Skip to content

Street Fighter 6 – Đánh Giá Game

Street Fighter 6

Street Fighter 6 – Chán ngấy với những pha hù dọa kinh dị trong Amnesia: The Bunker? Buồn ngủ với những giờ phút “cày” kinh nghiệm và trang bị cho các nhân vật của mình trong Diablo IV? Mong muốn đến một thế giới tươi sáng hơn, vui vẻ hơn và mang tính cộng đồng nhiều hơn?

Thế là bạn đã đến đúng chỗ rồi đấy! Chào mừng đến thế giới của Street Fighter 6, phiên bản mới nhất của dòng game đối kháng trứ danh đến từ Capcom.

Ra mắt vào đầu tháng 6, cùng thời điểm với tên tuổi lớn Diablo IV, đánh dấu bước ngoặc của dòng game khi chuyển từ engine Unreal sang engine “nhà làm” trứ danh RE Engine (engine “hậu duệ” của MT Framework, được thiết kế ban đầu cho Resident Evil 7, về sau dùng cho một số game của Capcom như Devil May Cry 5Monster Hunter Rise – NV), Street Fighter 6 khoác lên mình bộ cánh mới, cùng nhiều thay đổi vượt bậc trong phong cách chơi của mình.

Nào, hãy cùng Vietgame.asia đến với sàn đấu mới của Street Fighter 6 và thưởng thức những trận đấu “khét lẹt” qua bài đánh giá sau đây!

BẠN SẼ THÍCH

18 nhân vật, nửa lạ nửa quen!

Nói đến game đối kháng mà không đề cập đến các nhân vật mà người chơi có thể lựa chọn là một thiếu sót nặng nề. Việc quyết định thành hay bại của một trò chơi đối kháng hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn nhân vật ra mắt, cũng như cách xây dựng bảng chiêu thức, kỹ năng của họ ở nơi hãng phát triển.

Ví dụ điển hình nhất của vấn đề này là phiên bản game The King of Fighters XII ra mắt rồi “chìm nghỉm” ngay lập tức của SNK vào năm 2003. Và tất nhiên, Street Fighter 6 cùng hãng phát triển nhiều năm kinh nghiệm, Capcom, đã không đi vào vết xe đổ này.

Game giới thiệu 18 nhân vật. Trong số đó hết 1/3 là những gương mặt mới toanh, bên cạnh các nhân vật đã từng xuất hiện trong các phiên bản game trước đó. Con số này so với những phiên bản tiền nhiệm trước đó, nằm ở mức… trung bình khi Capcom đã từng phát hành những bản Street Fighter với số lượng nhân vật mới còn nhiều hơn nữa.

Dù vậy, sau khi trải nghiệm qua 6 nhân vật mới này thì người viết mới cảm nhận được hãng phát triển đã nghiên cứu và xây dựng họ một cách kỹ lưỡng. Ngoại trừ hình ảnh không thể nào mà chê được, 6 nhân vật mới này chính là nòng cốt “làm mới” cho dòng game đối kháng gạo cội đã ngót nghét trên 35 năm tuổi!

Bên cạnh những nhân vật quen thuộc như Ryu, Ken, Chun-Li với lối chơi quen thuộc, làm điểm tựa cho game thủ cả cũ lẫn mới của dòng Street Fighter, thì các nhân vật Jamie, Kimberley, Lily, JP, Marisa hay Manon đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.

Ví dụ như Kimberley có lối chơi “rushdown”, tấn công dồn dập tương tự như nhân vật Ibuki trong phiên bản trước, nhưng lại tinh ranh và khó chịu hơn, đặc biệt là khi ép địch thủ vào góc tường, nhân vật này lại có nhiều đòn hay thế đánh khó đoán (mix-ups).

Manon thì đặc biệt hơn với phong cách lai tạp giữa Judo và võ thuật tự học, Maron đặc biệt ở việc cô dù được xếp loại là một đấu thủ sử dụng đòn vật (grappler) như Zangief nhưng cô có tầm đánh xa nhờ những chiêu thức đặc biệt cũng như tay – chân dài.

Bên cạnh đó, Ryu hay Ken vẫn là những cái tên quen thuộc dành cho những ai đã từng chơi qua dòng game Street Fighter trước đó, với lối đánh đã được thuộc lòng thuần thục. Tất nhiên, các nhân vật cũ này cũng có những đòn thế mới, cũng như đặc tính mới nhằm giúp họ phù hợp hơn với hệ thống chiến đấu mới của Street Fighter 6.

Ngoại trừ hình ảnh không thể nào mà chê được, 6 nhân vật mới này chính là nòng cốt “làm mới” cho dòng game đối kháng gạo cội


Phong cách bao – búa – kéo với Drive System

Điểm khác biệt của Street Fighter 6 so với các bản tiền nhiệm không nằm ở việc hình ảnh game mịn mà và đẹp hơn, hay nằm ở việc những đòn đánh được gợi tả đầy mạnh mẽ, lực và nhuần nhuyễn hơn, mà nằm chính yếu ở hệ thống chiến đấu Drive System mới mẽ này.

Hệ thống này có giao thức hoạt động tương tự như nhiều hệ thống khác của các game Street Fighter trước đó nhưng thêm thắt nhiều yếu tố đáng kể.

Đầu tiên là sự xuất hiện của thanh năng lượng Drive (hay Drive Gauge). Thanh năng lượng này được dùng để “lên dây cót” cho các đòn đánh sử dụng Drive như Drive Impact, Drive Parry, Drive Rush, Drive Reverse, Overdrive.

Thanh Drive khi sử dụng, tùy theo chiêu thức, sẽ mất từ một đến ba gạch (bar). Sau khi xài hết thanh thì nhân vật sẽ rơi vào trạng thái Burnout và sẽ chịu một số trạng thái bất lợi như dễ bị “block string” từ đòn đánh đối thủ (tức khi đỡ đòn thì chậm hồi thế hơn trước đó), không sử dụng được các kỹ năng Drive Impact, Parry, Overdrive, di chuyển chậm hơn, đòn đánh yếu hơn và đặc biệt hơn là nếu như bị ép góc, dính đòn Drive Impact của đối phương khiến rơi vào tình trạng “wall splat”, thì nhân vật sẽ bị choáng, không cử động được.

Tất nhiên, trạng thái này sẽ qua đi sau khi thanh Drive hồi đầy đủ. Việc người chơi phải vừa quản lý thanh năng lượng truyền thống để ra đòn tuyệt chiêu, vừa phải quản lý thanh Drive, vừa phải… quản lý cả thanh máu của mình để chiến thắng, nghe qua thì khá rối rắm, nhưng chúng được kết hợp tự nhiên với lối chơi đối kháng truyền thống của Street Fighter 6, khiến cho mạch trận đấu trở nên mới lạ!

Các đòn đánh như Drive Impact, Drive Parry hay Drive Rus tựu trung đều đã xuất hiện trong các bản game tiền nhiệm, chỉ là được đặt dưới cái tên khác.

Drive Impact hoạt động tương tự Focus Attack trong Street Fighter 4, nhân vật “gồng” thế đánh một đòn, và tùy theo phản ứng của địch thủ mà có những trạng thái khác nhau. Tựu chung lại là khi dính đòn, phần lớn địch thủ sẽ rơi vào trạng thái bất lợi như bị choáng, bị dội tường (wall splat) hay bị khuỵu, mất thế. Drive Impact còn có thể giúp đỡ một đòn nếu như địch thủ đã ra đòn trước, và giúp nhân vật phản kích lại một cách dễ dàng hơn nếu đánh trúng.

Nhìn chung, Drive Impact là một chức năng mạnh mẽ cả về công lẫn thủ, cơ chế hoạt động đơn giản và sử dụng cũng dễ dàng, điểm trừ lớn nhất là nhân vật sẽ bị mất một gạch của thanh Drive.

Tuy nhiên, Street Fighter là một dòng game có truyền thống đặt nặng vào xu hướng bao – búa – kèo trong đối kháng, và ở phiên bản này cũng như thế. Drive Impact thực sự lợi hại nhưng game cũng đưa ra nhiều lựa chọn để đối kháng nó, đó là Drive Parry, xài chiêu Super, nhảy né, xài Drive Impact để đối kháng lại hay đơn giản là đỡ chúng.

Lựa chọn mà phần lớn người chơi sẽ chọn là sử dụng Drive Impact để đỡ đòn Drive Impact của đối phương, đồng thời đánh lại làm cho địch thủ rơi vào trạng thái “rumble” (khuỵu thế). Tuy nhiên, lựa chọn trên chỉ có thể tối ưu nếu như bạn nắm được rằng đối thủ sẽ ra đòn Drive Impact, còn nếu không nắm được thì bạn sẽ ăn “hành” ngược lại.

Điểm khác biệt của Street Fighter 6 so với các bản tiền nhiệm không nằm ở việc hình ảnh game mịn mà và đẹp hơn, hay nằm ở việc những đòn đánh được gợi tả đầy mạnh mẽ, lực và nhuần nhuyễn hơn, mà nằm chính yếu ở hệ thống chiến đấu Drive System mới mẽ này

Bên cạnh lựa chọn trên thì còn một lựa chọn thông minh hơn là sử dụng Super, nếu như thanh Super của bạn đầy. Và một lựa chọn tuyệt vời hơn là Drive Parry.

Drive Parry giúp cho nhân vật đỡ đòn của đối phương mà không chịu sát thương, chỉ tốn một chút xíu thanh Drive, hiệu ứng bắt mắt, sảng khoái và đã hơn việc chỉ nhấn nút Lùi để đỡ đòn bình thường. Drive Parry đặc biệt ở chỗ dù cho bạn chỉ là một tên “gà” trong lĩnh vực đối kháng vẫn có thể thi triển được.

Tất nhiên, nếu như canh sử dụng Drive Parry đúng lúc đối thủ ra đòn trúng bạn được thì tốt hơn khi nó giúp nhân vật hồi thanh Drive. Nghe qua thì Drive Parry khá “op”, nhưng nó lại khiến nhân vật dễ bị “đập” với các đòn vật. Khi bị dính đòn vật, nhân vật bị mất một gạch Drive, cũng như chịu sát thương cao hơn, cũng như không có ngồi dậy nhanh được.


Nhiều mục chơi phong phú

Mặc dù game hứa hẹn sẽ có nhiều bản DLC mở rộng thêm đội ngũ nhân vật của game, Street Fighter 6 đưa ra nhiều lựa chọn phong phú để người chơi trải nghiệm thông qua ba mục chơi: Battle Hub, World Tour và Fighting Ground.

Fighting Ground, đơn giản là nơi để người chơi tập luyện, đánh màn đơn Arcade để tìm điểm và mở hình nhân vật. Nói chung là tương tự những gì mà Street Fighter 5 đã từng làm.

World Tour là một mục chơi mới, người chơi sẽ tạo một nhân vật của riêng mình tham gia vào thế giới Street Fighter, đi tham quan, ngắm cảnh và… đánh “street fight” với các nhân vật khác, cũng như lên kỹ năng, học chiêu thức mới từ các sư phụ của mình như Ryu, Luke, Ken hay Honda, Chun-Li.

Nhìn chung, đây là một mục chơi hoàn toàn mới lạ, vui với nhiều hoạt động “ngoại khóa” phong phú. Game cho người chơi đi khắp các nước trong thế giới Street Fighter như Mỹ với Metro City, Ý hay Pháp, và vân vân các nơi khác được hứa hẹn sẽ mở ra trong tương lai.

Đánh nhau trong World Tour cũng giúp cho người chơi “cày” điểm và tiền tệ để mua quần áo, trang sức cho nhân vật riêng của mình.

World Tour là một mục chơi mới, người chơi sẽ tạo một nhân vật của riêng mình tham gia vào thế giới Street Fighter

Và một điểm hay nữa là nhân vật bạn “làm ra” có thể mang ra thi đấu ở mục Avatar Battle trong Battle Hub. Battle Hub giống như một điểm chơi mạng online của Street Fighter 6, nơi mà bạn cùng hàng ngàn nhưng game thủ online khác tụ hội trong một mái nhà chung.

Battle Hub được xây dựng như một sân chơi lớn với hàng chục những cỗ máy arcade được xếp hàng. Nó tạo một không khí của một địa điểm chơi arcade thường thấy trong các tụ điểm game hay siêu thị thời xưa, nơi mà bất cứ ai cũng có thể bước vào và tìm lấy một máy chơi game để chờ hay thách đấu với người chơi khác.

Battle Hub về cốt lõi là mục chơi mạng của game, nhưng được sắp đặt “màu mè” hơn. Điểm hay là những chi tiết “màu mè” trên tạo một phong cách mới lạ cho trò chơi.

Cái cảm giác đặt chân vào một quán game arcade, nhìn người chơi khác chơi game để đánh giá trình độ rồi chat chit, thách thức nhau trong các cuộc đấu đối kháng là một cảm giác thú vị khó tả. Điều này được thể hiện khá chân thực thông qua Street Fighter 6.

Tất nhiên, cảm giác chơi trong game không bằng với cảm giác ngoài đời thực nhưng nó còn tốt hơn là… không có.


Một tựa game đối kháng HOÀN HẢO!

Khi nào một tựa game đối kháng được cho là hoàn hảo? Khi nó có một hệ thống đối kháng thú vị? Khi các nhân vật đánh đã tay? Chơi mạng không lag? Hình ảnh đẹp? Âm thanh xuất sắc? Khi ai cũng có thể chơi được? Rất ít những tựa game đối kháng trên thị trường có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, Street Fighter 6 lại làm được điều này.

Game gần như không có lỗi. Trong suốt quá trình chơi, game không có bị “crash” (văng ra ngoài), hình ảnh đẹp và sống động mà không hề có sự giảm khựng khung hình. Hình ảnh nhân vật được chải chuốt tỉ mỉ cho đến tận những vết bầm, vết xước khi bị dính đòn. Phần chơi mạng thì lại cực kỳ ổn định với “netcode” gần như vào hàng đỉnh. Bạn có thể ngồi nhà và thi thố với bất cứ ai ở Nhật Bản, hay châu Mỹ mà không cảm thấy mình bị trễ mạng hay lag hay bị văng màn!

Ngoài ra, game giới thiệu ba chế độ điều khiển: Classic, Modern và Dynamic. Classic dành cho những ai đã chơi qua Street Fighter, quen thuộc với hệ thống 6 nút đánh truyền thống cùng việc thi triển chiêu thức bằng các tổ hợp phím.

Modern thu ngắn lại, với 4 nút đánh, cho phép người chơi tung chiêu chỉ với một nút bấm SP. Tất nhiên, người sử dụng Modern không có nhiều lựa chọn trong việc tung chiêu mạnh hay yếu, cũng như sẽ bị giảm sức sát thương khi thi thố trên mạng online với người chơi khác. Tuy vậy, chế độ điều khiển Modern giúp cho những ai có sức phản ứng chậm hơn những người khác, hay chưa làm quen được với việc ra chiêu thức như hệ thống Classic, tiếp cận với trò chơi dễ dàng và nhanh hơn.

Dynamic là hệ thống điều khiển dành cho những ai thích… bấm bậy bạ tất cả các nút, những ai mà trước giờ chưa từng chơi game đối kháng tí nào cả. Đây là hệ thống dành cho những ai đang chơi Street Fighter 6 mà muốn… con mèo ở nhà bạn chơi chung.

Bằng việc lựa chọn Dynamic này, người chơi chỉ cần ấn một nút là có thể thi triển những đòn combo đẹp mắt tùy theo khoảng cách của nhân vật. Hệ thống điều khiển này nhìn chung khá thông minh, đưa ra những tình huống đẹp mắt và mãn nhãn, nhất là dành cho những ai chẳng biết gì về game đối kháng cả.

Tất nhiên, Dynamic không được phép sử dụng trong các trận chiến online hay Rank, nơi đòi hỏi kỹ năng hơn sự bấm nút bậy bạ. Dù vậy, việc có mặt của nó trong game giúp cho những ai bước đầu tập tành chơi Street Fighter đều có thể làm quen với game một cách nhanh nhất có thể, thu hút thêm người chơi mới, điều mà nhiều game đối kháng vẫn chưa làm thành công từ trước đến giờ.

Game gần như không có lỗi. Trong suốt quá trình chơi, game không có bị “crash” (văng ra ngoài), hình ảnh đẹp và sống động mà không hề có sự giảm khựng khung hình

Bạch kim 10

Một tựa game đối kháng hoàn hảo, đó là Street Fighter 6. Game chẳng có gì để chê cả, ngay cả khi người chơi là một người khó tính nhất hay chỉ là một "tay mơ" mới làm quen.

Với hứa hẹn sẽ thêm nhiều nhân vật mới trong tương lai, Street Fighter 6 chắc chắn sẽ là tượng đài mới trong làng game đối kháng trong các năm tới, tất nhiên, cho tới khi phiên bản mới xuất hiện.

Thông tin

  • Street Fighter 6
  • Nhà phát triển
    Capcom
  • Nhà phát hành
    Capcom
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    01/06/2023
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 (64 bit)/Windows 11 (64 bit)
  • CPU
    Intel Core i7 8700 / AMD Ryzen 5 3600
  • RAM
    16GB
  • GPU
    RTX2070 / Radeon RX 5700XT
  • Lưu trữ
    60GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Capcom. Chơi trên PC.