Like A Dragon: Ishin! – Vào năm 2014, nhà phát triển RGG Studio – nổi tiếng với thương hiệu Yakuza – đã ra mắt một tựa game là Ryu Ga Gotoku: Ishin!
Đây là một trò chơi mang tính “ngoại truyện” của thương hiệu, diễn ra vào năm 1867, giai đoạn gần cuối của chế độ võ sĩ đạo (samurai).
Do ra mắt trong giai đoạn thương hiệu Yakuza “thất thu” trên thị trường thế giới, Ryu Ga Gotoku: Ishin! đã không được SEGA phát hành tiếng Anh.
Tuy nhiên, với việc thương hiệu Yakuza đã lớn mạnh hơn trong những năm gần đây, RGG Studio đã quyết định đưa Ishin! đến toàn thế giới, thông qua việc… làm lại trò chơi trên nền đồ họa Unreal Engine 4.
Giờ đây, với việc Like A Dragon: Ishin! đã chính thức ra mắt, chúng ta hãy cùng xem liệu tựa game có đưa đến một trải nghiệm như mong đợi không nhé!
NỘI DUNG
Sau một năm luyện kiếm thuật tại Edo, Sakamoto Ryoma đã trở về quê nhà tại tỉnh Tosa để gặp lại cha nuôi Yoshida Toyo (Quan chức của Tosa) và huynh đệ kết nghĩa Takechi Hanpeita (Lãnh đạo Đảng Cần Vương Tosa). Cùng với nhau, họ dự định sẽ đàm phán và dùng áp lực số đông để kết thúc chế độ phân biệt giai cấp nặng nề của tỉnh.
Nhưng, trước khi kế hoạch có thể được thực hiện, Yoshida Toyo đã bị ám sát bởi một thích khách. Với kỹ năng kiếm thuật thượng thừa, hắn đã có thể đánh bại Sakamoto Ryoma và Takechi Hanpeita trước khi bỏ trốn.
Mọi chuyện còn tệ hơn với Ryoma, do là một samurai cấp thấp ở bên cạnh Toyo khi ông bị ám sát, đã bị gán tội giết quan chức. Không còn cách nào khác, Ryoma đành phải chạy trốn khỏi quê nhà Tosa, với hy vọng tìm được tay thích khách kia để lấy lại công lý cha mình.
Manh mối duy nhất mà Ryoma có, đó là tay thích khách bí ẩn đã sử dụng kiếm phái Tennen Rishin, kiếm phái được huấn luyện cho các thành viên của Shinsengumi, lực lượng cảnh sát được thành lập để trấn áp các thế lực chống đối Mạc Phủ Tokugawa.
Và như thế, Sakamoto Ryoma đã quyết định thâm nhập vào tổ chức này với bí danh Saito Hajime, và trong cuộc hành trình tìm kiếm sự thật của mình, hành động của anh sẽ dẫn đến sự thay đổi của lịch sử tiến triển Nhật Bản.
BẠN SẼ THÍCH
MỘT CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ CUỐN HÚT
Tương tự như một số trò chơi trước đây của thương hiệu Yakuza, Like A Dragon: Ishin! kể một câu chuyện về sự phản bội, xung đột trong lý tưởng và tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử mà RGG Studio chọn cho Like A Dragon: Ishin! đã cho họ cơ hội để kể một câu chuyện hơi khác thông thường.
Diễn ra ở thời điểm khi xung đột nội bộ và chính trị của Nhật Bản đang đỉnh điểm, câu chuyện của Like A Dragon: Ishin! không hề liên quan đến giới tội phạm, mà là xoay quanh sự tranh giành quyền lực điều khiển tương lai đất nước.
Thông qua việc sử dụng những tuyến nhân vật được xây dựng tốt làm trọng tâm, RGG Studio đã có thể đưa đến một câu chuyện hấp dẫn, kết hợp tốt yếu tố con người và chính trị lịch sử.
Sakamoto Ryoma, được hóa thân bởi Kiryu Kazuma, là một con người trọng tình nghĩa, công lý, có phần hơi cứng đầu và không cho phép mình làm điều xấu để đạt mục tiêu. Lý tưởng đúng đắn của Ryoma đã đưa cuộc hành trình của anh từ mục tiêu đơn giản biến thành một câu chuyện lì kì.
Giai đoạn lịch sử mà RGG Studio chọn cho Like A Dragon: Ishin! đã cho họ cơ hội để kể một câu chuyện khác thông thường
Bên cạnh đó, những cái tên quen thuộc như Majima, Saejima, Ryuji cũng vào vai của nhân vật lịch sử là Okita Soji, Nagakura Shinpachi và Saigō Kichinosuke. Đặc điểm và tính cách độc nhất của họ gần như là được giữ nguyên từ các trò chơi Yakuza, và điều này khiến cho các cuộc đối mặt – dù là trò chuyện hay đọ kiếm – trở nên hấp dẫn!
Nếu như đã đọc mục nội dung, chắc hẳn bạn sẽ thấy rằng RGG Studio đã biến tấu các tình tiết lịch sử để đưa đến những khoảnh khắc kịch tính trong Like A Dragon: Ishin!. Người viết cảm thấy rằng tình tiết không hề được biến tấu một cách vô tội vạ, mà nó được dàn dựng khéo léo để phù hợp với các tuyến nhân vật của trò chơi, đưa đến những khoảnh khắc cao trào đáng nhớ.
Nhìn chung, ngay cả khi nắm được giai thoại của Sakamoto Ryoma và tổ chức Shinsengumi, câu chuyện của trò chơi vẫn đưa đến cho người viết nhiều bất ngờ.
Một điều cần phải nói, đó là câu chuyện của Like A Dragon: Ishin! có phần hơi chậm ở giai đoạn đầu, với 4 chương đầu tiên được dùng để thiết lập bối cảnh, các phe, đảng, cũng như những nhân vật quan trọng.
Thi thoảng, Like A Dragon: Ishin! sẽ có những từ hoặc cụm từ mà người chơi có thể sẽ không hiểu, nhưng với chức năng “Glossary” (Giải thích thuật ngữ) tựa game, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về trò chơi.
Tuy nhiên, sau khi 4 chương mang tính chất xây dựng kết thúc, những chương tiếp theo gắn kết các mảnh ghép của câu chuyện với nhau, đưa đến một trải nghiệm cuốn hút, khiến người chơi tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
MỘT HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU ĐA DẠNG!
Với sự phối hợp của súng, kiếm và võ thuật, Like A Dragon: Ishin! đã đưa đến cho người chơi một hệ thống chiến đấu khá thú vị, với bốn phong cách khác nhau để tạo sự đa dạng.
Đầu tiên là Swordman (kiếm sĩ), cho phép người chơi sử dụng thanh gươm trên hông để thực hiện các đường chém lả lướt.
Với khả năng phòng thủ tốt và các chuỗi combo dễ thực hiện, Swordman là phong cách lý tưởng cho những cuộc đối đầu một chọi một, đúng với phong cách của samurai được khắc họa trong các tác phẩm jidaigeki.
Đối ngược hoàn toàn với Swordman là Gunman (xạ thủ), khi Sakamoto Ryoma sử dụng khẩu súng lục của mình để nhả đạn vào kẻ địch từ khoảng cách an toàn.
Nhưng sử dụng súng không có nghĩa người chơi sẽ chỉ “chĩa và bắn” một cách nhàm chán, bởi vì phong cách này cũng có một số động tác lấy cảm hứng từ “gun-fu” và cao bồi miền Viễn Tây.
Thứ ba, là Wild Dancer (vũ điệu hoang dã). Với cái tên khá mỹ miều, Wild Dancer cũng là phong cách thú vị nhất trong trò chơi, khi Ryoma một tay cầm súng, một tay cầm kiếm, phối hợp cả hai để triệt hạ kẻ địch, như Nero của Devil May Cry vậy.
Tuy nhiên, điểm trừ của Wild Dancer, đó là không có khả năng phòng thủ, khiến nó trở thành lối chiến đấu cần nhiều kỹ năng nhất để tận dụng hiệu quả.
Cuối cùng, đó là Brawler, phong cách đánh đấm tay không quen thuộc của các tựa game Yakuza. Việc sử dụng tay không khi hầu hết kẻ địch đều có vũ khí thoạt đầu nghe có vẻ bất lợi, nhưng với các ngón đòn võ thuật, Sakamoto Ryoma vẫn là một thế lực đáng gờm.
Điểm mạnh nhất của Brawler, đó là việc Ryoma có thể chuyển hướng đòn của kẻ địch khi phòng thủ đúng lúc, dù kẻ địch có đang cầm kiếm đi nữa. Kỹ năng này tạo cơ hội tốt để phản đòn các đối thủ thích tấn công dồn dập.
Với sự phối hợp của súng, kiếm và võ thuật, Like A Dragon: Ishin! đã đưa đến cho người chơi một hệ thống chiến đấu khá thú vị, với bốn phong cách khác nhau để tạo sự đa dạng
Cả bốn phong cách đều đi kèm với một hệ thống nâng cấp có chiều sâu, và các sư phụ rải rác khắp thành phố để Ryoma học thêm kỹ năng mới.
Bên cạnh bốn lối đánh chủ đạo trên, Ryoma cũng có thể trang bị cho mình những món vũ khí phụ như trường kiếm (nodachi), giáo, đại bác cầm tay, hay chỉ đơn thuần là nhặt những vật dụng trên đường.
Các loại vũ khí phụ không đi kèm với nhiều chiêu thức, nhưng chúng vẫn thực hiện tốt trong vai trò “đổi gió” cho người chơi.
Và dĩ nhiên, đã nhắc đến yếu tố chiến đấu của thương hiệu Yakuza thì không thể nào bỏ qua các “Heat Action”, những tuyệt chiêu đẹp mắt mà người chơi có thể thực hiện sau khi nạp đầy năng lượng.
Dù là phong cách nào đi nữa, thì việc đối đầu với những thế lực đối địch, hoặc những tên cướp trên đường phố Kyo cũng vẫn đưa đến một trải nghiệm đã tay, nhờ vào hiệu ứng hình ảnh và âm thanh được xây dựng tốt, tạo cảm giác uy lực cho các đòn đánh.
KYO, VÙNG ĐẤT MỚI
Rời xa khu phố Kamurocho và những địa điểm khác của thế kỉ 21, Like A Dragon: Ishin! đưa chúng ta đến Kyo (tên gọi cũ của Kyoto) vào thế kỉ 19.
Thay thế các tòa nhà cao tầng và ánh đèn neon của thành phố thời hiện đại với lối kiến trúc cổ xưa, Kyo đã tạo một cảm giác mới mẻ cho những game thủ đã theo dõi thương hiệu lâu năm.
Ngay cả với những người mới biết tới thương hiệu game, thì Kyo vẫn mang đến một trải nghiệm du lịch ảo thú vị do được thiết kế khá tốt.
Kyo được chia thành năm khu vực nhỏ là Fushimi, Rakugai, Rakunai, Mukurogai và Gion. Fushimi, Rakunai và Gion là những nơi khu vực đông đúc dân cư, với nhiều cửa hàng và quán ăn, thể hiện sự phồn vinh của đô thị từng là thủ đô Nhật Bản.
Trái ngược với ba khu vực trên, Rakugai và Mukurogai là nơi mà người chơi thường xuyên bị phục kích bởi những băng cướp, thể hiện sự loạn lạc và bất ổn của thời kì. Đáng chú ý nhất là Mukurogai, nơi luôn trong tình trạng dơ bẩn và xập xệ, thể hiện sự “ổ chuột” của khu vực.
Rời xa khu phố Kamurocho và những địa điểm khác của thế kỉ 21, Like A Dragon: Ishin! đưa chúng ta đến Kyo (tên gọi cũ của Kyoto) vào thế kỉ 19
RGG Studio cũng là tốt trong việc khiến cho Kyo là một thành sống động, thông qua các NPC người dân. Càng tiến xa trong câu chuyện, chúng ta có thể nghe loáng thoáng bình luận của người dân về những chuyện đã xảy ra.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dân trong thành phố cần sự giúp đỡ của Ryoma, dẫn đến các câu chuyện hài hước, xúc động, hay chỉ đơn thuần là xây dựng văn hóa thời kì.
VÔ SỐ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỂ LÀM
Đúng với “truyền thống” của Yakuza, Kyo cũng là một khu phố không lớn, và bù đắp cho kích thước khiêm tốn là hàng loạt các hoạt động mà chúng ta có thể làm, rải rác khắp nơi.
Người chơi có thể trở thành thợ đốn củi hoặc đầu bếp nấu mì để kiếm tiền thông qua các minigame được thiết kế thú vị!
Bên cạnh việc kiếm tiền, chúng ta còn có những lựa chọn như đi hát dân gian (phiên bản thế kỉ 19 của Karaoke), thử tài với mua quạt truyền thống buyo, chơi đùa cùng kỹ nữ, cờ bạc truyền thống, cùng nhiều hoạt động khác…
Cuối cùng, đó là nếu muốn rời khỏi sự tấp nập của cuộc sống đô thị, thì Like A Dragon: Ishin! cũng đưa cho chúng ta một cơ chế “giả lập nông dân” khá thú vị ở vùng nông thôn.
Đúng với “truyền thống” của Yakuza, Kyo cũng là một khu phố không lớn, và bù đắp cho kích thước khiêm tốn là hàng loạt các hoạt động mà chúng ta có thể làm, rải rác khắp nơi
BẠN SẼ GHÉT
MỘT SỐ HẠT SẠN NHỎ
Like A Dragon: Ishin! là một tựa game làm lại khá tốt, nhưng trò chơi cũng có một số khuyết điểm về mặt kỹ thuật lẫn thiết kế game.
Đầu tiên, đó là việc không hiểu vì lí do gì, các đoạn cắt cảnh và minigame của trò chơi lại bị khóa ở mức 30fps (khung hình mỗi giây), dù trong những trailer quảng cáo chúng đều chạy ở mức 60.
Tiếp theo, đó là việc tựa game dường như gặp phải vấn đề kết xuất đồ họa bề mặt (Texture render). Cứ mỗi khi bước vào khu vực mới, mọi phong cảnh xung quang luôn trong tình trạng lu mờ, cần 1-2 giây để để xử lý xong phong cảnh. Một lỗi rất phổ biến của Unreal Engine.
Cuối cùng, đó là sự tích hợp của cơ chế “trooper card”.
Là đội trưởng của tiểu đội ba thuộc Shinsengumi, Ryoma sẽ được tiếp cận với sự hỗ trợ từ các thuộc hạ, và họ được đại diện bằng những thẻ bài. Các thẻ bài này có thể được sử dụng trong chiến đấu, với các lợi ích từ cơ bản (tăng sát thương, hồi máu nhanh), tới các tuyệt chiêu đặt biệt (chưởng năng lượng).
Đây là cơ chế vốn chỉ tồn tại trong mục chơi phụ của bản gốc, nhưng giờ đây, nó đã được tích hợp vào phần chơi chính
Vấn đề ở chỗ nếu không sử dụng cơ chế này, chỉ chiến đấu một cách thuần thúy gần giống với bản gốc (do không thích chưởng năng lượng), thì Ryoma sẽ có cảm giác hơi yếu khi đấu trùm. Nguyên nhân là do những gã trùm của game được cân bằng xung quanh hệ thống card này, với kĩ năng riêng biệt của chúng.
Like A Dragon: Ishin! là một tựa game làm lại khá tốt, nhưng trò chơi cũng có một số khuyết điểm về mặt kỹ thuật lẫn thiết kế game