SOMA – Trong khi Resident Evil đang mất chất trầm trọng, Silent Hill không hẹn ngày về cùng rất rất nhiều những tựa game kinh dị ngoài kia đang dần biến tướng và chẳng còn để lại nỗi sợ, thì trong vài năm gần đây, phong cách kinh dị “không súng ống” đã trở thành hướng đi hợp lí cho các hãng phát triển.
Những Slenderman, Amnesia hay Outlast đều là những cái tên minh chứng cho phong cách này. Và vừa qua, một cái tên khác cũng chạm ngõ làng game, mang theo rất nhiều những kì vọng và mong đợi, đó chính là SOMA.
Được sản xuất bởi Frictional Games, hãng phát triển đứng sau thành công của Amnesia, chất lượng của SOMA không chỉ vượt qua người đàn anh mà còn trở thành một tựa game kinh dị có “số má” trên thị trường hiện nay.
BẠN SẼ THÍCH
Dẫn chuyện hấp dẫn!
Bạn đã bao giờ tưởng tượng rằng vào một ngày bình thường nào đó, bạn nhắm mắt trong giây lát rồi khi mở mắt ra, bạn đang ở một nơi xa lạ và không có chút ký ức gì về nơi đó chưa? Đó chính là khởi đầu của SOMA.
Vào một buổi sáng nọ, anh chàng Simon Jarret theo lịch hẹn đến gặp bác sĩ điều trị các chấn thương về não mà trước đó anh đã mắc phải trong một vụ tai nạn. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi anh tới phòng khám.
Toàn bộ căn phòng trở nên lộn xộn khác hẳn với cảnh đông đúc thường ngày, sau khi tìm cách bước vào trong, anh cũng gặp được vị bác sĩ nó. Và ông bảo anh bước lên một chiếc máy quét não để tiến hành xem xét tình trạng hiện tại.
Khi máy bắt đầu chạy, bỗng dưng khi mở mắt ra, anh thấy mình đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ, lạnh lẽo, tối tăm khác xa hoàn toàn với thành phố Toronto nhộn nhịp mà anh đang sống. Nơi đây cũng hiện đại hơn hẳn với những trang thiết bị, máy móc tân tiến mà anh chưa từng thấy hay biết đến.
Tuy nhiên, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Simon nhận ra nơi đây không hề bình thường mà đang bị tấn công bởi một loài sinh vật kì lạ có tên Proxy.
Cùng với đó, anh nhận ra xung quanh cũng toàn những điều kì lạ, những con robot hành xử như người thường, các câu chuyện chưa có lời đáp của những người trong cuộc, trên hết anh thấy chính bản thân mình cũng có những khả năng mà anh không thể giải thích được.
SOMA cũng rất tinh tế trong cách thể hiện cốt truyện, khi không “hé lộ” tất cả nội dung mà bắt người chơi phải từng bước tìm tòi và khám phá
Vậy sinh vật tên Proxy kia là gì? Anh đang ở đâu? Tại sao anh có mặt ở đây? Một loạt câu hỏi được đặt ra để người chơi từng bước giải đáp.
Phải thừa nhận rằng, kể từ sau Outlast đến nay, chưa có được tựa game kinh dị nào có lối dẫn chuyện tốt đến như vậy. Các tình tiết nối tiếp nhau vừa bất ngờ vừa khéo léo để người chơi luôn phải vắt óc tìm lời giải.
Thật sự, dù đã chơi qua rất nhiều những tựa game có cốt truyện hay nhưng đến với SOMA, người viết vẫn phải ngạc nhiên bởi những diễn biến bất ngờ liên tục xảy ra.
Không chỉ vậy, khi đã có câu trả lời và chịu khó suy nghĩ lại toàn bộ sự kiện, để ý kỹ cả những tiểu tiết nhỏ, người chơi sẽ thấy được mọi sự sắp đặt đều có chủ đích của nó.
Cùng với đó, SOMA cũng rất tinh tế trong cách thể hiện cốt truyện, khi không “hé lộ” tất cả nội dung mà bắt người chơi phải từng bước tìm tòi và khám phá. Từng mẩu giấy, từng câu chuyện nhỏ, từng hình vẽ, từng tin nhắn trong hộp email… tưởng chừng như rời rạc nhưng khi ghép lại, cái nhìn tổng thể về mỗi nhân vật và số phận của họ mới hiện ra hoàn chỉnh.
Hình âm xuất sắc
Nếu chỉ xét trong phạm vi những tựa game kinh dị, đồ họa và âm thanh của SOMA cũng thuộc vào hàng “số má” khi có màn trình diễn quá xuất sắc.
Từng khung cảnh nhỏ đều được chăm chút rất tỉ mỉ, thể hiện ở những cảnh ngổn ngang rất tự nhiên. Nhất là hiệu ứng ánh sáng, quang cảnh tranh tối tranh sáng rất ấn tượng, cùng với đó vân phủ bề mặt cũng được chăm chút kĩ lưỡng, với các vệt máu thấm lên từng mảng kim loại.
Đến khi bước ra bên ngoài và đến với thế giới biển sâu, đồ họa của SOMA mới thể hiện được hết vẻ đẹp của mình. Từng mảng rong rêu, từng tòa nhà rỉ sét, từng ánh đèn le lói trong làn nước lạnh lẽo… đã làm người viết phải dừng lại ngắm nhìn.
Tiếp nối hình ảnh, âm thanh cũng góp một phần lớn tạo nên bức tranh kinh dị chung của SOMA. Dù không sử dụng quá nhiều nhạc nền, nhưng SOMA lại “ăn tiền” ở sự khéo léo khi biết cách sử dụng âm thanh từ môi trường.
Nếu chỉ xét trong phạm vi những tựa game kinh dị, đồ họa và âm thanh của SOMA cũng thuộc vào hàng “số má” khi có màn trình diễn quá xuất sắc
Nếu chơi vào ban đêm cùng không khí yên ắng vắng vẻ, chắc chắn không ai lại không giật mình khi nghe tiếng la thất thanh văng vẳng bên tai, hay ép tim vào lồng ngực khi nấp vào bức tường chờ tiếng bước chân rầm rầm cùng tiếng rít chói tai trôi qua.
Cùng với đó, dàn diễn viên lồng tiếng trong SOMA cũng đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Một điều người viết cảm thấy rất ấn tượng với SOMA, đó là chỉ cần nghe giọng nói là biết rõ cảm giác của từng nhân vật, mà không cần phải gặp hay trực tiếp quan sát.
BẠN SẼ GHÉT
Kẻ thù không đáng sợ như mong đợi
Là đàn em của Amnesia, SOMA vô tình cũng mắc phải nhược điểm như người anh đi trước, khi toàn bộ kẻ thù trong game không thật sự đáng sợ như người ta vẫn nghĩ.
Mỗi lúc gặp kẻ thù, người chơi thường sẽ chọn cách ẩn nấp, và chất kinh dị chỉ thật sự tỏa sáng trong những trường đoạn này khi mà người chơi phải ép tim lắng nghe từng động tĩnh xung quanh.
Còn khi đụng mặt và chạy trốn, thì hành động của lũ Proxy thật sự để lại điều gì đáng sợ cả.
Tại sao? Đó là vì bạn sẽ thấy chúng đâm thẳng vào người và màn hình tối lại, rồi anh chàng Simon lò mò ngồi dậy, sau đó tiếp tục lẩn trốn.
Đến khi bị chúng tấn công lần thứ hai người chơi mới thật sự chết, tuy nhiên cái chết trong SOMA cũng… không có gì quá đáng sợ.
Nếu như những tên tâm thần trong Outlast còn khiến người chơi phải cuống cuồng mỗi khi gặp thì thật đáng tiếc, lũ Proxy trong SOMA chưa để lại được ấn tượng như thế
Nói một cách chính xác, SOMA đem lại nổi sợ ở âm thanh, cái không khí ngột ngạt của môi trường, cùng giọng lồng tiếng truyền tải cảm xúc quá xuất sắc, chứ thật sự kẻ thù không để lại nỗi sợ như mong đợi.
Nếu như những tên tâm thần trong Outlast còn khiến người chơi phải cuống cuồng mỗi khi gặp thì thật đáng tiếc, lũ Proxy trong SOMA chưa để lại được ấn tượng như thế.
Cùng với đó, SOMA cũng không có quá nhiều những màn hù dọa vốn là “đặc sản” của thể loại kinh dị.
Nhiều trường đoạn bóng tối vây quanh là mảnh đất màu mỡ có thể làm cho người chơi phải giật mình, thì game lại rất đơn điệu khi chẳng có gì xảy ra cả.
Còn vài sạn nhỏ…
Đầu tiên, nói một cách công bằng, lối chơi của SOMA vẫn rất hay, cuốn hút khi đặt ra nhiều câu đố để người chơi phải giải đáp, cùng những khu vực đòi hỏi sự kiên nhẫn cao để khá phám.
Tuy nhiên, nếu người chơi không có vốn tiếng Anh vững sẽ rất dễ bị mất phương hướng, vì SOMA không hề có bất kì ghi chú nào để diễn giải cho người chơi phải đi tới đâu và làm gì.
Hơn nữa, các yêu cầu sẽ chỉ được đưa ra một lần trong các câu thoại và không hề lặp lại lần nào nữa, nên người chơi bắt buộc phải chú ý thật kĩ nếu không sẽ chẳng biết phải làm gì tiếp theo.
Kế đến, lối chơi tương tác của SOMA khá hay nhưng điểm trừ lại nằm ở chỗ game bắt người chơi phải rê chuột quá nhiều lần, nhất là những lần phải mở cửa.
Điều này rất tối kị trong những tìm huống bị rượt vì nếu lỡ di chuyển chuột sai hướng, cửa sẽ không mở dẫn tới “ăn đòn” oan mạng.
Rất may, những trường đoạn kiểu này hiếm khi xảy ra.
Nếu người chơi không có vốn tiếng Anh vững sẽ rất dễ bị mất phương hướng, vì SOMA không hề có bất kì ghi chú nào để diễn giải cho người chơi phải đi tới đâu và làm gì