer sẽ có những hành động đi ngược với điều họ đang làm như cầm chai nước uống, đập bàn phím, v.v. làm cho bạn chợt “bừng tỉnh” và thích thú vì vốn dĩ não bạn đã “ru ngủ” khi xem video có tính quen thuộc, lặp đi lặp lại.

The Ascent sẽ đưa bạn đi từ mắt chữ O tới mồm chữ A trong quá trình chơi khi liên tục đổi góc nhìn, có lúc trái phải, có khi lên xuống, xa gần đủ kiểu làm cho bạn phải “bối rối” thay đổi hành vi của nhân vật sao cho phù hợp với cái mới xuất hiện! Và cũng nhờ vậy mà cảnh quan của game bỗng trở nên thu hút, luôn mang tới cảm giác mới mẻ trong những chuyến du hành của nhân vật chính.

Phương pháp thứ hai là việc tiết chế nội dung vừa đủ, đây là cách thức không mới trong làm game nhưng ít ra nó không bung bét mọi thứ ngay từ đầu như các game nhà Ubisoft theo mô-tip “cứ leo tháp mà mở toang hoác mọi thứ xung quanh”, dễ làm người chơi “ngộp” và sau đó là mau chán! 

The Ascent chỉ hé lộ dần tính năng khi bạn thực hiện các nhiệm vụ chính. Chẳng hạn, tính năng dịch chuyển tức thời mà ở đây là taxi bay và xe điện (mà một game nào đấy chưa thực hiện được) chỉ hé lộ sau một số nhiệm vụ chính và điều này sẽ làm bạn luôn cảm thấy mới mẻ trong tính năng của lối chơi, hệt như cách mà góc nhìn camera “reset” lại não bộ của bạn vậy!

Tất nhiên, The Ascent không chỉ có “hé lộ” xe điện hay taxi bay, mà còn nhiều thứ hơn thế mà bạn sẽ tự mình khám phá ra đấy!


GIAO CHIẾN “MÁU LỬA”!

Với lối chơi theo phong cách nhập vai hành động (Action RPG), người chơi chỉ cần chạy và bắn đơn thuần nhưng phần giao tranh của The Ascent rất ép phê, đã tay hơn hẳn một số game nhập vai hành động thu hút như Diablo 3, Wolcen: Lords of Mayhem, v.v. 

Các pha rải “mưa đạn” găm vào đối thủ nghe phập phập, những thùng phuy nổ tung bắt mắt và các tuyệt chiêu chưởng (kỹ năng) mang tính sát thương diện rộng hất tung nhiều đối thủ làm cho những trận chiến của The Ascent mãn nhãn và đã tay hơn hẳn!

Đối thủ của bạn sẽ rất đa dạng, từ nhí tới khổng lồ, từ bò tới bay, không thiếu khoản nào và như người viết đã đề cập phương pháp thứ hai về tiết chế nội dung của game, ban đầu bạn sẽ gặp gỡ vài con quái nhép làng nhàng, “vả” chúng dễ dàng (tập làm quen là chính ấy mà), lên cấp mua đồ ào ào và tưởng rằng mình “oách” lắm cho đến khi bạn dấn thân sâu vào game, cơn ác mộng “bầy đàn” sẽ bắt đầu gặm nhấm bạn, những con là trùm màn trước sẽ thành quái thường màn sau đông lúc nhúc, dàn súng giáp “xịn vãi cả ra” bắt đầu mỏng manh đi, yếu dần, bạn buộc phải thay đổi chiến thuật, thay cả vũ trang của bản thân chỉ để sinh tồn!

Hỗ trợ cực tốt cho các trận chiến trong The Ascent vẫn là mảng đồ họa với các công nghệ vật lý, hình ảnh tinh xảo nhất của Unreal Engine 4 và đặc biệt là việc ứng dụng Houdini

Một điểm mà người viết đánh giá là thú vị nhất trong mảng chiến đấu của game là dù thấp cấp hơn đối thủ một nửa nhưng nếu người chơi xoay sở tốt qua việc nâng cấp súng và kỹ năng, cũng như các thiết bị trợ lực thì vẫn cự tay đôi được!

Chẳng phải bản chất của chúng ta khi chơi các game có tính nhập vai là luôn tìm vào các khu vực cấp cao, tìm cách hạ đối thủ mạnh hơn mình để được nhiều điểm kinh nghiệm và nếu may mắn là lượm được đồ “xịn” đó sao?

The Ascent chắc chắn sẽ làm hài lòng bạn ở điểm này!

Hỗ trợ cực tốt cho các trận chiến trong The Ascent vẫn là mảng đồ họa với các công nghệ vật lý, hình ảnh tinh xảo nhất của Unreal Engine 4 và đặc biệt là việc ứng dụng Houdini, một công cụ kỹ xảo đỉnh thường được dùng cho các phim bom tấn Hollywood cũng như các game AAA, sức mạnh chủ yếu của nó nằm ở thể hiện ánh sáng, và kết quả là chúng ta có những pha cháy nổ mãn nhãn y như những phim giả tưởng ngoài kia, các hoạt cảnh tia laze quét tứ tung, những ánh đèn neon sặc sỡ, khói, mưa đầy mơ màng trong thành phố… 

BẠN SẼ GHÉT

The Ascent

HƠI BỊ LÃNG PHÍ…

Thế giới của The Ascent đẹp lộng lẫy, náo nhiệt và thiết kế cực kỳ chi tiết nhưng tiếc thay nó lại là một thế giới “rỗng”, với nhiều thứ có vẻ lưng chừng.

Này nhé, với số lượng thị dân vô cùng dày đặc trong các khu vực thành phố nhưng số NPC có thể giao nhiệm vụ cho bạn thì vô cùng thưa thớt, đã vậy một số còn bị “khóa” đợi tới sự kiện nhất định mới mở ra, đây cũng là mặt trái của phương pháp thứ hai mà người viết đã đề cập.

Kế đến là các cửa hàng bán đồ khá là “vô dụng” khi không cập nhật theo kịp chủng loại, số lượng đồ mà bạn nhặt được trong quá trình chu du. Cửa hàng duy nhất mà người viết thường ghé là nâng cấp vũ khí, còn lại thì thi thoảng ghé qua và đã biết trước kết quả ra sao rồi!

Thẳng thắn mà nói thì đồ “xịn” bạn lượm còn nhiều và đắt giá hơn trong cửa hàng vốn chỉ le que vài món?! Và vấn đề tài chính cũng tương tự, The Ascent rất hào phóng với người chơi ở mặt này: khi kết thúc game, trong túi đồ của nhân vật vẫn còn dư gần nửa triệu đồng và hàng loạt vũ khí, đồ dùng chán không muốn bán nữa! Đến cả… điểm kỹ năng mà còn lượm được nữa là! 

The Ascent

Nếu nhìn rộng ra các game nhập vai hành động khác, có lẽ vấn nạn “cửa hàng trưng cho có” của The Ascent vẫn là mô-típ chung muôn thuở!

Về phần thoại game, khá đáng khen dù là game nhập vai hành động (ARPG) thế nhưng trò chơi đã thể hiện khá chi tiết trong câu từ giúp người chơi mường tượng được ít nhiều bối cảnh game, cũng có vài lựa chọn nhưng chúng chỉ YES hoặc NO (và nếu có chọn NO thì… vẫn chọn lại được), thành ra kết quả chẳng ảnh hưởng đến chung cuộc! 

Chính việc không có hệ quả dẫn tới việc bạn bị đẩy qua lại giữa các phe phái, bị những tay cầm đầu “chửi” phản bội chỉ mang tính chất “giải trí” là chính, thay vì có thể tạo ra kịch tính nào đó (đơn giản thôi cũng được) cho The Ascent!

The Ascent

Có cảm tưởng, các nhà phát triển game ở Neon Giant khá tham vọng khi đẩy mọi thứ của The Ascent lên trên mức “tiêu chuẩn” của game ARPG, gần như tiến về mức game nhập vai hẳn nhưng vì lý do nào đó, họ đã rút lại và kết quả là các thứ vừa kể khá là lưng lửng!

Về vấn đề kỹ thuật, thứ mà người viết thường đụng độ trong những màn gần cuối là việc kẻ địch thường “mọc” từ không trung rớt ngay bên cạnh làm nhiều lúc đỡ không kịp, cũng như các phân cảnh đấu trùm nếu lỡ chết phải đi vòng vo từ ngoài vào khá phiền phức, thay vì có thể sắp xếp đấu lại trùm liền!   

The Ascent

Và cuối cùng là bản đồ ba chiều của game, có vẻ khó nắm bắt trong việc thể hiện vị trí. Nếu bạn đã chơi qua các game bắn súng hiện đại, chẳng hạn như The Division của Ubisoft, thì sẽ thấy bản đồ của game này thể hiện rất trực quan! Còn ở The Ascent, khá nhiều lúc chúng ta sẽ không rõ mục tiêu nằm bên trong, bên trên hay ở dưới của một tòa nhà dù đã phóng to quan sát và đứng ngay tại đó.

Thế giới của The Ascent đẹp lộng lẫy, náo nhiệt và thiết kế cực kỳ chi tiết nhưng tiếc thay nó lại là một thế giới “rỗng”, với nhiều thứ có vẻ lưng chừng

Bạc 8.5

The Ascent đã thể hiện xuất sắc bầu không khí đúng nghĩa của một game cyberpunk mà người chơi mong chờ bấy lâu qua những hình ảnh, kỹ xảo cực kỳ bắt mắt, thu hút, xen kẽ với những màn chiến đấu đã tay! 

Chỉ tiếc là nếu game “lấp đầy” những khoảng trống của thế giới rộng lớn nhiều hơn, kỹ hơn thì đây ắt hẳn sẽ là một game cyberpunk hoàn hảo cho tới thời điểm hiện tại!

Thông tin

  • The Ascent
  • Nhà phát triển
    Neon Giant
  • Nhà phát hành
    Curve Digital
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    29/07/2021
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 x64
  • CPU
    Intel Core Intel Core i5-3470 (4 * 3200) / AMD FX-8350 (4 * 4000)
  • RAM
    8GB
  • GPU
    GeForce GTX 660 ( 2048 MB) / Radeon R9 390X (8192 MB)
  • Lưu trữ
    35GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Intel i7-6700K 4.0 GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    INNO 3D iChill GTX 1070Ti 8GB
  • Lưu trữ
    Seagate Barracuda 1 TB 7200 rpm
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi NEON GIANT. Chơi trên PC.

Tác giả

deadeyes

"Only in death does duty end."

Thảo luận