Sherlock Holmes: Crimes and Punishments – “Những người điềm tĩnh và sáng suốt không bao giờ đấu tranh cho công lý hay luật pháp, mà điều họ luôn luôn hướng tới là lẽ phải“.
Sherlock Holmes – nhà thám tử đại tài được sáng tạo bởi nhà văn Arthur Conan Doyle, hẳn không phải là cái tên quá xa lạ đối với bất kỳ ai.
Dẫu bạn chưa từng đọc qua bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào của Arthur Conan Doyle thì ắt hẳn bạn cũng đã ít nhất nghe qua cái tên đó qua nhiều sản phẩm của nền công nghiệp giải trí, ví dụ như loạt truyện tranh “Hound of the Basketvilles” và Study in Scarlet“, hai bộ phim Sherlock Holmes của đạo diễn Guy Ritchie hay loạt phim truyền hình Sherlock của BBC…
Tuy vậy, trong ngành công nghiệp game, Sherlock Holmes chưa bao giờ trở thành thương hiệu mang tính “tầm cỡ”.
Vào năm 2002, Frogwares – hãng game độc lập đến từ Ukraine và Ireland, đã thực hiện tựa game đầu tiên trong loạt game The Adventures of Sherlock Holmes, và họ cứ tiếp tục ấp ủ “đứa con cưng” của mình một cách thầm lặng trong suốt 12 năm sau đó.
Cho đến nay, thể loại game phiêu lưu trinh thám không còn quá xa lạ với cộng đồng game thủ, khi những sản phẩm như L.A Noire, Murdered: Soul Suspect hay mới đây nhất là The Vanishing of Ethan Carter đã cho thấy rằng, không phải cứ game “hại não” mới chỉ dành cho dân “hardcore”.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, Frogwares “tái xuất” cùng với hậu bản mới nhất của loạt game trinh thám lâu đời của hãng mang tên Sherlock Holmes: Crimes & Punishments.
Liệu cuộc phiêu lưu mới nhất của nhà thám tử đại tài tại căn hộ số 221B phố Baker sẽ mang đến bất ngờ gì mới cho người chơi?
BẠN SẼ THÍCH
Tội ác của họ, sự trừng phạt của bạn!
Sherlock Holmes: Crimes & Punishments sở hữu 6 màn chơi chính tương ứng với 6 vụ án riêng biệt, từ một vụ mưu sát theo cung cách “rửa tội” hay một chiếc tàu hỏa biến mất không rõ tung tích nhằm che đậy một âm mưu lớn… Tất cả những tình tiết trong vụ án đều được dẫn dắt một cách hoàn hảo nhằm phô diễn tài suy luận của Sherlock Holmes, cũng như pha trộn hài hòa giữa mạch truyện và lối chơi.
Người chơi vẫn sẽ phải thực hiện những công đoạn điều tra như tìm kiếm manh mối tại hiện trường, thu thập tang chứng, thẩm vấn nghi phạm hay dựng lại hiện trường giả… Và mặc dù cung cách điều tra trong từng vụ án khá giống nhau, bất kỳ mối liên kết nào cũng có thể tạo nên một kết quả mà người chơi không hề ngờ tới.
Thủ phạm luôn là kẻ mà không ai có thể nghĩ đến, và chỉ cần một quyết định sai lầm thôi là người chơi sẽ vuột mất cơ hội tóm lấy hắn ta.
Thủ phạm luôn là kẻ mà không ai có thể nghĩ đến, và chỉ cần một quyết định sai lầm thôi là người chơi sẽ vuột mất cơ hội tóm lấy hắn ta
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Sherlock Holmes cũng là một con người, và bất kỳ ai cũng đều có lý trí của riêng mình. Trong Sherlock Holmes: Crimes & Punishments, quyền quyết định đều nằm trong tay người chơi, nhưng để thực hiện được một quyết định sáng suốt và hợp lẽ phải luôn là một câu hỏi hóc búa dành cho bất kỳ ai.
Sherlock là người đại diện cho công lý, nhưng sẽ ra sao khi mà cách hành xử theo đúng pháp luật có thể gây ra nhiều hỗn loạn và đau thương hơn trước?
Đó là điều mà người chơi phải tự mình cân nhắc trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn nào.
Dẫu có lựa chọn trừng phạt hay tha thứ cho bất kỳ ai đó, hãy luôn nhớ rằng: Chỉ có duy nhất một cái kết “có hậu” mà thôi.
Những cải tiến đáng giá
Điểm đầu tiên mà người viết nhận ra trong lối chơi của Sherlock Holmes: Crimes & Punishments là sự thiếu vắng của yếu tố kết hợp đồ vật.
Điều này có thể khiến cho dân “gạo cội” của thể loại phiêu lưu giải đố cảm thấy thất vọng, nhưng nếu để ý kỹ hơn một chút thì có thể dễ dàng nhận ra rằng Sherlock Holmes: Crimes & Punishments xoáy vào mảng trinh thám nhiều hơn là phong cách giải đố theo cách truyền thống.
Đối với cá nhân người viết thì điều này không ảnh hưởng quá nhiều tới lối chơi, bởi thực tình mà nói thì yếu tố kết hợp đồ vật trong phiên bản The Testament of Sherlock Holmes trước đó cũng chỉ ở mức trung bình.
Bù lại, Sherlock Holmes: Crimes & Punishments sở hữu rất nhiều mini-game khác nhau và có thể khiến cho người chơi “bận rộn” trong quá trình phá án. Chúng khá đa dạng, từ trò cạy ổ khóa đơn giản hay vật tay, cho đến thử nghiệm trên các loài thực vật ăn sâu bọ hoặc kết hợp các mảnh ghép để tạo nên một chiếc khuôn làm con dao hung khí…
Có một số mini-game có thể khiến cho người chơi dễ “điên” như trò đi trên dây trong vụ án “Blood Bath”, tuy nhiên khá may mắn là Sherlock Holmes: Crimes & Punishments cho phép người chơi bỏ qua các mini-game này nếu như cảm thấy chúng mất quá nhiều thời gian hay quá khó.
Hệ thống suy đoán (deduction) cũng được tinh chỉnh lại và có phần “hiện đại” hơn. Trong bản trước, The Testament of Sherlock Holmes, các dữ kiện mà người chơi thu thập được sẽ được ghi lại trên một cuốn sổ, điều này khiến cho việc theo dõi toàn bộ các dữ kiện trở nên khó khăn do phải lật qua lật lại các trang giấy nhiều lần.
Sherlock Holmes: Crimes & Punishments sở hữu rất nhiều mini-game khác nhau và có thể khiến cho người chơi “bận rộn” trong quá trình phá án
Sherlock Holmes: Crimes & Punishments sửa chữa vấn đề này bằng cách “ném” các suy đoán của người chơi vào một màn hình độc lập, trong đó các dữ kiện được thể hiện bằng các nơ-ron thần kinh và được “nối” lại thành các kết luận cuối cùng.
Khá thuận lợi dành cho những ai muốn thực hiện các chuỗi suy đoán “lẻ tẻ” trong khi chơi.
Ngoài ra, Sherlock Holmes: Crimes & Punishments cũng khá “tâm lý” khi cho phép người chơi lựa chọn quay lại thời điểm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng ở cuối mỗi vụ án, nên nếu vẫn chưa ưng ý với cái kết hay là “lỡ tay” chọn trúng kết cục xấu thì người chơi không cần phải quá lo lắng.
Hình – âm mức “chuẩn”
Nếu như L.A Noire từng gây “sốt” dành cho làng game khi trình diện công nghệ mô phỏng cử động khuôn mặt nhân vật cực kỳ chân thật, thì Sherlock Holmes: Crimes & Punishments cũng không hề kém cạnh khi dùng Unreal Engine 3 cho phép Frogwares tạo nên những khuôn mặt với độ chi tiết cực kỳ cao.
Điều này được thể hiện rõ nhất trong các phân đoạn thẩm vấn hoặc xem xét nhân dạng của một nhân vật, từ những ánh mắt, làn da, vết sẹo cho đến râu và tóc… Có thể biểu cảm nhân vật chưa đạt đến trình độ điện ảnh như L.A Noire, nhưng những nỗ lực của Frogwares khi cố gắng chăm chút phần đồ họa vẫn đáng được tuyên dương, nhất là khi đây là tựa game Sherlock Holmes đầu tiên sử dụng Unreal Engine 3.
Bên cạnh đó, môi trường trong Sherlock Holmes: Crimes & Punishments cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng và có hồn hơn.
sự pha trộn hài hòa giữa màu sắc và bối cảnh của từng màn chơi vẫn hoàn toàn có thể “hút hồn” những “con mắt nhìn game” khó tính nhất
Mặc dù về độ “kỳ ảo” vẫn chưa sánh bằng The Vanishing of Ethan Carter, nhưng sự pha trộn hài hòa giữa màu sắc và bối cảnh của từng màn chơi vẫn hoàn toàn có thể “hút hồn” những “con mắt nhìn game” khó tính nhất.
Đây là một sự đổi mới đáng hoan nghênh, đặc biệt đối với những ai đã chán ngấy với cái tông màu xám xịt của The Testament of Sherlock Holmes.
Phần lồng tiếng trong Sherlock Holmes: Crimes & Punishments đều ở mức chấp nhận được, không thực sự quá xuất sắc nhưng cũng không có gì đáng để phàn nàn.
Tiêu điểm vẫn thuộc về nhân vật Sherlock Holmes với chất giọng trầm ấm trong lúc “đàm đạo”, nhưng cũng cực kỳ đanh thép trong từng lời kết án.
BẠN SẼ GHÉT
Vẫn còn hơi “dễ dãi”
Biến tựa game trở nên “thân thiện” với những người mới chơi hoàn toàn là ý định tốt, nhưng làm sao để trò chơi không bị “mất chất” là cả một vấn đề hoàn toàn khác.
Lối chơi của Sherlock Holmes: Crimes & Punishments có thể làm thỏa mãn cả những người hâm mộ “gạo cội” lẫn các thám tử “chân ướt chân ráo”, tuy nhiên có một số yếu tố trong game lại bị đơn giản hóa hơi quá đà.
Điểm đầu tiên là nằm ở công đoạn điều tra. Sherlock Holmes: Crimes & Punishments vẫn cho phép người chơi tự tay mày mò khắp màn hình để tìm manh mối, nhưng sẽ không có gì đáng nói nếu như trò chơi không ném… quá nhiều thông báo trên màn hình.
Bạn đã “cày nát” khu vực này? Sherlock Holmes: Crimes & Punishments sẽ hiện một thông báo hoàn tất điều tra “bự chảng” trên màn hình.
Bạn vừa mới lọ mọ cái kệ kia ư? Game sẽ “đá” bạn trở lại góc nhìn chính sau khi “hý hoáy” xong.
Thậm chí đến cả chức năng “Sherlock Vision” (nhìn thấy một số đồ vật mà rất khó để có thể nhìn ra bằng mắt thường) cũng được áp dụng một cách gò bó. Đến khu vực nào mà “Sherlock Vision” cần được sử dụng thì Sherlock Holmes: Crimes & Punishments sẽ hiện thông báo, nếu không thì người chơi sẽ chả cần bận tâm đến nó.
Điểm thứ hai là khi Sherlock Holmes dùng chứng cứ để phản biện lại lời bào chữa của các nghi phạm. Lúc này người chơi sẽ cần phải nhấn nút Q và chọn đúng chứng cứ, nếu chọn đúng thì có thể tiếp tục, nếu sai thì game chỉ hiện thông báo “chọn câu đúng” rồi… cho người chơi chọn lại mà không lãnh hậu quả gì.
Có thể đây là một yếu tố được thực hiện nhằm “phô diễn” tài suy luận của Sherlock Holmes, và thực sự các phân đoạn này cũng khá dễ dàng, nhưng kiểu sắp đặt “đúng thì tiếp tục, sai cũng chả sao” như vậy chỉ khiến cho một cơ chế khá tiềm năng trở nên thừa thãi mà thôi.
Lối chơi của Sherlock Holmes: Crimes & Punishments có thể làm thỏa mãn cả những người hâm mộ “gạo cội” lẫn các thám tử “chân ướt chân ráo”, tuy nhiên có một số yếu tố trong game lại bị đơn giản hóa hơi quá đà
Không thể phủ nhận công thức đơn giản hóa lối chơi để giữ nhịp game đã được thực hiện khá tốt, nhưng những vấn đề kể trên hẳn sẽ khiến cho dân “hardcore” cảm thấy khó chịu. Chưa kể điểm “điên rồ” nhất mà mỗi lần nhắc đến khiến người viết “nghiến răng” là việc trò chơi không hề cho phép tắt các thông báo khó chịu đó đi!
Người viết thực sự không thể hiểu nổi, một lựa chọn tắt thông báo cực kỳ đơn giản nhưng Frogwares lại không hề màng tới, và để nó trở thành kẻ “phá bĩnh” cực kỳ khó chịu đối với những ai muốn trải nghiệm tựa game theo phong cách “thuần khiết” nhất.
Quá nhiều màn hình nạp game!
Một trong những điều mà bất kỳ game thủ nào cũng “ghét cay ghét đắng” là phải nhìn màn hình nạp game (loading) trong khoảng thời gian dài.
Sherlock Holmes: Crimes & Punishments thêm một chút “gia vị” vào bằng cách cho phép người chơi thực hiện các chuỗi quyết định (deduction) hoặc xem lại chứng cứ… Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của màn hình nạp game… nhiều vô kể, khiến cho tác dụng của “chiêu trò” này chả thấm vào đâu.
Khi di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác thì phải nạp game là điều dễ hiểu, còn những tình huống khác thì sao? Trước một đoạn hội thoại: nạp một phát. Trước một đoạn phim cắt cảnh: Thêm một phát. Trước một số mini-game: cũng… nạp một phát!
Chưa kể, người viết còn gặp phải một số tình huống cực oái ăm khi di chuyển giữa các khu vực. Ví dụ như từ biệt thự Abbey Grange về Baker Street, chỉ để mang chú chó Toby tới hiện trường, tới Abbey Grange, xong xuôi rồi thì lại… quay về Baker Street.
Tính ra thời gian nạp game khi di chuyển còn lâu hơn cả… thời gian phá án.
Tính ra thời gian nạp game khi di chuyển còn lâu hơn cả… thời gian phá án
BÊN LỀ
- Là tựa game Sherlock Holmes đầu tiên sử dụng Unreal Engine 3.
- Là tựa game Sherlock Holmes đầu tiên cho phép chỉnh sửa vẻ ngoài của Sherlock Holmes.
- Tựa game lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết “Crime and Punishment” (Tạm dịch: “Tội Ác và Trừng Phạt”) được sáng tác bởi nhà văn Fyodor Dostoyevsky, đặt trọng tâm vào những xung đột giữa lẽ phải và đạo đức con người.
- Trong số 6 vụ án trong game, hai vụ án “The Abbey Grange Affair” và “The Murder of Black Peter” đều dựa trên hai truyện ngắn của Arthur Conan Doyle là “The Adventure of the Abbey Grange” và “The Adventure of Black Peter”. Ngoài ra, màn chơi “Riddle on the Rails” cũng lấy cảm hứng từ “The Lost Special”.
- Khu bảo tồn thực vật Kew trong vụ án “The Kew Gardens Drama” là một địa điểm có thật, tọa lạc tại London và được coi như là nơi lưu trữ số lượng loài thực vật “đồ sộ” nhất trên khắp thế giới.