Steam vs Epic Games Store – Nói đến game cho máy tính, Steam có lẽ là từ được nghĩ tới đầu tiên.
Gắn liền với nền tảng này từ năm 2003, Steam đã dõi theo từng bước thăng trầm của thị trường game PC, cứu rỗi và định hình nó cho tới ngày hôm nay.
Do vậy, “ngai vàng” của Steam hiện tại là hoàn toàn xứng đáng.
Thế nhưng “quyền lực tối cao” luôn đi đôi với sự “thèm khát”, và với sự phát triển của thị trường game PC hiện tại, rất nhiều công ty mong muốn “xơi” được một phần của chiếc “bánh ngọt” này từ Steam.
Đương nhiên, với vị thế độc tôn của Steam, vẫn chưa có công ty nào đủ sức để đe dọa ông lớn này… cho tới khi Epic Games Store vào cuộc.
Vậy sức mạnh của Epic Games Store tới từ đâu, cách mà công ty này đã làm là gì, và sự hiện diện này của Epic Games Store liệu có thể ảnh hưởng thế nào với toàn bộ cục diện thế giới game trên PC?
Bài viết sau sẽ mang tới những nhận định riêng của Vietgame.asia về cuộc chiến Steam vs Epic Games Store.
“BỆ ĐỠ” CỦA EPIC GAMES STORE
Trước hết, không vòng vo mĩ miều, chắc chắn rằng để đối đầu với một người khổng lồ như Steam cần “tiền” và “quyền”, và có thể nói ở thời điểm hiện tại, Epic Games Store đã “nắm” cả hai thứ này trong tay.
Nguồn tiền chính của Epic Games tới từ Fortnite, một game Battle Royale (đấu trường sinh tử) đã trở thành “hiện tượng” của năm 2018.
Tựa game này cực kì hấp dẫn giới trẻ, và độ phổ biến của nó được thổi bùng thêm nhờ kênh stream game Twitch cùng các streamer nổi tiếng như Ninja.
Do vậy, cũng không quá ngạc nhiên khi Fortnite đã đem tới cho Epic Games một biển tiền, kiếm 3 tỉ USD vào 2018, và đưa giá trị của Tim Sweeney, CEO của Epic Games, vượt lên cả Gabe Newell (mà chúng ta hay gọi vui là “Gà béo”).
Hơn thế nữa, đứng phía sau “giật dây” cho Epic Games là Tencent, một công ty cổ phần của Trung Quốc với định giá hơn 34 tỉ USD vào năm 2017.
Việc các công ty Trung Quốc muốn thâm nhập vào thị trường phương Tây chắc chắn là điều ai cũng biết, và khi nắm giữ hơn 40% cổ phần của “con gà đẻ trứng vàng” Epic Games thì hẳn nhiên Tencent sẽ “chống lưng” cho hãng mọi lúc mọi nơi.
để đối đầu với một người khổng lồ như Steam cần “tiền” và “quyền”, và có thể nói ở thời điểm hiện tại, Epic Games đã “nắm” cả hai thứ này
Cuối cùng, Epic Games là cha đẻ của bộ công cụ làm game cực kì nổi tiếng và phổ biến: Unreal Engine 4.
Do được phát hành miễn phí, Unreal Engine 4 không chỉ phổ biến với những nhà làm game lớn mà còn với các nhà phát triển độc lập và làm tăng tiếng tăm của Epic Games lên rất nhiều.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Có dòng tiền từ một tựa game “tỉ đô”, được một “ông lớn” chống lưng, và có tiếng từ một công cụ làm game phổ biến, không có gì là lạ khi Epic Games đã tận dụng những điều kiện tuyệt vời đó làm nền móng cho Epic Games Store!
“DỤ DỖ” NHỮNG NHÀ PHÁT TRIỂN
Để chiếm lấy thị phần từ tay ông vua Steam, Epic Games Store chắc chắn phải dùng tới lá bài “game độc quyền”.
Thật không sai khi nói Steam là một thị trường cạnh tranh. Với các ông lớn, các hãng tên tuổi thì điều này có vẻ không quá khó khăn, bởi họ có đầy đủ nguồn lực và tiềm năng để quảng bá cho sản phẩm.
Thế nhưng với những nhà phát triển game độc lập, đây lại là một bài toán khó. Họ cần tiền, cần hỗ trợ tài chính để có thể đứng vững và tiếp tục phát triển.
Steam tuy là môi trường tiềm năng và nhiều mối liên kết, nhưng nó lại quá cạnh tranh. Nếu game của bạn không nổi bật, khả năng bị đào thải trong thời gian ngắn là rất cao!
Vì lẽ đó, Epic Games Store là một sự lựa chọn đáng cân nhắc!
Tuy độ rộng mở không lớn bằng Steam nhưng chắc chắn rằng các nhà phát triển độc lập sẽ nhận được một sự hỗ trợ vốn nhất định từ Epic Games để họ tiếp tục xây dựng sản phẩm.
Đồng thời, phần lợi nhuận được Epic Games Stores cắt cho nhà sản xuất cũng nhiều hơn nữa, 88% cho họ thay vì 70% như Steam.
Chính những sự hỗ trợ tài chính này đã khiến một số tựa game “quay lưng” với Steam như Ashen hay Satisfactory, còn một số khác thì nhẹ nhàng hơn, chọn Epic Games Stores là nơi ra mắt bản thử nghiệm, như Hades chẳng hạn.
Đương nhiên cộng đồng người dùng Steam là vô cùng đông đảo, và khi một số nhà phát triển công bố quyết định rời bỏ Steam, họ đã nhận được lượng “gạch đá” không ít.
Đồng thời, do Epic Games thâu tóm công cụ làm game Unreal Engine 4 nên hãng sẽ nhận được một phần lợi nhuận từ lượng tiền bán game sử dụng công cụ này.
Tuy nhiên, với những bản game dùng Unreal Engine 4 được phát hành trên Epic Game Stores thì Epic Games sẽ miễn cho nhà sản xuất phần phí đó.
Không chỉ có ưu đãi về tiền bạc, có thể nói quy mô nhỏ sẽ giúp Epic Games kết nối với nhà sản xuất hơn nữa. Do vậy, ít ra ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất độc lập sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ Epic Games hơn.
Như vậy, “tiền rơi trước mặt” kèm theo sự hỗ trợ có phần nhiệt tình hơn sẽ thu hút một số nhà sản xuất.
Đương nhiên cái giá của sự trao đổi này là phần lớn thị phần game PC vẫn thuộc Steam, và rời bỏ Steam không những mất lợi nhuận từ số đông, mà còn có có nghĩa “chịu gạch” từ cộng đồng nữa.
“BỎ BÊ” CỘNG ĐỒNG NGƯỜI DÙNG?
Thứ mà Steam đã mất gần 15 năm để xây dựng chính là một cộng đồng game PC cực kì hùng hậu và có phần khá trung thành. Do vậy, muốn người dùng từ bỏ Steam không phải là chuyện một sớm một chiều.
Cách mà Epic Games Store làm hiện nay là mang tới cho người chơi các tựa game miễn phí như Subnautica, Super Meat Boy, What Remains of Edith Finch…
Đồng thời, về mảng xây dựng cộng đồng và đánh giá cho các game thì Epic Games đã chọn một nước đi “tuyệt vời” là… không làm gì cả!?!
Theo như lời các nhà phát triển, Epic Games Store sẽ không những không có diễn đàn, mà thậm chí còn không có cả hệ thống đánh giá.
Mọi ý kiến của người dùng thay vì được công bố rộng rãi sẽ chỉ được gửi kín cho nhà phát triển.
Epic Games Store xuất hiện và tung ra lá bài “tiền + độc quyền”, rất nhiều tựa game bị bó chặt trên Epic Games Store
Điều này được thực hiện để tránh việc cộng đồng xấu tính chửi lộn, mạt sát hay “bỏ bom” đánh giá xấu cho sản phẩm.
Mới nghe thì cũng không phải vô lý, nhưng ngẫm lại, bạn có thấy mọi quyết định của Epic Games Stores đều hướng tới nhà phát triển, thậm chí đặt quyền lợi của họ lên đầu người dùng?
Cho họ vốn, khuyến khích họ dùng Unreal Engine 4, thậm chí loại bỏ tương tác cộng đồng và đánh giá công khai, như vậy làm sao người dùng mới trực tiếp biết một sản phẩm hay/chán để chi tiền mua?
Steam không phải là dịch vụ cung cấp game duy nhất. Bên cạnh nó còn có Origin, Uplay hay GOG. Nhưng tại sao tất cả các nền tảng này có thể cùng tồn tại với Steam mà không ai ý kiến gì? Bởi vì chúng không có sự độc quyền.
Một game được phát hành trên Steam đều có thể được mang lên các nền tảng khác mà không vướng bận. Thế nhưng khi Epic Games Store xuất hiện và tung ra lá bài “tiền + độc quyền”, rất nhiều tựa game bị bó chặt trên Epic Games Store.
Quen với một nền tảng rộng lớn và mất hơn cả thập kỉ để xây dựng, nhưng lại bị một tên “lính mới” bắt phải sang nhà mình chơi, một nơi không được nêu lên ý kiến riêng, không được hỗ trợ giá vùng, không có những niềm vui đi kèm như trang cá nhân để thể hiện bản thân hay “chợ trời” Steam Community Market để mua bán… Đừng hỏi tại sao cộng đồng dậy sóng!
Công nhận kế hoạch “mua nhà phát triển” của Epic Games Store cũng đã phần nào phát huy hiệu quả, và cái tên nổi nhất gần đây có lẽ là The Division 2.
Đây là một đòn đánh khá đau lên Steam, nhưng liệu cộng đồng sẽ “ngoan ngoãn” nhảy sang Epic Games Store, hay mua thẳng từ Uplay?
Nói tóm lại, Epic Games Store đã chọn cách “đội” nhà phát triển lên đầu người dùng, còn nó hiệu quả hay không thì bạn là một phần của câu trả lời đấy!
“CƠ THỂ KHÔNG ĐƯỢC MẤT TRÁI TIM”
Ý kiến phổ biến nhất để ủng hộ cho Epic Games Store có lẽ là: cạnh tranh sẽ giúp phát triển.
Điều này cũng có cơ sở, vì dù gì Steam từ lâu đã ngồi ghế trên, nên có thể chút cọ xát sẽ giúp công ty làm gì đó nổi trội hơn.
Steam cũng đầy những khiếm khuyết chứ, ví dụ gần đây nhất là việc “ưu ái” các nhà sản xuất lớn hơn các nhà phát triển độc lập.
Do vậy, sức ép từ đối thủ cũng là động lực cạnh tranh phát triển.
Tuy nhiên, cạnh tranh khác với phân mảnh.
Trước kia, thị trường game PC từng được coi như “đã chết”, và console lên ngôi.
Tại sao ư?
Bởi nó bị phân mảnh, không có một sự thống nhất. Xbox có Microsoft quản lý, PlayStation có Sony, còn PC có gì…?
Steam đặt lợi ích của cộng đồng, của người dùng lên trên nhà phát triển, còn Epic Games Store thì làm điều ngược lại
Đó là lúc Steam bước vào.
Nền tảng này đã thống nhất các nhà phát triển độc lập, các ông lớn, và thậm chí cả thị trường “khó tính” Nhật Bản về một mối.
Steam, một tay đã cứu lấy toàn bộ thị trường game PC!
Chưa dừng ở đó Steam đã tạo động lực để nhiều người chơi… game lậu tiến tới các sản phẩm bản quyền: giá vùng tốt, giảm giá mạnh, hỗ trợ từ cộng đồng lớn, kết nối người chơi, mang game tới Linux và Mac OS, đi đầu hỗ trợ VR…
Steam từ hai bàn tay trắng quyết ôm trọn lấy mảnh đất PC và vực dậy nó cho tới ngày hôm nay.
Steam không phải là nền tảng độc quyền, mà là “trái tim” cần thiết để thị trường game PC hoạt động.
Steam thực sự quan tâm tới thị trường game PC, còn Epic Games Store chỉ quan tâm tới lượng tiền mà nó mang lại.
Steam đặt lợi ích của cộng đồng, của người dùng lên trên nhà phát triển, còn Epic Games Store thì làm điều ngược lại.
Cạnh tranh nhưng phải trong khuôn khổ, chứ không thể “chia năm xẻ bảy” được.
Do vậy, sự hiện diện của Epic Games Store với là bài độc quyền “mua chuộc” nhà sản xuất là quá trình đi ngược lại những gì Steam đã cố xây dựng.
Đây không phải là phát triển, đây là tiến hóa ngược.
Tương lai sẽ ra sao là điều không ai dám chắc, nhưng Steam không được phép mất đi ngai vàng, cũng như cơ thể không được để mất trái tim!