Marvel’s Guardians of the Galaxy – Đã hơn một năm kể từ khi Marvel’s Avengers ra mắt và làm mọi người bất ngờ nhờ chất lượng… xoàng xĩnh của nó. Nỗ lực đưa thương hiệu “khủng long” của nền giải trí hiện đại của Square Enix đến với mô hình video game đã cho ra đời một sản phẩm vô hồn, lãnh cảm với mọi tố chất mà chúng ta biết về các sản phẩm thuộc vũ trụ điện ảnh Marvel.
Và cứ như vậy, giới mộ điệu cho rằng đưa Marvel vào tay Square Enix chẳng khác nào “giao trứng cho ác”, và họ điềm nhiên chẳng màng tới những dự án nào mang tên Marvel đến từ Square Enix nữa.
Mọi quân bài dường như đều đối phó với Marvel’s Guardians of the Galaxy, một tựa game cũng lại đến từ Square Enix và trông cũng “na ná” Avengers từ cái nhìn đầu tiên.
Điểm khác biệt nằm ở chỗ, nó thực hiện trọn vẹn lời hứa về trải nghiệm chơi đơn cổ điển, và đồng thời cũng chứng minh rằng: đừng bao giờ nghi ngờ Eidos-Montréal, đội ngũ phát triển của loạt game Deus Ex: Human Revolution và Deus Ex: Mankind Divided năm nào!
BẠN SẼ THÍCH
KÍCH ĐIỆN TRÁI TIM!
Marvel’s Guardians of the Galaxy là một tựa game mang trong mình DNA phiêu lưu cổ điển, với mỗi màn chơi được chia thành từng chương như một tập phim truyền hình, lối chơi hòa trộn nhiều gia vị và vừa đủ dùng trong thời lượng 18 tiếng, cùng một câu chuyện mang nhiều nét từ hai phần phim của James Gunn và được kể dưới giọng điệu quen thuộc.
Bạn là Star-Lord, và cho dù bạn trông không điển trai ngang tầm Chris Pratt, thì bạn vẫn sẽ phải vừa giữ cho cái “gia đình” nhỏ bé trên con tàu Milano khỏi đổ vỡ, vừa giải quyết một âm mưu thâm độc muốn nuốt chửng toàn bộ ngân hà Andromeda cùng những thứ mà Peter Quill, Gamora, Rocket, Drax và Groot yêu quý thuộc về nó.
Dẫu cho vẫn nhập nhằng những khái niệm khoa học viễn tưởng bòng bong về vũ trụ Marvel, câu chuyện tổng thể của trò chơi vẫn đặt trọng tâm xoay quanh thông điệp về máu mủ, về bản chất trong tâm chúng ta, về cách chúng ta cắt bỏ ràng buộc với quá khứ.
Tiền đề của game rất đơn giản: một giáo phái siêu cuồng tín gieo rắc lời hứa hẹn giả tạo đối với toàn bộ cư dân tại ngân hà Andromeda rằng họ sẽ được gặp lại người thân đã khuất, và nạn nhân đầu tiên là một cô bé có-khả-năng là “con ngoài giá thú” của Star-Lord.
Và cứ như thế, dẫu cho các Vệ binh có cãi vã nhau bởi vì những lý do nhỏ nhặt nhất, thì cuộc hành trình của họ vẫn tiếp diễn nhờ vào một mục tiêu chung được khơi gợi từ sự đồng cảm chứ không phải từ lợi ích cá nhân.
Marvel’s Guardians of the Galaxy lại một lần nữa kể lại một câu chuyện về những cá thể luôn lo sợ trong thân tâm, cách họ đón nhận những con người gần gũi bên mình, để một lần nữa khỏa lấp chỗ trống bên trong bằng sự hiện diện của tình cảm, tình thương, tình bạn.
Mặt khác, Marvel’s Guardians of the Galaxy cũng “phô” kha khá sự kì quái của vũ trụ Marvel khi chúng ta bay ra ngoài Trái đất. Nó không chỉ có những hành tinh với hệ sinh thái lạ thường, nhiều loài sinh vật lạ tới mức đủ để xây thêm ba phần game Mass Effect mới (trong đó bao gồm một con lạc đà thích… phun nước bọt và phản ứng lại khi nghe giai điệu bài hát “Don’t Worry Be Happy” của Bobby McFerrin), mà còn có cả một chú chó Golden Retriever mặc trang phục phi hành gia và giao tiếp dưới giọng Xô Viết bằng thần giao cách cảm; cũng như một thực thể khả kính được cho là mạnh mẽ nhất toàn vũ trụ thì lại luôn trò chuyện như thể mình là cuốn từ điển Shakespeare biết đi, nếu không dùng từ ngữ thất truyền thì câu từ của anh còn vần hơn cả thơ lục bát.
Marvel’s Guardians of the Galaxy lại một lần nữa kể lại một câu chuyện về những cá thể luôn lo sợ trong thân tâm, cách họ đón nhận những con người gần gũi bên mình
Với chiều dài 20 giờ đồng hồ cộng với sự tự do trong dàn nhân vật đồ sộ của Marvel giúp Eidos Montreal kể một câu chuyện trọn vẹn thực sự. Nó tiết chế yếu tố gây cười đột ngột so với hai phần phim và để cho những khoảnh khắc nhiều cảm xúc lắng xuống vừa đủ, mang lại trọng lượng nhất định cho các nhân vật như Peter, Drax và Mantis, mặc dù chúng ta vẫn có thể thấy đôi chút tính cách của họ từ MCU phảng phất gần đó.
Điểm đáng kinh ngạc nhất, những nhân vật cả chính lẫn phụ như Nikki, Cosmo, Adam Warlock, Lady Hellbender, Raker còn điểm xuyết cho nội dung của trò chơi bằng diễn xuất và lồng tiếng hạng A, ngang tầm với những The Last of Us Part 2 hay Red Dead Redemption 2.
Nội dung của trò chơi không chỉ được trình bày qua các đoạn cutscene truyền thống, mà người chơi – trong vai Star-Lord – còn có thể thực hiện các lựa chọn tương ứng với hệ thống nhân-quả đơn giản theo phong cách Telltale Games năm nào.
Một số lựa chọn chỉ đơn thuần là tăng nhuệ khí, số khác có thể giúp từng nhân vật phụ nhất định quay trở lại trong các chương cuối, và hẳn nhiên các đồng đội sẽ rất biết ơn nếu bạn nhớ đến họ kể cả khi họ không kề bên. Hệ thống này không phức tạp ngang tầm Mass Effect, nhưng nó có đủ nhánh rẽ quan trọng để người chơi cân nhắc về những mối quan hệ của Peter.
Bởi vì tính chất “nửa hành động – nửa visual novel” trong lối chơi nên Marvel’s Guardians of the Galaxy trông có vẻ hơi giống với… kính vạn hoa. Nó có khá nhiều cơ chế game cả ngắn hạn lẫn dài hạn, và đa phần chúng xuất hiện để “trang trí” thêm cho quá trình chơi, chứ không phục vụ mục đích kể chuyện hoặc kích động cảm xúc của người chơi bằng tính năng của game.
Mỗi nhân vật đều có một chiêu thức đặc biệt mở khóa ở một thời điểm nhất định trong nội dung game, chứ không yêu cầu bạn “cày cuốc” tài nguyên để mở khóa. Các trang phục được giấu đằng sau những phân đoạn nhảy nhót/leo trèo đơn giản chứ không nằm trong mục “Thử thách” hoặc tệ hơn nữa là “Cửa hàng”. Peter có thể mở khóa 15 kĩ năng đặc biệt, nhưng chúng nằm gọn trong một trình đơn nâng cấp đơn giản chứ không nằm chồng chéo nhau trên cây kỹ năng với tiêu chí “cho phép bạn định hình phong cách chơi của mình”.
Marvel’s Guardians of the Galaxy ít phần “thừa” như thế, lối chơi của nó không sâu và phức tạp bởi nó hoàn toàn “phản xu hướng” của đa phần các trò chơi AAA hiện đại được thiết kế để giãn thời gian chơi ra – đặc biệt là Marvel’s Avengers.
Khía cạnh hành động của Marvel’s Guardians of the Galaxy cũng tuân theo tôn chỉ đó. Khả năng xả tràng đạn vô tận vào mọi vật thể biết đi, cùng bốn loại đạn nguyên tố giúp Star-Lord làm chủ mọi tình huống, nhưng mấu chốt thực sự của lối chơi nằm ở các đồng đội sẵn sàng ra đòn theo lệnh của người chơi.
Chứng kiến Groot trói mọi mục tiêu xuống đất để Rocket ném lựu đạn nổ tung mọi thứ trong tích tắc chưa bao giờ nhàm chán, thêm thanh điểm chạy như quay sổ xố kèm những từ như “Fantastic!”, “Marvelous!” càng gợi nhớ về lối chơi sắp đặt – thực thi cực gây nghiện của V trong Devil May Cry 5.
BẠN SẼ GHÉT
THỈNH THOẢNG… LẠC NHỊP
Việc không có phần “thừa” vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của Marvel’s Guardians of the Galaxy.
Một trò chơi thuần chơi đơn truyền thống sẽ có những mánh lới khác nhau để tạo nên nét riêng cho những màn chơi đặc biệt mà nó muốn nhấn mạnh, như màn parkour “xuyên thời gian” của Titanfall 2, hay gần đây nhất là sân khấu trình diễn nhạc nhuốm màu acid của Helmut Fullbear trong Psychonauts 2.
Thế nhưng, Marvel’s Guardians of the Galaxy lại không có những điểm nhấn như thế.
Kể từ sau chương 11, bạn sẽ nhận ra cấu trúc của từng chương không thực sự khác nhau, nó vẫn chỉ là vòng lặp chạy nhảy – leo trèo – chiến đấu – dùng đạn nguyên tố của Peter để mở đường – thỉnh thoảng nhờ Gamora chém rễ cây, Drax đấm vỡ khe nứt trên đá, Groot tạo cầu bắc sang bên kia. Nó rất dễ đoán và lặp lại, và nếu đến thời điểm đó mà bạn không đoái hoài đến dàn nhân vật của game thì trò chơi sẽ khó có thể giữ chân bạn.
Vấn đề này cũng lặp lại với cơ chế chiến đấu của game. Vì nó khá dễ dãi nên cho dù bạn có nhiều lựa chọn “xử đẹp” kẻ thù, thì game cũng chẳng trừng phạt bạn nếu bạn không thực hiện combo đúng với từng trường, thứ mà bạn đang lãng phí chỉ là thời gian mà thôi. Có một số sự tương tác khá thú vị đối với từng loại địch thủ nhất định như Drax có thể ôm và đè một con bò sát xuống, để lộ điểm yếu dưới bụng cho bạn bắn, nhưng đa phần bạn hoàn toàn có thể “spam” combo tùy ý là có thể qua màn dễ dàng.
Cuối cùng, nếu như bạn có ý định trải nghiệm Marvel’s Guardians of the Galaxy thì có lẽ bạn nên chờ 2 hoặc 3 tháng nữa, chí ít là đối với PC.
Game có vô số lỗi vụn vặt xuất hiện với tần suất dày đặc trong các chương cuối. Chúng chỉ dừng lại ở mức nút bấm bị kẹt trên màn hình, hoặc NPC đứng yên tại chỗ và chỉ xuất hiện khi bạn kích hoạt đoạn cắt cảnh (cutscene) tiếp theo, không có quá nhiều vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm và thường có thể được giải quyết bằng cách nạp lại điểm lưu tạm (checkpoint), nhưng trò chơi thật sự cần thêm một hoặc hai bản vá nữa mới có thể được coi là sản phẩm chỉn chu về mặt kỹ thuật.
Game có vô số lỗi vụn vặt xuất hiện với tần suất dày đặc trong các chương cuối