Like A Dragon: Infinite Wealth là phần game mới nhất của thương hiệu Yakuza/Like A Dragon, do nhà phát triển RGG Studio thuộc hãng phát hành SEGA thực hiện.
Do là một trò chơi xoay quanh nhân vật chính mới của dòng game – Ichiban Kasuga, tựa game sẽ mang lối chơi chiến đấu theo lượt, tương tự như Yakuza: Like A Dragon trước đây.
Điểm đáng chú ý khác của Like A Dragon: Infinite Wealth, đó là đây sẽ là tựa game đầu tiên đưa người chơi “du lịch ảo” tại một địa điểm khác ngoài Nhật Bản – cụ thể hơn là thành phố Honolulu của bang Hawaii.
Trải qua hơn 70 giờ đồng hồ chơi, Like A Dragon: Infinite Wealth có thể nói là một Top 3 những tác phẩm hay nhất mà RGG Studio đã tạo ra. Vì sao lại như vậy? Mời bạn hãy cùng điểm qua bài đánh giá sau.
NỘI DUNG
3 năm kể từ sự kiện của trò chơi trước, Ichiban Kasuga giờ đây đang từng bước gầy dựng một cuộc sống ổn định, khi anh trở thành nhân viên của trung tâm giới thiệu việc làm. Mục tiêu của Ichiban, đó là tạo cơ hội cho những cựu yakuza muốn hoàn lương sau khi hai tổ chức tội phạm lớn Omi và Tojo giải thể.
Nhưng, mọi chuyện không ổn định được lâu, thì Ichiban lại bị vướng vào sự cố khác, khi một Vtuber tung tin đồn vu khống rằng anh đang hợp tác với tội phạm để làm điều bất chính. Điều này dĩ nhiên đã khiến cho Ichiban bị mất việc.
Không chỉ vậy, thông qua Sawashiro – cấp trên cũ của Ichiban khi còn là một yakuza – anh được biết rằng mẹ của mình, người mà anh tưởng là đã mất từ lâu – thực chất vẫn còn sống, và hiện đang ở Hawaii.
Dù tâm trạng đang rối bời, Ichiban vẫn quyết định đến Hawaii để tìm mẹ mình. Anh không hề biết rằng mẹ của anh đang là mục tiêu của các băng đảng tội phạm tại Hawaii, cũng như tổ chức tình báo chính trị Daidoji, tổ chức mà Kazuma Kiryu đang là thành viên.
Và như vậy, hai nhân vật chính của chúng ta sẽ hợp tác với nhau trong một cuộc hành trình điều tra về những góc khuất của Hawaii. Đây có lẽ cũng sẽ là cuộc hành trình cuối cùng của Kiryu, vì anh hiện đang mắc căn bệnh ung thư.
BẠN SẼ THÍCH
Một câu chuyện đầy ý nghĩa!
Với Like A Dragon: Infinite Wealth, RGG Studio đã mượn chủ đề chính kịch tội phạm để kể một câu chuyện mang những chủ đề ý nghĩa như sự tha thứ và chuộc tội, đối diện với quá khứ, sống một cuộc sống có ý nghĩa, và nhận ra giá trị của bản thân.
Những chủ đề này được thể hiện một cách rõ ràng nhưng không hề bị gượng ép, chúng được truyền tải thông qua những tuyến nhân vật thích hợp. Chẳng hạn, Ichiban Kasuga, với tính cách tích cực của anh, đại diện cho tư tưởng “đánh người chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, khi anh cố gắng tìm việc làm cho những gã cựu giang hồ muốn tái hòa nhập với xã hội.
Trong khi đó, chủ đề đối diện với qua khứ được thể hiện rõ nhất thông qua câu chuyện của Kiryu, khi anh phải nhìn nhận những quyết định sai lầm trong quá khứ đã để lại hậu quả xấu như thế nào
Hai chủ đề quan trọng này tồn tại song song trong câu chuyện, với thông điệp rằng chỉ khi chúng ta thừa nhận sai lầm trong quá khứ, chúng ta mới có thể nhận được sự tha thứ và bắt đầu sửa sai.
Với Like A Dragon: Infinite Wealth, RGG Studio đã mượn chủ đề chính kịch tội phạm để kể một câu chuyện mang những chủ đề ý nghĩa như sự tha thứ và chuộc tội, đối diện với quá khứ và sống một cuộc sống có ý nghĩa
Tiếp theo đó là sống một cuộc đời trọn vẹn, để khi chúng ta ra đi, chúng ta không chỉ không còn sự tiếc nuối nào, mà còn để cho những người ở lại hạnh phúc vì chúng ta đã là một phần trong cuộc sống của họ. Đây là một chủ đề quan trọng với Kiryu, người đang chết dần vì căn bệnh ung thư quái ác, nhưng cũng áp dụng cho cả Ichiban, người đang làm lại cuộc đời ở tuổi ngoài 40.
Và cuối cùng, đó là nhìn nhận đúng giá trị của bản thân. Thật khó mà để nói về chủ đề này mà không spoiler một nhánh nhiệm vụ phụ của game, nhưng cảm nhận của người viết khi nói về chủ đề này là một sự xúc động, vì nó là sự tổng hợp cho hành trình của Kazuma Kiryu sau gần 19 năm qua.
Dĩ nhiên, câu chuyện của Like A Dragon: Infinite Wealth không hoàn hảo, với một số tình tiết hơi ngớ ngẩn, tiềm năng của một số nhân vật phụ bị lãng phí và một số tình tiết câu chuyện chưa có hồi kết phù hợp, song nhìn chung, người viết vẫn có ấn tượng tốt với câu chuyện mà trò chơi đem đến.
Hệ thống chiến đấu được cải thiện
So với Yakuza: Like A Dragon, hệ thống chiến đấu của Like A Dragon: Infinite Wealth đã được nâng cấp, khiến cho các trận đấu tạo cảm giác mạnh mẽ, năng động và hưng phấn hơn.
Sự cải thiện đầu tiên phải kể đến việc các nhân vật giờ đây đã có thể di chuyển tự do trong một khu vực nhất định. Đây là điểm yếu khiến nhiều người chơi không thích tựa game trước và nó đã trở thành thứ mà người viết để tâm đến đầu tiên khi chơi game.
Việc được tự do di chuyển cho phép người chơi có thể định hướng các đòn đánh của mình, nhặt vật dụng ven đường làm vũ khí, hoặc tung các đòn phối hợp với đồng đội. Các nhân vật càng lên cấp cao, thì độ rộng của diện tích mà họ có thể di chuyển càng tăng, và điều này sẽ tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn mang tính chiến thuật hơn nữa.
Thứ hai, đó là việc các hiệu ứng của đòn đánh cũng được biểu hiện cụ thể hơn. Chẳng hạn, với các đòn đánh có thuộc tính “knockback” (hất văng kẻ địch), thì chúng ta có thể biết kẻ địch bị hất đi hướng nào và tận dụng điều đó để gây thêm sát thương bằng cách hất chúng vào đồng bọn, hoặc các thể trên đường như thùng ga, bảng quảng cáo…
Việc hất kẻ địch còn thú vị hơn nếu như chúng ta hất chúng vào đồng đội của mình để thực hiện các đợt tấn công cộng tác, như thể là “chơi bóng bàn” với chính kẻ địch vậy.
Nhưng, cái đáng chú ý nhất trong hệ thống chiến đấu của Like A Dragon: Infinite Wealth, đó là cách mà trò chơi gột tả được lối chiến đấu tả xung hữu đột, đánh đấm loạn xạ (beat em up) của Kiryu vào lối chơi chiến đấu theo lượt.
So với Yakuza: Like A Dragon, hệ thống chiến đấu của Like A Dragon: Infinite Wealth đã được nâng cấp, khiến cho các trận đấu tạo cảm giác mạnh mẽ, năng động hưng phấn
Với sức khỏe suy yếu do căn bệnh ung thư, Kiryu không còn khả năng chiến đấu mạnh mẽ như xưa nữa mà phải trông cậy vào sự trợ giúp của đồng đội. Dù là vậy, anh vẫn có thể sử dụng cơn thịnh nộ của mình để kích hoạt Dragon’s Resurgence, một chế độ cho phép anh đánh đấm tự do như các trò chơi trước đây vậy.
Tuy chỉ hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, song Dragon’s Resurgence đã tạo một cảm giác tương phản rất tốt với các nhân vật khác của nhóm, nó cho thấy rằng Kiryu thực sự mạnh hơn các thành viên khác trong đội như thế nào.
Hệ thống nghề nghiệp của trò chơi cũng được cải thiện rõ rệt. Số lượng nghề nghiệp không những tăng lên, mà còn được cân bằng hơn, với hầu hết các nghề đều có công cụ hữu dụng riêng.
Vẫn còn một số yếu tố khác thú vị về cơ chế chiến đấu mà người viết chưa đề cập đến, nhưng nhìn chung, RGG Studio không chỉ khắc phục yếu điểm, mà còn cải thiện hoàn toàn cơ chế chiến đấu của trò chơi.
Hawaii, đẹp, nhưng không phải thiên đường
Địa điểm mới mà Like A Dragon: Infinite Wealth đưa đến cho người chơi, đó là thành phố Honolulu thuộc bang Hawaii nổi tiếng của Mỹ.
Sự xuất hiện của Hawaii đánh dấu một cột mốc đáng nhớ của dòng game, đó là việc nhà phát triển RGG Studio đã đem tựa game của họ ra ngoài Nhật Bản, đem đến một luồn không khí du lịch ảo mới.
Dĩ nhiên, thành phố Honolulu của tựa game đã được cải biên lại để phù hợp với phong cách của RGG Studio hơn, đó là thu nhỏ lại đôi chút, nhưng bù đắp lại bằng mật độ của các cửa hàng, quán ăn mà chúng ta có thể bước vào để trải nghiệm văn hóa.
Gọi là thu nhỏ thế thôi, nhưng thực chất Honolulu vẫn lớn gấp ba lần khu phố Ijincho (và gấp 6 lần Kamurocho), vì thế, RGG Studio cũng đã cấp cho Ichiban và “đồng bọn” những chiếc xe segway để tiết kiệm thời gian dạo phố.
Điểm đáng chú ý của Honolulu đối với người viết, đó là việc nó trái ngược với Ijincho và Kamurocho vào thời điểm đẹp nhất. Nếu như hai khu phố của Nhật Bản tỏa sáng khi về đêm, với ánh đèn neon khắp nơi, thì Honolulu đẹp nhất là vào ban ngày, khi chúng ta có thể nhìn rõ bãi biển xanh, cát trắng, và những tán cây dừa ở khắp mọi nơi.
Sự xuất hiện của Hawaii đánh dấu một cột mốc đáng nhớ của dòng game, đó là việc nhà phát triển RGG Studio đã đem tựa game của họ ra ngoài Nhật Bản, đem đến một luồn không khí du lịch ảo mới
Nhưng, nếu Honolulu đẹp như thế, thì tại sao lại không phải thiên đường? Nguyên nhân là do nhà phát triển RGG Studio cũng không ngại trong việc “nói xấu” Honolulu, tương tự như cách mà họ thể hiện mặt tối của các khu phố Nhật Bản vậy.
Cụ thể hơn, Like A Dragon: Infinite Wealth đã đề cập đến việc Hawaii là một trong những bang có tỉ lệ người vô gia cư cao nhất nước Mỹ, dẫn đến sự tồn tại của các khu ổ chuột, và gián tiếp đẩy đưa những mảnh đời vào cuộc sống tội phạm.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự khai thác quá nặng nề vào kinh tế du lịch, khiến cho vật giá tăng cao đối với những người sống địa phương. Đây là điều mà sau khi studio làm game tham khảo ý kiến của những người từng sống tại Hawaii, họ đều xác nhận là sự thật.
Việc đưa ra cho người chơi, nhất là những người chưa từng được đặt chân đến Hawaii một sự trông đợi thực tế về nơi mà các bộ phim Mỹ thường thể hiện là “thiên đường”, thực sự là một điều tốt.
Cuối cùng, đó là như bao tựa game Yakuza/Like A Dragon khác, Hawaii cũng sẽ chứa đầy những con người có vấn đề khác nhau, dẫn đến các câu chuyện nhỏ thú vị, hài hước nhưng cũng đầy cảm xúc.
Hoạt động phụ thú vị!
Là một tựa game thuộc thương hiệu Yakuza/Like A Dragon, Like A Dragon: Infinite Wealth dĩ nhiên cũng chưa hàng tá các trò chơi nhỏ để người chơi “hạ nhiệt” sau hàng giờ đấm nhau với những tên giang hồ và theo dõi cốt truyện.
Như thường lệ, chúng ta có karaoke, đi chơi game tại khu giải trí, đánh golf, bóng chày, đánh bài các loại, cũng như một số hoạt động mới như hẹn hò qua điện thoại, giao thức ăn nhanh với Crazy Delivery.
Tất cả các hoạt động này đều thú vị theo cách thư giãn hoặc hài hước, nhưng với người viết, hai điểm nhấn thực sự của hoạt động phụ trong Like A Dragon: Infinite Wealth chính là minigame Dodonko Island và Sujimon.
Dodonko Island là một trò chơi nhỏ xoay quanh việc Ichiban “hồi sinh” một hòn đảo nhỏ đang được sử dụng làm bãi rác vô tội vạ trở thành một hòn khu nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp 5 sao.
Để làm được điều này, anh sẽ phải khai thác tài nguyên tự nhiên của hòn đảo, săn bắt thú vật, tự tay xây dựng lên những địa điểm nghỉ chân cho khách hàng và chống chọi với những kẻ phá đám trong các trận chiến thơi gian thực.
Thứ khiến cho người viết khá là ghiền minigame này, đó là do nó có vòng lặp cơ chế chơi khá tốt. Cứ mỗi ngày trên đảo, minigame sẽ ra nhiệm vụ cho chúng ta phải xây thứ này, bắt con kia, khai thác vật phẩm nọ, với phần thưởng tương ứng với độ khó của nhiệm vụ. Càng chơi, người viết càng có cảm giác “thôi, ráng xây xong thêm 1 tòa nhà rồi nghỉ, ráng bắt thêm con này rồi nghỉ, ráng cày thêm 1 ngày rồi nghỉ…” và cái kết là mất 10 giờ đồng hồ vào minigame.
Và phần thưởng cho minigame này, chính là một nguồn thu nhập đáng kể, khiến cho việc nâng cấp vũ khí trở nên dễ dàng hơn.
Tất cả các hoạt động này đều có thể đưa đến cảm giác thư giãn hoặc hài hước, nhưng với người viết, hai điểm nhấn thực sự của hoạt động phụ trong Like A Dragon: Infinite Wealth chính là minigame Dodonko Island và Sujimon.
Sujimon Batlle, về cơ bản là một giải đấu võ đài ngầm theo đội cho các tay giang hồ, nhưng cái thú vị ở đây, đó là nó lại được tổ chức theo phong cách hài hước dựa trên… Pokemon.
Thay vì đích thân chinh chiến võ đài này, Ichiban sẽ phải thu thập các võ sĩ mà anh thích thông qua những trận chiến đường phố, luyện tập họ và đưa họ vào giải đấu để khẳng định bản thân rằng mình là huấn luyện viên giỏi nhất.
Minigame Sujimon Battle sở hữu độ sâu vừa phải với các cơ chế như thuộc tính Sujimon “khắc” nhau, thu phục Sujimon xịn dễ dàng hơn bằng nhưng vật phẩm xịn, hay thậm chí là luyện tập Sujimon trên đảo Dodonko hoặc dùng họ để làm lực lượng lao động trên đảo Dondonko.
Phần thưởng của Sujimon Battle, đó là Ichiban sẽ có thể tiếp cận được với nghề Sujimancer. Đây là một nghề có tính đa dụng cao, một phần thưởng cực kì đáng giá để khích lệ người chơi cho một minigame thú vị!