Sam & Max Save the World (2022) là phiên bản “remaster” (tút lại) được phát triển và phát hành bởi hãng Skunkape Games.
Phiên bản gốc vốn có tên Sam & Max Season 1 (sau đó lại được đổi tên vào năm 2009), thuộc hãng Telltale Games.
Dòng game này cũng dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Steve Purcell – người từng tham gia vô các tác phẩm của hãng họa hình Pixar lừng danh, như Cars hay Brave.
Tuy Sam & Max Save the World phiên bản remaster từng được phát hành trước trên PC vào năm 2020, nhưng tận tới nay thì phiên bản này cùng Sam & Max: Beyond Space & Time, mới ra mắt trên hệ máy PS4.
Nào, hãy cùng Vietgame.asia xem qua phiên bản Sam & Max Save the World “tút lại” ra sao nhé!
BẠN SẼ THÍCH
BIỆT ĐỘI CẢNH SÁT “FREELANCER” LẮM CHUYỆN!
À thiệt ra “lắm chuyện” ở đây không xấu nha mọi người, Sam & Max Save the World lại sở hữu tuyển tập câu chuyện “tưởng không liên quan” nhưng lại liên kết xâu chuỗi sự kiện khá là tốt và hấp dẫn!
Câu chuyện Sam & Max Save the World bắt đầu khi biệt đội làm cảnh sát tự do… ế việc và không có gì để làm. Bất ngờ họ nhận được một cuộc gọi từ khách hàng, chưa kịp bắt máy thì bị gã chuột Jimmy “hai răng” (Two-Teeth) cướp mất điện thoại và thỏa thuận chỉ đưa lại nếu có được… miếng phô mai xịn sò kiểu Pháp. Vậy là cuộc hành trình của Sam & Max Save the World bắt đầu ngộ nghĩnh như vậy.
Mà quả thật, cách dẫn truyện và cả cách giải quyết vấn đề của game làm ta nhớ tới các phim hoạt hình như Tom & Jerry, Looney Tunes, v.v. Đặc biệt khi sở hữu các tuyến nhân vật từ chính tới phụ, từ hiền tới ác đều rất hay ra “dẻ”, lắm chuyện nhưng nhìn chung đều khá ấn tượng!
Câu chuyện của Sam & Max Save the World được chia ra theo từng chương, mỗi chương đều sở hữu các vấn đề riêng, đồng thời không quên gợi ý các manh mối sẽ diễn ra ở tập sau.
Nhờ vậy mỗi tập đều có liên kết ổn định, tạo sự phấn khởi trong ngóng xem coi việc gì sẽ xảy ra.
Điểm đáng mừng khác của Sam & Max Save the World đó là việc tổng hợp đầy đủ các chương và cho phép trải nghiệm tức thì, chứ không cần phải ép chơi từng tập để “mở khóa”. Bởi vậy nếu bạn là fan mà chỉ yêu thích các tập nào đó thì sẽ thấy thoải mái!
Giống các game phiêu lưu như Syberia: The World Before, TOEM hay ROKI, Sam & Max Save the World tận dụng rất tốt các bối cảnh, cũng như vai trò của các nhân vật như cô nàng đổi nghề liên tục – Sybil hay ông chủ tiệm tạp hóa lương lẹo – Bosco, v.v.
Các câu đố trong Sam & Max Save the World nhìn chung cũng không quá phức tạp, được trải đều độ khó và tương đối biết cách làm đa dạng bằng nhiều tình huống
Lối chơi của Sam & Max Save the World không quá tập trung nhiều vào việc tìm và tạo đồ để giải quyết câu chuyện. Thay vào đó, tập trung vào việc quan sát, để ý tình huống lẫn câu thoại và cách sử dụng món đồ phù hợp với hoàn cảnh.
Ví như để tạo miếng phô mai kiểu Pháp thì chỉ cần việc dùng cây súng của Sam bắn tạo lỗ cho giống là xong, chứ không cố tình rườm rà như nhiều game phiêu lưu xưa.
Các câu đố trong Sam & Max Save the World nhìn chung cũng không quá phức tạp, được trải đều độ khó và tương đối biết cách làm đa dạng bằng nhiều tình huống, câu chuyện được kể và các cách lý luận xử lý khác nhau trong từng chương.
Nói một tí về cách điều khiển, hãng phát triển cố gắng mang tới cho Sam & Max Save the World cách điều khiển dễ dàng nhất khi chơi trên hệ console, người chơi chỉ cần “lắc” nhẹ cần phải là có thể chọn lập tức chúng (bản PC thì rê chuột tìm đồ – NV), đồng thời giữ cần L2 để Sam chạy nhanh tới món đồ mà không cần đụng tới cần trái di chuyển.
Nền tảng đồ họa của Sam & Max Save the World nhìn chung khá là ấn tượng, đặc biệt khi so giữa bản gốc thì thấy phiên bản này không chỉ đơn thuần là nâng chất lượng vân bề mặt hay độ phân giải, khử răng cưa. Mọi thứ gần như được “gọt dũa” lại từ cả phong cách đồ họa nay được tinh chỉnh tăng cường hiệu ứng Cel-Shaded để nhân vật trông như được vẽ từ truyện tranh hơn.
Nhưng đặc biệt đáng khen là hiệu ứng ánh sáng và màu sắc của game được tinh chỉnh và nâng cấp hẳn hoi và rõ rệt nhất!
Có rất nhiều cảnh trong Sam & Max Save the World khiến người viết bất ngờ vì hiệu ứng được làm đẹp và nhìn cực kỳ bắt mắt. Chúng góp phần cực kỳ lớn trong gia tăng cảm nhận môi trường, cũng như dụng ý của các họa sĩ muốn truyền tải các tình tiết.
Chưa kể, cử động của nhân vật Sam thể hiện tỉ mỉ từ dáng bộ chạy, nói chuyện hay là thi thoảng sửa lại cái nón cho cân đối cũng rất đáng yêu! Đặc biệt khi Max đang ngáng đường thì Sam cứ thế hất ngang cậu ta lên trời, như thể chưa từng có sự tồn tại của đồng nghiệp vậy…
Vì làm gợi nhớ tới các phim hoạt hình xưa nên hiển nhiên phần âm thanh, nhạc nền và cả lồng giọng của Sam & Max Save the World vô cùng vui nhộn, nhí nhảnh vàchất lượng.
Giống các tập phim chúng ta hay coi khi xưa, mở màn các chương luôn có nhạc nền chủ đạo cùng đoạn phim mở màn “ngầu đét”. Các bản nhạc nền khác cũng tương đối đa dạng và thể hiện được các sắc độ trong tình tiết. Các nhân vật được lồng giọng khá tốt, thể hiện rõ tính cách và cảm xúc của từng nhân vật.
Đặc biệt là Max, cây hài không ngừng nói trong Sam & Max Save the World. Nhưng nếu không có Max thì chắc chắn mất đi chất xúc tác hay ho ra trò của tổng thể game.
BẠN SẼ GHÉT
VÀI BẤT TIỆN ĐÁNG NÓI.
Sam & Max Save the World không phải là một tựa game phiêu lưu hoàn hảo, dù sở hữu nhiều điểm tốt.
Điểm đầu tiên đáng đó là cách giải đố, dù không quá khó nhưng thật sự có quá nhiều tình huống giải quyết kiểu “từ đâu trên trời” rơi xuống khi không có sự logic chính đáng trong tình tiết, hoặc “hint” (gợi ý) tinh ý nào để người viết nhận ra điều mình cần làm.
Thật sự không ít lần người viết cứ chọn từng vật phẩm một trong giỏ đồ rồi chọn loạn xạ các thứ xung quanh để coi xem liệu mình có may mắn… vô tình kích hoạt được cái gì hay không?
Nhẫn nại là điều cần làm trong Sam & Max Save the World vì ngoại trừ phần “intro” (giới thiệu) giữa các chương (chapter) không thể “tua” thì cả phần credit cũng như thế. Nếu xem một lần thì không sao, nhưng tưởng tượng việc bạn đang háo hức muốn chơi ngay chương sau thì phải ngồi chờ hẳn cả gần… 4-5 phút xem credit. Không phải hiển nhiên Netflix có nút bỏ qua đoạn giới thiệu mở đầu (intro) mỗi tập đâu nhỉ?
Mạch truyện trong Sam & Max Save the World có vài chương hơi bị lê thê, dài dòng. Mặc cho rằng tình huống đó có thể giải quyết nhanh gọn hơn nhưng chắc hãng phát triển gốc Telltale Games muốn mỗi chương có độ dài na ná nhau, nên vô tình ảnh hưởng tới sự dàn trải trong tuyến truyện của vài chương chăng?
Tuy nền tảng đồ họa có sự nâng cấp rất rõ rệt nhưng phải chăng dự án khá lớn nên sự trau chuốt, nâng cấp vẫn không được triệt để?
Vì càng chơi các chương về sau, người chơi chắc chắn sẽ nhận thấy nhiều vân bề mặt rất thô, hiệu ứng ánh sáng tại nhiều màn chơi trông rất chán và thấy vóc dáng của sự hơi cũ kĩ của nền tảng đồ họa khi xưa.
Môi trường cũng vậy, đặc biệt là phân đoạn chạy xe của Sam & Max Save the World rất thiếu sức sống, có thể nói thẳng ra là xấu!
Mạch truyện trong Sam & Max Save the World có vài chương hơi bị lê thê, dài dòng