Skip to content

Pokemon Let’s Go – Đánh Giá Game

Pokemon Let's Go

Pokemon Let’s Go – Pokemon, đây có lẽ là một cái tên đã chẳng còn gì xa lạ với hầu hết mọi người sống trên Trái Đất này, dù là game thủ gạo cội hay người chẳng hề chơi game.

Nói như vậy cũng không có gì quá đáng, khi mà thậm chí chư vị phụ huynh – những người suốt ngày ra rả bài ca “chơi game là xấu”, cũng biết về cái tên này (mặc dù với họ thì Pokemon đồng nghĩa với một con chuột điện ú màu vàng suốt ngày kêu “Pì ká pí kà”).

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi mà vào 24 năm trước, làn sóng chấn động mang tên Pokemon này đã lan tràn rộng khắp đến mọi ngóc ngách của thế giới, cả từ khi internet vẫn còn là một khái niệm xa xỉ và mơ hồ.

Chỉ từ một tựa game bé nhỏ ra mắt trên hệ máy GameBoy trắng đen của Nintendo, mà cả một seri phim hoạt hình dài gần… nghìn tập đã ra đời, kéo theo hệ lụy vô số sản phẩm ăn theo từ ly tách quần áo, cặp sách bút thước.

Sức mạnh của Pokemon – “Bửu bối thần kỳ” là điều không thể nào phủ nhận được.

Trải qua 24 năm tuổi đời, 7 thế hệ game chính thống, vô số game spin-off (ngoại truyện) “ăn theo”, cơn sốt Pokemon vẫn chưa có một lúc nào hạ nhiệt.

Năm 2015 đánh dấu sự “tái phát” diện rộng của dịch bệnh này qua cái tên Pokemon GO, một ứng dụng điện thoại có sức ảnh hưởng khủng khiếp.

Người ta phát rồ đổ xô đi khắp mọi nẻo đường, thậm chí không từ bất cứ “thủ đoạn” nào – từ hack vào máy chủ Google để chỉnh sửa các địa điểm ảo, cho đến… đột nhập vào nhà người khác – tất cả chỉ để bắt cho được con Pokemon mình cần.

Cơn sóng lần đó còn mạnh mẽ hơn thuở ban đầu nhiều lần, bởi lẽ dù sao thì một ứng dụng điện thoại miễn phí vẫn có tính phổ cập cao hơn một cái máy GameBoy + băng game, một thứ thuộc hàng “xa xỉ phẩm” vào những năm 1995 chứ.

Thông thường thì con người ta luôn có ấn tượng sâu sắc nhất về thuở ban đầu – dù các sản phẩm về sau có tốt hơn cỡ nào đi nữa, thì ai mà chẳng hoài niệm về ngày đầu tiên thơ mộng ấy?

Nguyên lý này cũng không sai với thế giới Pokemon, khi mà thế hệ đầu tiên (Red/Green/Yellow) vẫn luôn in hằn trong ký ức của các tín đồ.

Thời điểm cuối năm 2018 vừa qua đánh dấu sự trở lại của dòng game huyền thoại này với phiên bản “làm lại” mang tên Pokemon Let’s Go, ra mắt trên hệ máy Nintendo Switch.

Như vậy, tính đến thời điểm này thì thế hệ đầu tiên này là thế hệ duy nhất sở hữu đến tận hai phiên bản làm lại (Leaf Green/ Fire Red trên hệ GameBoy Advance và Pokemon Let’s Go Pikachu/ Eevee trên hệ Nintendo Switch).

Lần trở lại này, mọi thứ không chỉ đơn giản như là một kiểu “remaster” rẻ tiền hầu móc túi người chơi nhờ sự hoài cổ – mà còn là một bước thử nghiệm về nền tảng đồ họa mới quyết định tương lai của cả dòng game Pokemon.

Pokemon Let’s Go được cả thế giới đón nhận rầm rộ, chẳng hề thua kém gì ngày đầu tiên ra mắt 24 năm về trước cả.

Tuy vậy, đằng sau ánh hào quang đó lại ẩn chứa ít nhiều bóng đen tiêu cực – nguyên nhân do đâu?

Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây nhé!

BẠN SẼ THÍCH

MỘT NƯỚC ĐI CHIẾN LƯỢC ĐẦY Ý ĐỒ “THÂM THÚY”

Khi Pokemon Let’s Go được chính thức công bố lần đầu tiên vào E3 2018, người ta đón nhận nó với những lời trầm trồ khen ngợi trước bộ áo cánh mới, cùng những tính năng thú vị được Nintendo hứa hẹn.

Tuy vậy, song song theo đó cũng không ít người thắc mắc rằng tại sao Nintendo lại “tái chế” nó đến lần thứ ba, thay vì làm một phiên bản mới cho thế hệ thứ 8?

Sự thật thì với công thức “làm lại mỗi 2 đời” (Leaf Green/ Fire Red đời 1 làm lại trên nền đời 3 Ruby/ Sapphire/ Emerald, Heart Gold/ Soul Silver đời 2 làm lại trên nền đời 4 Pearl/ Diamond/ Platinum, Omega Ruby/ Alpha Sapphire đời 3 làm lại trên nền đời 6 X/ Y), người ta sẽ trông đợi vào một cái gì khác chứ không phải là đời 1 được “xào lại” đến tận 2 lần.

Tuy nhiên, đây có thể xem là một bước đi mang tính chiến lược của Nintendo, khi mà “một công đôi ba việc” hoàn thành cùng lúc.

Đầu tiên là “thắp lại” ngọn lửa có phần hơi lụi tàn của Pokemon GO sau 3 năm đuối sức, bằng cách tạo ra sự tương tác hai chiều giữa nó và Pokemon Let’s Go.

Người chơi có thể chuyển Pokemon đã bắt bên Pokemon GO sang Pokemon Let’s Go một cách dễ dàng, nhanh chóng làm đầy thư viện PokeDEX thay vì phải bỏ công đi bắt lại từ đầu.

Đây cũng là cách tạo ra mạng lưới tương tác lớn giữa người chơi với nhau – vốn là giá trị cốt lõi của dòng game Pokemon từ trước.

Pokemon Let's Go

Kế đến, là thử nghiệm sức mạnh của nền tảng đồ họa mới trên hệ máy Nintendo Switch.

Khác với Nintendo 3DS, một hệ máy cầm tay cấu hình thấp, nơi mà chất lượng cỡ X/ Y hay Sun/ Moon là có thể chấp nhận được – dù gì thì Nintendo Switch cũng là một hệ máy “nửa console” với khả năng trình chiếu trên màn ảnh rộng HD.

The Pokemon Company sẽ cần phải có một nền tảng mới đủ mạnh để thực hiện điều này, và Pokemon Let’s Go chính là cơ hội tốt nhất để làm được điều đó.

Người chơi có thể chuyển Pokemon đã bắt bên Pokemon GO sang Pokemon Let’s Go một cách dễ dàng, nhanh chóng làm đầy thư viện PokeDEX

Sau cùng, là khơi gợi lại sự hoài niệm của các tín đồ Pokemon lâu năm – những người đã cảm thấy hơi bị thất vọng ở thế hệ thứ 7 (Sun/ Moon) với đồ họa xấu mù và tạo hình Pokemon kém hấp dẫn!

Thật sự thì sau một sự khởi sắc đáng phấn khởi ở thế hệ thứ 6 với X/ Y/ Omega Ruby/ Alpha Sapphire, thì những gì mà thế hệ thứ 7 mang lại đã nhanh chóng kéo tụt niềm hào hứng đó gần “chạm đáy nỗi đau”.

Để đảm bảo niềm tin vào thế hệ thứ 8 (Sword/ Shield) sắp ra mắt vào cuối 2019 này, một thứ “nhiên liệu” để thắp lại ngọn lửa đã tắt này là cần thiết – và Pokemon Let’s Go đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.


NỀN TẢNG ĐỒ HỌA XUẤT SẮC QUÁ MONG ĐỢI!

Sự thật mà nói thì với người chơi Pokemon lâu năm và tận mắt nhìn dòng game này trưởng thành qua từng thời đại, chẳng có niềm vui nào bằng khi được trải nghiệm nó với chất lượng đồ họa mãn nhãn cả.

Khởi đầu với phong cách đồ họa trắng đen 8-bit trên hệ GameBoy, lột xác dần lên 16-bit màu đơn sắc trên GameBoy Color, tiếp nối bằng 32-bit màu đa sắc trên GameBoy Advance và Nintendo DS, và sau cùng là 3D hoàn chỉnh với hệ Nintendo 3DS – chặng đường lột xác này quả thật đã khiến các “tín đồ” khấp khởi mừng thầm theo từng năm tháng.

Tuy vậy, một sự khát khao về một tựa game Pokemon 3D hoàn chỉnh với chất lượng cao, đi kèm với các góc quay đa dạng, các hiệu ứng chiến đấu khốc liệt, các mô hình Pokemon tinh tế… vẫn chưa từng được thỏa mãn – bởi lẽ sức mạnh của Nintendo 3DS, một hệ máy cầm tay đã 7 năm tuổi, không đủ để đáp ứng điều đó.

Vì vậy, không có gì nói ngoa khi mà các tín đồ Pokemon gần như vỡ òa trong nước mắt khi lần đầu nhìn thấy đoạn trailer công bố về Pokemon Let’s Go hồi E3 2018.

Thật sự, sau tận 23 năm dài đằng đẵng, một quãng thời gian đủ dài để biết các cô cậu nhỏ năm nào thành những bậc phụ huynh, sau cùng chúng ta cũng có thể thưởng thức một tựa game Pokemon xứng tầm đẳng cấp mà lẽ ra nó phải có.

Pokemon Let's Go

Thật vậy, với Pokemon Let’s Go, lần đầu tiên người chơi được đắm mình trong những trận chiến khốc liệt, khi mà các chiêu thức quen thuộc năm nào như Thunder, Fire Blast… được khoác lên bộ áo cánh HD vô cùng mỹ miều và hoành tráng.

Thế giới “chấm pixel” năm xưa nay đã lột xác, trở thành một khung trời lộng lẫy với những cảnh trí thanh tân, mới mẻ, mà chẳng kém phần hoài niệm.

Những thành phố như Cerulean City, Celadon City… những con đường năm xưa từng đi mòn gót, nay đã trở lại đẹp đẽ và tinh tế hơn bội phần.

Thực sự, cảm giác đi vào một bụi cỏ để cảm thấy từng lá cỏ lung lay theo bước chân, hay chỉ đơn thuần là đứng trên đồi đón một ngọn gió mới, đều tạo cho người chơi cảm giác rất chân thực, tựa như được sống lại những ngày xưa thơ mộng đó.

Tuy với thế hệ thứ 6 và thứ 7, các mô hình Pokemon cũng được “3D hóa” phần nào, nhưng rõ ràng làm sao chúng có thể so bì được với những gì mà Pokemon Let’s Go trình diễn được?

Những người bạn gắn liền với tuổi thơ chúng ta như rồng lửa Charizard, rồng béo Dragonite, siêu mèo Mewtwo hay gã bụng bự phàm ăn Snorlax… nay đã trở lại và lợi hại hơn gấp nghìn lần.

Thế giới “chấm pixel” năm xưa nay đã lột xác, trở thành một khung trời lộng lẫy

Với tính năng “cưỡi” lên những Pokemon cỡ lớn và du hành thay cho chiếc xe đạp cũ kỹ, hành trình vạn dặm trong Pokemon Let’s Go đã trở nên hào hứng hơn lúc nào hết.

Và còn gì thú vị hơn khi lần này, tâm điểm “starter” của người chơi sẽ là Pikachu hoặc Eevee, hai Pokemon đặc biệt được chăm chút rất nhiều với hàng loạt kỹ năng độc đáo “không đụng hàng”, lẫn tính năng diện quần áo mũ nón và đổi kiểu tóc cực kỳ “sang chảnh”.

Có thể nói, Pokemon Let’s Go là lời tri ân đáng giá nhất đối với hàng trăm triệu tín đồ Pokemon đã đồng hành cùng dòng game này trong suốt 24 năm qua.

BẠN SẼ GHÉT

Pokemon Let's Go

CÁI THÊM ĐÃ CHẲNG LẤY GÌ LÀM HAY…

Dĩ nhiên khi một món ăn đã được “hâm” lại tới lần thứ ba, đến một người ngu ngơ nhất trần đời cũng thừa hiểu rằng người ăn sẽ… ngán.

Vì vậy, với Pokemon Let’s Go thì chuyện Nintendo nghĩ đến việc phải thêm/ sửa vài thứ để tạo nên hương vị mới là điều hiển nhiên.

Và nói riêng về mảng này, Pokemon Let’s Go quả thật có rất nhiều thay đổi so với bản gốc Red/ Green/ Yellow, và cả Leaf Green/ Fire Red nữa.

Tuy nhiên, đổi mới không phải lúc nào cũng là điều tốt, và Pokemon Let’s Go dường như đã không thể tính trước được rằng động thái mang tính cầu toàn này đôi khi lại… phản tác dụng nhiều như vậy.

Trước hết phải nhắc đến việc bỏ hẳn cơ chế chạm trán ngẫu nhiên (random encounter).

Với game J-RPG (nhập vai Nhật Bản), dường như “chạm trán ngẫu nhiên” đã trở thành một thứ gì đó mang tính biểu tượng, khi mà xuyên suốt chiều dài hàng chục năm nay, nó vẫn luôn xuất hiện trong phần lớn các siêu phẩm đến từ xứ hoa anh đào này, như Final Fantasy, Dragon Quest, Persona

Dĩ nhiên, bản thân chạm trán ngẫu nhiên chưa bao giờ là một điều thú vị hay ho đáng để mong đợi cả, vì sự phiền toái của nó đôi khi còn lớn hơn giá trị mà nó mang lại.

Chẳng ai vui nổi khi mà trên đoạn đường ngắn ngủn giữa 2 nhiệm vụ quan trọng lại phải đánh đến… 5 trận chiến vô nghĩa, và đôi khi điểm kinh nghiệm hoặc phần thưởng “chả bõ nhét kẽ răng”.

Pokemon Let’s Go quả thật có rất nhiều thay đổi so với bản gốc Red/ Green/ Yellow, và cả Leaf Green/ Fire Red nữa. Tuy nhiên, đổi mới không phải lúc nào cũng là điều tốt

Để giải quyết “vấn nạn” này, có 2 phương án chính là… bỏ hẳn nó, hoặc tìm cách làm “chiết trung” để giảm bớt sự khó chịu.

Với dòng Pokemon truyền thống xưa nay, cách làm thứ 2 có vẻ tỏ ra khá “dễ chịu” khi mà chỉ khi đi vào các bụi cỏ người chơi mới phải chạm trán ngẫu nhiên (hoặc một số trường hợp hãn hữu như trong hang hoặc trên biển).

Hầu hết phiên bản đều thiết kế các lối đi phụ để giúp người chơi tránh các bụi cỏ, hoặc sử dụng vật phẩm Repel để “đuổi” Pokemon hoang dã đi xa.

Do đó, chạm trán ngẫu nhiên trong Pokemon chưa bao giờ khiến người chơi quá mức khó chịu, mà có thể coi đó là một “nét duyên” thú vị của dòng game này, khi mang đến nhiều sự bất ngờ cho người chơi.

Nhưng lần này, Pokemon Let’s Go lại chọn phương án đầu tiên, đó là bỏ hẳn chạm trán ngẫu nhiên và thay bằng cách hiển thị Pokemon hoang dã đi dạo tung tăng trong các bụi cỏ.

Đồng ý với cách làm này, người chơi hoàn toàn có quyền chọn lựa đánh hay không – tuy vậy, tính năng này lại đi kèm với hai bất cập lớn.

Thứ nhất là người chơi mất đi hoàn toàn yếu tố bất ngờ khi chơi “xổ số” như xưa – còn gì vui bằng chuyện gặp được một con Pokemon siêu hiếm có tỉ lệ xuất hiện chỉ 10% trong một lùm cỏ ven đường?

Thứ nữa, tính năng mới này trong Pokemon Let’s Go lại giới hạn số lượng Pokemon xuất hiện cùng lúc ở một chỗ – vì vậy, nếu những con đang đi tung tăng đó không hợp “khẩu vị” của người chơi, thì xin mời bạn hãy chạy đi đâu đó một lúc rồi quay lại, và cầu trời là những con mới xuất hiện sẽ… khá khẩm hơn.

Kế đến, chính là việc nhằm hướng đến các đối tượng người chơi “bình dân” (casual), cũng như để tạo tính kết nối cùng Pokemon GO, Pokemon Let’s Go đã thẳng tay bỏ luôn những trận chiến với Pokemon hoang dã.

Giờ đây khi gặp Pokemon hoang dã, người chơi phải chơi mini-game ném PokeBall bằng thao tác ném bóng (sử dụng cảm biến chuyển động của JoyCon) và hy vọng vào tỉ lệ hên xui (có thể tác động bằng các loại bóng “xịn” hoặc dùng đồ ăn đặc biệt).

Tính năng này có vẻ khá vui lúc đầu, nhưng dần dần trở nên vô cùng nhàm chán, đôi lúc còn khiến người chơi phiền phức.

Sự phiền phức này đến từ việc người chơi phải giữ khoảng cách và góc độ phù hợp để có cú ném tốt nhất, khiến cho việc ôm máy nằm ngang chơi cực kỳ khó khăn – và chuyện Pokemon Let’s Go không hỗ trợ Pro Controller lại càng khiến mọi thứ không kém phần khó chịu nữa.


BỚT ĐI NHỮNG THỨ QUÝ GIÁ

Sự thật thì khi thêm thắt khá nhiều thứ “gia vị” mới, điều hiển nhiên là Nintendo cũng phải bớt đi vài thứ phức tạp để phù hợp với tiêu chí thu hút thêm người chơi mới.

Tuy vậy, sự mất mát này lại trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người chơi lâu năm vốn đã quá quen với chúng.

Thà rằng không có từ đầu, chứ cho vào xong rồi lại lấy đi khi người ta không thể sống thiếu nó, đây quả là một tội ác mang cấp… vũ trụ!

Thứ nhất, là sự thiếu vắng của hệ thống vật phẩm trang bị.

Xuất hiện từ thế hệ thứ 2 (Gold/ Silver), cơ chế cho Pokemon “cầm” theo một món đồ đã dần trở thành một nhân tố cốt lõi mang tính chiến thuật, cả trong lúc chơi theo cốt truyện hoặc khi thi đấu giải.

Chuyện Black Sludge trở thành vật bất ly thân của Venusaur hoặc Alakazam luôn kè kè cục Life Orb đã trở thành vấn đề “thiên kinh địa nghĩa”, không cần phải bàn cãi nữa rồi.

Vì vậy, khi Pokemon Let’s Go tước bỏ đi tính năng cốt lõi này, sự hụt hẫng to lớn trong lòng người chơi lâu năm cũng to chẳng kém gì một cái… lỗ đen vũ trụ vậy.

Thứ hai, Pokemon Let’s Go cũng bỏ luôn cơ chế Ability – một trong những điểm nhấn tối quan trọng của tính chiến thuật trong dòng game này.

Xuất hiện từ thế hệ thứ ba (Ruby/ Sapphire/ Emerald), Ability nhanh chóng được yêu thích bởi đông đảo người chơi bởi chiều sâu trong chiến thuật mà nó mang lại.

Việc xuất hiện một/ nhiều kỹ năng nội tại đã trở thành định nghĩa, thành “thương hiệu” để tách bạch vô số Pokemon ra khỏi số đông còn lại.

Chẳng hạn như Speed Boost Blaziken hoặc Intimidate Gyarados – chúng là những thứ tạo nên giá trị sử dụng của một con Pokemon ở tầm mức quốc tế.

Thế nhưng với Pokemon Let’s Go, mọi thứ dường như đã trở lại thời kỳ “đồ đá” của thế hệ đầu tiên, khi mà chúng chưa từng tồn tại bao giờ.

Vẫn biết, Nintendo muốn thu hút thêm người chơi phổ thông bằng cách đơn giản hóa game, cũng như muốn tái tạo lại một phiên bản đầu tiên nguyên bản và đơn sơ nhất – thế nhưng việc lấy đi những thứ vốn đã tồn tại hàng chục năm nay, và quan trọng như linh hồn và hơi thở của cả một dòng game, thì cảm giác ấy khó mà “tiêu hóa” trôi chảy được.

việc lấy đi những thứ vốn đã tồn tại hàng chục năm nay, và quan trọng như linh hồn và hơi thở của cả một dòng game, thì cảm giác ấy khó mà “tiêu hóa”


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Game Freak
  • Phát hành: Nintendo
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 16/11/2018
  • Hệ máy: Nintendo Switch

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI NINTENDO  CHƠI TRÊN HỆ NINTENDO SWITCH

Bạc 8.5

Pokemon Let’s Go là lời tri ân quý giá nhất mà Nintendo cùng The Pokemon Company trao gửi đến cộng đồng to lớn đã đồng hành cùng dòng game huyền thoại này suốt 23 năm nay.
Với nền tảng đồ họa mới cực kỳ mãn nhãn, cùng nhiều thêm thắt ý vị, Pokemon Let’s Go thật sự xứng tầm một siêu phẩm mang tính “tái định hình” cả một thương hiệu lâu đời.
Tuy vẫn còn đó những cảm xúc “lấn cấn” khiến niềm vui ngày trở về chưa được trọn vẹn, nhìn chung Pokemon Let’s Go vẫn là một tựa game xứng đáng với cái giá 59.99 USD, và đủ tư cách đứng vào hàng ngũ những siêu phẩm độc quyền “đầu tàu” của hệ máy Nintendo Switch.