Skip to content

Diablo III: Reaper of Souls – Đánh Giá Game

Reaper of Souls

Reaper of SoulsThế giới Sanctuary hẳn đã chẳng còn gì lạ lẫm với game thủ trên toàn thế giới.

Năm 2012, sau gần 11 năm kể từ khi phiên bản Diablo II: Lord of Destruction ra mắt, người chơi mới có dịp trở lại thế giới hỗn mang này với những vị anh hùng mới, một câu chuyện mới qua phiên bản Diablo III.

Mặc dù có những tranh cãi, có những phản ứng đa chiều từ game thủ, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là Diablo vẫn là cái tên đầy sức hút và là một trong những “đứa con” thành công nhất của Blizzard.

Vừa qua, phiên bản mở rộng đầu tiên với cái tên Reaper of Souls đã được ra mắt, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm mới đầy thú vị dành cho game thủ đam mê thể loại game nhập vai hành động “chặt-chém” (hack-n-slash).

BẠN SẼ THÍCH

CHƯƠNG V – MỘT CÂU CHUYỆN MỚI!

Sau cuộc chiến ở High Heaven (Thiên giới), Diablo lại một lần nữa bị tiêu diệt.

Tuy vậy, linh hồn của hắn vẫn tồn tại trong Hắc Hồn Thạch (Black Soulstone).

Để tránh hậu họa, Tyrael cùng các thành viên của Hội Horadrim (được tái lập lại) đã quyết định giấu hòn đá ở một nơi biệt lập, tránh xa cả thiên thần, quỷ dữ và ngay cả con người.

Và cứ như vậy, Diablo III: Reaper of Souls đưa người chơi đến một vùng đất mới nhưng mà quen – Westmarch.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc, kế hoạch của Tyrael đã bị ngăn cản bởi Malthael – Tổng lãnh thiên thần Trí tuệ (Archangel of Wisdom) trước đây.

Sau khi từ bỏ Hội đồng thiên thần (Angiris Council), Malthael bất ngờ trở lại với âm mưu thâm độc nhằm chiếm lấy Hắc Hồn Thạch (Black Soulstone).

Một câu chuyện mới, đồng nghĩa với người chơi sẽ được tiếp tục cuộc du hành của mình, đối đầu với những kẻ thù mới

Liệu các anh hùng Nephalem có ngăn chặn được âm mưu của hắn? Động cơ thật sự sau hành động của Malthael là gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong phiên bản Diablo III: Reaper of Souls này.

Một câu chuyện mới, đồng nghĩa với người chơi sẽ được tiếp tục cuộc du hành của mình, đối đầu với những kẻ thù mới.

Chờ đón họ là vương quốc Westmarch đang rên xiết dưới sự xâm lăng của Malthael và những tay sai dưới trướng.

Từ thủ phủ của Westmarch tới pháo đài Pandemonium, đây chắc chắn là một cuộc du hành đầy khó khăn của các Nephalem.


HÀNG LOẠT CẢI TIẾN GIÁ TRỊ

Điều đầu tiên phải đề cập đến là giới hạn cấp độ (level) đã được nâng lên 70. Nâng cấp độ, đồng nghĩa với việc hàng loạt kỹ năng (skill) mới được bổ sung.

Mỗi lớp nhân vật giờ đây có thêm một kỹ năng ở cấp độ 61, các runes của chúng sẽ được “mở khóa” dần dần cho đến cấp độ 70.

Kèm theo đó là các kỹ năng hỗ trợ mới dành cho mỗi lớp nhân vật.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn bộ kỹ năng, qua đó tăng thêm sự đa dạng về các kiểu xây dựng nhân vật hơn so với trước đây.

Kế đến, chắc chắn việc được tự “tăng điểm” mỗi khi lên cấp độ Paragon sẽ thỏa mãn không ít người chơi.

Trước đây, Diablo III vốn bị “ca cẩm” nhiều về việc tự cộng điểm số mỗi khi lên cấp thì với Diablo III: Reaper of Souls, người chơi đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc tự tạo ra một nhân vật ưng ý nhất theo ý mình.

Trong 70 cấp độ cố định, trò chơi sẽ tự cộng điểm cho người chơi. Nhưng với hệ thống cấp độ Paragon sau đó, bạn sẽ được tùy ý thay đổi nhân vật theo hướng mình muốn.

Tất nhiên, việc “cộng điểm” này sẽ không chỉ đơn thuần thông qua các chỉ số như Intelligent, Dexterity… cơ bản mà được thực hiện thông qua bảng Paragon riêng biệt.

với Diablo III: Reaper of Souls, người chơi đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc tự tạo ra một nhân vật ưng ý nhất theo ý mình

Nếu như đề cập đến các ưu điểm của Diablo III: Reaper of Souls, không thể không nhắc đến hệ thống Loot 2.0.

Nói nôm na, các món đồ rơi ra từ việc đánh quái sẽ phù hợp với lớp (class) nhân vật của người chơi hơn so với trước đây. Cấp độ các món đồ rơi ra khi đánh quái cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với cấp độ của nhân vật, các thuộc tính đặc biệt của lớp nhân vật đó.

Không còn cảnh bạn cầm những món đồ với chỉ số “tréo ngoe” như trước đây. Theo lời Wyatt Cheng, các món đồ xuất hiện trong phiên bản này sẽ ít hơn, nhưng chúng sẽ thực sự chất lượng.

Bên cạnh chế độ chơi truyền thống, Diablo III: Reaper of Souls cũng giới thiệu đến người chơi chế độ chơi Adventure.

Được “mở khóa” sau khi hoàn thành cốt truyện chính (ở bất kỳ độ khó nào), Adventure Mode cho phép người chơi di chuyển tự do, nhận các nhiệm vụ Bounty (săn tiền thưởng) để nhận được những món vật phẩm giá trị.

Chế độ Adventure cũng góp thêm phần thú vị không nhỏ cho công cuộc “giết quái – tìm đồ” của người chơi khi có nhiều phần thưởng hơn khi hoàn thành các “bounties” trong màn.

Đây thực sự là trải nghiệm mới dành cho người chơi nếu như bạn đã quá “ngán” phần chơi theo cốt truyện.

NPC Mystic cũng là một bổ sung đáng giá cho Diablo III: Reaper of Souls, nhân vật này giúp cho tất cả những món đồ mà người chơi thu lượm được đều có khả năng trở thành trang bị mạnh mẽ.

Nếu như bạn vẫn…không ưa thích một thuộc tính nào đó trên các món đồ của mình, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh chúng sang các thuộc tính khác thông qua NPC Mystic.

Tuy nhiên, “cái giá” mà bạn phải trả để có được chúng không phải là rẻ, kèm theo một chút… may mắn nữa!

Ngoài các cải tiến được nêu trên, Blizzard cũng có những điều chỉnh so với phiên bản gốc. Các thuộc tính của các nhóm quái vật siêu cấp (elite), vô địch (champion) cũng đã được điều chỉnh, thêm vào các con “trùm phụ” mới.

Quả thực, Diablo III: Reaper of Souls đã làm cho Diablo III đã trở nên đáng chơi hơn rất nhiều so với trước đây.


LỚP NHÂN VẬT MỚI: CRUSADER!

Đây cũng là một trong những động lực chính khiến không ít game thủ phải “móc hầu bao” để sở hữu Diablo III: Reaper of Souls.

Thậm chí, ngay từ khi được giới thiệu lần đầu tiên, không ít game thủ đã liên tưởng Crusader với Paladin – lớp nhân vật rất được yêu thích của phiên bản Diablo II – vì những điểm tương đồng về cả diện mạo lẫn kỹ năng.

Được mô tả như những chiến binh thần thánh, những “thanh kiếm sắc bén” của giáo hội Zakarum.

Mang trong mình sức mạnh chiến đấu có thể “cuốn phăng” bất cứ kẻ thù nào, với những trang bị tận răng và những chiêu thức đầy uy lực, Crusader là lớp nhân vật thú vị nhất trong phiên bản này.

Các Crusader được mô tả như những chiến binh thần thánh, những “thanh kiếm sắc bén” của giáo hội Zakarum

Việc ra mắt Crusader, đồng nghĩa với việc các lớp nhân vật trước đó của Diablo III phải được cân bằng lại một chút.

Một số kỹ năng của Wizard, Witch Doctor, Monk, Demon Hunter và Barbarian đã được thay đổi, làm lại.

Nhìn chung thì những thay đổi này được đón nhận khá khách quan với những điểm mạnh – yếu rõ ràng.

Điều này gián tiếp làm tăng chất “gay cấn” trong các cuộc đấu giữa người chơi với nhau (PvP).

Người chơi cũng có dịp “đổi gió”, thử sức mình với lớp nhân vật mới một khi đã quá thông thạo với các lớp nhân vật có sẵn.

BẠN SẼ GHÉT

CỐT TRUYỆN QUÁ TẦM THƯỜNG

Mặc dù bối cảnh về sự trở lại của Malthael là khá triển vọng, nhưng những gì mà Blizzard chọn để tạo nên cốt truyện của Diablo III: Reaper of Souls lại thực sự tầm thường, thiếu tính bất ngờ, thú vị.

Các tình tiết hầu như đều khá dễ đoán, không gợi lên được sự tò mò, thắc mắc tìm hiểu của người chơi, thậm chí đôi chỗ khá kỳ quặc, vô lý.

câu chuyện mà game muốn mang lại cho người chơi thực sự không khác gì một bữa cơm “nguội ngắt”

Ngoài điểm yếu về việc sắp xếp, bố trí các tình huống trong mạch truyện ra thì hành động của các nhân vật trong Diablo III: Reaper of Souls cũng không có gì đặc biệt, cá tính của các nhân vật phản diện đều không thể hiện rõ ràng.

Diablo III: Reaper of Souls sở hữu một nền tảng lối chơi tốt hơn nhiều so với phiên bản gốc.

Tuy vậy, câu chuyện mà game muốn mang lại cho người chơi thực sự không khác gì một bữa cơm “nguội ngắt”.


LUÔN LUÔN KẾT NỐI TỚI MÁY CHỦ

Đây chính là điểm mà Diablo III phải nhận nhiều “gạch đá” nhất từ các game thủ.

Họ cho rằng với một game mà trải nghiệm chơi đơn đậm nét như Diablo thì việc bắt buộc phải “online” (trực tuyến) thường xuyên để kết nối với các máy chủ của Blizzard là một việc “dư thừa”!

Không như bản console, bản PC vẫn bắt buộc người chơi đăng nhập thông qua Battle.net và luôn luôn kết nối với máy chủ của Blizzard.

Điều này đã có từ phiên bản đầu tiên và đối với phiên bản Diablo III: Reaper of Souls, nó cũng không có gì thay đổi.

Do đó, khi kết nối internet có vấn đề thì việc thưởng thức game lại biến thành một “cực hình” không dễ để chấp nhận.

Tình trạng giật, chậm hình (lag) xảy ra khá thường xuyên, tệ hơn là mất kết nối tới máy chủ.

Ngoài ra, bạn cũng không thể thưởng thức Diablo III tại những nơi không có kết nối Internet.

Tất nhiên, Blizzard có lý do của họ khi làm việc này, từ việc cập nhật các bản vá, quản lý bản quyền hay tăng thêm các trải nghiệm chơi mạng cho người chơi…

Tuy vậy, sẽ hợp lý hơn nếu Blizzard cho phép người chơi thêm một lựa chọn ngoài việc bắt buộc phải online thường xuyên.

Không ai lại đi bắt buộc khách hàng của mình “ăn” một món nhất định nào cả.

Sẽ hợp lý hơn nếu Blizzard cho phép người chơi thêm một lựa chọn ngoài việc bắt phải online thường xuyên


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Blizzard Entertainment
  • Phát hành: Blizzard Entertainment
  • Thể loại: Nhập vai | Hành động
  • Ngày ra mắt: 25/03/2014
  • Hệ máy: PC | PS4 | Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7/8/10 (64-bit)     
  • CPU: AMD FX-6300 (3,5GHz) / Intel i5-2500 (3,3GHz)
  • RAM: 8GB
  • VGA: 1 GB, AMD Radeon R7 260X / NVIDIA GeForce GTX 560
  • HDD: 11 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
  • SSD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME CHƠI TRÊN HỆ PC

Vàng 9.0

Chắc chắn, Diablo 3: Reaper of Souls chính là “điểm sáng” lớn nhất kể từ khi Diablo III ra mắt.
Hệ thống Loot 2.0 hoàn toàn mới, loại bỏ nhà đấu giá Auction House, lớp nhân vật mới Crusader và cả một chương 5 (Act V) “mới toanh” để khám phá… đó mới chỉ là một vài điểm trong vô vàn những cải tiến mà Blizzard mang lại cho Diablo 3: Reaper of Souls.
Một bản mở rộng “phải có” cho bất kỳ ai là “fan” của dòng game Diablo.

Tác giả

Thảo luận