Old World – Khác với thể loại game Đại chiến thuật (Grand Strategy) theo thời gian thực có phần “mai một” do sự thay đổi về phương thức giải trí của game thủ trong những năm gần đây, thể loại game 4X ( (“eXplore (thăm dò), eXpand (mở rộng), eXploit (khai thác) và eXterminate (triệt tiêu đối thủ)”) vẫn tương đối “ăn nên làm ra” với nhiều tựa game có chất lượng, thậm chí “lấn sân” sang cả những hệ máy chơi game phi truyền thống như điện thoại thông minh hay các hệ máy chơi game cầm tay.
Với nền tảng đồ hoạ không cần quá trau chuốt, đặt nặng vào phát triển lối chơi hơn là những công nghệ cồng kềnh, dòng game này vẫn luôn là một vùng đất màu mỡ cho các studio nhỏ, các nhà làm game độc lập có ít nguồn lực để tiến hành các cuộc chạy đua công nghệ.
Điển hình nhất, có thể kể đến Imperiums: Greek Wars ra mắt gần đây, chỉ là sản phẩm đầu tay của một studio còn non trẻ nhưng lại đạt được rất nhiều khen ngợi từ cộng đồng game thủ.
Mohawk Games cũng là một studio nhỏ, độc lập với các hãng phát hành game lớn hiện nay cũng đi theo khuynh hướng này khi cho ra mắt tựa game chiến thuật 4X theo lượt Old World lấy bối cảnh thế giới cổ đại, nhưng khác với nhiều studio còn non trẻ khác, tựa game này lại được chính nhà thiết kế game lừng danh giàu kinh nghiệm Soren Johnson (Civilization III, Civilization IV, Offworld Trading Company) “nhào nặn”.
Với nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm qua việc phát triển các phiên bản Civilization III và sau này là nhà thiết kế chính của phiên bản thứ tư của dòng game 4X danh tiếng này, liệu Soren Johnson có đem lại niềm hứng khởi mới cho các game thủ?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Một trải nghiệm “quen” mà “lạ”!
Là một trong những thể loại game chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sự phát triển của cờ bàn (Board Game), thể loại game 4X có thể xem như một trong những thể loại lâu đời nhất hiện nay với nhiều yếu tố về lối chơi đã được cân nhắc, khai thác rất nhiều trong suốt một thời gian dài.
Điều này khiến cho các tựa game ra mắt về sau rất khó khăn để tìm ra một lối đi riêng để đem đến cảm giác mới mẻ, không nhàm chán đến cho game thủ, nhưng đồng thời cũng phải giữ được sự cân bằng nhất định, không phá vỡ kết cấu của trò chơi để tạo ra tình cảnh “nửa đầu vất vả, nửa sau nhàm chán” như nhiều tựa game khai phá lối chơi mới.
Tuy nhiên, phải nói rằng về mặt tổng thể, những yếu tố mới mẻ về cách chơi trong Old World đã được đưa vào với khả năng phù hợp cao với lối chơi theo lượt của các tựa game 4X truyền thống, đem đến những “món ăn” khá thú vị cho cả những game thủ đã “cày bừa” thể loại này trong rất nhiều năm.
Điểm đầu tiên và cũng dễ thấy nhất chính là hệ thống di chuyển theo lượt thường thấy đã bị huỷ bỏ, mà thay vào đó là hệ thống điểm mệnh lệnh Order.
Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố từ chính trị, nhân vật, công trình và các sự kiện khác nhau mà sau mỗi lượt, người chơi sẽ sở hữu một lượng điểm Order nhất định.
Bạn có thể dồn hết điểm này cho một đơn vị để đơn vị có thể di chuyển được xa hơn, hay cân nhắc để “tiêu xài” số điểm ít ỏi này cho số lượng đơn vị cần điều động đông đảo trên bản đồ.
Điều đó có nghĩa là bạn sẽ chẳng thể nào “lấy thịt đè người” nếu hệ thống chính trị yếu kém, không đem đến cho bạn đủ điểm Order để có thể điều động một lượng lớn quân đội đến nơi cần thiết.
Yếu tố thứ hai là một thay đổi mang tính chất khá lạ trong các dòng game 4X hiện nay khi nhân vật lãnh tụ của bạn trong Old World không “bất tử” qua suốt nhiều thời kỳ như với dòng game Civilization mà sẽ “sống” và “chết” đi theo thời gian, tương tự như trong tựa game Crusader Kings III được giới thiệu gần đây.
Là một nhà lãnh đạo vương quốc, bạn sẽ có các đốl lập chính trị trong chính vương quốc của mình, bạn cũng sẽ có tính cách, có những mối quan hệ giao tiếp riêng biệt có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự cai trị và chinh phạt.
Bạn cũng phải lập gia đình, sinh con nối dõi, phát huy sức mạnh của họ hàng để duy trì sức mạnh của dòng tộc trong vương quốc, một yếu tố vô cùng quan trọng để sự cai trị của bạn có thể kéo dài khi mạch trò chơi có thể trải qua rất nhiều đời lãnh đạo kéo dài hàng trăm năm, với nhiều đối thủ chính trị chỉ nhăm nhe hất cẳng dòng họ của bạn ra khỏi vị trí trị vì vương quốc.
Bạn cũng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng lãnh đạo của mình thông qua hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu, xây dựng các công trình kỳ quan (Wonder) hay kích hoạt các lựa chọn xử lý tình huống, và ngược lại, danh tiếng này sẽ có những tác động đến các chỉ số phát triển kinh tế, độ trung thành, hay thậm chí là lượng điểm Order mà bạn có thể nhận được trong các lượt tiếp theo.
Bạn cũng có thể phân bổ tướng lĩnh cho các đội quân, và qua đó, thay đổi các chỉ số của đơn vị với khả năng ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu.
Yếu tố này có phần giống với dòng game chiến thuật Romance of The Three Kingdoms do Koei Tecmo phát triển, với vai trò của cá nhân càng trở nên rõ nét hơn là những đơn vị quân được “sản xuất hàng loạt” như trên các tựa game 4X trước đây.
Chính nhờ những yếu tố mới mẻ này mà mặc dù ấn tượng ban đầu của tựa game đem lại cho người chơi rất giống với dòng game Civilization VI, thế nhưng càng “dấn thân” vào sâu trong game, bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt càng rõ nét, tạo nên dấu ấn riêng biệt.
Cũng tương tự như với các tựa game 4X đương thời, Old World cũng không đơn giản bó buộc người chơi vào các cuộc chinh phạt như phong cách truyền thống.
Old World là một tựa game tốt, đem lại cho game thủ một “mâm cơm thịnh soạn” của thể loại game chiến thuật theo lượt 4X
Trò chơi sẽ có hệ thống “tham vọng” (Ambitions) để người chơi theo đuổi và chỉ cần hoàn thành 10 nhiệm vụ trong hệ thống này đặt ra, bạn sẽ giành được thắng lợi của màn chơi,
Nghe thì đơn giản, nhưng các nhiệm vụ này luôn là những thử thách thứ thiệt với người chơi khi độ khó từng nhiệm vụ tăng dần khi người chơi hoàn thành từng nhiệm vụ một.
Những nhiệm vụ này không được lên kịch bản sẵn có mà được rút ra ngẫu nhiên dựa trên các sự kiện (Event) xuất hiện khi người chơi đạt đủ yêu cầu kích hoạt các sự kiện này.
Từ đó, các tuyến nhiệm vụ liên tục “thúc ép” người chơi phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau, đem đến những trải nghiệm không bao giờ lặp lại cho mỗi lần chơi.
Đây là một cơ chế vô cùng khéo léo khiến cho giá trị chơi lại của tựa game cao hơn bao giờ hết, không thúc ép nhà sản xuất liên tục tạo ra các gói nội dung tải về DLC để duy trì độ “mới mẻ” cho dòng game.
Nền tảng đồ hoạ và âm nhạc của Old World đều ở mức khá tốt nếu so sánh với các studio game độc lập khác trên thị trường hiện nay, đủ sức mang lại sự vui vẻ, phấn khởi cho game thủ.
Tất nhiên, về độ “hoành tráng” thì một studio nhỏ như Mohawk Games vẫn không thể so sánh với những “tượng đài” lớn trong ngành này với đội ngũ họa sĩ, nhạc sĩ hùng hậu.
Nhìn chung, với quy mô khá nhỏ của một studio game độc lập, Old World là một tựa game tốt, đem lại cho game thủ một “mâm cơm thịnh soạn” của thể loại game chiến thuật theo lượt 4X, đủ để các fan của thể loại này “nghiền ngẫm” trong thời gian rất dài.
BẠN SẼ GHÉT
Sự rời rạc trong kết cấu
Phải nói rằng sau những cảm giác choáng ngợp về vẻ hào nhoáng ban đầu của tựa game, Old World cũng bộc lộ một vài vấn đề từ lối chơi có phần cách tân của mình, mà nổi bật nhất là sự rời rạc trong kết cấu của game.
Nếu như Crusader Kings III đã chọn vai trò cá nhân của lãnh chúa phong kiến nằm ở vị trí trung tâm của tất cả các trải nghiệm game, đem đến một sự liên kết chặt chẽ về mặt kết cấu trong lối chơi, gắn kết rất nhiều số liệu và tình huống lại trong một trải nghiệm đơn nhất thì với Old World, rất nhiều những yếu tố sáng tạo đều được đặt song song với nhau, thiếu đi một chất kết dính tạo nên sự liền mạch cần có trong lối chơi để tạo thành một “siêu phẩm” đúng nghĩa.
Trên thực tế, cho dù người chơi “lờ tịt” đi bất kỳ yếu tố nào trong đó, chẳng hạn như bạn cố gắng chinh phục hết cả bản đồ mà bỏ qua hệ thống Ambitions, hay không cần đếm xỉa gì đến mấy người anh em họ hàng thì tiến trình màn chơi vẫn có thể diễn ra ổn thoả, dù các thử thách mà bạn phải đối mặt lúc này có phần hơi “chua” một chút.
Trong trường hợp này, gần như tất cả mọi vấn đề, bao gồm cả phương thức tính toán, lối tư duy đều quay trở về cơ bản, và bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng, những thay đổi, những sáng tạo mà nhà phát triển thêm thắt vào tựa game thực ra chỉ là những món “ăn chơi” cho ngon miệng mà thôi.
Cuối cùng thì bạn vẫn quay về và đối mặt với “chén cơm 4X” như cũ chứ không phải một “tô phở” hoàn toàn khác biệt như cái cách mà Crusader Kings III đã làm được khi so sánh với sự thành công của hai phiên bản trước đó.
Phải nói rằng sau những cảm giác choáng ngợp về vẻ hào nhoáng ban đầu của tựa game, Old World cũng bộc lộ một vài vấn đề từ lối chơi có phần cách tân của mình, mà nổi bật nhất là sự rời rạc trong kết cấu của game.
Bên cạnh đó, giao diện của tựa game cũng có phần rắc rối khi buộc người chơi nhấn tổ hợp phím và chuột để truy xuất các trình đơn (menu) chuyên sâu hơn, trong khi các hướng dẫn (tutorial) tích hợp thẳng vào game lại khá rối rắm và thiếu trực quan.
Tuy vậy, những vấn đề này cũng không ảnh hưởng nhiều khi bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 15 phút trải nghiệm là có thể nắm được tương đối cách chơi của tựa game này.