Nioh – Kể từ khi tựa game Demon’s Souls lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2009, FromSoftware đã định hình hướng đi mới cho dòng game nhập vai hành động, và đồng thời cũng khẳng định rằng game thủ không hề trở nên “vô cảm” trước những tựa game mang tính thử thách cao, ngược lại, họ còn tỏ ra vô cùng hứng thú.
Kể từ đó trở đi, dòng game Souls luôn gặt hái được rất nhiều thành công đáng kể và có một lượng người hâm mộ đông đảo!
Sẽ không có gì làm lạ nếu như có một số hãng game khác cũng muốn “bắt chước” và khai thác hướng đi này một cách triệt để, thế là một số sản phẩm tương tự ra đời: Lords of The Fallens, Titan Souls, v.v.
Tuy đa số cái tên ấy đều nhận được nhiều lời khen từ phía người chơi, nhưng chúng vẫn không thể vượt qua cái bóng quá lớn của dòng Souls nổi tiếng được.
Không ngoại lệ, Team Ninja cũng lựa chọn cho mình hướng đi như trên và cho ra đời tựa game Nioh dành cho hệ máy PlayStation 4, hứa hẹn sẽ mang đến những thử thách cực khó cho các game thủ lão làng.
Nhưng liệu rằng, Nioh có thể trở nên một thương hiệu độc lập hay chỉ tồn tại với cái mác “bản sao của Dark Souls”?
Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài viết sau nhé!
BẠN SẼ THÍCH
CHIẾN ĐẤU “SƯỚNG TAY”!
Bối cảnh của Nioh diễn ra ở nước Nhật vào những năm cuối thời kỳ Chiến quốc (Sengoku Jidai) với nhân vật chính là William Adams, tay võ sĩ đạo (samurai) có xuất xứ từ phương Tây đầu tiên và cũng có thật trong lịch sử.
Tuy vậy, nhà phát triển game đã “hư cấu hóa” cuộc hành trình của Adams để gửi gắm vào Nioh – cuộc hành trình của một samurai chuyên tiêu diệt bọn quái vật (Yokai) với sức mạnh kinh hoàng.
Cơ chế chiến đấu cơ bản của Nioh được “vay mượn” khá nhiều từ loạt game Souls, với những nút điều khiển như: né, thủ, phản đòn, đánh mạnh hoặc yếu, v.v.
Nếu người chơi nào đã từng “chinh chiến” với bất kỳ tựa game Dark Souls nào, sẽ không khó để có thể làm quen với việc điều khiển nhân vật ở Nioh.
Điều khiến chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được sự tương đồng giữa Nioh và Ninja Gaiden chính là tốc độ vũ bão trong cơ chế chiến đấu.
Tuy vậy, cũng cần nhớ lại rằng Team Ninja cũng đã từng thiết kế một tựa game hành động với độ khó khá cao tại thời điểm ra mắt – Ninja Gaiden, vì vậy việc Nioh thừa hưởng một phần đặc điểm từ tựa game ấy cũng không có gì làm lạ.
Nhờ đó mà những trận kịch chiến vô cùng táo bạo và đã tay!
Mặc dù tốc độ quyết chiến kinh hoàng là vậy, nhưng vẫn có một yếu tố mà người chơi cần phải cân nhắc ở mỗi đòn đánh được tung ra.
Đó chính là chỉ số Ki, đây có thể được xem là một phiên bản khác của chỉ số Stamina (thể lực) trong Dark Souls.
sự tương đồng giữa Nioh và Ninja Gaiden chính là tốc độ vũ bão trong cơ chế chiến đấu. Nhờ đó mà những trận kịch chiến vô cùng táo bạo và đã tay!
Ở mỗi lượt ra đòn, né hoặc đỡ một đòn đánh của đối phương, nhân vật sẽ mất đi một lượng Ki nhất định và khi lượng Ki bị mất hết, người chơi sẽ rơi vào trạng thái kiệt sức, đây cũng là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm bởi bạn sẽ không thể làm bất cứ gì khác ngoài việc đứng một chỗ đợi hồi phục và việc “ăn trọn lãnh đủ” đòn đánh của đối thủ là điều tất yếu!
Chính vì thế, việc kiểm soát lượng Ki của nhân vật là vô cùng quan trọng!
Để làm tăng thêm sự “trơn tru” trong mỗi trận đấu, nhà phát triển còn cung cấp cho William Adams một khả năng gọi là Ki Pulse, bằng việc canh đúng thời gian và nhấn nút R1, lượng Ki của bạn sẽ được hồi phục nhanh hơn.
Nhờ vậy, người chơi có thể kéo dài đòn đánh của mình.
Một điểm thú vị khác là hệ thống “tư thế chiến đấu” (stance) ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến chiến thuật chiến đấu của người chơi.
Game có ba loại tư thế cầm vũ khí: thượng (High), trung (Mid) và hạ (Low) với những ưu khuyết điểm khác nhau.
Cụ thể, thế thượng giúp bạn gây ra một lượng sát thương cực kỳ lớn nhưng ngược lại giảm khả năng phòng thủ của nhân vật rất nhiều; thế hạ thì ngược lại, trong khi lượng sát thương giảm nhưng khả năng né đòn, tránh đòn lại rất tốt và việc tiêu thụ Ki cũng ít, giúp người chơi có thể đưa ra nhiều hành động hơn; thế trung thì cân bằng giữa hai thế kể trên.
Đôi lúc, việc thay đổi qua lại giữa các thế cầm vũ khí là vô cùng cần thiết bởi lẽ đối thủ của bạn cũng rất phong phú trong việc ra đòn: có loại thích tấn công, nhưng cũng có loại ưa phòng thủ.
Và bạn cũng không thể sử dụng cùng một tư thế để đối đầu với các đối thủ khác nhau này.
Cũng giống như tư thế chiến đấu, số lượng vũ khí của Nioh cũng vô cùng phong phú (lên đến 5 loại cận chiến và 3 loại cho đánh xa).
Mỗi loại vũ khí sẽ có những đặc điểm khác nhau, ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách chiến đấu của người chơi.
Người viết cực kỳ thích sử dụng đơn kiếm (sword) để chiến đấu bởi tính cân bằng của nó.
Tuy nhiên, cũng sẽ có người lại thích sử dụng song kiếm (dual swords) vì tốc độ ra đòn và né đòn cực nhanh.
Không thể phủ nhận rằng, Nioh là một tựa game đầy thử thách, những kẻ thù dường như được thiết kế chỉ để “tiễn” bạn về ngôi đền (Shrine) gần nhất ngay khi có thể.
Chính vì thế, Team Ninja cũng đã cung cấp một công cụ giúp chúng ta có thể giải quyết những tình huống khó khăn nhất – Vệ thần (Guardian Spirits).
Sử dụng những vệ thần này có thể giúp bạn triệu hồi vũ khí cực kỳ mạnh mẽ nhằm kết liễu đối phương (kể cả trùm) nhanh hơn rất nhiều lần.
Mặc dù vậy, việc có sự hỗ trợ từ những Guardian Spirits cũng chẳng giúp giảm độ khó cho game đi là bao.
Cơ chế chiến đấu được trau truốt là thế, nhưng cũng cần những “đối tượng” đủ mạnh và thú vị để người chơi có thể “xả” chiêu vào chúng, Team Ninja đã không làm người chơi thất vọng về khoản đó.
Các loại quái vật (Yokai) được thiết kế cực kỳ ấn tượng, với những hình dạng và tuyệt chiêu ra đòn khác nhau.
Đôi lúc, để “trị” được một chủng loại Yokai nhất định, người chơi buộc phải “tử nạn” vài lần mới có thể học được chiêu thức và lối đánh của chúng rồi từ đó tìm cách để khắc chế.
Đối với những con trùm (boss), ngoài việc bề ngoài của chúng được xây dựng “bề thế”, vô cùng tỉ mỉ, có thể điển hình như Hino – Emma đã khiến người viết “dựng tóc gáy” ngay khi lần đầu gặp mặt, thì độ khó của chúng chỉ có thể dùng từ “không khoan nhượng” để diễn tả!
Sức mạnh của chúng có thể hạ gục người chơi chỉ trong “một nốt nhạc” cộng với tốc độ ra đòn nhanh như chớp và cực kỳ khó đoán.
Thật vậy, việc bạn chơi lại trên 10 lần để có thể tiêu diệt một con trùm là chuyện cực kỳ bình thường khi chơi Nioh.
Ngoài các Yokai, có một loại kẻ thù mà người viết tốn “kha khá” thời gian để đối đầu với chúng đó là “Revenants” – những linh hồn lang thang.
Đối với người viết, đây là một ý tưởng khá hay khi thiết kế ra chúng.
Revenants có thể được xem là “linh hồn” của những người chơi khác được máy điều khiển để chiến đấu với bạn khi được triệu hồi.
Revenants sẽ sao chép hầu như mọi thứ, từ trang bị, cấp độ cho đến lối đánh của người chơi đó.
Nên vì thế, việc chiến thắng được chúng cũng là một trong những thử thách cam go và phần thưởng nhận được đôi khi cũng rất xứng đáng!
LỰA MÀN CHƠI, NHIỀU NHIỆM VỤ
Nếu Dark Souls đưa người chơi vào một bản đồ cực kỳ rộng lớn, nơi bạn có thể tự do khám phá mọi ngóc ngách, đi đến nhiều vùng đất khác nhau trong suốt cuộc hành trình.
Ở Nioh thì hoàn toàn khác, tựa game được thiết kế dựa vào việc lựa chọn nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ khác nhau sẽ đưa người chơi đến bản đồ khác nhau để thực hiện.
Hẳn bạn sẽ cảm thấy khá gò bó khi đề cập đến sự khác biệt này của Nioh so với Dark Souls.
Tuy nhiên, hãy yên chí rằng mặc dù chỉ được chơi một bản đồ riêng biệt ở mỗi nhiệm vụ khác nhau, nhưng chúng cũng rất rộng lớn với nhiều ngõ ngách và bí mật để khám phá, đủ để khiến người chơi tiêu tốn 2 – 4 giờ đồng hồ để hoàn thành một nhiệm vụ.
Ngoài ra, việc phân chia như vậy cũng khiến người chơi dễ dàng đi lại những nhiệm vụ cũ, có thể để kiếm thêm vật phẩm hoặc đơn giản là “cảm thấy thích”!
hãy yên chí rằng mặc dù chỉ được chơi một bản đồ riêng biệt ở mỗi nhiệm vụ khác nhau, nhưng chúng cũng rất rộng lớn với nhiều ngõ ngách và bí mật để khám phá
SỐ LƯỢNG ĐỒ “LOOT” CỰC NHIỀU!
Nếu bạn đã từng chơi qua dòng game Diablo, hẳn bạn rất khoái cảm giác mỗi lần hạ gục một đối thủ, đồ vật sẽ “ói” ra như mưa, tha hồ để lượm!
Cảm giác ấy sẽ được tái hiện ở Nioh.
Giờ đây, bạn sẽ không còn phải lo nhiều đến việc kiếm đồ “ve chai” để đổi lấy amrita (một dạng điểm giúp nhân vật lên cấp) hoặc tiền.
Thậm chí, nếu may mắn bạn có thể thu thập được trang bị cực xịn chỉ từ việc tiêu diệt tên quái vật cực yếu!
Ngoài những vật phẩm để nhặt, bạn còn có thể thu thập thêm những nguyên liệu khác nhau để đưa cho thợ rèn.
Từ đây, cô ta sẽ chế tạo những trang bị cực tốt, giúp bạn dễ thở hơn trong quá trình chơi game.
Bên cạnh việc chế tạo trang bị cũng như mua bán, cô nàng thợ rèn này còn có nhiều chức năng khác nữa điển hình như: Soul Match (cường hóa trang bị), Disassemble (phân rã thành nguyên liệu thô), Reforge (thay đổi hiệu ứng của trang bị) và một chức năng nữa mà người viết cực kỳ thích đó chính là Refashion, giúp bạn thay đổi bề ngoài của trang bị thành hình dạng khác trông “ngầu xị” hơn gấp nhiều lần!
Nếu bạn đã từng chơi qua dòng game Diablo, hẳn bạn rất khoái cảm giác mỗi lần hạ gục một đối thủ, đồ vật sẽ “ói” ra như mưa, tha hồ để lượm! Cảm giác ấy sẽ được tái hiện ở Nioh
CHẤT LƯỢNG KỸ THUẬT TỐT
Ở Nioh, hình ảnh nhân vật được xây dựng vô cùng “bắt mắt”, số lượng giáp trụ, vũ khí tuy nhiều nhưng rất độc đáo, nếu bạn là một người “yêu cái đẹp”, hẳn bạn sẽ phải mất hàng giờ đồng hồ để cố gắng phối cho anh chàng William Adams một bộ đồ ngầu nhất có thể!
Mô hình các Yokai được xây dựng toát lên một vẻ huyền bí, đầy “hắc ám” phù hợp với bối cảnh.
Ngoài ra, hiệu ứng ánh sáng, sấm chớp, mưa trông thật đến mức khó tin.
Team Ninja còn đưa vào Nioh các thiết lập đồ họa nhằm cho người chơi tự do lựa chọn khả năng tối ưu đồ họa theo sở thích.
Có ba chế độ: Movie – ở chế độ này độ phân giải được thiết lập ở mức tốt nhất nhưng tốc độ khung hình bị giảm cảm còn 30 khung hình/giây (fps); Action – ngược lại với chế độ phía trên, mặc dù độ phân giải bị hạ thấp một chút nhưng tốc độ khung hình được đảm bảo ở mức 60 khung hình/giây.
Đối với chế độ cuối cùng, hệ thống sẽ thay đổi độ phân giải và tốc độ khung hình sao cho ở mức cao hơn 30 khung hình/giây một chút.
Mặc dù là vậy, nhưng với những gì người viết cảm nhận, ở chế độ Action, Nioh vẫn đủ đẹp để trải nghiệm, cộng với việc khung hình mượt mà hơn khi ở mức 60 khung hình/giây.
Còn một điểm sáng giá, tuy khá nhỏ nhặt nhưng nó lại làm cho người viết có trải nghiệm rất tốt trong quá trình chơi game.
Team Ninja còn đưa vào Nioh các thiết lập đồ họa nhằm cho người chơi tự do lựa chọn khả năng tối ưu đồ họa theo sở thích
Đó chính là tốc độ tải màn chơi tương đối nhanh, điều này khiến cho cảm giác khi bị hạ gục liên tục trở nên “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều!
Thử tưởng tượng: bạn cứ phải chờ đợi hơn 2 phút chỉ để tải lại game sau mỗi lần bị hạ gục bởi kẻ thù thì ức chế sẽ đến mức nào?
BẠN SẼ GHÉT
ĐỘ KHÓ QUÁ MỨC?
Mặc dù độ khó là đặc điểm chính mà Nioh muốn đem tới cho người chơi trải nghiệm và cũng là “công thức” chung cho các game theo hướng đi của dòng Dark Souls, nhưng bản thân nó cũng chính là “con dao hai lưỡi”.
Đôi lúc, người viết cảm thấy “vô cùng tự hào” khi vượt qua được một con trùm hoặc màn chơi khó nhằn.
Mặt khác, đã có lúc người viết chỉ muốn… tắt máy và nghỉ game vì ức chế trước độ khó không thể tưởng tượng nỗi của tựa game này!
Đây thật sự là một “rào cản” rất lớn đối với những người chơi với mục đích “vui là chính“ hoặc “thiếu kiên nhẫn” để có thể tiếp cận Nioh!
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng gây nhiều tranh cãi trên mạng là việc chơi cộng tác (co-op).
đã có lúc người viết chỉ muốn… tắt máy và nghỉ game vì ức chế trước độ khó không thể tưởng tượng nỗi của tựa game này
Thay vì cho phép người chơi dễ dàng kêu gọi người chơi khác gia nhập game và hỗ trợ như trong bản trải nghiệm trước đó thì Team Ninja đã có một quyết định “kỳ quặc” khi đưa ra luật: chỉ khi người chơi qua được màn chơi A thì mới được tham gia cùng người chơi khác ở màn chơi A đó!
Trong một thế giới vốn đã “hà khắc” theo định hướng của dòng game Dark Souls, thì luật trên của nhà phát triển không khác gì “khó chồng thêm khó” cho người chơi!