Nexomon – Từ thuở ban sơ, game nhập vai thu hút đông đảo người chơi nhờ vào lối chơi lắt léo và nhiều tầng lớp chiều sâu.
Nếu game nhập vai – hành động kiểu Diablo, Titan Quest hay Grim Dawn chú trọng vào việc xây dựng một nhân vật đi kèm với kỹ năng điều khiển cao; thì các dạng game nhập vai theo lượt như Xenoblade Chronicles, Final Fantasy lại đòi hỏi sự vận dụng tư duy ở tầm vĩ mô khi người chơi phải kết hợp một tổ đội mạnh của nhiều nhân vật cùng lúc.
Nhưng dù trong một tựa game nhập vai “phổ thông”, thì số nhân vật có thể nuôi và điều khiển cũng không bao giờ quá nhiều, trừ một vài trường hợp thật sự đặc thù như dòng Chrono Trigger hay Suikoden.
Vì vậy, khi mà Pokemon ra đời và “giới thiệu” đến người chơi cái khái niệm tìm kiếm, thu thập và nuôi đến gần… 1000 “nhân vật” để có thể phối hợp thành các đội hình vô hạn, vô cực – thì ma lực mà nó tạo ra là hầu như không ai có thể so bì được.
Do đó, không có gì lạ khi có rất, rất nhiều tựa game “ăn theo” Pokemon đã ra đời, từ đủ các hãng game lớn có nhỏ có. Tuy vậy, hầu như chẳng hề có ai đủ sức vươn tới cái tầm cỡ của Pokemon, có lẽ vì công thức thành công của nó quá đỗi quái dị khó có thể sao chép được.
Hạ cái tiêu chuẩn kén chọn xuống một chút, thì trong vài năm gần đây cũng có không ít game “nhái Pokemon” đáng chơi, chẳng hạn như Nexomon: Extinction mà Vietgame.asia đã từng đánh giá cách đây không lâu.
Vừa mới đây, phiên bản “tiền thân” của nó với tên gốc Nexomon đã chính thức được PQUBE phát hành trên các hệ máy PS4, PS5, Xbox One, Xbox Series X và Nintendo Switch. Tuy hơi “ngược đời” một chút, nhưng bản thân Nexomon cũng có những yếu tố thú vị nhất định (chứ dở thì kinh phí đâu cho hãng làm tiếp Nexomon: Extinction?).
Vì vậy, mời bạn đọc cùng Vietgame.asia đến với phiên bản Nexomon của hệ máy Nintendo Switch, xem nó hay dở ra sao qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi quen thuộc, dễ tiếp thu
Có lẽ vì là phiên bản ra sau nên Nexomon: Extinction ít nhiều gì cũng cố tạo ra nhiều điểm khác biệt với dòng Pokemon – còn với Nexomon, nếu không đọc kỹ tựa game có khi phần đông người chơi sẽ ngỡ là mình đang chơi một phiên bản “tút lại” HD của một tựa game Pokemon thế hệ thứ II hay III nào đó.
Nói như vậy không phải để chê Nexomon “đạo nhái”, mà thật ra là một ưu điểm mạnh khi game tiếp thu những cái hay, cái tốt của một dòng game quá nổi tiếng, quá thành công.
Nexomon hầu như đã nắm bắt được hết những cái tinh túy đã từng chinh phục vô số người chơi thuộc lứa 8x – 9x của dòng Pokemon thời kỳ đầu.
Thế giới trong Nexomon chia thành các thành phố và thị trấn lớn nhỏ được bố trí cách xa nhau.
Chen vào ở giữa là những khoảng đệm được hình thành từ nhiều môi trường khác nhau như rừng rậm, đồng cỏ, núi tuyết, hang động… Và dĩ nhiên, để đi từ chỗ này đến chỗ kia, người chơi phải vượt qua nhiều loại địa hình và chạm trán nhiều loại quái vật (Nexomon) khác nhau.
Tương tự với dòng Pokemon, các trận đánh trong Nexomon hầu như diễn ra ở thể thức một chọi một. Thứ tự hành động của các Nexomon quyết định bởi chỉ số tốc độ, và người chơi có thể chọn một trong bốn kỹ năng mà quái vật của mình học được.
Phần lớn các kỹ năng là để gây sát thương, có thể kèm theo một loại hiệu ứng nào đó như trúng độc, làm choáng, tê liệt, giảm giáp… Người chơi có thể tùy ý thay đổi Nexomon đang chiến đấu bằng một con khác trong đội hình 6 Nexomon mang theo cho “hợp kèo”.
“Kèo” ở đây chính là về việc tương khắc, kỵ hệ giữa các Nexomon với nhau. Cơ chế này không quá rạch ròi và có sức ảnh hưởng như Pokemon, mà nó chỉ đơn giản là hệ này sẽ gây nhiều sát thương hơn lên hệ bị nó khắc chế, và ngược lại.
Dù sao thì cơ chế này cũng vừa đủ thú vị để người chơi đầu tư nuôi nhiều hệ trong đội của mình, mà cũng không phức tạp tới mức phải “vắt não” ra tính toán như trong Pokemon.
Đối với Nexomon hoang dã trong bụi cỏ, người chơi có thể quăng Trap để bắt chúng (tương tự như Pokeball bên Pokemon).
Mức máu thấp, quái bị dính hiệu ứng xấu, hay chênh lệch cấp độ… là các nhân tố quyết định tỉ lệ bắt thành công – tuy vậy, người viết hơi tiếc vì cơ chế bấm QTE cũng như hiển thị rõ số % thành công vốn rất hay bên Nexomon: Extinction lại chưa xuất hiện trong Nexomon (có lẽ lúc này nhà phát triển chưa nghĩ tới đó).
Nhìn chung, nếu đã chơi qua Pokemon hay chí ít là một tựa game nhập vai theo lượt nào đó, người chơi sẽ rất dễ dàng tiếp thu Nexomon, bởi game đã cố hết sức để đơn giản hóa mọi thứ mà vẫn giữ được tính hấp dẫn và đa dạng trong lối chơi cốt lõi của mình.
người chơi sẽ rất dễ dàng tiếp thu Nexomon, bởi game đã cố hết sức để đơn giản hóa mọi thứ mà vẫn giữ được tính hấp dẫn và đa dạng trong lối chơi cốt lõi
Đồ họa thích mắt!
Một điểm cộng lớn trong Nexomon (và cả Nexomon: Extinction), ấy là game sở hữu một phong cách đồ họa rất dễ chịu, nếu không muốn nói là rất đẹp mắt đối với một tựa game 2D.
Còn nhớ ở cái thời điểm mà Pokemon thế hệ II, thế hệ III hay IV đang “làm mưa làm gió”, đồ họa bấy giờ vẫn chỉ còn bó hẹp trong định dạng pixel art nghèo nàn – còn các phiên bản sau này lại đi theo hướng 3D. Do đó hầu như người chơi yêu thích Pokemon chẳng hề có cơ hội được trải nghiệm một tựa game Pokemon 2D nào có định dạng đồ họa chất lượng cao HD cả.
Vì vậy, về phương diện này thì Nexomon có thể nói là đã làm rất tốt khi hoàn thành vai trò “thế thân” cho một phiên bản Pokemon 2D HD.
Nói như vậy không có nghĩa là Nexomon chỉ là “cái bóng” của một tựa game khác, bởi lẽ bản thân game cũng đã kiến tạo cho mình một thế giới riêng với nhiều điểm nhấn về mặt đồ họa rất tốt, chẳng hề kém cạnh gì khi so sánh với “game gốc”.
Có một điều hơi trái khoáy một chút, đó là tuy ra sau nhưng người viết có cảm giác đồ họa trong Nexomon: Extinction lại không đẹp bằng Nexomon.
Nếu nói rằng thế giới trong Nexomon: Extinction tuy vẫn đẹp đẽ và tươi tắn nhưng lại khá “chắp vá” và “mảng miếng” như kiểu được ráp trong chương trình làm game, RPG Maker; thì Nexomon lại là một cá thể hoàn chỉnh với các chi tiết sắc sảo được bố trí mang tính chặt chẽ và nghệ thuật hơn nhiều.
Cách vẽ các vật thể tạo nên màn chơi trong Nexomon như thảm cỏ, rừng cây, tảng đá… cho đến các ngôi nhà trong thành phố, gạch lát đường… đều có tính liên kết rất mạnh, và chúng tạo cảm giác gần gũi với người chơi.
Đây là điều mà dòng game Pokemon vốn đã làm rất tốt: kiến tạo nên một thế giới giả tưởng nhưng lại lồng ghép bên trong những yếu tố hết sức bình dị, thường ngày.
Nói về một tựa game nuôi và chiến đấu cùng quái vật mà bỏ qua tạo hình quái vật thì quả là một thiếu sót to tổ bố.
Về mặt này thì Nexomon đã làm cực tốt, thậm chí có phần lấn lướt cả Nexomon: Extinction. Tạo hình và thiết kế quái vật trong Nexomon, từ dạng “sơ sinh” cho đến dạng tiến hóa, đều được đầu tư và chăm chút hết sức kỹ lưỡng.
Phong cách tạo hình quái vật được đơn giản hóa với việc hạn chế các chi tiết thừa và chỉ sử dụng 2-3 màu chủ đạo.
Nexomon lại là một cá thể hoàn chỉnh với các chi tiết sắc sảo được bố trí mang tính chặt chẽ và nghệ thuật hơn nhiều.
Việc làm này gợi nhớ đến các thiết kế Pokemon từ thế hệ thứ III trở về trước: vừa đơn giản mà lại dễ thương, vừa mạnh mẽ mà chẳng kém phần thân thiện.
Đây là một thủ pháp rất cao cấp mà vô số “game nhái” khác – hay thậm chí là chính Pokemon các phiên bản sau này, đã làm không tới, dẫn đến việc quái vật ngày càng xấu, rườm rà và “mất chất”.
BẠN SẼ GHÉT
Cốt truyện yếu kém, thiếu đầu tư!
Từ xưa đến nay, Pokemon đã gắn liền với rất nhiều thế hệ người chơi. Nói không ngoa khi có những người đã gắn bó với dòng game kỳ diệu này từ khi còn là những cô cậu học sinh, cho đến bây giờ đã trở thành các bậc cha mẹ.
Để có được thành công ấy, Pokemon ngoài hệ thống quái vật phong phú cùng cơ chế gốc chặt chẽ, còn nhờ vào cốt truyện thú vị gắn liền với những cuộc phiêu lưu kỳ thú khó quên.
Nói như vậy để hiểu rằng một thế giới kỳ bí với hằng hà sa số quái vật đẹp đẽ, sẽ vẫn không đủ sức hấp dẫn nếu thiếu đi một cốt truyện hấp dẫn với vai trò “chất kết dính” nhằm liên kết thế giới này lại. Điều này đã được làm khá ổn áp trong phiên bản Nexomon: Extinction – thế nhưng rất đáng tiếc là Nexomon lại hoàn toàn thất bại về mặt này.
Ngay từ những giây phút đầu tiên, người chơi đã nhanh chóng mất cảm tình với nhân vật chính, khi mà chỉ bằng vài lời xúi bẩy của bạn thân và một cuộc cãi cọ không đầu không đuôi với tên ác nhân (mà kẻ sai lại là… nhân vật chính), là người chơi đã có thể mặc sức bỏ nhà đi phiêu lưu cùng một con Nexomon vừa mới… chôm được.
Nếu Nexomon: Extinction kiến tạo ra một thế giới sôi sục chiến ý giữa các phe nhóm, các âm mưu của từng cá nhân, các bí ẩn nằm trong những tổ chức và nhiều chi tiết thú vị về lịch sử của thế giới này – thì trong Nexomon, mọi thứ lại được tạo ra hết sức hời hợt, “cho có”, và hoàn toàn không tạo được một chút cảm tình nào nơi người chơi cả.
Tương tự Nexomon: Extinction, Nexomon cũng có một nhân vật phụ đi theo với vai trò “cà khịa”, đá xoáy nhân vật chính để tạo tiếng cười – tuy nhiên con robot trong Nexomon tỏ ra cực kỳ kém duyên, thua xa con “mèo phò” trong Nexomon: Extinction, với những trò đùa “nhạt như nước ốc”, thậm chí đôi khi tỏ ra khá thô lỗ và gây khó chịu hơn khiến người chơi thấy mắc cười.
trong Nexomon, mọi thứ lại được tạo ra hết sức hời hợt, “cho có”, và hoàn toàn không tạo được một chút cảm tình nào nơi người chơi cả