SpellForce: Conquest of Eo – Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên thành công của một tựa game chính là bối cảnh của trò chơi, thế nhưng để đội ngũ phát triển có thể xây dựng một thế giới hoàn chỉnh với các sự kiện, nhân vật, chủng tộc và rất nhiều yếu tố khác theo cái cách mà các studio lớn thực hiện trên God of War hay Starcraft là một chuyện rất khó khăn, nhất là với những studio game vừa và nhỏ.
Cách giải quyết đơn giản nhất là tìm kiếm những “thế giới” có thiết lập sẵn được hoàn thiện dần dần trong thời gian dài để tạo ra một bối cảnh hợp lý và đầy tính logic, với đầy đủ các thiết kế nhân vật và không gian có sẵn, cùng với hàng tá những luật chơi được định hình đạt đến độ cân bằng cao, rồi từ đó “xây đắp” tuyến cốt truyện của mình, nhờ vậy giảm bớt rất nhiều chi phí trong quá trình lên ý tưởng, xây dựng kịch bản hay thậm chí là vẽ phác thảo.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn, thế nhưng trên thực tế các bối cảnh mà-ai-cũng-biết như The Lord of The Rings hay Warhammer có mức phí bản quyền không hề rẻ, thế nên lựa chọn hợp lý nhất là các “thế giới” kém tiếng hơn như bối cảnh thế giới khoa học giả tưởng của Atom, hay thế giới u ám của Tunguska…
Trong số đó, có thể kể đến thế giới SpellForce, một thế giới huyền huyễn (fantasy) phương Tây kế thừa nhiều yếu tố của vũ trụ Dungeon & Dragon, có thể xem như một lựa chọn không tồi cho các studio nhỏ khi muốn tạo ra trò chơi cho riêng mình.
Cũng vì thế mà studio Owned by Gravity đã lựa chọn bối cảnh này cho tựa game mới nhất của mình, với tên gọi SpellForce: Conquest of Eo, một tựa game nhập vai – chiến thuật theo lượt vừa ra mắt trong thời gian gần đây.
Vậy thế giới SpellForce liệu có đem lại thành công cho tựa game?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Một cuộc hành trình thú vị!
Nếu các fan của thể loại game chiến thuật thời gian thực cảm thấy cái tên SpellForce… quen quen thì bạn đã cảm nhận đúng rồi đấy! Đây là thế giới do studio Phenomic (sau được EA mua lại và đổi tên thành EA Phenomic và… đóng cửa năm 2013 – NV) sáng tạo ra dành cho tựa game SpellForce: The Order of Dawn vào năm 2003, với hàng loạt các hậu bản do các hãng khác thực hiện trong suốt một vài năm sau đó, mà gần đây nhất là SpellForce 3 Reforced, góp mặt trên rất nhiều “mặt trận” từ PC đến console.
Thế nhưng SpellForce: Conquest of Eo lại không phải một câu chuyện thuộc về “dòng thời gian” này, mà các nhà thiết kế game tại studio Owned by Gravity chỉ sử dụng các chất liệu của thế giới SpellForce để làm nên cuộc hành trình của mình.
Phải nói rằng, với tất cả những “chất liệu” từ thế giới của SpellForce, đội ngũ làm game đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho các công đoạn phác thảo trò chơi để có thể tập trung hoàn toàn vào xây dựng các tuyến cốt truyện, nhiệm vụ, cũng như các sự kiện với độ tỉ mỉ vô cùng ấn tượng mà các fan của thể loại game nhập vai khó tính nhất cũng không thể nào chê bai được.
Gần như cả hành trình được thể hiện như một quyển “Sách luật” (Rule book/Guide book) của các tựa game nhập vai cờ bàn (board game) ngày xưa với đầy đủ những bối cảnh, tình tiết và thậm chí là cả những câu thoại đều được trau chuốt kỹ lưỡng, thậm chí còn sâu sắc hơn cả một tựa game nhập vai có pha lẫn yếu tố chiến thuật như King Arthur: Knight’s Tale.
Mặc dù cùng sở hữu lối chơi nhập vai – chiến thuật theo lượt như dòng game Heroes of Might and Magic lừng danh, thế nhưng SpellForce: Conquest of Eo lại thiên hướng một tựa game nhập vai nhiều hơn là một tựa game chiến thuật, vì vậy sự chăm chút trong cốt truyện tạo thành sợi dây dài liên kết các cấu thành còn lại, vốn có phần hơi rời rạc.
Gần như mỗi cuộc chạm trán (encounter), mỗi lượt chơi đều sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện khác nhau, nhiệm vụ khác nhau, và qua đó người chơi tiến hành “điều binh khiển tướng” khám phá thêm về những vùng đất trong thế giới của SpellForce.
Những nhiệm vụ phụ trong SpellForce: Conquest of Eo sẽ đem lại cho bạn những kẻ thù mới với thiết kế đặc biệt, những phần thưởng hấp dẫn khiến cho hành trình chinh phục của bạn không hề tẻ nhạt chút xíu nào, chứ không hề “đầu voi đuôi chuột” như một số tựa game chiến thuật khác.
Phần chơi chiến thuật nếu đứng độc lập có vẻ khá rời rạc, không đủ “bén” như cách mà King’s Bounty đem đến khi khiến người chơi phải trốn tránh khá nhiều các đối thủ mạnh ở nửa đầu game, cũng không “hoành tráng” như cách mà Might and Magic: Heroes VI với những trận đánh công thành chiến và các quân đoàn đông đảo… mà có phần thiên hướng về các tựa game nhập vai đội nhóm nhiều hơn, với việc “cày cuốc” kiếm điểm kinh nghiệm, chế tạo vật phẩm sử dụng trong trận chiến và nâng cấp các phép thuật.
Cấp bậc của các đơn vị quân, có đôi khi, còn quan trọng hơn rất nhiều so với phẩm chất ban đầu của đơn vị đó. Chẳng hạn như một đơn vị quân phổ thông theo bạn từ những “ngày đầu khởi nghĩa” với cấp bậc cao và đủ các loại lợi thế, cũng như điểm cộng thêm vào cũng có thể “bón hành” cho những đơn vị quân mạnh mẽ.
Chính vì thế mà việc giữ gìn các đạo quân luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của người chơi trong SpellForce: Conquest of Eo, thay vì “nướng quân” ào ào như với nhiều tựa game chiến thuật khác.
Ngoài ra, hệ thống tài nguyên trong game khá đơn giản và không quá quan trọng, chẳng hạn các vật phẩm ma thuật mà bạn tìm được trên hành trình khai phá màn chơi cũng như giải quyết các nhiệm vụ, điều này quay trở lại làm tôn thêm giá trị khám phá của cốt truyện và các kịch bản.
Từ đó, người chơi sẽ đi hết từ câu chuyện này sang câu chuyện khác để dần khám phá thế giới của SpellForce với một lăng kính chi tiết mà chưa có tựa game nào khác trước đây có thể đem đến cho bạn.
SpellForce: Conquest of Eo đem đến một tựa game nặng về nhập vai – khám phá hơn là chiến thuật theo ý nghĩa truyền thống, với một cốt truyện và kịch bản được xây dựng, chăm chút kỹ lưỡng
Là một thế giới ma thuật đầy kỳ bí, SpellForce: Conquest of Eo cũng chứng kiến nhiều chủng tộc khác nhau, mà mỗi chủng tộc trong đó đều có lợi thế riêng, các đơn vị quân riêng cũng như hệ thống phép thuật hoàn toàn tách biệt, chẳng hạn như chủng Necromancer sẽ sở hữu các quân đoàn bất tử (undead) và nhóm phép thuật triệu hồi, trong khi Alchemist sẽ có thiên hướng các chủng tộc nhân loại nhiều hơn với các phép thuật hiệu ứng hay tấn công…
Điều này đem đến những phương hướng phát triển game hoàn toàn khác nhau, với những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với những chủng tộc và màn chơi mới, nhờ đó mà giá trị chơi lại của tựa game rất cao chứ không mờ nhạt đáng chán như một số tựa game mà các phe hầu hết chỉ khác nhau ở vẻ ngoài.
Phần chơi chiến trận lại khá đơn giản khi được xây dựng với phương thức theo lượt truyền thống, với bản đồ là các ô lục giác.
Người chơi phải điều binh khiển tướng, sử dụng sáng tạo các phép thuật và chiêu thức để gây sát thương nhiều nhất, trong khi tận dụng địa hình địa vật để tránh né các đòn tấn công của đối phương, tương tự các tựa game chiến thuật theo lượt cổ điển khác.
Phần chơi này được kết hợp chặt chẽ với bức tranh tổng thể của SpellForce: Conquest of Eo, từ đó đem đến một trải nghiệm thỏa mãn cho game thủ trên suốt hành trình chinh phục và khám phá vùng đất Eo.
Mặt hình – âm của tựa game không quá xuất sắc, thế nhưng cũng rất dễ chấp nhận với những game thủ trẻ.
Các mô hình được xây dựng với ít đa giác nên tựa game không quá nặng nề, đủ có thể vận hành trên các hệ thống chơi game có phần lỗi thời, thế nhưng rất có phong cách riêng và dễ dàng phân biệt từng chủng tộc/đơn vị cụ thể, với các hiệu ứng phép thuật bắt mắt!
Nhìn chung, SpellForce: Conquest of Eo đem đến một tựa game nặng về nhập vai – khám phá hơn là chiến thuật theo ý nghĩa truyền thống, với một cốt truyện và kịch bản được xây dựng, chăm chút kỹ lưỡng trên nền bối cảnh thế giới SpellForce đầy kỳ bí.
BẠN SẼ GHÉT
Một vài vấn đề nhỏ!
Mặc dù với những gì đã thể hiện trên SpellForce: Conquest of Eo, Owned by Gravity đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình khi tận dụng tốt những chất liệu của thế giới SpellForce, thế nhưng vẫn còn đó một vài vấn đề nhỏ khiến cho tựa game không quá “dễ nhằn” với nhiều đối tượng game thủ.
Có thể kể đến phần hướng dẫn chơi (tutorial) khá nhiều… chữ, khiến cho các game thủ mới làm quen với tựa game phải “mò mẫm” rất lâu trong hàng tá những chỉ mục đầy chữ mà thiếu đi những hướng dẫn trực quan.
Đó là chưa kể đến những sự kiện xuất hiện “ngồn ngộn” sau mỗi lượt chơi theo kiểu tựa game phiêu lưu Disco Elysium, với hàng loạt khung thoại đầy “ngập chữ” mà không có bất kỳ lời dẫn hay các đoạn phim cắt cảnh, dễ làm nản lòng game thủ “nóng vội”.
Cuối cùng, cơ chế thu gặt tài nguyên khá rối rắm, buộc người chơi phải điều khiển thủ công đơn vị lính đi thu hoạch chứ không có các cơ chế tiến hành tự động như trên Sid Meier’s Civilization VI khiến cho những thao tác lặp đi, lặp lại này tạo ra không ít nhàm chán sau mỗi lượt chơi.
phần hướng dẫn chơi (tutorial) khá nhiều… chữ, khiến cho các game thủ mới làm quen với tựa game phải “mò mẫm” rất lâu