Skip to content

Sự kiện game 07-2024: Các nhân viên ngành game “trỗi dậy”!

su-kien-game-07-2024-cac-nhan-vien-nganh-game-troi-day

Sự kiện game 07-2024 – Suốt nửa năm nay cũng như suốt cả năm qua, trường hợp nhân viên bị sa thải hàng loạt cũng như các studio đột ngột bị đóng cửa sau nhiều năm tồn tại là điều diễn ra vô cùng thường xuyên. Tuy nhiên trong tháng 7 này, nhiều cá nhân làm việc trong ngành có vẻ đã quyết định tự tay giải quyết những vấn đề này thông qua việc thành lập công đoàn, cũng như thực hiện đình công.

Nhiều studio đã thành công trong việc thành lập nên công đoàn để đảm bảo nhân viên có thêm quyền lợi, cùng với cải thiện an ninh nghề nghiệp. Nếu những công ty khác noi gương theo và xây dựng nên công đoàn, có khả năng “lời nguyền sa thải” trong ngành game sẽ giảm tiến độ trong thời gian tới.

Từ việc những diễn viên SAG-AFTRA đình công phản đối sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) đến việc những studio của Microsoft lập công đoàn, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua 10 sự kiện game 07-2024 nhé!

1. BETHESDA GAME STUDIOS TRỞ THÀNH STUDIO ĐẦU TIÊN CỦA MICROSOFT THÀNH LẬP NÊN CÔNG ĐOÀN

Cùng với sự hỗ trợ từ phía tổ chức CWA (Communications Workers of America), Bethesda Game Studios đã trở thành studio đầu tiên của Microsoft thành lập nên công đoàn.

Theo thông tin từ các báo cáo gần đây, những văn phòng tại Dallas, Rockville và Austin của Bethesda đã thiết lập nên một liên minh bền vững. Thêm vào đó, bản thân Microsoft cũng đã chính thức công nhận công đoàn này và không hề phản đối quyết định đó.

Theo bài viết của IGN, Mandi Parker – Nhà Thiết kế Hệ thống Cấp cao (Senior System Designer) tại Bethesda – đã chia sẻ vài lời để ăn mừng bước tiến của Bethesda Game Studios.

“Chúng tôi vô cùng vui mừng khi có thể công bố công đoàn của mình tại Bethesda Game Studios và tham gia một phong trào đang lan rộng khắp ngành game.


Rõ ràng là mọi người lao động trong lĩnh vực này đều có thể hưởng quyền lợi từ việc đưa nền dân chủ vào nơi làm việc và đảm bảo có được tiếng nói trong công việc.



Chúng tôi rất vui mừng khi có thể có thể bắt tay làm việc và giành được một hợp đồng công bằng, chứng minh rằng sự đoàn kết chính là nguồn sức mạnh thực sự để tác động một cách tích cực lên điều kiện làm việc và cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như lên toàn thể công ty.”

Hơn 2 năm trước, khi mà Microsoft chỉ vừa mới bắt đầu theo đuổi mong muốn “thâu tóm” Activision Blizzard, hãng nhấn mạnh sẽ không cản trở Activision Blizzard thành lập nên công đoàn sau khi thương vụ hoàn tất.

Có vẻ hãng cũng đã giữ đúng lời hứa của mình khi không đưa ra bất kỳ lời phản đối nào cho việc Bethesda Game Studios thành lập công đoàn.

Đặc biệt, Bethesda không phải là hãng làm game duy nhất theo đuổi quyết định xây dựng nên một liên minh cho những người lao động. Trong suốt quãng thời gian gần đây, việc thiết lập nên công đoàn trong ngành game đã trở thành một phong trào khá là phổ biến – nhất là kể từ khi ngành giải trí điện tử diễn ra nhiều trường hợp sa thải hàng loạt và đóng cửa studio.

Trong lúc phong trào này càng trở nên phổ biến, có khả năng khá cao chúng ta sẽ thấy nhiều studio khác thành lập nên công đoàn trong tương lai.

2. ĐỘI PHÁT TRIỂN WORLD OF WARCRAFT THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN

Các thành viên trong đội phát triển của World of Warcraft tại Blizzard đã đưa ra quyết định thành lập nên công đoàn.

Hơn 500 thành viên của đội phát triển đã hợp tác với tổ chức CWA (Communications Workers of America) và bản thân Blizzard Entertainment cũng đã công nhận công đoàn này.

Mang tên là The World of Warcraft Game Makers Guild, đây là công đoàn đầu tiên tại Activision Blizzard và đồng thời cũng đang là công đoàn lớn nhất tồn tại ở một studio thuộc sở hữu của Microsoft.

Eric Lanham, Nhà Thử nghiệm Phần mềm (Test Analyst) và một thành viên của The World of Warcraft Game Makers Guild, đã chia sẻ như sau:

“Những gì mà chúng tôi đã đạt được chỉ mới là khởi đầu thôi. Tôi cùng với các đồng nghiệp hiện đang bắt tay vào việc đảm bảo có được mức lương, phúc lợi và an ninh nghề nghiệp tốt hơn thông qua một hợp đồng công đoàn vững chắc.


Chúng tôi biết rằng khi những người lao động có tiếng nói, đó là một lợi ích lớn cho tiêu chuẩn nhân viên, cho công ty và cho những người hâm mộ World of Warcraft đang tìm kiếm trải nghiệm game tốt nhất có thể.



Với công đoàn này, chúng tôi sẽ sẵn sàng ‘tank’ mọi trở ngại, ‘heal’ mọi vết thương và ‘DPS’ qua các thử thách ở phía trước. Cùng nhau, chúng tôi sẽ đảm bảo mọi chức danh trong cùng công đoàn sẽ có đầy đủ mọi quyền lợi.”

Một đại diện cho Microsoft đã chia sẻ với trang Variety như sau:

“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ quyền của nhân viên trong việc lựa chọn cách mà họ được đại diện tại nơi làm việc và chúng tôi sẽ tham gia cuộc đàm phán với CWA để hướng tới một thỏa thuận hợp lý.”

Đặc biệt, quyết định thành lập nên công đoàn diễn ra chỉ 1 tuần sau khi một studio khác của Microsoft làm điều tương tự.

Vào tuần trước, Bethesda Game Studios đã trở thành studio đầu tiên của Microsoft thành lập nên công đoàn với sự trợ giúp từ phía tổ chức CWA.

Công đoàn được thành lập sau khi 241 nhân viên ký vào thẻ ủy quyền hoặc cho biết họ muốn có một đại diện công đoàn thông qua cổng thông tin trực tuyến.

3. CÁC DIỄN VIÊN SAG-AFTRA ĐÌNH CÔNG PHẢN ĐỐI VIỆC SỬ DỤNG AI TRONG GAME

Trên trang web của mình, SAG-AFTRA vừa cho biết các diễn viên lồng tiếng (Voice Over Actor) và diễn viên chuyển động (Performance Actor) trong ngành game đã quyết định đình công để phản đối việc sử dụng AI trong quá trình phát triển.

Bắt đầu từ 12 giờ đêm ngày 26/07, mọi thành viên trong công đoàn này đã đình công sau giai đoạn đàm phán kéo dài 18 tháng giữa những người đại diện của công đoàn với những hãng game lớn theo Thỏa thuận Truyền thông Tương Tác (Interactive Media Agreement – gọi tắt là IMA).

Chỉ mới ngày 22/07, Giám đốc Điều hành Quốc gia (National Executive Director) của công đoàn đã nhận được ủy quyền để tiến hành cuộc đình công sau khi quá trình đàm phán tiếp tục bị đình trệ.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công này liên quan đến biện pháp để bảo vệ các diễn viên lồng tiếng và diễn viên chuyển động khỏi AI. Theo lời của các thành viên trong bộ phận đàm phán thay mặt những thành viên trong công đoàn, họ nghĩ các hãng game không muốn bảo vệ những nhân viên của mình khỏi những trường hợp bị lạm dụng bằng AI.

Fran Drescher, Chủ tịch (President) của SAG-AFTRA, có vài lời để chia sẻ về quyết định đình công:

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận một hợp đồng mà cho phép các công ty lạm dụng AI và gây hại đến những thành viên của chúng tôi. Như vậy là đủ rồi. Khi những công ty này trở nên nghiêm túc với việc đưa ra một thỏa thuận mà thành viên của chúng tôi có thể sống – và làm việc – cùng, thì chúng tôi sẽ ở đây chờ, sẵn sàng đàm phán.”

Duncan Crabtree-Ireland, Giám đốc Điều hành Quốc gia (National Executive Director) và Trưởng Ủy ban Đàm phán (Chief Negotiator) của SAG-AFTRA, cũng đã chia sẻ những lời sau:

“Thành thật mà nói, thật đáng ngạc nhiên khi các hãng game này vẫn chưa rút ra được bài học từ năm ngoái – rằng những thành viên của chúng tôi sẽ sẵn sàng đứng lên và yêu cầu được đối xử công bằng và bình đẳng đối với những vấn đề xoay quanh AI, và công chúng cũng ủng hộ chúng tôi về điều này.”

4. GRAND THEFT AUTO 6 SẼ KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CUỘC ĐÌNH CÔNG SAG-AFTRA

Theo thông tin đến từ Ethan Gach (thuộc trang Kotaku), một đại diện của SAG-AFTRA (một công đoàn dành cho diễn viên) cho biết những diễn viên có mặt trong Grand Theft Auto 6 sẽ được phép tiếp tục thực hiện dự án.

Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc cộng đồng mạng đang cố gắng tìm ra danh tính của 2 diễn viên trong vai 2 nhân vật chính của Grand Theft Auto 6, chúng ta không hề có bất kỳ thông tin nào về dàn diễn viên xuất hiện trong trò chơi.

Cuộc đình công đã được tiến hành bởi SAG-AFTRA vào ngày 26/07 vừa qua.

Công đoàn đã đưa ra quyết định này sau khi không thể đàm phán thành công với những hãng game lớn trong ngành về các biện pháp phù hợp để bảo vệ những thành viên của họ khỏi việc bị lạm dụng bởi AI.

Vào tháng 09/2023, trong lúc còn đang đàm phán Thỏa thuận Truyền thông Tương tác (Interactive Media Agreement), các thành viên của SAG-AFTRA thống nhất rằng sẽ sẵn sàng đứng lên đình công nếu không thể đạt được các điều khoản hợp lý.

SAG-AFTRA đã đàm phán với hàng loạt công ty game lớn trong ngành để đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi cho diễn viên kể từ tháng 10/2022. Những công ty mà hãng đã ngồi chung bàn đàm phán gồm có: Activision Productions, Blindlight, Disney Character Voices, EA Productions, Formosa Interactive, Insomniac Games, Epic Games, Take 2 Productions, VoiceWorks Productions và WB Games.

Trong lúc cuộc đình công đang diễn ra, những hãng game này sẽ không thể thuê diễn viên từ SAG-AFTRA vào các dự án của họ nữa và phải đợi đến khi cuộc đình công chấm dứt – tức có thể kéo dài khá lâu.

Hiện tại, Grand Theft Auto 6 vẫn chưa có khung thời gian ra mắt cụ thể nhưng nó dự kiến sẽ được Rockstar cho ra mắt vào năm 2025.

5. PIRANHA BYTES ĐÓNG CỬA SAU 27 NĂM HOẠT ĐỘNG

Dựa theo thông tin đến từ trang CD-Action, một nhân viên tại Piranha Bytes cho biết studio đã đóng cửa vào cuối tháng 6 năm nay.

Lý do đằng sau sự kiện này có vẻ là do hãng phát triển thiếu nhà đầu tư, bao gồm cả chính bản thân Embracer Group. Việc Piranha thiếu vốn cũng không có gì quá ngạc nhiên đối với cộng đồng mạng, nhất là khi hãng đã phải trải qua nhiều đợt sa thải hàng loạt.

Thêm vào đó, báo cáo của CD-Action còn cho thấy hình ảnh studio sau khi đã đóng cửa.

piranha-bytes-hang-phat-trien-gothic-da-bi-dong-cua-tin-game-1
piranha-bytes-hang-phat-trien-gothic-da-bi-dong-cua-tin-game-2

Cho tới giờ, Piranha Bytes vẫn không hề chia sẻ bất kỳ bình luận nào về việc đóng cửa hay gửi gắm bất kỳ lời nào đến cộng đồng người chơi. Lần cuối hãng đăng bài lên Twitter chính là vào tháng 01/2024.

Vào lúc đó, Piranha cho biết mặc dù đang “trải qua một giai đoạn khó khăn” nhưng hãng vẫn đang cảm thấy vô cùng tích cực về triển vọng tương lai. Họ còn cho biết sẽ sẵn sàng làm “bất kỳ điều gì” để tìm kiếm được đối tác cho dự án của họ.

Đối với những ai không biết, Piranha Bytes chính là hãng đã tạo ra Gothic, Gothic 2, Elex và dòng Risen. Gần đây, THQ Nordic đã công bố kế hoạch phát triển Gothic 1 Remake và dự kiến sẽ chia sẻ thêm thông tin về tựa game trong tháng Tám này. 

Tuy nhiên, trang Steam của trò chơi cho thấy Alkimia Interactive chính là hãng phát triển của dự án chứ không phải Piranha Bytes.

Trong bài đăng trên Twitter vừa qua, hai nhân viên lâu năm của Piranha công bố họ đã thành lập nên một studio mới mang tên Pithead Studio. Jennifer Pankratz và Bjorn Pankratz cho biết Pithead Studio sẽ phát triển “những tựa game indie hấp dẫn và tuyệt vời” trong tương lai.

6. SURGENT STUDIOS SA THẢI HÀNG LOẠT CHƯA ĐẦY 3 THÁNG SAU KHI RA GAME

Surgent Studios, hãng phát triển Tales of Kenzera: ZAU, chính là “nạn nhân” mới nhất đang phải đối mặt với hiện tượng sa thải hàng loạt.

Thông tin này đến từ những bài đăng trên LinkedIn bởi các cựu nhân viên của studio này.

“Chà, có vẻ như tôi sẽ vào danh sách những người bị ảnh hưởng bởi những đợt sa thải trong năm nay.” – John Smee, Họa sĩ Kỹ thuật

“Đáng buồn thay, tôi đã bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải lần này tại Surgent Studios.” – Joe Phillpot, Họa sĩ Môi trường 3D

“Cái chương có tên là ‘Pete làm việc tại Surgent Studios’ sẽ đến hồi kết vào cuối tháng.” – Pete Brisbourne, Nhà thiết kế Màn chơi

Không lâu sau khi những bài viết được chia sẻ, Abukabar Salim (người sáng lập ra Surgent Studios) đã xác nhận việc studio sa thải hàng loạt cũng như cho biết có tầm “hơn một chục người” bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

Salim đã chia sẻ trên Twitter như sau:

“Đây là một khoảng thời gian khó khăn trong ngành game, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng tự hào về những gì mà đội ngũ của chúng tôi đã làm được với ZAU cũng như cảm thấy tự hào về những lời khen đến từ giới phê bình và cộng đồng game thủ.


Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là hỗ trợ những người bị ảnh hưởng, tiếp tục phát triển ZAU và hướng về phía dự án tiếp theo trong tương lai.”

Tales of Kenzera: ZAU đã bắt đầu phát hành vào ngày 23/04 vừa qua trên PS5, Xbox Series X/S, Switch và PC (thông qua Steam, Epic Games Store và EA App) ở mức giá 19.99 USD.

Ở thời điểm bài được viết, tựa game đang nắm giữ mức điểm 76/100 trên Metacritic.

7. HUMBLE GAMES SA THẢI TOÀN BỘ ĐỘI NGŨ NHƯNG… CHƯA ĐÓNG CỬA

Humble Games, hãng phát hành game thuộc quyền sở hữu của Humble Bundle, vừa qua đã sa thải toàn bộ đội ngũ nhưng khẳng định bản thân vẫn chưa đóng cửa hoàn toàn.

Thông tin về việc hãng thực hiện đợt sa thải hàng loạt được bật mí bởi Emilee Keefer, một cựu Nhân viên Đảm bảo Chất lượng Cấp cao (Senior QA) tại đây.

“Lại một năm mới, lại một đợt sa thải.”

Không lâu sau đó, Nicole Carpenter (thuộc trang Polygon) chia sẻ rằng 36 nhân viên đã bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải và có vẻ như điều này cũng đánh dấu việc công ty “đóng cửa hoàn toàn”.

Tuy nhiên, theo báo cáo đến từ trang XboxEra, một đại diện từ Humble Games cho biết hãng đã phải thay đổi cơ cấu của công ty nhưng vẫn chưa đóng cửa hoàn toàn.

“Trong một thời điểm chứa đầy thách thức về mặt kinh tế đối với việc phát hành game indie như bây giờ, Humble Games đã đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết để cải tổ lại hoạt động của chúng tôi.


Quyết định này không hề được đưa ra một cách dễ dàng; nó đòi hỏi nhiều sự cân nhắc và suy nghĩ cẩn thận với mục tiêu đảm bảo sự ổn định và hỗ trợ cho nhân viên cũng như cho các dự án đang được thực hiện của chúng tôi. Thêm vào đó, sự tái cơ cấu của Humble Games sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Humble Bundle.



Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được tác động mà quyết định này gây ra đối với các thành viên trong đội ngũ của Humble Games và đồng cảm sâu sắc với họ. Những đóng góp của đội ngũ là vô giá, bởi họ đã hỗ trợ quá trình phát hành các game của chúng tôi kể từ chúng tôi đặt chân vào mảng này vào năm 2017. Chúng tôi cam kết sẽ điều hướng quá trình chuyển đổi với sự đồng cảm và sự hiểu biết.



Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi bây giờ là hỗ trợ các đối tác phát triển và hỗ trợ các thành viên cũ trong nhóm. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi này một cách suôn sẻ nhất có thể. Cảm ơn sự hỗ trợ và trắc ẩn của các bạn trong quãng thời gian đầy khó khăn này.”

Người đại diện không hề chia sẻ bất kỳ thông tin nào về số lượng nhân viên đã bị ảnh hưởng cũng như số lượng nhân viên còn lại. Tuy nhiên theo thông tin từ trang Aftermath, toàn bộ đội ngũ 36 người của Humble Games đã bị cho thôi việc (con số này hoàn toàn khớp với những gì Nicole Carpenter đã chia sẻ ở trên) và mọi dự án hiện tại của hãng sẽ được thực hiện bởi một công ty thứ ba.

8. CAPCOM CHO BIẾT “MỌI MẢNG KINH DOANH ĐỀU CÓ KẾT QUẢ VƯỢT TRỘI”

Trong đợt báo cáo tài chính vừa qua, Capcom cho biết hãng đang trên đà đạt được kết quả dự đoán cho năm nay và “mọi mảng kinh doanh đều có kết quả vượt trội”.

Cụ thể, hãng cho biết trong quý gần đây nhất (tức bao gồm 3 tháng và kết thúc vào ngày 30/06/2024), mặc dù có doanh thu ròng (giảm 32,5%) và lợi tức hoạt động (giảm 46,4%) đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, vẫn đang đi đúng hướng để đạt được kết quả dự đoán.

Họ chia sẻ nguyên nhân đằng sau sự giảm sút lớn so với cùng kỳ năm ngoái nằm ở màn ra mắt của Street Fighter 6 vào tháng 06/2023, và nhấn mạnh rằng những tựa game “nặng cân” của hãng thường tập trung chủ yếu vào nửa sau của năm tài chính – tức kết thúc vào tháng 03/2025.

Về phía các dự án tương lai, Capcom đã xác nhận Dead Rising Deluxe Remaster sẽ bắt đầu phát hành trong tháng 09/2024. Monster Hunter Wilds thì chỉ có khung thời gian ra mắt không cụ thể, tức là vào năm 2025.

Các mảng hoạt động của hãng chẳng hạn như hoạt động game thùng (Arcade Operations, bao gồm các cửa hàng), các thiết bị giải trí (Amusement Equipments, bao gồm máy đánh bạc) và các hoạt động kinh doanh khác (Other Businesses, bao gồm các sự kiện và giải eSports) đều có chiều hướng đi lên trong quý vừa qua.

“Trong 3 tháng kết thúc vào ngày 30/06/2024, doanh số trong mảng Nội dung Số [Digital Contents] cốt lõi của Capcom tập trung vào việc phát hành các tựa game hiện có trên các nền tảng bổ sung và ghi lại doanh số bán hàng của các tựa game lớn được phát hành trong những năm tài chính trước bởi vì thời gian ra mắt của những sản phẩm mới sẽ tập trung chủ yếu vào nửa sau của năm tài chính hiện tại.

Doanh số bán hàng đạt được là 9,53 triệu bản, tức cũng cho chúng tôi đạt được tiến triển vững chắc để hướng tới mục tiêu cả năm và hoàn toàn khớp với kế hoạch, mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước khi Street Fighter 6 ra mắt.”

Dragon’s Dogma 2, sản phẩm mới nhất đến từ tay Capcom, đã bán được 3 triệu bản kể từ khi ra mắt vào tháng 03/2024 – con số này đồng thời cũng đã đẩy doanh số của cả thương hiệu lên 12 triệu bản.

9. FTC CHỈ TRÍCH VIỆC MICROSOFT TĂNG GIÁ DỊCH VỤ GAME PASS

Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission – gọi tắt là FTC) vừa qua đã gọi việc Microsoft tăng giá dịch vụ Game Pass là một “tác hại đến người tiêu dùng” mà họ đã đề cập đến khi còn đang cố ngăn chặn thương vụ giữa Microsoft và Activision Blizzard.

Sau khi Microsoft giành chiến thắng trước tòa vào năm ngoái (một chiến thắng mà FTC vẫn đang cố kháng cáo), hãng đã chính thức hoàn tất thủ tục để mua lại Activision Blizzard vào tháng 10/2023.

Bên FTC vẫn tiếp tục cung cấp bằng chứng trong lúc đơn kháng cáo của họ đang được cân nhắc và trong một bộ hồ sơ mới gần đây, cơ quan này đã đề cập đến những cấp độ mới cho dịch vụ Game Pass của Microsoft – tức bao gồm việc tăng giá cho cấp độ Ultimate và một cấp độ Standard mới mà không bao gồm những sản phẩm có mặt trên Game Pass trong ngày ra mắt.

“Sự xuống cấp của sản phẩm – loại bỏ những trò chơi có giá trị ra khỏi dịch vụ mới của Microsoft – kết hợp với việc tăng giá cho người dùng hiện tại, đây chính là tác hại đến người tiêu dùng mà bên FTC đã cảnh báo về vụ sáp nhập.


Việc Microsoft tăng giá và giảm chất lượng sản phẩm – kết hợp với việc Microsoft giảm đầu tư vào sản lượng và chất lượng sản phẩm thông qua hành vi sa thải nhân viên – chính là những dấu hiệu điển hình của một công ty sử dụng sức mạnh thị trường sau sáp nhập.”

Thêm vào đó, Ủy ban Thương mại Liên bang còn chia sẻ “việc tăng giá của Microsoft diễn ra cùng lúc với việc Call of Duty được đưa vào cấp độ đắt tiền nhất của Game Pass, và họ sẽ loại bỏ cấp độ Console trước khi bản Call of Duty mới ra mắt.”.

Ngoài ra, họ còn nhấn mạnh lời hứa trước đó mà Microsoft đã đưa ra là “thương vụ sẽ mang đến lợi ích cho những người tiêu dùng bằng cách đảm bảo Call of Duty sẽ có mặt trên Game Pass vào cùng ngày ra mắt của nó trên console (mà không tăng giá dịch vụ).”.

Cuối cùng, bên FTC khẳng định những hành động của Microsoft kể từ khi “thâu tóm” Activision Blizzard đã xác nhận sự hoài nghi của họ về những lời hứa trước đó xoay quanh Game Pass là đúng.

Không lâu sau khi bên FTC đưa ra bình luận, luật sư của Microsoft cho biết những điều mà họ nói là “không đầy đủ và sai lệch sự thật”.

Về phía giá tiền của Game Pass, cấp độ Ultimate sẽ tăng giá từ 16.99 USD lên 19.99 USD hàng tháng còn PC Game Pass sẽ tăng giá lên thành 11.99 USD mỗi tháng.

10. UBISOFT GỬI LỜI XIN LỖI ĐẾN CỘNG ĐỒNG GAME THỦ NHẬT BẢN

Ubisoft vừa qua đã đăng tải một lá thư khá dài đến cộng đồng game thủ tại Nhật Bản, bàn về những “lo ngại” xoay quanh “một số yếu tố trong nội dung quảng cáo” của Assassin’s Creed Shadows.

Trong bài viết, hãng đã ghi nhận những cuộc tranh cãi trên mạng về Yasuke – một samurai gốc Phi và cũng chính là một trong hai nhân vật chính của bản Assassin’s Creed tiếp theo.

Yasuke trong game được tạo ra dựa trên một nhân vật lịch sử có ở ngoài đời thật, ông là một người có gốc từ châu Phi và làm việc dưới trướng Oda Nobunaga vào năm 1581.

Tuy nhiên, nhân vật này đã đón nhận một loạt “cơn mưa gạch đá” từ phía các dân mạng.

Ubisoft cho biết trong bài viết rằng thương hiệu Assassin’s Creed luôn nghiêng về việc lấy cảm hứng từ lịch sử hơn là bám sát hoàn toàn với đời thật.

“Kể từ khi chúng tôi công bố Assassin’s Creed Shadows, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ứng tích cực nhưng cũng nhận được không ít lời chỉ trích từ phía các bạn, cộng đồng người chơi Nhật Bản của chúng tôi.


Chúng tôi chia sẻ niềm đam mê lịch sử của các bạn và tôn trọng sâu sắc sự quan tâm của các bạn đối với tính trọn vẹn cho lịch sử và văn hóa phong phú của các bạn.



Chúng tôi không bao giờ có ý định để bất kỳ tựa game Assassin’s Creed, bao gồm cả Assassin’s Creed Shadows, trở thành một đại diện chính xác về các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử.



Thay vào đó, chúng tôi muốn khơi dậy sự tò mò và khuyến khích những người chơi khám phá thêm về các bối cảnh lịch sử mà chúng tôi dùng làm cảm hứng.”

Các bản Assassin’s Creed trước đó cũng đã có sự xuất hiện của nhiều nhân vật có thật trong lịch sử thế giới, chẳng hạn như Leonardo Da Vinci trong Assassin’s Creed 2.

Về phía các chỉ trích trên mạng, Ubisoft đã trả lời như sau:

“Chúng tôi biết là có một số yếu tố trong nội dung quảng cáo đã tạo nên nhiều lo ngại trong cộng đồng game thủ Nhật Bản. Đối với điều này, chúng tôi thật lòng xin lỗi.


Chúng tôi muốn khẳng định là mặc dù chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều người xuyên suốt quá trình phát triển, họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm cho những quyết định của đội phát triển để phục vụ mục đích giải trí.”

Về phía Yasuke, Ubisoft cho biết “cuộc sống huyền bí và độc lạ” của anh ta khiến cho anh trở thành một đối tượng lý tưởng cho một câu chuyện Assassin’s Creed lấy bối cảnh tại Nhật Bản thời phong kiến.

“Mặc dù Yasuke xuất hiện trong Assassin’s Creed Shadows dưới dạng một samurai, chúng tôi hiểu rằng đây là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi.


Chúng tôi đã đan xen yếu tố này rất cẩn thận trong cốt truyện và với nhân vật chính còn lại là nữ ninja Naoe, một người có vai trò quan trọng không kém Yasuke, hai nhân vật chính của chúng tôi sẽ mang đến cho những game thủ các lối chơi khác nhau.”

11. TECHLAND CHẤM DỨT GIAI ĐOẠN LÀM VIỆC TẠI NHÀ, YÊU CẦU NHÂN VIÊN VỀ LẠI VĂN PHÒNG

Vừa qua, Techland đã gửi thông báo đến toàn thể nhân viên để yêu cầu họ quay trở về văn phòng để làm việc thay vì làm ở nhà.

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, hàng trăm triệu người trên toàn thế giới đã buộc phải sử dụng mô hình làm việc ở nhà. Đối với ngành game, đây là một nước đi vô cùng phổ biến với một số sản phẩm được thực hiện bởi một đội làm việc hoàn toàn qua mạng (tức cũng là thành tích khá đáng kể ở thời điểm đó).

Tuy nhiên, tình hình thế giới đã thay đổi kể trong những năm gần đây và các hãng phát triển lớn cũng đang yêu cầu nhân viên chấm dứt làm việc ở nhà và quay trở lại văn phòng như trước.

Vài tháng trước, Rockstar đã công bố lệnh quay trở lại văn phòng (Return-to-office Order) và cho biết lý do hãng muốn làm như vậy là vì các mối lo ngại về an ninh.

Không những thế, Ubisoft cũng đã yêu cầu nhân cầu nhân viên tại các chi nhánh trên toàn thế giới quay trở lại văn phòng làm việc.

Về trường hợp của Techland, hãng đã giải thích trong báo cáo của GamesIndustry.biz như sau:

“Mặc dù khả năng làm việc ở nhà vẫn còn khả thi, chúng tôi đang chuyển đổi hầu hết các vai trò trong công ty sang mô hình làm việc tại chỗ hoặc mô hình kết hợp.


Những nhân viên nào sống gần văn phòng thì sẽ phải lên đó làm việc 3 lần một tuần. Đối với những ai làm việc từ xa ở nước ngoài, chúng tôi sẽ yêu cầu họ đến văn phòng thường xuyên để tạo nên sự gắn kết bền chặt hơn.”

Đặc biệt, có báo cáo còn cho biết khả năng sử dụng các thiết bị hội nghị truyền hình hoặc thậm chí là nhà vệ sinh đều bị hạn chế tại các văn phòng của Techland – nhất là khi có quá nhiều nhân viên đi làm trực tiếp.

Ngoài dòng Dying Light ra, Techland hiện đang thực hiện một tựa game RPG thế giới mở đậm chất “fantasy” nhưng nó vẫn chưa được công bố chính thức.


Như vậy chúng ta vừa điểm qua 11 sự kiện game 07-2024 đáng chú ý nhất của tháng qua.

Liệu còn sự kiện game 07-2024 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?

Hãy góp ý qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!