Skip to content

Layers of Fear (2023) – Đánh Giá Game

Layers-of-Fear-2023-Danh-Gia-Game.jpg

Layers of Fear (2023) – Thập niên 2010 là một quãng thời gian đáng nhớ với cộng đồng game thủ – với hàng loạt tựa game AAA đổ bộ đến… ngộp thở như Bayonetta, Red Dead Redemption hay “phượt thủ” Mass Effect 2 ở dải thiên hà bao la và hành tinh mới.

Lạ thay, thể loại game kinh dị lúc này lại kén người chơi hơn bao giờ hết. Nếu 2009 chỉ để lại những tựa game kinh dị đáng nhớ trên… đầu ngón tay, năm 2010 cho đến 2016 gần như bị để ngỏ bởi những “ông lớn” tại thị trường với hàng loạt game thiên về hành động/nhập vai/chiến thuật.

Nhưng nhờ thế, đây lại là thời điểm “vàng” cho các nhà phát triển độc lập trỗi dậy và lấp đầy thể loại “đau tim” này, đồng thời mở đường cho họ phát triển hình ảnh thương hiệu lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Ngoài những cái tên trên “bảng vàng” như Frictional Games với Amnesia: The Dark Descent (2010), Red Barrel với “mèo vờn chuột” Outlast (2012) hay bản demo đình đám của Hideo Kojima – P.T (2014), một cái tên khác đầy tiếng tăm đã nổi lên: Bloober Team từ Phần Lan với tựa game Layers Of Fear (2016), vốn cũng chịu nhiều sự ảnh hưởng từ P.T.

Mặc cho lối chơi đầy tranh cãi giữa việc định nghĩa dạng “kinh dị” và “đi và tương tác” (walking simulator), đây là viên gạch vững chãi đầu tiên nhằm đưa tên tuổi hãng vào danh sách nhà phát triển độc lập đầy tiềm năng. Với cốt truyện u tối và bi kịch của một gia đình họa sĩ đầy ám ảnh, Layers Of Fear (2016) trở thành một “hiện tượng” nhằm mở đường cho các tựa game tiếp theo của hãng như Observer, hậu bản Layers Of Fear 2The Medium – cùng với bản “Remake” (làm lại) đáng mong chờ của tựa game kinh điển – Silent Hill 2 trong thời gian sắp tới.

Tuy mỗi tựa game đem đến nhiều bình luận khen/chê khác nhau, như một vị họa sĩ, Bloober Team vẫn vững bước trong việc làm game theo nét riêng của họ.

Và sau gần 8 năm kể từ ngày ra mắt Layers Of Fear (2016), hãng đã bắt tay với nhà phát triển Anshar Studios nhằm đem đến bản “Remastered/Re-imagined” mang tên: Layers Of Fear (2023) – một phiên bản “4 trong 1” với toàn bộ cốt truyện lẫn DLC từ hai bản trước, kèm theo hai mạch cốt truyện mới: người vợ của vị họa sĩ cùng một nữ nhà văn – với thông tin úp mở rằng cô có liên quan đến bi kịch trong mỗi chương truyện…

Vậy tựa game “tái bản” này trông ra sao, dưới thời đại game kinh dị đang “hồi xuân” hiện nay?

Hãy tắt đèn, đeo tai nghe và cùng thưởng thức những giây phút của game cùng Vietgame.asia qua bài đánh giá sau, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Lớp sơn “mới” trên bức họa cũ

“Mỗi bức chân dung được điểm tô bằng cảm xúc chính là bức chân dung của vị họa sĩ, chứ không phải của người được vẽ”. Câu nói đầy ngụ ý này của nhà biên kịch Oscar Wilde đã lột tả một phần nét đẹp mà Layers Of Fear (2023) đã được chăm chút, bao gồm mảng “nghe” và “nhìn”.

Nói về mảng “nhìn” trước: được phát triển ban đầu trên nền tảng Unity với lối thiết kế mỹ thuật đặc trưng, cả hai bản tiền nhiệm đều đem đến môi trường nhuốm màu lẫn không khí u ám, chân thực nhưng không kém phần đầy nghệ thuật.

Từng góc phòng của căn biệt thự thời kỳ Victoria nhuốm màu sơn vẽ và máu, hay từng khu vực chất đầy đạo cụ và ma-nơ-canh của chiếc tàu du lịch kiêm phim trường, mọi cuộc hành trình đều được khắc họa và lột tả dưới ánh đèn đầy ma mị nhằm đem đến nỗi sợ bị cô lập, rình rập và đơn độc…

Nay dưới sức mạnh của Unreal Engine 5 cùng với sợ hợp tác từ Anshar Studios – nhà phát triển chuyên về khâu thiết kế cho các hãng game, toàn bộ hai chương trước đây nay đã “lột xác” và trông chân thực hơn bao giờ hết, với các hiệu ứng cháy và khói bụi lơ lửng trong không trung, ánh đèn hắt lên những chân tường sâu thẳm, hắt bóng lên bề mặt từng đồ vật trong phòng… sự hòa quyện mà mảng nghe-nhìn của hai chương trước thiếu hụt đã được bù đắp một cách tuyệt vời – cùng với hỗ trợ HDR trên độ phân giải 4K và chế độ Ray-tracing.

Về phần “nghe” thì không thể không nhắc đến những bản nhạc nền đầy lưu luyến trước đấy: từ những phím đàn đến đường lia vi-ô-lông thấm đẫm nét đượm buồn – vốn đã phối hợp rất ăn ý cùng mảng đồ họa và cốt truyện đầy bi kịch của game, nay đã được “tân trang” lại với nhiều nốt nhạc mới, nhưng vẫn không mất đi những giai điệu gốc “bất hủ”.

Âm thanh đến từ những góc phòng đổ nát hay tiếng quái vật đằng sau cuộc rượt đuổi người chơi… giờ đây cũng đã được Bloober Team cải thiện nhằm đem đến trải nghiệm “nghe” tốt hơn khi sử dụng tai nghe.

Đây cũng là tựa game được ra mắt tương đối thành công của hãng khi không đòi hỏi phải… đợi bản vá lỗi để thưởng thức game trọn vẹn – điều mà các hãng AAA cần phải để ý nhiều hơn với phong độ “xuống dốc” hiện tại, sau mỗi đợt ra mắt game trầy trật đến… đáng sợ của họ, dẫu cho mảng nghe-nhìn được đầu tư xuất sắc cỡ nào.

Layers Of Fear (2023) đã mạnh dạn thêm thắt chút yếu tố từ tựa các game gần đây nhất của họ, đồng thời phát triển thêm các phân cảnh tương tác xung quanh nó


Nguồn sáng “vĩnh cửu”

Dẫu cho sự góp mặt có phần ít ỏi và không quá nổi bật, lối chơi lần này của game đã có chút thay đổi đáng kể.

Bẵng qua rồi với thể loại “trỏ và bấm rồi chạy và nấp” – thứ mà đến cả “lão làng” Amnesia: The Bunker đã phần nào trút bỏ, nay Layers Of Fear (2023) đã mạnh dạn thêm thắt chút yếu tố từ tựa các game gần đây nhất của họ, đồng thời phát triển thêm các phân cảnh tương tác xung quanh nó – đây cũng là yếu tố “Re-imagined” (hình dung lại) mà hãng đã lồng ghép vào bản này.

Điều đầu tiên bạn sẽ để ý trong game chính là ngọn đèn trong tay mỗi nhân vật – chiếc đèn lồng cho vị họa sĩ trong phần một cũ, chiếc đèn pin cho chàng diễn viên ở phần hai và… cả người vợ của của họa sĩ –  không chỉ là nguồn sáng xuyên suốt màn chơi, đây cũng chính là thiết bị hỗ trợ nhân vật trong việc giải đố và tương tác với môi trường trong game.

Nay với nguồn sáng trong tay, người chơi cuối cùng đã có thể chống lại kẻ thù trong game bằng việc “đốt” chúng, với hạn chế từ nguồn “pin” chỉ chịu được dưới 10 giây trước khi tự sạc lại – điều mà mọi hãng điện thoại hiện nay chỉ thấy được trong mơ!

Nhiều câu đố lẫn tương tác với màn chơi cũng được hãng lồng ghép nhằm tận dụng nguồn sáng này: ví dụ như chiếu đèn vào các thùng hay đồ vật để diệt trừ bóng tối bao quanh chúng ở chương 1, hay chiếu đèn pin vào ma-nơ-canh để chúng “sống lại” và thực hiện động tác như ấn nút/mở cửa trong chương 2 trên tàu. 

Như người viết đã nói: không quá nổi bật cho sự thay đổi trong lối chơi. Nhưng sự thay đổi nhỏ này vẫn rất đáng trân trọng.

Dẫu cho sự góp mặt có phần ít ỏi và không quá nổi bật, lối chơi lần này của game đã có chút thay đổi đáng kể


Layers of Fear (2023)

Cốt truyện mở rộng!

Có lẽ vì mang mục tiêu đem đến trải nghiệm trọn vẹn nhất trong tất cả phần game – cùng chút thêm thắt cho hậu truyện, mạch truyện chính của Layers Of Fear (2023) gần như không thay đổi.

Nhưng không vì thế mà Bloober Team không khai thác thêm góc nhìn của người vợ vị họa sĩ lẫn nữ nhà văn – một nhân vật mới được giới thiệu nhằm phần nào đấy kết nối cốt truyện mỗi chương với nhau.

Trong một ngọn hải đăng chật hẹp kề biển vào năm 1955, nữ nhà văn “bất đắc dĩ” được một tòa soạn bí ẩn ký hợp đồng nhằm đem đến những câu chuyện kinh dị và huyền bí về vị họa sĩ. Dẫu cho phải xa đứa con ở nhà, cô vẫn quyết định theo đuổi mục tiêu trên.

Nhưng đằng sau đấy, bản thân cô cũng phải đối đầu với một thế lực khác – những bóng ma chực chờ hãm hại và giam cầm nạn nhân của chúng. Đây cũng chính là kẻ thù mà mỗi nhân vật trong mỗi cốt truyện đã gặp phải, và dựa trên lựa chọn trong suốt cuộc hành trình từ mỗi chương, chúng sẽ được “định hình” rõ hơn trong mỗi kết cục cuối game.

Layers of Fear (2023)

Layers of Fear (2023) thật sự làm cho người chơi thỏa thuê với độ dài của nó

Người vợ xấu số của vị họa sĩ cũng góp mặt trong bản DLC riêng – The Final Note, nhằm để người chơi trải nghiệm từng giây phút giành giật quyền tự do, sự sống và khát vọng của cô sau vụ tai nạn gây bỏng một nửa cơ thể của mình.

Nay phải sống trong sự gò bó và chăm sóc từ người chồng nát rượu – người bạn đời mà cô từng yêu say đắm, mỗi bước đi nhằm hòa nhập lại cuộc sống thường nhật của cô trở nên khó khăn và bi thảm hơn, khi những bóng ma đang ăn sâu vào tâm trí của mỗi người, vào từng ngóc ngách của tòa biệt thự cổ kính…

Dù hai tuyến nhân vật mới này chỉ góp phần thêm 4 tiếng cho giờ chơi – nhưng nếu cộng thêm thời lượng gần… 13 tiếng cho cốt truyện chính (dù vẫn mắc phải những “hạt sạn” lâu năm của hãng từ lối kể chuyện), có thể nói Layers of Fear (2023) thật sự làm cho người chơi thỏa thuê với độ dài của nó, một trải nghiệm chơi đơn trọn vẹn mà khá nhiều game ngày nay đều bị “xén” bớt nội dung để… moi thêm tiền từ ví của người chơi.

BẠN SẼ GHÉT

Layers of Fear (2023)

Những “hạt sạn” trường tồn!

Tiếc thay mục tiêu của phiên bản “Remake/Re-imagined” mà Bloober Team muốn gửi gắm đến game thủ chỉ có thế: một phiên bản trông ưa nhìn hơn với chút thay đổi trong lối chơi và cốt truyện. Và cũng bởi vậy, những “hạt sạn” mà bản tiền nhiệm đã vấp phải cũng đã được hãng… giữ nguyên một cách trọn vẹn!

Từ lối kể chuyện rườm rà, sự lạm dụng “jump-scare” quá đà, lối chơi thiếu chiều sâu chỉ dựa vào hình ảnh ghê rợn của môi trường để lột tả cốt truyện lẫn nhân vật – điều mà lẽ ra lối chơi đã có thể đồng hành tốt hơn… “Lớp sơn mới” của Layers Of Fear (2023) chỉ có thể khiến người chơi – gạo cội lẫn “lính mới” – trụ lại không quá… 5-6 tiếng nhằm nắm được cốt truyện căn bản, trước khi xếp game vào một góc xó!

Điều mà bản thân người viết tiếc nhất chính là lối chơi: thiết bị nguồn sáng trong mỗi chương của game đã có thể được tận dụng tốt hơn, nhưng việc “đốt” kẻ thù lại diễn ra quá dễ dàng – khiến cuộc đụng độ chúng giờ đây như một liệu pháp nhằm giúp người chơi… tỉnh ngủ hơn là sợ! Thậm chí, người viết còn tưởng mình đang chơi bản “ngoại truyện” (spin-off) của… Alan Wake trong các phân cảnh trên!

Layers of Fear (2023)

Còn việc dùng đèn để tương tác chúng với môi trường xung quanh cũng chỉ xoay quanh việc “chọn” đồ vật này hay “kích hoạt” đồ vật kia để mở đường đi tiếp – điều mà các bản tiền nhiệm cũng đã làm tương tự, chỉ khác là… không dùng đèn!

Những điểm trừ trên khiến sự đóng góp của Anshar Studios và các họa sĩ Bloober, tiếc thay, bị phí phạm một cách đáng tiếc bởi những “hạt sạn” 8 năm tuổi! Sự “vững bước” mà Bloober Team đang làm không khác gì đang tự giam mình với những sợi xích – thứ mà bản DLC The Final Note đã lột tả một cách đầy chi tiết.

Phải chăng đây cũng chính là ngụ ý cho… chính Bloober Team và cách họ phát triển các tựa game sắp tới?

những “hạt sạn” mà bản tiền nhiệm đã vấp phải cũng đã được hãng… giữ nguyên một cách trọn vẹn!

6.5

Sự cải tiến “lỗi thời” đầy trung thành trong Layers Of Fear (2023) khiến những điểm cộng của game trở nên lu mờ một cách đáng tiếc, dẫu cho hãng đã cố gắng đem lại những trải nghiệm nghe-nhìn, cốt truyện và lối chơi có phần cải thiện.

Ít ra nếu bạn chưa từng trải nghiệm thương hiệu này, đây sẽ là phiên bản đáng để thử. Còn nếu bạn đã từng lưu luyến với cốt truyện của bản game cũ, có lẽ bạn nên cân nhắc thử… trong mùa giảm giá sau.

Thông tin

  • Layers of Fear (2023)
  • Nhà phát triển
    Anshar Studios, Bloober Team
  • Nhà phát hành
    Bloober Team SA
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    15/06/2023
  • Nền tảng
    Windows, macOS, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10, 64-bit
  • CPU
    Intel Core i5 4690/ AMD Ryzen 3 1200
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Nvidia GTX 1060 3GB/ AMD RX 580 4GB
  • Lưu trữ
    20 GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10, 64-bit
  • CPU
    AMD Ryzen 5 1500x Quad-Core
  • RAM
    16 GB
  • GPU
    NVIDA GeForce GTX 1060 6GB
  • Lưu trữ
    20 GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi BLOOBER TEAM. Chơi trên PC.