Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name là tựa game hành động mới nhất trong thương hiệu Yakuza/Like A Dragon của RGG Studio.
Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name đóng vai trò “không hẳn là ngoại truyện” của dòng game, nguyên nhân là do nó xoay quanh câu chuyện của Kiryu, sau sự kiện của Yakuza 6 và song song với Yakuza: Like A Dragon.
Theo nhà phát triển RGG Studio, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name được thực hiện trong vòng 6 tháng, sau khi họ nhận thấy rằng nhiều người bắt đầu với dòng game từ Yakuza: Like A Dragon, có hứng thú với nhân vật Kiryu, và muốn biết thêm về anh.
Vậy, với 6 tháng phát triển , Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name là một trò chơi như thế nào? Chúng ta cùng xem nhé.
NỘI DUNG
Ba năm sau sự kiện của Yakuza 6, cái tên Kiryu Kazuma đã chết, ít nhất là trong đôi mắt công chúng.
Dù mong muốn có một cuộc sống bình yên tránh khỏi bạo lực, Kiryu vẫn không thể đạt được điều đó, vì anh giờ đây là một đặc vụ của tổ chức chính trị ngầm Nhật Bản Daidoji, mang bí danh Joryu.
Nhiệm vụ mới nhất của anh là giám sát việc vận chuyển vàng trái phép bí mật. Tuy nhiên, nhiệm vụ này là một cái bẫy, và Kiryu cùng nhóm đặc vụ Daidoji tham gia đã bị phục kích bởi một nhóm yakuza lạ mặt.
Mục tiêu của chúng là bắt cóc được Hanawa, cấp trên của Joryu. Hơn nữa, chúng dường như cũng biết được Joryu thực sự là ai.
Thành công trong việc đánh đuổi đám yakuza này, Joryu/Kiryu đã quyết định điều tra xem chúng là ai, tại sao chúng lại biết anh, trong một nỗ lực đám bảo rằng cái chết giả của mình không bị bại lộ.
BẠN SẼ THÍCH
Một câu chuyện ngắn mà chất!
Với tổng thời lượng chỉ hơn 6 tiếng, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name đã đưa đến một trong những câu chuyện hay nhất của dòng game, dễ dàng đứng “top 5” trong số các tác phẩm mà RGG Studio từng thực hiện.
Người viết đưa ra kết luận này theo ba điểm sau mà câu chuyện đã làm rất tốt.
Đầu tiên, đó việc câu chuyện của Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name thành công trong việc thiết lập được nhân vật Kiryu là ai đối với những người đã biết đến anh thông qua Yakuza: Like A Dragon, cũng như củng cố thêm những yếu tố trọng điểm của nhân vật sau 18 năm tồn tại.
Cách mà tựa game truyền tải câu chuyện của Kiryu đến người chơi được thực hiện tốt, với một số yếu tố mạch truyện khơi gợi lại những khoảnh khắc nổi bậc trong quá khứ của anh khá là tự nhiên.
Khoảnh khắc cuối cùng của game, có thể nói là một trong những khoảnh quan trọng nhất Kiryu. Nó khiến cho cái kết của tựa game Yakuza 6 (từng được định hình là trò chơi cuối cùng của Kiryu) trở nên hoàn chỉnh hơn.
Thứ hai, đó là bên cạnh kể một câu chuyện có ý nghĩa quan trọng cho nhân vật chính, câu chuyện của Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name cũng được tô điểm thêm nhờ dàn nhân vật phụ và phản diện được xây dựng tốt.
Hanawa (cấp trên của Kiryu tại tổ chức Daidoji), Shisido và Tsuruno (hai thành viên cộm cán của Liên Minh Omi), và Nishitani (thủ lĩnh khu giải trí của xã hội đen The Castle) đều có tính cách riêng biệt, thú vị và các khoảnh khắc đáng nhớ. Song, điểm sáng nhất của dàn nhân vật phụ có lẽ chính là Akame, “tai mắt” của vùng Osaka.
Với chất giọng dân dã, vui tai của vùng Kansai, tính cách hài hước duyên dáng và có nhiều đóng góp to lớn trong cốt truyện, Akame đã nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật yêu thích nhất của người viết trong loạt game, dù cô nàng không hề… tung ra một nắm đấm nào.
Với tổng thời lượng chỉ hơn 6 tiếng, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name đã đưa đến một trong những câu chuyện hay nhất của dòng game
Cuối cùng, đó là việc câu chuyện đã nhấn mạnh rằng cái danh nghĩa của một yakuza không phải là một thứ gì đó vinh quang, hào nhoáng, mà thực chất là một “xiềng xích” trói buộc những con người dính vào nó khỏi một cuộc sống hoàn toàn tự do.
Kiryu, một cựu yakuza huyền thoại, hình ảnh lý tưởng hóa của một gã giang hồ chính là người hiểu rõ điều này hơn ai hết. Trong câu chuyện này, anh sẽ có cơ hội để chính tay mình lật đổ đế chế yakuza.
Dĩ nhiên, Kiryu sẽ phải đối phó với những kẻ không muốn từ bỏ cái danh nghĩa yakuza, và điều này khiến cho câu chuyện càng ý nghĩa hơn với toàn thương hiệu.
Hệ thống chiến đấu “đã tay, đã mắt”!
Tương tự như phần lớn các trò chơi của thương hiệu, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name tiếp tục đưa đến cho người chơi trải nghiệm hành động đánh đấm đã tay, khi Kiryu một mình đối phó với hàng tá kẻ địch.
Trong phần game này, Kiryu sẽ được tiếp cận với hai phong cách chiến đấu: Yakuza và Agent, hai cái tên được chọn như đại diện cho hai bản ngã đang giằng xé anh.
Với Yakuza, Kiryu sẽ sử dụng kỹ năng chiến đấu đã được tôi luyện nhiều năm trên đường phố để đánh gục kẻ địch. Điểm đặc biệt của Yakuza, đó là khả năng dồn lực vào từng đòn đánh, gây sát thương lớn và phá được lớp phòng thủ của địch.
Đối ngược hoàn toàn với Yakuza là Agent, phong cách mà Kiryu có được sau quá trình luyện tập võ thuật với tổ chức Daidoji. Khi sử dụng phong cách này, các đòn thế của Kiryu sẽ mang nặng tính võ thuật cổ truyền đẹp mắt.
Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name tiếp tục đưa đến cho người chơi trải nghiệm hành động đánh đấm đã tay, khi Kiryu một mình đối phó với hàng tá kẻ địch
Tuy nhiên, điểm mạnh thực sự của Agent, đó là việc Kiryu có thể sử dụng những công cụ của một “siêu điệp viên” để hỗ trợ anh trong quá trình chiến đấu, và điều này cũng khiến cho Agent trở thành phong cách mang lối chơi phức tạp hơn.
Chúng bao gồm Spider – chiếc đồng hồ có khả năng phóng dây để trói kẻ địch, Hornet – những con drone tự động bay vào kẻ địch để gây sát thương nhẹ và đánh lạc hướng, Firefly – quả lựu đạn nhỏ gọn được ngụy trang thành điếu thuốc, và cuối cùng là Serpent – đôi giày hỏa tiễn tăng tốc độ tiếp cận kẻ địch (hoặc bỏ trốn).
Yakuza và Agent ban đầu có thể được áp dụng cho hầu hết mọi tình huống, song càng về sau, khi hệ thống nâng cấp được mở rộng, Yakuza sẽ bắt đầu tỏa sáng hơn trong việc chiến đấu với những gã trùm hoặc các tên địch “trâu máu”, trong khi đó Agent sẽ trở thành công cụ hoàn hảo để “làm gỏi” lũ địch đông người. Điều này đem đến những sự lựa chọn mang tính chiến thuật cho người chơi.
Và khi đã làm quen được với cả hai, chúng ta hoàn toàn có thể luân phiên chuyển đối chúng trong trận đấu, để tạo ra các chuỗi combo vừa đẹp vừa mạnh.
Trải nghiệm Yakuza/Like A Dragon trọn vẹn
Dù Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name là một tựa game nhỏ, nó vẫn sở hữu hai yếu tố quen thuộc của thương hiệu: những nhiệm vụ phụ và minigame.
Bối cảnh chính của tựa game lần này là khu phố Sotenbori của Osaka. So với Kamurocho, Sotenbori nhỏ hơn hẳn, nhưng sức sống của nó vẫn có thể được cảm nhận thông qua sự đông đúc người dân, cũng như những người cần giúp đỡ.
Thông qua mạng lưới thông tin của Akame, Kiryu sẽ có thể tiếp cận với người dân nơi đây và lắng nghe câu chuyện của họ, dẫn đến các nhiệm vụ thú vị, và cũng khiến cho người chơi cảm thấy Kiryu như một “người anh hùng của khu phố”.
Về phía minigame, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name có những trải nghiệm quen thuộc như hát karaoke, đánh golf, chơi bi-da, hay đua xe mô hình.
Dù Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name là một tựa game nhỏ, nó vẫn sở hữu hai yếu tố quen thuộc của thương hiệu: những nhiệm vụ phụ và minigame
Mọi chuyện trở nên thú vị hơn, khi Kiryu được tiếp cận với The Castle, khu giải trí dành cho giới xã hội đen nằm trên một chiếc tàu chở hàng ngoài biển.
Tại The Castle, người chơi có thể tham gia đánh võ đài để kiếm thêm tiền, nhưng thú vị hơn, đó là trò chơi cũng cho chúng ta nhập vai vào các nhân vật phụ để chiến đấu. Dẫu cho bộ kỹ năng của các nhân vật này giới hạn, đây vẫn là một sự thêm thắt đáng chú ý.
Điểm thú vị cuối cùng, đó là việc Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name giờ đây cũng đã cho phép người chơi tự phối các bộ cánh mới cho Kiryu một cách tùy thích!
BẠN SẼ GHÉT
Vài điểm trừ nhỏ
Tuy khá là thích Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name, người viết cũng cảm thấy trò chơi có hai khuyết điểm nhỏ.
Đầu tiên, về yếu tố trình bày của trò chơi, cụ thể hơn là các đoạn “cutscene” (cắt cảnh).
Tương tự như nhiều trò chơi khác, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name cũng sử dụng hai hình thức phim cắt cảnh: “cinematic” (các đoạn phim được xây dựng bằng công nghệ dựng hình phim ảnh, với đồ họa bắt mắt) và “in-game” (các đoạn phim sử dụng lại các mô hình nhân vật trong game, thường thô và không hấp dẫn).
Với các phân đoạn quan trọng và kịch tính, game sẽ được RGG Studio thực hiện theo hướng “cinematic” để người chơi xem cho đã, và các đoạn nói chuyện đơn giản thì sử dụng dựng hình trong game (in-game).
Tuy nhiên, do được phát triển với thời gian và kinh phí hạn chế, một số phân đoạn game đáng ra nên được sử dụng phong cách “cinematic” thì lại thực hiện chỉ ở mức “in-game”, khiến cho sự trình bày của trò chơi phần nào giảm đi tính thẩm mỹ.
Thứ hai, đó là việc tựa game buộc người chơi phải thực hiện các hoạt động phụ để có thể tiếp tục mạch truyện chính, nhằm tăng thời lượng chơi.
Cụ thể hơn, sau khi hoàn thành câu chuyện ở một số cột mốc, Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name sẽ yêu cầu chúng ta thực hiện một vài nhiệm vụ phụ của mạng lưới Akame, cũng như đạt được một cấp nhất định ở võ đài tại The Castle.
Tuy việc giàu nội dung phụ là một điểm cộng, người viết cảm thấy nó nên là một thứ mà người chơi có thể tự nguyện thực hiện, và nếu có những ai chỉ quan tâm đến cốt truyện và muốn hoàn thành nhanh nhất, thì họ nên được tự do làm thế.
Do Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name được phát triển với thời gian và kinh phí hạn chế, một số phân đoạn đáng ra nên được sử dụng phong cách cinematic thì lại thực hiện chỉ ở mức in-game