Marvel’s Midnight Suns – Trong khoảng thời gian gần đây, những tựa game siêu anh hùng được ra mắt liên tục với chất lượng không mấy đồng đều.
Xen kẽ với những “bản hit” như Spider-Man (2018) và Guardian of the Galaxy (2021), chúng ta lại có những “bom xịt” như Gotham Knights và Marvel’s Avenger.
Vừa qua, làng game siêu anh hùng vừa được bổ sung một cái tên mới là Marvel’s Midnight Suns. Đây là một trò chơi chiến thuật nhập vai theo lượt được phát triển bởi Firaxis Games, nổi tiếng với thương hiệu Sid Meier’s Civilization và XCOM.
Liệu Marvel’s Midnight Suns là một sản phẩm thành công hay thất bại? Chúng ta hãy cùng xem qua bài đánh giá sau đây của Vietgame.asia.
Nội dung
Câu chuyện của Marvel’s Midnight Suns bắt đầu với việc tiến sĩ Fautus, một thành viên cấp cao của tổ chức xấu xa Hydra đã quyết định hồi sinh Lilith, người mang danh “Mẹ của quỷ dữ”. Hiển nhiên, điều này là để phục vụ cho một kế hoạch xấu xa “kinh thiên động địa” rồi!
Đón đầu sự hồi sinh của Lilith là Iron Man, Dr Strange, Captain Marvel và Scarlet Witch. Tiếc thay, cuộc đối đầu đầu tiên đã kết thúc với phần thua về phía các anh hùng.
Để tìm kiếm một cơ hội tốt hơn trong việc diệt trừ Lilith, Iron Man, Dr Strange và Captain Marvel đã quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ của biệt đội anh hùng Midnight Suns, một biệt đội chuyên về yếu tố thần bí.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Dr Strange cầu cứu nhóm Midnight Suns, đó là là do lãnh đạo của nhóm – The Caretaker – là em gái của Lilith và cũng là người cai quản thi thể của The Hunter.
The Hunter là ai? Đó là con của Lilith, người đã kết liễu ả vào ba thế kỷ trước và cũng sẽ là nhân vật chính để chúng ta nhập vai (nam/nữ do người chơi tùy chọn).
Và như thế, The Hunter sẽ hợp tác với các thành viên của Midnight Suns, Avengers và các anh hùng khác để chống lại sự bành trướng của Lilith.
BẠN SẼ THÍCH
Hệ thống chiến đấu cuốn hút!
Marvel’s Midnight Suns sở hữu một cơ chế chiến đấu khá là hấp dẫn và đầy thách thức, nhất là ở các độ mức độ khó cao.
Là một tựa game sử dụng cơ chế thẻ bài, yếu tố may rủi đóng vai trò rất lớn. Do đó, việc phải tối đa hóa sự hiệu quả của những lá bài rút được trong lượt chơi đã khiến cho các trận đấu của Marvel’s Midnight Suns trở nên cân não.
Những lá bài mà người chơi có thể tiếp cận tương đối đa dạng. Chúng có thể là tấn công một hoặc nhiều mục tiêu, hồi máu, buff, debuff, tấn công khu vực, chưởng xuyên thấu trên một đường thẳng, v.v.
Marvel’s Midnight Suns sở hữu một cơ chế chiến đấu khá là hấp dẫn và đầy thách thức, nhất là ở các độ mức độ khó cao
Hệ thống chiến đấu cũng làm tốt trong việc gột tả đến người chơi rằng chúng ta đang điều khiển những nhân vật siêu nhiên. Các đòn tấn công luôn đi kèm với hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, cũng như những chuyển động cơ thể tạo cảm giác rất uy lực!
Bên cạnh đó, không chỉ tấn công thuần thúy bằng các kỹ năng, người còn có thể tận dụng các yếu tố môi trường, chẳng hạn như cầm vật thể xung quanh để tấn công kẻ địch gây sát thương lớn, đánh bật chúng vào những thùng chất nổ, hay thậm chí là lẫn nhau.
Thiết kế kẻ địch cũng là một điều đáng kể đến. Có hai loại kẻ địch chính là minion (đám tay chân) và elite (cấp cao). Phần lớn kẻ thù mà người chơi sẽ đụng độ là minion, chúng có khả năng tấn công người chơi, nhưng không có thanh sức khỏe.
Tức là chỉ với một đòn tấn công, các anh hùng của chúng ta sẽ có thể triệt hạ kẻ địch và điều này ảnh hưởng khá lớn đến chiến thuật của người chơi. Ví dụ, chúng ta có thể dùng Dr Strange, sử dụng phép thuật để ném một gã minion vào elite, vừa kết liễu minion, vừa gây sát thương cho elite.
Và dĩ nhiên, việc kết liễu đa số kẻ thù trong một đòn đánh khiến cho việc truyền tải sức mạnh của các siêu anh hùng đến người chơi thêm phần hiệu quả.
Việc thiết kế các màn chơi cũng đáng chú ý, với nhiều màn chơi không chỉ là hạ gục toàn bộ kẻ địch càng sớm càng tốt, mà phải thực hiện một nhiệm vụ nhất định nào đó. Có màn chơi yêu cầu chúng ta giải cứu thường dân bị mắc kẹt, trong khi đó né các đòn đánh lén của gã thủ ác Venom, có nhiệm vụ buộc chúng ta phải hạ gục một đối tượng nhất định nhanh nhất có thể để lấy chìa khóa gỡ bom…
Yếu tố nhập vai có chiều sâu
Một điều khác mà Firaxis Games cũng đã làm khá ổn, đó là đã tạo cảm giác tạo cảm giác nhập vai tốt vào nhân vật The Hunter.
Nhập vai ở đây không chỉ là xây dựng ngoại hình nhân vật, chọn lựa các kỹ năng tấn công, và lên cấp nhân vật, mà là còn cách họ ứng xử với những anh hùng khác.
Thức dậy sau ba thế kỷ “ngủ đông”, The Hunter sẽ lạ lẫm với những người anh hùng mà họ buộc phải hợp tác. Chính vì điều này, trò chơi đã được ra các cuộc đối thoại để chúng ta nắm được những anh hùng này là ai.
Sau khi làm quen với những anh hùng, chúng ta sẽ có thể xây dựng và củng cố mối quan hệ với họ, thông qua các quyết định đối thoại, dành thời gian giải trí, luyện tập, phái họ đi làm nhiệm vụ phụ và tặng quà.
Càng phát triển tình bạn, người chơi mở khóa thêm các kỹ năng và trang phục mới, ví dụ như chiêu thức phối hợp. Khi đạt mức cao nhất, chúng ta sẽ mở khóa tuyệt chiêu tối thượng của nhân vật. Đây là một yếu tố khiến người viết nhớ đến thương hiệu Persona.
Những yếu tố trên tạo cảm giác rằng để trở thành một lãnh đạo lý tưởng, người chơi sẽ phải hiểu rõ về những đồng đội của mình.
Một điều khác mà Firaxis Games cũng đã làm khá hay, đó là đã tạo cảm giác tạo cảm giác nhập vai tốt vào nhân vật The Hunter
Trở lại với vấn đề hội thoại, thỉnh thoảng, chúng ta sẽ có những lựa chọn trò chuyện mang tính Light (ánh sáng) và Dark (bóng tối), đây là những khoảnh khắc cho chúng ta xây dựng hình ảnh anh hùng của The Hunter.
Light và Dark không đại diện cho xấu và tốt, mà nó mang tính rằng Light là kiểu anh hùng tốt tính cổ điển (như Captain America), trong khi đó Dark là kiểu anh hùng âm u hơn (Magik).
Việc nghiêng về hướng Light hoặc Dark cũng có ảnh hưởng đến lối chơi của nhân vật. Light sẽ cho người chơi tiếp cận với những kỹ năng mang tính chất hỗ trợ, trong khi đó Dark sẽ thiên về gây sát thương bằng cách hy sinh sức khỏe.
Một điều thú vị khác, đó là cách các đoạn đối thoại Light và Dark được xây dựng. Khi cơ chế này mới được giới thiệu, người viết đã đinh ninh rằng việc chọn Light – vốn là các lựa chọn trò chuyện lịch sự và tốt tính – sẽ mặc định là điều tốt nhất trong việc xây dựng mối quan hệ.
Nhưng chuyện không như thế, đôi khi, lựa chọn Dark thực chất sẽ tốt hơn trong việc xây dựng tình bạn. Lấy ví dụ, trong một cuộc trò chuyện với nhân vật Magik, cô đã kể cho The Hunter nghe về điều mà cô đang lo ngại. Lúc này, The Hunter có thể phản hồi một cách nhẹ nhàng (Light) và một cách thẳng thắn (Dark). Người viết đã chọn Light và hóa ra, đó không phải là điều mà Magik muốn nghe lúc đó.
Việc phải cân nhắc lời lẽ của mình – dù cho đôi lúc nó có khó nghe đi nữa – để mối quan hệ thêm phần vững chắc là điều mà người viết khá thích.
BẠN SẼ GHÉT
Danh sách “việc vặt” hơi bị dài
Điểm trừ lớn nhất của Marvel’s Midnight Suns, đó là việc chúng ta dành quá nhiều thời gian tại căn cứ The Abbey.
Sau khi thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu, chúng ta sẽ có thể đi khám phá các khu vực của The Abbey để nhận thêm vật phẩm hữu ích. Bên cạnh đó, như đã đề cập, chúng ta cũng có thể dành thời gian cho các siêu anh hùng, nâng cấp thẻ bài chiến đấu, tân trang lại căn cứ để nhận được các lợi ích, v.v.
Vấn đề ở đây, đó là các hoạt động mà trò chơi đưa ra cho chúng ta làm khá là nhiều, như thể đây là một danh sách những việc vặt cần làm trước khi ra khỏi nhà. Sự dồn dập này đã khiến cho những ngày đầu ở The Abbey cảm thấy dài lê thê. Kết hợp điều này với việc mỗi nhiệm vụ không dài, người viết có cảm giác rằng chỉ có 1/3 thời gian chơi là được lâm trận.
Sau khi giới thiệu toàn bộ những hoạt động có thể làm, trò chơi sẽ nhấn mạnh rằng các điều này kể từ đây về sau sẽ mang tính tùy chọn. Dù là thế, việc chúng có ảnh hưởng trực tiếp lên sự hiệu quả trong chiến đấu đã khiến phần nào trở nên bắt buộc.
Người viết không phủ nhận rằng bản thân rất thích những khoảnh khắc xây dựng tình bạn giữa The Hunter và các anh hùng, tuy nhiên nó không có nghĩa rằng người viết muốn “điểm danh” hết toàn bộ danh sách anh hùng ở Abbey trước khi làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, có nhiều lời thoại của The Hunter khi giao tiếp với các nhân vật khác hơi bị sáo rỗng và gượng ép. Bên cạnh đó, các khoảnh khắc xây dựng mối quan hệ với những siêu anh hùng chỉ dừng ở mức tán gẫu, họ không có những vấn đề mang tính cá nhân để người chơi có thể giúp đỡ, dẫn đến sự phát triển nhân vật cũng như gắn kết cả hai hơn.
Nếu có thể đề xuất giải pháp, thì người viết thấy rằng trò chơi nên tích hợp một hệ thống thời gian, để chúng ta có thể suy nghĩ rằng hoạt động nào là thực sự quan trọng cần được ưu tiên, cũng như đảm bảo rằng sự cân bằng giữa thời gian ở The Abbey và thời gian chiến đấu tốt.
Và một phàn nàn cuối cùng, đó là việc các loại kẻ địch không thực sự đa dạng. Trải qua hơn 8 giờ đồng hồ chơi, người viết chỉ chủ yếu là đối đầu với… bốn biến thể khác nhau của lính Hydra. Điều này khiến cảm giác chiến đấu có phần lặp đi, lặp lại.
Điểm trừ lớn nhất của Marvel’s Midnight Suns, đó là việc chúng ta dành quá nhiều thời gian tại căn cứ The Abbey
Những điểm trừ về mặt kỹ thuật
Marvel’s Midnight Suns cũng gặp một số vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật và tối ưu. Xuyên suốt quá trình chơi, người viết đã mắc phải những vấn đề như:
- Đôi khi trò chơi sẽ tự động thoát (crash) sau khi lưu game.
- Tốc độ khung hình thường xuyên sụt, khựng dù không phải kết xuất nhiều hiệu ứng.
- Những đoạn cắt cảnh pre-rendered (xử lí trước) thì có độ phân giải thấp, xấu hơn cả các đoạn cắt cảnh ngắn, thực hiện bằng engine trong game.
- Đôi khi, trò chơi không biết vì sao mà ngốn đến tận… 10GB RAM của máy.
- Một số nhân vật không biết vì sao có độ chi tiết thấp, khiến cảm giác như đang nhìn vào… búp bê nhựa.
Những lỗi này khả năng cao sẽ được vá trong tương lai gần, nhưng thật đáng tiếc khi trò chơi được phát hành trong tình trạng như thế vậy.
Những lỗi này khả năng cao sẽ được vá trong tương lai gần, nhưng thật đáng tiếc khi trò chơi được phát hành trong tình trạng như thế