One Piece Odyssey – Chắc hẳn bạn đã nghe tới One Piece, hay tiếng Việt được dịch ra là Đảo Hải Tặc rồi chứ?
Đây có thể nói là bộ manga ăn khách nhất mọi thời đại, với… 500 triệu quyển đã được bán ra trên toàn cầu, gần gấp đôi so với bộ truyện xếp thứ hai, Dragon Ball.
Tất nhiên, đi kèm với manga ăn khách là một nùi ấn phẩm chạy theo, như hàng loạt phim bộ, phim rạp. Gần đây nhất chúng ta có One Piece: RED đã “làm mưa, làm gió” trong các rạp chiếu phim tại Việt Nam.
Game cũng không phải là ngoại lệ, khi Bandai Namco đã không bỏ qua thời cơ này, xuất bản hàng loạt những tựa game One Piece trên nhiều nền tảng khác nhau, và gần đây nhất, là One Piece Odyssey.
Liệu One Piece Odyssey có xứng đáng với kỳ vọng mong đợi? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Một cốt truyện “chính chủ”!
Có thể nói, người viết đã “cày” khá kỹ những chương đầu của One Piece, những mạch truyện từ khi Luffy bắt đầu ở Núi Đảo Nghịch cho tới khi băng đảng Mũ Rơm tung hoành ở Impel Down, tới tầm chương 7-800, kết thúc đại chiến Dressrosa.
Người viết đã đọc One Piece phân đoạn đó phải tới ba lần, xem anime một lần, và đã chơi cả hai tựa game One Piece Pirate Warriors 3 và One Piece Pirate Warriors 4, có thể nói đã thuộc “nằm lòng” đường đi nước bước của đám Mũ Rơm ở những phân đoạn này.
Nói vậy, nghĩa là nếu One Piece Odyssey lại một lần nữa “bắt” người chơi phải đi lại từ đầu thì người viết có lẽ sẽ cảm thấy khá… nản! Tuy nhiên, nếu “thả” người viết vào giữa chừng mạch truyện, lúc mà Luffy đã học được Haki Bá Vương chẳng hạn, thì chắc game chỉ còn đọng lại toàn là… đánh trùm (boss), vì lúc đó Luffy chỉ cần quắc mắt một cái là mấy con quái vật liu tiu lăn đùng ra hết rồi!
Do đó, tựa game có một nan đề cần phải giải quyết: làm sao để độc giả lâu năm không cảm thấy quá nhàm chán, mà không làm cho băng Mũ Rơm quá mức OP, mà vẫn muốn đánh vào “ký ức tuổi thơ xưa” – điểm yếu chí mạng của người chơi?
Phàm những câu đố hóc búa như vậy, câu trả lời luôn là: “mất trí nhớ” – hoặc thực tế hơn là làm sao cho Luffy mất hết kĩ năng mà cu cậu đã học!
Thông qua lời thoại nhân vật, có vẻ như One Piece Odyssey nằm ở đâu đó sau đại chiến Dressrosa, tuy nhiên cốt truyện của tựa game là hoàn toàn nguyên bản, được chắp bút và đạo diễn bởi chính “cha đẻ” của One Piece, Eiichiro Oda.
Mở đầu tựa game, Luffy và đồng bọn đã thoải mái chèo thuyền trên chiếc Thousand Sunny, thì bất ngờ một cơn bão ập đến (như thường lệ), và họ bị đánh dạt lên một hòn đảo kỳ lạ tên là Waford.
Ở đây, họ gặp Adio – một con người bí ẩn, và Lim – một cô bé có siêu năng lực có thể hấp thụ sức mạnh của người khác và biến chúng thành những khối lập phương, và đó chính là điều Lim làm: khóa hết những kỹ năng thượng thừa của băng Mũ Rơm, và phát tán chúng khắp Waford.
Để thu hồi lại những kỹ năng của mình, Luffy sẽ phải… về quá khứ, không, chính xác là tìm lại trong những vùng đất ký ức tên là Memoria, được xây dựng bằng chính những ký ức của băng Mũ Rơm về những sự kiện xưa cũ.
Đây là một bối cảnh được xây dựng hoàn hảo, vừa ngăn chặn không cho đám Mũ Rơm ngay lập tức “làm cỏ” hết cả hòn đảo, vừa giúp người chơi “tìm lại ký ức” với những mạch truyện thân thuộc như Alabasta, Water 7, Marineford và Dressrosa.
Tuy nhiên, “trí nhớ không phải là một thứ hoàn hảo, chúng luôn luôn được tái định hình, thay đổi tuỳ theo mong muốn của chúng ta.” (trích lời Lim), do đó những sự kiện có thể bị… thay đổi chút ít, nhân vật xuất hiện ở nơi họ không nên xuất hiện, cốt truyện có thể xảy ra theo chiều hướng khác.
Điều này vô hình chung tạo nên một sức hấp dẫn khá mới cho những người “đọc đã muốn nát” mấy tập truyện, họ vừa muốn xem Alabasta đẹp đẽ như thế nào, trận chiến ở Marineford hoành tráng ra sao, lại vừa có thể tìm để ý những tình tiết “không đúng”, chẳng hạn như Luffy ở Marineford không biết vì sao lại có cả băng Mũ Rơm ở đó, hay CP9 bắt nhầm… Usopp.
Điểm nhấn thực sự của cốt truyện, đó là việc nhờ được tư vấn trực tiếp từ Oda, những lời thoại, khoảnh khắc tương tác giữa những người bạn trong băng hải tặc trở nên thực sự… thật, hết sức tự nhiên, không hề bị gượng gạo.
Thành thử, toàn bộ tựa game không hề có cảm giác là một thứ gì đó “ngoại đạo”, mà cảm giác như một phần được trích xuất trực tiếp từ truyện tranh ra, và có thể dễ dàng làm hài lòng những người hâm mộ One Piece mong muốn được xem tiếp cuộc hành trình của nhóm Mũ Rơm.
Nói chung về tổng thể thì cốt truyện của One Piece Odyssey có thể làm hài lòng cả người hâm mộ cũ và mới, người hâm mộ mới thì không cần phải “học bài” trước khi chơi game để có thể nắm bắt được mạch truyện, còn người hâm mộ cũ hoàn toàn được chiêm ngưỡng những địa danh trong ký ức.
Điểm nhấn thực sự của cốt truyện, đó là việc nhờ được tư vấn trực tiếp từ Oda, những lời thoại, khoảnh khắc tương tác giữa những người bạn trong băng hải tặc trở nên thực sự… thật, hết sức tự nhiên
Lối chơi “cũ người, mới ta”
Người viết tương đối bất ngờ khi được biết One Piece Odyssey sẽ có lối chơi chiến đấu theo lượt, thậm chí còn không có thanh ATB như Final Fantasy IV, Final Fantasy V và Final Fantasy VI mà thuần 100% theo lượt như Dragon Quest.
Căn bản vì truyện One Piece vốn được thiết kế có rất nhiều pha hành động mãn nhãn và căng thẳng, là những cuộc đấu tay đôi nảy lửa giữa các nhân vật, với những kỹ năng hết sức hoa mỹ, phần nào đó là nguyên nhân dẫn tới sự hấp dẫn của bộ truyện tranh.
Do đó, thay vì “chơi an toàn” giống Naruto Ultimate Ninja Storm, việc chuyển thể thành game theo lượt là một canh bạc khá mạo hiểm của Bandai Namco.
Thực lòng mà nói, sau khi phá đảo trò chơi, người viết vẫn mong muốn được trực tiếp điều khiển Luffy đấu tay bo với Donquixote Doflamingo, trực tiếp né những sợi chỉ chết chóc từ đôi bàn tay gân guốc của hắn, như khi người viết cầm Tanjiro chiến đấu với Kyogai trong Dinh Thự Tsuzumi, trong tựa game Kimetsu no Yaiba: The Hinokami Chronicles.
Nhưng nói qua cũng phải nói lại, cơ chế chiến đấu theo lượt của One Piece Odyssey không hề tệ và có tính sáng tạo! Nhìn rất giống Dragon Quest, nhưng có nhiều đổi mới phù hợp với bản chất của game.
Đầu tiên, khi chiến đấu, thay vì cả đám túm lại một chỗ và chiến đấu cùng một kẻ địch, thì cả băng sẽ bị phân tán ra thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm chiến đấu với một nhóm kẻ địch. Để có thể “chuyển nhóm” tấn công, nhân vật buộc phải đánh bại hết kẻ thù trong nhóm của mình, hoặc dùng một kỹ năng tầm xa đặc thù nào đó.
Mỗi nhân vật sẽ có một hệ, Sức mạnh, Kỹ thuật và Tốc độ, và ba hệ này khắc nhau như kéo búa bao. Cậu bé Luffy của chúng ta là hệ Sức mạnh, có khả năng “làm gỏi” mấy kẻ địch hệ Tốc độ, nhưng gặp hệ Kỹ thuật là “tịt ngóm”, do đó người chơi cần phải cân nhắc lựa chọn nhân vật có hệ phù hợp khi chiến đấu.
Kết hợp với việc phân mảnh đội ngũ một cách ngẫu nhiên ở trên, ngoài việc chỉ “spam” kỹ năng, người chơi cần phải động não một chút, vừa phải quản lý thanh năng lượng của các nhân vật, vừa phải nghĩ cách “xoay tua” các nhân vật, không để nhân vật hệ bất lợi đối đầu với kẻ địch hệ mạnh quá lâu.
Ngoài ra, trong chiến đấu còn có những nhiệm vụ tức thời bất ngờ, chỉ cần hoàn thành chúng thì người dùng sẽ được rất nhiều kinh nghiệm.
Thực ra, điểm nhấn của lối chơi này lại là… những chiêu thức của nhân vật. Những bộ chiêu thức được lấy thẳng từ anime và manga ra, Luffy có đầy đủ các Gears (cho tới Gear 4, chưa có Gear 5), những chiêu thức nổi tiếng như Diable Jambe hay Onigiri đều được tái hiện hoàn hảo.
Không những vậy, người chơi còn có thể thực hiện những Bond Arts hết sức hoa mỹ và đẹp mắt, đi kèm với đó là những cái tên không kém phần khoa trương, như Cloven Radical Skull Roseo Metel Blast Beam, chắc hẳn sẽ khiến người hâm mộ vô cùng thoả mãn.
Nói tóm lại, One Piece Odyssey có một cơ chế chiến đấu theo lượt có tính sáng tạo, có tính chiến thuật, và có thể phô trương những chiêu thức làm thoả mãn người hâm mộ.
Có một điểm lấn cấn nhỏ, đó là một số lệnh khá căn bản của chiến đấu theo lượt lại… không có, như phòng thủ, hay bỏ lượt, điều này sẽ gây một chút ảnh hưởng tới chiến thuật, hoặc hoàn thành nhiệm vụ tức thời sẽ đôi lúc gặp trở ngại.
One Piece Odyssey có một cơ chế chiến đấu theo lượt có tính sáng tạo, có tính chiến thuật, và có thể phô trương những chiêu thức làm thoả mãn người hâm mộ
Tái hiện xuất sắc!
Việc chuyển thể các tựa game từ định dạng 2D lên định dạng 3D không phải dễ, và không ít tựa game đã thất bại trong việc này. 2D nét vẽ đẹp như tiên, 3D xấu không lời nào tả được.
Nhưng One Piece Odyssey đã truyền tải quá tốt những nét vẽ của Eiichiro Oda lên định dạng 3D. Những đường nét nhân vật đều được mô tả chính xác, tỉ mỉ.
Những địa danh nổi tiếng như Nanohana và Marineford cũng đều được tái hiện lại tương đối tốt, giúp người chơi có thể (phần nào) khám phá sâu hơn những địa điểm nói trên, so sánh chúng với anime và manga.
Không chỉ vậy, khâu lồng tiếng với những diễn viên gốc từ anime sẽ khiến người chơi không khỏi cảm thấy như đang trực tiếp đắm chìm vào thế giới One Piece vậy.
One Piece Odyssey đã truyền tải quá tốt những nét vẽ của Eiichiro Oda lên định dạng 3D
BẠN SẼ GHÉT
Cân bằng lung tung
Không rõ lắm ý đồ của những nhà thiết kế game của One Piece Odyssey là gì, muốn tạo ra một tựa game thử thách, hay muốn tạo ra một tựa game “nhàn hạ” cho dân chúng vào tham quan ngắm cảnh?
Có vẻ như họ đã muốn một tựa game có chút thử thách, nhưng giữa đường lại thấy “không đúng lắm “có vẻ sai sai”, nên đã “đền bù” bằng cách… cho người chơi nhiều điểm kinh nghiệm tới nỗi chỉ cần không cố tình phá game thì bạn không thể nào “thọt cấp” được, mà chỉ có “bỏ xa xa” vài cấp độ so với quái trùm.
Thành thử, xuyên suốt tựa game người viết hầu như không hề gặp một chút vật cản nào, đúng nghĩa Luffy “ủi” từ đầu game tới cuối game. Làm sao mà không vậy được, khi chỉ cần hoàn thành một nhiệm vụ tức thời nho nhỏ là bạn đã có đủ kinh nghiệm thưởng vọt lên một cấp rồi!
Thực tế, có một vài chỗ game trở nên… khá khó, đơn giản vì chỉ số của quái tăng một cách đột biến và bất ngờ chứ không theo một công thức nào.
Tuy vậy, tất cả có thể được giải quyết chỉ bằng một hai trận đánh quái bé hơn, hoặc thậm chí chỉ cần… tự động trang bị lại đồ vật là có thể qua màn rồi (đó là còn chưa kể khả năng dung hợp các cổ vật, khiến cho băng Mũ Rơm thành chiến thần bất khả bại).
Không rõ lắm ý đồ của những nhà thiết kế game của One Piece Odyssey là gì, muốn tạo ra một tựa game thử thách, hay muốn tạo ra một tựa game “nhàn hạ”
Game chơi hộ người!
Một điểm mà người viết khá khó chịu khi khám phá thế giới của One Piece Odyssey, đó là việc game quá chi tiết và gò bó, dường như không muốn người chơi tìm tòi khám phá gì, mà chỉ muốn người chơi… ngồi xuống tận hưởng như xem một bộ phim vậy.
Hướng dẫn của game rất chi tiết và dài dòng, tới mức người viết nhớ hình như tới chương Hai game vẫn còn hướng dẫn một chút gì đó. Có rất nhiều vật thể có thể được khám phá trong các hang động, và game dường như… sợ người chơi không khám phá ra, khi mà tất cả những thứ đó thiếu điều cắm thêm một chiếc loa phóng thanh kêu gào “tôi ở đây” là đủ!
Trong khi khám phá các thành phố trong Memoria, hầu hết nhiệm vụ của người chơi là chạy tới địa điểm được đánh dấu trên bản đồ. Tuy nhiên, chỉ cần đi chệch ra khỏi quỹ đạo một tí, là game… ép người chơi quay lại hành trình tới chấm đỏ phát sáng trên bản đồ kia!
Chắc hẳn, điều này sẽ làm phật lòng kha khá game thủ!
Một điểm trừ nho nhỏ nữa là tốc độ giữa các mạch truyện là khá bất đồng, và dường như chỉ có Dressrosa là đạt được tốc độ gọi là “vừa phải”, Alabasta thì bị kéo giãn ra rất nhiều, còn Marineford thì quá vội vàng.
Vậy nên, người viết đánh giá One Piece Odyssey KHÔNG phải là một xuất phát điểm thích hợp cho người chơi mới nếu bạn muốn lao vào thế giới One Piece, cũng vì những sự kiện đã được lược bỏ khá nhiều.
game quá chi tiết và gò bó, dường như không muốn người chơi tìm tòi khám phá gì, mà chỉ muốn người chơi… ngồi xuống tận hưởng như xem một bộ phim vậy