Skip to content

Nexomon: Extinction – Đánh Giá Game

Nexomon: Extinction

Nexomon: Extinction – Đối với hầu hết cư dân trên Trái Đất, “Pokemon” chắc hẳn là một cái tên đã quá quen thuộc, dù là đối với “thần dân” của thế giới game hay người chưa từng đụng vào game bao giờ. 

Cách đây 25 năm, “làn sóng” Pokemon đã lan toả cực mạnh trên cấp độ toàn cầu và nhanh chóng thao túng vô số lĩnh vực thương mại, từ videogame, truyện tranh, hoạt hình, đồ dùng học tập/ gia dụng, đồ chơi… Do vậy, sức ảnh hưởng to lớn của thương hiệu này là không có gì đáng phải bàn cãi.

Vì thế, chuyện có rất, rất nhiều hãng game muốn “nhái” Pokemon, dù để “ăn theo” hay vì ngưỡng mộ nó, cũng quá đỗi bình thường luôn. Tuy sau 25 năm vận hành, dòng game Pokemon đã có chiều hướng “bóng xế chiều tà” khi các phiên bản gần đây có chất lượng đi xuống – thì cũng chưa có tựa game “nhái” nào trong suốt quãng thời gian dài hơn hai thập kỷ này chạm đến nổi “cọng lông chân” của Pokemon.

Nexomon là một trong hằng hà sa số những cái tên muốn đi theo con đường của “đàn anh” Pokemon vạch ra. Tuy ra mắt cũng khá lâu, nhưng phải đến tháng 8.2020 cùng sự ra mắt của phiên bản “xịn sò” có tên Nexomon: Extinction, thì dòng game này mới chính thức tạo được tiếng vang ở một mức độ nhất định.

Vậy thì, Nexomon: Extinction là một tựa game như thế nào? Nó giống và khác Pokemon ra sao? Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau.

BẠN SẼ THÍCH

Nexomon: Extinction

Lối chơi cách tân, nhiều cải tiến

Về căn bản, Nexomon: Extinction hoàn toàn không khác gì với Pokemon khi đưa người chơi vào một thế giới giả tưởng, mà trong đó con người chung sống cùng các loại quái vật có tên là Nexomon. Ngoài việc có thể thu phục, nuôi dạy các Nexomon để chiến đấu, thì thế giới này còn tồn tại các thực thể Nexomon siêu cấp là Tyrant và Dragon.

Người chơi sẽ vào vai một cậu/ cô bé vốn xuất thân từ trại mồ côi, đến tuổi trưởng thành thì được cấp cho một Nexomon để “khởi nghiệp”. Trên bước đường phiêu lưu (và cứu thế), người chơi sẽ gặp gỡ với rất nhiều Nexomon khác nhau, từ dạng cơ bản cho đến dạng tiến hoá. Việc chiến đấu, thu phục, nuôi dưỡng… quái vật trong Nexomon: Extinction chẳng hề khác gì với dòng Pokemon trứ danh cả.

Tuy vậy, ở Nexomon: Extinction lại tồn tại những điều hay ho thú vị, khiến game trở nên hấp dẫn, đáng chơi – và đặc biệt là nó mang lại cho người viết, vốn là “fan cứng” của Pokemon, những cảm xúc hào hứng của thuở ban sơ khi chơi Pokemon – thứ cảm xúc đã nhạt nhoà đi nhiều từ sau thế hệ thứ IV (Diamond/ Pearl/ Platinum).

Trước hết, phải đề cập đến những thay đổi tuy nhỏ nhặt mà lại tinh tế, ý nhị trong Nexomon: Extinction, vốn được đưa vào để loại bỏ đi những bất cập khó chịu tồn tại ở dòng game Pokemon gốc. Đó là cơ chế chạm trán ngẫu nhiên (random encounter) cực kỳ “nhức nhối” của thể loại J-RPG cổ điển, thứ mà các phiên bản Pokemon về sau này như Let’s Go hoặc Sword/ Shield cố gắng khắc phục.

Trong Nexomon: Extinction, trừ các hầm mỏ ra, muốn gặp Nexomon hoang dã thì người chơi phải đi vào các bãi cỏ. Tuy vậy, khác với Pokemon khi các loại quái sẽ xuất hiện ngẫu nhiên, thì trong Nexomon: Extinction, chỉ những bụi cỏ nào “lúc lắc” mới có quái trong đó. Việc này cho người chơi cái tuỳ chọn rất dễ chịu là muốn đánh hay bỏ qua gì cũng được.

trừ các hầm mỏ ra, muốn gặp Nexomon hoang dã thì người chơi phải đi vào các bãi cỏ

Kế đến, trải nghiệm người dùng (UX – User Experience) cũng là một yếu tố được Nexomon: Extinction đặt lên hàng đầu. Các trận đánh trong Nexomon: Extinction cũng diễn ra theo lượt như Pokemon, nhưng thay vì phải di chuyển con trỏ qua các nút chọn để thao tác như “game gốc”, thì “game nhái” có cách làm hay hơn khi gán các lệnh mở thùng đồ, đổi quái, chọn chiêu, bỏ chạy… vào các nút XYAB. Do đó, chỉ cần một nút bấm nhẹ là người chơi có thể truy cập nhanh vào trang mình cần, không phải bấm lòng vòng cho mệt.

Ngoài ra, việc bắt quái trong Nexomon cũng được thêm thắt nhiều thứ hay ho để công việc này trở nên bớt nhàm chán. Chẳng hạn như tỉ lệ bắt thành công được hiển thị rõ ràng dựa trên chỉ số máu đã mất, trạng thái xấu… của mục tiêu. Thậm chí người chơi có thể gia tăng tỉ lệ này bằng cách bón thức ăn, dùng loại bẫy đặc biệt phù hợp, hoặc chơi minigame “Audition”… khiến cho hành trì thu phục hơn 300 cái tên trên “Bảng Phong Thần” trở nên thú vị hơn ít nhiều.


Nexomon: Extinction

Đồ hoạ thú vị, độc đáo

Kể từ thế hệ thứ VI về sau, dòng game Pokemon đã chuyển hẳn sang hướng đồ hoạ 3D thay vì 2D như trước. Động thái này của GameFreak thật sự là một nước đi khá dở, khi mà hầu hết “fan cứng” của Pokemon đều tỏ ra chán ghét phong cách 3D “nửa vời” được thể hiện trong Sun/ Moon hay Sword/ Shield. 

Vì vậy, khi tiếp cận Nexomon: Extinction với phong cách đồ hoạ 2D cổ điển mang chút hơi hướng cách tân, người viết thật sự dễ “tiếp thu” hơn hẳn, khi mà cảm giác chơi game cứ như là Pokemon thời kỳ đầu với đồ hoạ được “nâng cấp” HD vậy. 

Cách bố trí và thiết kế cảnh vật trong Nexomon: Extinction được xây dựng tương tự với cách làm bản đồ trong các phần mềm RPG Maker.

Nghĩa là mọi chi tiết hay cảnh nền đều được “cắt” thành những ô vuông có thể ráp nối dễ dàng với nhau.

Nhờ vậy, việc tạo ra các mảng lớn như tường vách, bãi đất… trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Sau khi tạo xong địa hình chính, nhà phát triển chỉ việc “đặt” lên thêm các chi tiết trang trí như cây cỏ, gạch đá… mà thôi.

khi tiếp cận Nexomon: Extinction với phong cách đồ hoạ 2D cổ điển mang chút hơi hướng cách tân, người viết thật sự dễ “tiếp thu” hơn hẳn, khi mà cảm giác chơi game cứ như là Pokemon thời kỳ đầu với đồ hoạ được “nâng cấp” HD vậy

Tuy vậy, khác với RPG Maker vốn rất “máy móc” khiến mọi thứ đôi khi rất “sượng” do chúng quá vuông vắn, Nexomon: Extinction dùng phần cốt lõi của cơ chế trên, đi kèm với những nét chấm phá thủ công riêng biệt nhằm tạo nên sự tự nhiên cho toàn bố cục.

Có thể kể đến những vệt tia nắng soi chiếu qua mái nhà, tạo nên sự ấm cúng, êm ả… hoặc những bóng tán lá cây râm mát, đu đưa theo từng cơn gió.

Tất thảy đều được đầu tư chăm chút hết sức tỉ mỉ và chu đáo.

Kế đến, một game “bắt và nuôi quái vật” mà không nhắc đến thiết kế quái vật, thì chẳng có gì trên đời mà “sai trái” hơn nữa.

Về phần này thì buộc phải công nhận các họa sĩ thiết kế của Nexomon: Extinction thật sự rất “mát tay”, khi hầu hết quái trong game bất kể là dạng “thiếu nhi” hay “hình thái tối thượng” đều được thiết kế cực kỳ chuẩn, chỉnh, độc, đẹp – nói không ngoa thì thật sự các thiết kế này “ăn đứt” hầu hết các Pokemon từ thế hệ thứ VII về sau này chứ chẳng chơi!

Thiết kế đã vậy, mà khâu diễn hoạt của Nexomon: Extinction cũng chẳng hề kém cạnh là bao.

Mỗi mô hình quái vật trong game tuy được vẽ 2D, thế nhưng cả ở hai góc chính diện hay sau lưng, chúng đều có những cử động rất uyển chuyển, mượt mà.

Đi kèm với các hiệu ứng đòn đánh hệ nguyên tố ngầu “lòi tòi phòi”, thật sự có thể thấy rằng ở Nexomon: Extinction có rất nhiều thứ đáng cho cả “game gốc” phải học hỏi.

BẠN SẼ GHÉT

Nexomon: Extinction

Vẫn còn nhiều “sạn”

Hay ho là thế, đẹp đẽ là thế – thế nhưng cũng như mọi tựa game khác trên đời, Nexomon: Extinction không tránh khỏi những khuyết điểm, tuy không nhiều, nhưng sự khó chịu và tần suất xuất hiện của chúng vẫn đủ để khiến người chơi cảm thấy không thoải mái.

Trước tiên có thể nói đến sự không đồng nhất ở mảng đồ họa game.

Nếu các thiết kế quái vật, diễn hoạt và hiệu ứng đòn đánh trong Nexomon: Extinction đều ở cấp độ “bậc thầy” – thì game lại bộc lộ điểm yếu rất rõ rệt ở các mẫu hình và ảnh đại diện của nhân vật trong game.

Có vẻ như phần tạo hình và thể hiện tranh của nhân vật trong game là do một người khác thể hiện, nên các khung hình như dáng đứng, cử chỉ… đều dễ nhận thấy sự sai sót về tỉ lệ, góc cạnh…

Kế đến là việc game khá “lạm dụng” các thủ pháp “cà khịa” như parody hoặc “phá bức tường thứ 4” khi lồng ghép những câu thoại của các NPC nói về những vấn đề không tồn tại trong game, như kiểu “giờ mày biết tại sao game này tên Extinction (tuyệt chủng) rồi chứ gì?” hoặc “mấy thằng dev game này lười thí bà”.

Ban đầu việc này có vẻ khá hài hước và thú vị, nhưng việc lạm dụng ở tần suất rất nhiều sẽ khiến người chơi cảm thấy hơi bực mình, vì cảm giác thực và ảo sẽ bị xáo trộn liên tục!

Ngoài ra, cốt truyện trong game nói về sự tận thế khi các Tyrant cổ đại trỗi dậy, sự tồn vong của nhân loại sẽ chỉ có thể tình bằng giờ… thế nhưng mọi yếu tố khác trong Nexomon: Extinction đều nói lên điều… ngược lại!

Game có tông màu rất tươi tắn, nhí nhố, đồ họa thì ku-te, đám dân chúng thì… ăn chơi nhảy múa khắp mọi nơi, và con mèo Coco đi theo mình thì lúc nào cũng lải nhải “boss cuối nó chờ được mà, cứ tung tăng từ từ thôi, nghiện đâu mà ngại…”

Cuối cùng, là sự yếu kém trong việc cân bằng game, vốn có thể nhận thấy ở nhiều khía cạnh.

Từ việc hầu như quái hệ nào chỉ có thể học chiêu hệ đó, vốn hạn chế rất nhiều về tính chiến thuật; hoặc “kỵ hệ” chỉ gây thêm/ ít hơn một chút sát thương không đáng kể; cho đến việc thăng cấp và chỉ số trong Nexomon: Extinction đều khá chậm chạp và “lệch pha”.

Tập trung lại, chúng ta sẽ có một tựa game khá là dễ dàng và có nhịp chơi rất chậm rãi, thiếu kịch tính, không cao trào.

Ban đầu các thủ pháp “cà khịa” có vẻ khá hài hước và thú vị, nhưng việc lạm dụng ở tần suất rất nhiều sẽ khiến người chơi cảm thấy hơi bực mình, vì cảm giác thực và ảo sẽ bị xáo trộn liên tục


THÔNG TIN

  • Sản xuất: LimeTurtle Inc
  • Phát hành: PQube
  • Thể loại: Hành động / Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 28/08/2020
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, Nintendo Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • GPU: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • GPU: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI PQUBE CHƠI TRÊN HỆ SWITCH

Bạc 8.5

Trong số các tựa game “nhái Pokemon”, Nexomon: Extinction có thể xem là “người kế thừa” làm tốt nhất khi bám khá sát cái “sườn” của game gốc, đi kèm với nhiều bổ túc, cải tiến sáng giá. Với lối chơi dễ tiếp thu, dễ nghiện, đồ hoạ siêu đẹp siêu dễ thương, và những câu thoại “bựa trời hỡi”, Nexomon: Extinction xứng đáng với cái giá 19.99 USD rất nhẹ nhàng của mình. Tuy vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề nhỏ, nhưng nhìn chung, chúng vẫn chưa đủ để lấn át những ưu điểm “siêu to khổng lồ” mà game sở hữu.