Skip to content

Metal Gear Solid V: Ground Zeroes – Đánh Giá Game

Ground Zeroes

Ground Zeroes – Cái tên Metal Gear từ lâu đã trở thành một tượng đài huyền thoại của thể loại game hành động lén lút.

Không những là tựa game tiên phong của thể loại này, mà suốt gần 30 năm qua Metal Gearvẫn đứng ở vị trí hàng đầu về mọi mặt: hình ảnh, âm thanh, cốt truyện và lối chơi.

Cha đẻ của dòng game, ông Hideo Kojima, đã nhiều lần khẳng định qua những phiên bản game Metal Gear trước đó rằng: dù có “chơi ở sân nào” đi nữa thì sản phẩm do bàn tay ông “nhào nặn” sẽ luôn luôn phát huy tối đa năng lực của hệ máy và đạt được thành công rực rỡ nhất. Bên cạnh đó, một đặc điểm chung quan trọng nhất của tất cả các sản phẩm mang dấu ấn Kojima: chúng luôn luôn “đón đầu” thời đại.

Sự ra đời của các hệ máy console next-gen đã tháo bỏ “nút cổ chai” kỹ thuật cho các nhà phát triển game tha hồ “tung cánh vẫy vùng” với các loại hiệu ứng đồ họa cao cấp nhất. Kết quả là ngay sau đó, làn sóng game thế giới mở ồ ạt tràn vào thị trường game đa hệ với các sản phẩm tiêu biểu như Dragon Age: Inquisition, The Witcher 3, Dying Light.

Không những thấy trước được xu hướng phát triển game, mà ông Kojima còn táo bạo công bố rằng phiên bản Metal Gear tiếp theo đang được ông “chế biến” trở thành một game hành động lén lút phi tuyến tính trong môi trường thế giới mở có thể tương tác được.

Làm game thế giới mở đã khó, đằng này còn lại là một game hành động lén lút trong môi trường tương tác được. Đã có rất nhiều các ý kiến trái chiều cho rằng: tham vọng của ông Kojima quá lớn và thiếu độ thiết thực.

Và tất cả các ý kiến, sự nghi ngờ đó đều bị dập tan khi mà phiên bản “chơi thử” Metal Gear Solid V: Ground Zeroes được tung ra.

Bài đánh giá sau đây của Vietgame.asia sẽ cởi bỏ các “gút mắc” trong lòng cư dân thế giới game về một “hiện tượng” có tên Metal Gear Solid V: Ground Zeroes!

BẠN SẼ THÍCH

Ground Zeroes

Hành động lén lút – phi tuyến tính – thế giới mở

Cụm từ “hành động lén lút phi tuyến tính trong thế giới mở” được ông Kojima nhắc đi nhắc lại nhiều mỗi khi ông trả lời các câu hỏi liên quan tới hai tựa game: Metal Gear Solid V: Ground Zeroes Metal Gear Solid V: The Phantom Pain.

Tuy yếu tố đó đã được thể hiện ở khá nhiều các tựa game khác, điển hình như Assassin’s Creed, thế nhưng tham vọng của ông Kojima không chỉ dừng lại ở đó.

Một trong những mục tiêu chính mà ông Kojima muốn đạt được lần này, đó chính là thêm vào khả năng tương tác với môi trường mở rộng lớn. Thứ mà cho đến giờ vẫn là một “xa xỉ phẩm” đối với các tựa game vẫn được tung hê với cái mỹ từ “bom tấn”!

Người viết đã phải “rùng mình” trước trải nghiệm của một thế giới mở có thể tương tác được trong Metal Gear Solid V: Ground Zeroes.

Không sở hữu khả năng đập phá đến “quá đáng” như dòng game Red Faction hay một thế giới mở rộng lớn da dạng như Grand Theft Auto V, Metal Gear Solid V: Ground Zeroes lại tập trung theo một hướng phát triển khác khiến cho việc tương tác với môi trường trong game trở nên vô cùng ý nghĩa: đó chính là sự phản ứng của trí thông minh nhân tạo (A.I) trước các thay đổi mà người chơi tác động lên môi trường.

Kojima đã tập trung lực lượng phát triển “nút thắt” giữa trí thông minh nhân tạo (A.I) và sự thay đổi của thời tiết trong game (in-game dynamic weather)

Trong Metal Gear Solid V: Ground Zeroes, nếu người chơi chọn phá hủy một cái tháp canh thì tùy vào tình hình lúc đó, các đối thủ máy sẽ có các phản ứng khác nhau. Tháp canh bị phá ngay trong tầm mắt của chúng thì ngay lập tức chuông báo động sẽ “rú” lên, và toàn bộ khu vực sẽ chuyển vào trạng thái cảnh giới bị ngay lập tức.

Thế nhưng nếu chúng phát hiện tháp đã bị phá hủy một cách không rõ nguyên nhân, thì phản ứng hợp lý sẽ là yêu cầu tiếp viện để rà soát khu vực.

Không chỉ dừng lại ở môi trường, mà A.I trong Metal Gear Solid V: Ground Zeroes còn phản ứng trước sự thay đổi của các nguồn sáng, vị trí của phương tiện, khói và cả âm thanh.

Yếu tố này khiến cho các hành động tương tác lên môi trường của người chơi trở nên có giá trị!Để “đổi gió”, ông Kojima còn thêm vào một vài sự thay đổi, tuy nhỏ nhưng lại có tầm ảnh hưởng khá lớn với lối chơi phi tuyến tính của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes.

Đầu tiên là việc Kojima đã không ngần ngại “tước” đi thanh hiển thị trạng thái báo động của quân địch.

Ground Zeroes

Trong các phiên bản trước của dòng game Metal Gear, mỗi khi người chơi bị phát hiện, tùy vào độ nghiêm trọng mà khoản thời gian báo động sẽ lâu hoặc ngắn và mọi thứ sẽ được chỉ rõ cho người chơi qua một thanh hiển thị.

Ở phiên bản Metal Gear Solid V: Ground Zeroes lần này, người chơi sẽ phải lệ thuộc khả năng do thám của mình để có thể nắm bắt được tình hình môi trường xung quanh.

Sự thay đổi này không những hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và cốt truyện của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes, mà nó còn tăng độ thử thách, cũng như mang lại cảm giác chân thật hơn khi chơi game.

Các nhiệm vụ trong Metal Gear Solid V: Ground Zeroes được cung cấp rất ít các thông tin tình báo, và tệ hơn là mục tiêu trong các màn chơi sẽ có khả năng bị thay đổi.

Metal Gear Solid V: Ground Zeroes bắt người chơi phải dấn thân vào giữa nơi “hiểm địa” để thu thập các thông tin nóng có liên quan đến nhiệm vụ. Bằng việc bắt cóc và tra khảo các đối thủ, cũng như quan sát sự di chuyển của các phương tiện và những tốp lính canh, người chơi sẽ thu thập đủ các loại thông tin cũng như các gợi ý, và nó khiến cho yếu tố phi tuyến tính của màn chơi được nâng cao lên rất nhiều.

Một trong những trở ngại mà các game hành động lén lút tuyến tính (linear) hay phi tuyến tính (non-linear) đều gặp phải, chính là sự nhàm chán trong lối chơi khi mà mọi thứ trở nên quá quen thuộc và dễ dàng bị đoán trước.

Lấy ví dụ điển hình là dòng game Hitman, các đối thủ máy tuy tạo ra được thử thách cho người chơi nhưng chúng lại quá dễ bị “vô hiệu hóa” một khi người chơi đã làm quen với game.

Để giải quyết bài toán này, ông Kojima đã tập trung lực lượng phát triển “nút thắt” giữa trí thông minh nhân tạo (A.I) và sự thay đổi của thời tiết trong game (in-game dynamic weather). Cùng một màn chơi nhưng tùy vào thời điểm trong ngày, người chơi sẽ thấy rõ rệt sự thay đổi trong cách hành xử của các tên lính.

Vào buổi tối, đối thủ máy tỏ ra khá cẩn trọng trong từng hành động cũng như di chuyển: chúng tốn nhiều thời gian hơn để kiểm tra khi phát hiện ra điều gì đó bất thường và sẽ gọi tiếp viện nếu cảm thấy có nguy cơ. Còn vào buổi sáng thì bọn chúng tỏ ra khá tự tin khi không bị giới hạn bởi tầm nhìn và sự cảnh giới có phần hơi lỏng lẻo.


Sự hài hòa giữa cũ và mới

Tạo điều kiện để cho những người chơi mới có thể trải nghiệm được game của mình là mong muốn của bất kì ai, đặc biệt là các nhà phát triển ở Nhật, từ Masaaki Yamagiwa với Bloodborne cho tới Yoshinori Ono với Street Fighter. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới các quyết định phát triển game của ông Kojima.

Khi mà xu hướng phát triển game đang dần nhắm tới thị yếu game đa nền, thì sẽ có nhiều người chơi mới tiếp cận được với những tựa game mà trước đây là độc quyền của một hệ máy. Do đó, ông không thể tiếp tục phát triển game theo kiểu chỉ để phục vụ cho các người hâm mộ lâu năm.

Để giải quyết bài toán “làm hài lòng cả hai bên” này, ông Kojima đã lấy nguồn cảm hứng từ chiếc nhẫn bảo vệ linh hồn (Ring of soul protection) trong Dark Souls II.

Không thể giảm độ thử thách của A.I trong game (vì đó là nền tảng làm nên thành công của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes), nhưng người chơi lại được “ban tặng” khả năng sử dụng tuyệt chiêu “Reflex” (phản xạ). Đây là khả năng… làm chậm thời gian mỗi khi nhân vật chính bị địch phát hiện, trong khoảng thời gian đó thì người chơi sẽ phải sử dụng tất cả khả năng để vô hiệu hóa nhanh đối phương trước khi chuông báo động kêu lên.

Khi nói rằng Kojima đã “vay mượn” ý tưởng từ “chiếc nhẫn”, là bởi vì Metal Gear Solid V: Ground Zeroes sẽ giảm độ trừng phạt lên người chơi mỗi lần họ mắc sai lầm, bù lại mỗi khi sử dụng Reflex thì họ sẽ bị trừ một số điểm nhất định. 

Nếu người chơi là một game thủ gạo cội, tự tin là không bao giờ mắc sai sót thì có thể lựa chọn tắt Reflex trong mục tùy chỉnh bất kỳ lúc nào.

Nếu người chơi là một game thủ gạo cội, tự tin là không bao giờ mắc sai sót thì có thể lựa chọn tắt Reflex trong mục tùy chỉnh bất kỳ lúc nào


Hình – Âm xuất sắc!

Bằng cách sử dụng các kĩ thuật ánh sáng và đổ bóng, Metal Gear Solid V: Ground Zeroes nhìn không khác gì một bộ phim bom tấn của Hollywood, và điểm nhấn về hình ảnh của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes đến từ trong độ chi tiết của toàn bộ mọi thứ trong tầm nhìn.

Từ những hạt mưa đọng trên bộ quân phục của người lính cho tới độ nét chi tiết của cỏ cây, nhà cửa và cả hình ảnh phản chiếu mờ trên kiếng đeo, có thể nói Metal Gear Solid V: Ground Zeroes là một trong những game có chi tiết về hình ảnh nhất từ trước tới giờ.

Những pha cắt cảnh (cut-scene) trong game được chỉ đạo không thể chê vào đâu được, nó không hề tạo cho người chơi cảm giác bị “khựng” ở những lúc chuyển tiếp khung hình, và làm cho Metal Gear Solid V: Ground Zeroes đạt tới chất lượng của một bộ phim điện ảnh bom tấn.

Có lẽ tất cả chúng ta đã quá quen thuộc với những bài nhạc gây “chấn động tâm hồn” của Metal Gear Solids V vừa qua tại các kỳ triển lãm hội chợ game.

Thế nhưng bên cạnh những tiêu chuẩn đỉnh cao truyền thống về âm thanh của dòng game Metal Gear, ông Kojima đã quyết định thay đổi người lồng tiếng cho “trùm cuối”: Kiefer Sutherland sẽ vào vai “trùm cuối” lần này, và theo ông Kojima thì việc thay đổi này nhằm tới hai mục đích:

Ông muốn diễn xuất của các nhân vật trong game phải tốt hơn nữa, và với những thành tựu mà Kiefer Sutherland đã đạt được trong thời gian qua, ông tự rằng anh ấy sẽ đảm nhận tốt công việc thổi hồn vào cho nhân vật “trùm cuối”.

Ngoài ra, thì lý do thứ hai chính là việc tạo ra sự khác biệt giữa “trùm cuối” và nhân vật chính Solid Snake.

Điểm nhấn về hình ảnh của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes đến từ trong độ chi tiết của toàn bộ mọi thứ trong tầm nhìn

BẠN SẼ GHÉT

Một số vụn vặt không đáng có!

Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots đã từng đánh dấu cho “ngôi vị” đỉnh cao về chất lượng của game, thế nhưng đáng tiếc thay Metal Gear Solid V: Ground Zeroes lại không thể vượt qua được “người tiền nhiệm” xuất sắc này, và không đạt được những gì mà người hâm mộ mong đợi.

Vấn đề đầu tiên chính là việc thời lượng của game quá ngắn: người chơi phải bỏ ra đến 20 USD chỉ để thưởng thức một game chưa tới… 2 tiếng đồng hồ chơi. Tuy rằng Metal Gear Solid V: Ground Zeroes có giá trị chơi lại cao, thế nhưng con số ngắn ngủi quá mức này vẫn chưa đủ để “thỏa mãn”.

Lẽ ra, trò chơi chỉ xứng đáng là một phiên bản chơi thử, vì game kết thúc ở ngay đoạn gây cấn nhất của cốt truyện lần này, và khiến cho rất nhiều người hâm mộ bực bội… Tiếp đó, quá trình chơi game lại phát sinh ra một số lỗi ảnh hưởng đến hệ thống của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes, một điều khá là khó chịu.

Ở một số đoạn, Metal Gear Solid V: Ground Zeroes vô tình “gợi ý” người chơi khi chuyển họ tới điểm mặc định nằm ngay cạnh đích đến phía bên kia bản đồ

Khi người chơi bắt đầu nạp (load) lại game ở những điểm lưu (save) tạm thời, game sẽ chuyển nhân vật tới các điểm mặc định và “vô tình” phục hồi lại vài kẻ địch lẽ ra đã bị đánh ngất. Ở một số đoạn, Metal Gear Solid V: Ground Zeroes vô tình “gợi ý” người chơi khi chuyển họ tới điểm mặc định nằm ngay cạnh đích đến phía bên kia bản đồ, khiến cho việc hoàn thành màn chơi tưởng như rất khó, lại vô cùng dễ!

Và cuối cùng là sự thiếu hụt của ứng dụng điện thoại Metal Gear Solid cho phiên bản PC. Ở các phiên bản dành cho những hệ máy khác, người chơi có thể tải ứng dụng này lên điện thoại của mình để thay thế chiếc máy định vị cầm tay của “trùm cuối” trong game.

Thế nhưng cho đến tận bây giờ, sau khi nghe “điếc con ráy” rất nhiều phàn nàn từ người hâm mộ trên PC, thì ông Kojima vẫn chưa đưa ra quyết định gì có tính cải thiện cả.

Vàng 9.0

Sau những "thảm họa" của các đại gia phát hành game khi đổ bộ lên hệ console tiếp theo, thì thành công của Metal Gear Solid V: Ground Zeroes dường như là một trong những tia sáng hiếm hoi mang lại hy vọng cho các game thủ.

Chỉ với một tầm cỡ của một bản chơi thử, thế nhưng những gì mà Metal Gear Solid V: Ground Zeroes đạt được đã khẳng định được chất lượng mà ông Kojima hứa sẽ mang lại trong phiên bản chính thức: Metal Gear Solid V: The Phantom Pain.

Thông tin

  • Metal Gear Solid V: Ground Zeroes
  • Nhà phát triển
    Kojima Productions
  • Nhà phát hành
    Konami
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    18/12/2014
  • Nền tảng
    Windows, Xbox 360, Xbox One, PlayStation 3, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows Vista (SP2) /Windows® 7 (SP1) / Windows® 8 / Windows® 8.1 / (64-bit)
  • CPU
    Core i5-4460 (3.20GHz)
  • RAM
    4GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 650 (2GB)
  • Lưu trữ
    4GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
  • RAM
    32GB
  • GPU
    Red Devil VEGA 56
  • Lưu trữ
    250GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi VIETGAME.ASIA. Chơi trên PC.