Skip to content

Dragon’s Dogma 2 – Đánh Giá Game

Dragon's Dogma 2

Dragon’s Dogma 2 – Có thể nhận thấy xu hướng ngành công nghiệp game vài năm đổ lại đây, các nhà phát hành lớn thường khá dè dặt khi giới thiệu những thương hiệu mới hoặc cố gắng mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới đến game thủ.

Thay vào đó “remake” và “remaster” như là một cứu cánh khi chủ yếu vẫn là khai thác dựa trên thương hiệu cũ và những thành công mà chúng đã có trước đó. Capcom có lẽ là cái tên đang rất thành công trên chiến lược “xào lại” này, khi hàng loạt các sản phẩm “remake, remaster” liên tục gặt gái được những thành công vang dội như loạt game Resident Evil, với các sản phẩm tiêu biểu như Resident Evil 2, Resident Evil 3, Resident Evil 4.

Ngoài những cái tên đình đám đang sở hữu, Dragon’s Dogma cũng là một thương hiệu có thể gọi là “có chút thành công” của Capcom, khi gầy dựng một lượng fan không nhỏ sau khi phiên bản Dragon’s Dogma: Dark Arisen ra mắt.

Tuy vậy, do giới hạn về nhân lực, công nghệ hay kinh phí mà phần nào khiến Dragon’s Dogma chưa thể đúng với những giá trị mà nó đáng có. Chính game thủ cũng có thể thấy Dragon’s Dogma còn quá tiềm năng để khai thác, vậy nên khi thông tin Dragon’s Dogma 2 được công bố đã khiến giới mộ điệu được một phen chấn động, đưa Capcom bước một bước ra khỏi “ranh giới an toàn” mà Resident Evil, Street Fighter hay Monster Hunter đã thiết lập.

Dragon’s Dogma 2 cũng có thể là một “canh bạc” nhiều may rủi: nó có thế giới mở, vừa là game nhập vai, và còn là dựa trên một thương hiệu không thực sự quá thành công… Có quá nhiều thứ không phải là thế mạnh của Capcom. Đặc biệt là làn sóng chỉ trích nặng nề và màn ra mắt đầy sóng gió của Dragon’s Dogma 2 khi nhồi nhét “microtransaction” (mua bán vật phẩm) quá lộ liễu, lẫn hiệu năng trên PC tệ hại.

Dù vậy, nếu bạn đọc đủ “cứng” để bỏ qua các thông tin trái chiều và tận hưởng Dragon’s Dogma 2, thì thời gian và tiền bạc của bạn sẽ không hề phí phạm.

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu Dragon’s Dogma 2 qua bài đánh giá sau, để thấy vì sao trò chơi xứng đáng là “bom… mém tấn” hú hồn trong năm 2024 này.

BẠN SẼ THÍCH

RƯỢU Ủ CÀNG LÂU CÀNG NỒNG NÀN!

Mất đến 12 năm người hâm mộ Dragon’s Dogma như người viết mới có cơ hội được trở lại lục địa Gransys và trở lại với vai trò là một Arisen, hiệp sĩ diệt rồng và thay đổi ngày tận thế.

Nhưng khác với những bỡ ngỡ đáng ra phải có ở một “hậu bản” sau hơn chục năm, những trải nghiệm và cách tiếp cận người chơi của Dragon’s Dogma 2 lại… gần như y hệt như phiên bản đầu tiên. Bạn vẫn là một nhân vật xấu số “được chọn” bị móc tim bởi một… “rồng khủng bố”, mất trí nhớ và lại bị đi đày tại một khu mỏ, sau đó may mắn trốn thoát bởi sự xuất hiện của một siêu quái thú và được dẫn lối bởi một hình bóng kỳ lạ, báo hiệu cho một hành trình tìm lại ký ức đầy gian khổ phía trước…

Vâng, Dragon’s Dogma 2 bê gần như nguyên xi màn khởi đầu của Dragon’s Dogma, đi thẳng luôn vào vấn đề và cho người chơi mới một cái nhìn bao quát về thế giới, sự kiện và con người trong Gransys cực kỳ nhanh và hiệu quả.

Thay vì giáo điều và cố gán ghép một vai trò lớn lao, hành trình của người chơi trong Dragon’s Dogma 2 sẽ tự nhiên và phụ thuộc vào cách khám phá và tương tác của game thủ với lục địa này, bao gồm NPC hay cả các người bạn đồng hành được gọi là “Pawn” của mình. 

Nói dễ hiểu hơn, cách xây dựng cốt truyện của Dragon’s Dogma 2 cũng như bản trước đó cũng sẽ tương tự nhau, mang nhiều tính sắp đặt và yêu cầu người chơi đầu tư thời gian tìm hiểu thông qua các hệ thống nhiệm vụ phụ thì mới mong có được cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân và thế giới trong game.

Còn nếu chỉ đơn giản là muốn “cưỡi ngựa xem hoa”, phiêu lưu giết rồng đòi tim thì game cũng hoàn toàn không hề gượng ép mà vẫn đảm bảo trải nghiệm ở mức tương đối đầy đủ.

Tuy dựa gần như hoàn toàn trên cái sườn của phiên bản tiền nhiệm, song Dragon’s Dogma 2 vẫn không quên làm mới cho phần diễn biến để khiến câu chuyện thú vị hơn như thay đổi tuyến nhân vật liên quan, các sự kiện “trông thì có vẻ quen thuộc” nhưng lại diễn ra theo một phương thức khác.

Sự thay đổi khá tinh tế này vừa làm mới cho cốt truyện Dragon’s Dogma 2 không đi vào sự nhàm chán của phiên bản cũ, mà lại khiến những game thủ từng chơi qua phiên bản năm 2012 cảm giác rất mơ hồ, vừa quen, vừa lạ, như kiểu “dejá vu” hay một vũ trụ song song của Dragon’s Dogma vậy.

Nhưng thay vì đặt trọng tâm ở cốt truyện chính, ở đây người viết đánh giá rất cao hệ thống nhiệm vụ của Dragon’s Dogma 2. Tuy không quá dày đặc nhưng lại rất đủ đầy để mỗi tuyến nhiệm vụ sẽ đều khắc họa một khía cạnh của lục địa Gransys.

Dragon’s Dogma 2 không hề phân chia các đề mục “đây là nhiệm vụ chính nè” hay “đây là nhiệm vụ phụ” nè, mà người chơi phải tự hiểu lấy. Cũng chính bằng cách này, người chơi không có sự lựa chọn thiên hẳn về chạy nhiệm vụ chính/phụ mà buộc phải “lần mò” một chút trong khoảng 10 tiếng làm quen đầu game, để nắm rõ cách mà thế giới Dragon’s Dogma 2 đang được vận hành.

Sau đó, con đường cứu thế của game thủ cũng sẽ không hề giống nhau, đa dạng và ngẫu nhiên hơn, thông tin chắp nối về bức tranh toàn cảnh cũng sẽ được dàn trải hơn bởi chúng cũng mang đến nhiều kết quả khác nhau tùy thuộc vào cách người chơi làm nhiệm vụ và khám phá khu vực bản đồ nào trước. Người chơi không cần phải tự đi tìm câu trả lời, thế giới của Dragon’s Dogma 2 sẽ tự mang chúng đến một cách rất tự nhiên.

người viết đánh giá rất cao hệ thống nhiệm vụ của Dragon’s Dogma 2. Tuy không quá dày đặc nhưng lại rất đủ đầy

Đặc biệt, một số tuyến nhiệm vụ phụ còn cho người chơi rất nhiều sự lựa chọn rất có “sức nặng”, nếu người chơi chọn dừng lại và bỏ qua nó thì hẳn đã không dẫn đến những kết cục bi thảm hơn. Bản thân người chơi đôi khi cũng có thể tự lường trước được điều này dựa trên những thông tin được tiết lộ rất khéo léo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nói như vậy cũng đủ để bạn đọc hiểu, các nhiệm vụ từ chính đến phụ trong game được xây dựng tốt đến thế nào, và Dragon’s Dogma 2 cũng là một tựa game hiếm hoi mà người viết thực sự “thèm” được làm nhiều nhiệm vụ bên lề hơn cả nhiệm vụ chính. Còn nếu bạn chọn bỏ qua chúng, cũng được thôi, nhưng có lẽ đã mất đánh mất hết quá nửa sự hấp dẫn của nội dung mất rồi!

Dragon’s Dogma 2 còn là một tựa game rất “đời”, bởi lẽ, cách để thực sự chơi một tựa game nhập-vai đúng nghĩa là game thủ phải sống trong thế giới của nó. Tính nhập vai của game không chỉ thể hiện hệ thống nhiệm vụ có chiều sâu mà còn ở những quy luật tự nhiên và hoạt động hằng ngày mà người chơi phải tuân theo. 

Chẳng hạn trên hành trình, sức bền và sức khỏe của Arisen lẫn hội đồng Pawn sẽ cạn kiệt dần, người chơi cần phải nghỉ ngơi và ăn uống, bồi bổ sức khỏe bằng cách dựng lều trại dọc đường, nghỉ ngơi và “quẩy” tại các tửu điếm, khách điểm ở các thành phố lớn. Hoặc canh thời gian để “ủ” các loại thực phẩm trong túi đồ, bởi không hẳn cứ tươi mới là ngon mà đôi khi nấu một món ăn với khối thực phẩm được ủ đủ ngày đúng cách, sẽ tạo nên những lợi thế về “buff” rất mạnh.

Đó còn là cách mà hệ thống thời gian tác động lên thế giới trong Dragon’s Dogma 2. Người chơi phải thực sự cân nhắc liệu có nên dừng lại để nghỉ ngơi hay không, bởi một số tuyến nhiệm vụ hoặc một số sự kiện chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian giới hạn. Chỉ cần “ngủ nướng” một buổi là xác định bạn sẽ vĩnh viễn mất luôn tuyến nhiệm vụ sau đó, hoặc đánh mất cơ hội để hoàn thành nó mà phải chờ đợi đến… cả tuần sau (giờ trong game). Hoặc đôi khi cũng cần canh thời gian “chín muồi” để bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ hay kích hoạt sự kiện nào đấy.

Đặc biệt, thời gian không chỉ tác động đến thực phẩm hay nhiệm vụ, mà còn ảnh hưởng đến cả… bản đồ của Dragon’s Dogma 2. Một số cây cầu hay lối đi sẽ bị thay đổi dần theo thời gian, chúng sẽ mục nát và sụp đổ và đôi khi sẽ chẳng thể khôi phục lại được.

Mang vác đồ cũng là một yếu tố cần được cân nhắc cẩn trọng. Không giống như những tựa game nhập vai khác khi cho phép người chơi “khoắng sạch” (loot) hết những gì có thể, thì Dragon’s Dogma 2 đặt ra một giới hạn cân nặng mang vác khá thực tế và người chơi sẽ buộc phải quay về nơi lưu trú để bán hoặc cất bớt, hoặc chỉ thu thập các loại tiêu phẩm ở mức đủ dùng, hoặc cũng phải suy nghĩ để đẩy tải qua cho các Pawn trong tổ đội. 

Tuy nhiên, người chơi hoàn toàn có thể cải thiện khả năng mang vác bằng cách… tiếp tục khám phá sâu hơn mọi ngóc ngách trong game! Dragon’s Dogma 2 vừa tạo ra vấn đề, vừa cho người chơi cách giải quyết vấn đề kèm với động lực để người chơi tiếp tục khám phá toàn bộ bản đồ.

Đây cũng là lý do mà bản thân người viết thấy yếu tố cổng dịch chuyển hạn chế lại là một điểm cộng. Thật sự việc khám phá và chu du khắp mọi nẻo đường trong Dragon’s Dogma 2 rất vui và nhiều điều lý thú. Bản đồ game rất biết cách “dụ” người chơi đi từ chỗ này đến chỗ kia mà chẳng màn bất cứ “checkpoint” nhiệm vụ nào.

Ngoài di chuyển bằng đường bộ và các phiến đá dịch chuyển, người chơi còn có thể trải nghiệm “phượt” cùng các xa phu trên các cỗ xe bò, và điều này lại mở ra thềm hàng tá điều thú vị dọc đường đi khác, bởi những xui xẻo xảy ra trên hành trình.

Chẳng hạn bạn sẽ đụng độ một toán cướp, nhưng trong lúc vật vã xử lý bầy cướp thì đâu đó lại xuất hiện một con Bằng Mã khổng lồ lao ụp xuống, để rồi phải cầu cứu hết cả những NPC cũng đang cuốc bộ gần đấy đến… đấm phụ một tay.

Các chuyến xa phu này cũng sẽ có giờ tập kết và chạy riêng, mà nếu bỏ lỡ bạn chỉ có thể đứng chờ như đón xe buýt vậy. Thật sự người chơi nên một lần trải nghiệm xa phu trong Dragon’s Dogma 2, bởi chúng rất hay và hài hước, khác xa với phương thức chạy bộ “chay” dùng đá dịch chuyển.

Còn tầm quan trọng của các “microtransaction” (mua bán vật phẩm) bán đá dịch chuyển hay đá hồi sinh bằng tiền thật? – Có hay không thì trải nghiệm khám phá trong Dragon’s Dogma 2 vẫn tuyệt, chỉ tiếc là bạn sẽ đánh mất rất nhiều niềm vui nếu chọn bỏ thêm tiền cho chúng mà thôi.


HIỆP HỘI DIỆT RỒNG

Dragon’s Dogma năm 2012 là một tựa game nhập vai dạng tổ đội (náo loạn), nhưng mà… nó lạ lắm! Bởi sự hiện diện của một hệ thống nhân vật được gọi là Pawn, và biến đây thành một tính năng “độc nhất vô nhị” mà không tựa game nào có vào thời điểm đó.

Pawn là những NPC đặc biệt, được sinh ra là kẻ bề tôi trung thành của các Arisen, các NPC này đến từ một chiều không gian được gọi là Rift và phụng sự duy nhất với Arisen trên con đường diệt rồng đòi tim.

Nếu xem Pawn như một giống loài hoàn toàn khác với nhân loại trong Gransys thì cũng hoàn toàn đúng, bởi ở Dragon’s Dogma 2 các pawn cũng bị… phân biệt đối xử.

Mỗi Arisen sẽ có quyền lựa chọn và tạo cho riêng mình một Pawn chính cực kỳ chi tiết, từ tính cách, giống loài, giới tính, ngoại hình, giọng nói, kỹ năng, nghề nghiệp… không khác gì tạo thêm một nhân vật chính.

Những Pawn này chính là những cá nhân độc lập với lối tư duy riêng, cách hành xử riêng, và đôi khi còn có cảm giác “con người” hơn cả chính Arisen mà họ đang phụng sự. 

Chúng biết vui, buồn, biết giận dỗi, biết móc mỉa và cũng biết… làm nũng, làm biếng hay kể cả là… bóc phốt chủ nhân của chúng. Khiến đôi khi chính những Arisen cũng phải đau đầu theo chứ không thể xem chúng như những NPC vô hồn được.

Nói không ngoa, Dragon’s Dogma 2 cho phép người chơi tự tay sáng tạo ra người bạn đồng hành… trong mơ của mình và cùng họ phiêu lưu trên hành trình gian khó đó.

Tính “người” của các Pawn cũng được Capcom thể hiện cực kỳ tự nhiên bằng các tương tác rất đỗi gần gũi. Như chúng sẽ pha trò tấu hài cùng nhau để giảm sự căng thẳng trong quá trình phiêu lưu, đôi khi tỏ ra tinh thông “quân sư tình cảm” cho Arisen, hay đập tay ăn mừng mỗi khi hoàn thành một trường đoạn chiến đấu khó khăn, hoặc có khi đóng vai trò cứu sống bạn sau một cú ngã từ trên lưng các siêu quái thú.

Ngoài Pawn chính do tự tay mình tạo ra, bạn còn có thể chiêu mộ thêm 2 Pawn của những người chơi khác dưới dạng các “freelancer” thông qua mạng lưới Rift, nâng số lượng tổ đội bao gồm nhân vật chính lên 4 người. Các pawn sẽ có các nghề nghiệp khác nhau nên việc lựa chọn và phân bố vị trí trong đội hình chiến đấu cũng vì thế mà vô cùng đa dạng.

Nếu bạn là một “tanker” trên tay lá khiên vững chắc luôn là người thu hút sự chú ý địch, thì một Pawn chiến đấu tầm xa như cung thủ, một Pawn pháp sư hồi máu cho cả đội và một Pawn “chiến thần” gây sát thương chính sẽ là một đội hình lý tưởng. Hoặc nếu muốn bạn vẫn có thể lui về vị trí hỗ trợ và nhường chiến trường lại cho các Pawn của mình tả xung hữu đột, hoặc đôi khi bạn cũng… chẳng cần phải làm gì!

Dragon’s Dogma 2 có tổng cộng tất cả 10 nhóm nghề chiến đấu tất cả được gọi là Vocation, hoặc có thể hiểu là các lớp nhân vật khác nhau với kỹ năng chiến đấu khác nhau. Trong đó các pawn chỉ có thể lựa chọn giữa 6 Vocation cơ bản, trong khi Arisen sẽ có thêm 4 Vocation nâng cao.

Dù là Pawn hay là Arisen, chỉ cần chiến đấu càng nhiều, cấp độ Vocation càng cao thì sẽ “mở khóa” được nhiều kỹ năng chiến đấu, kỹ năng nội tại hay kỹ năng phụ trợ mạnh hơn.

Game cũng không gò bó Arisen hay Pawn gắn chặt với một Vocation nhất định mà hoàn toàn có thể thay đổi giữa các nhóm nghề khác nhau rất dễ dàng. Điều này vừa giúp hành trình của Arisen lẫn Pawn không còn nhàm chán, thú vị hơn với nhiều điều mới mẻ và cũng để “ồ” lên khi những thắc mắc trước đó được giải đáp.

đã đến lúc người chơi nên có cái nhìn mới về những người bạn đồng hành trong một tựa game, và điều này được nâng tầm là nhờ Dragon’s Dogma 2

Vai trò của Pawn với hệ thống Vocation linh hoạt cũng nâng vai trò của chúng lên rất cao bởi không chỉ chiến đấu cùng Arisen, Pawn còn là người động viên tinh thần, là người sẻ chia niềm vui và kinh nghiệm lẫn thu nhập có được trong quá trình “đánh thuê”, mà còn giúp người chơi làm được những điều không tưởng như phối hợp để bật lên cao lấy kho báu, ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến nhiệm vụ khi là giống loài bị phân biệt chủng tộc…

Chẳng hạn, nếu bạn làm một tuyến nhiệm vụ liên quan đến chủng tộc Elf, bạn sẽ không thể hiểu được các NPC nói gì cho đến khi thuê được một Pawn có “chuyên ngành” liên quan đến tộc Elf. Hoặc bạn có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách “cày” nhiệm vụ của các Pawn mà mình thuê (do chính chủ nhân của Pawn đó thiết lập) và phần thưởng nhận lại cũng cực kỳ hậu hĩnh, thường là rất nhiều tiền hoặc vật phẩm có giá trị.

Nói chung, đã đến lúc người chơi nên có cái nhìn mới về những người bạn đồng hành trong một tựa game, và điều này được nâng tầm là nhờ Dragon’s Dogma 2.


Dragon's Dogma 2

THIÊN BIẾN VẠN HÓA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

Đi sâu hơn vào hệ thống Vocation, dù cung cấp tới tận 10 lớp nhân vật khác nhau nhưng như đã nói, game không hề gò bó người chơi ở một lớp cụ thể từ đầu đến cuối, mà cho phép tự do thay đổi bất kỳ lúc nào thông qua hệ thống bang hội. 

Thay vì quan tâm đến cấp độ nhân vật để tăng chỉ số, thì Dragon’s Dogma 2 đơn giản hóa tất cả và thêm vào cấp độ Vocation.

Chơi Vocation nào càng nhiều, cấp độ Vocation đó sẽ càng tăng, kèm theo đó là người chơi sẽ suy nghĩ để phân bổ điểm kinh nghiệm để nâng cấp cho các kỹ năng của từng Vocation. Mỗi Vocation cũng không có quá nhiều kỹ năng để phải khiến người chơi nát óc suy nghĩ cách “build” (xây dựng nhân vật) tốt nhất, mà chỉ đơn giản là muốn chơi như thế nào cũng được.

Chính vì kỹ năng mỗi Vocation không nhiều, nên trên cả quá trình hành tẩu, người chơi có thể liên tục đổi Vocation và làm mới lối chơi của cả tổ đội, không gây nhàm chán lẫn cho mình nhiều trải nghiệm hơn chỉ trong một lần chơi duy nhất.

Dragon's Dogma 2

Đặc biệt nhất là so với phiên bản cũ, Dragon’s Dogma 2 được bổ sung thêm 2 Vocation mới là Mystic Spearhand và Trickster cũng cực kỳ hay ho. Với Mystic Spearhand, bạn sẽ là một “Jedi” phiên bản Trung cổ với vũ khí là kiếm hai đầu, cùng khả năng sử dụng thần lực để chiến đấu và di chuyển cực kỳ linh hoạt. Trickster thì lại thiên hẳn về một thể thức chiến đấu kỳ quái rất tâm linh với khả năng triệu hồi ảo ảnh, tung khói mù và chủ yếu hỗ trợ Pawn chiến đấu.

Ngoài ra, còn có một Vocation cuối cực kỳ bá với khả năng kết hợp gần như tất cả mọi Vocation gọi là Warfarer. Với Vocation này, bạn sẽ là một Arisen tinh thông võ nghệ bậc nhất, có khả năng sử dụng mọi kỹ năng, mọi loại vũ khí, mọi loại trang bị của tất cả các Vocation đã mở khóa trước đó nhưng các chỉ số và kỹ năng sẽ bị giới hạn đôi chút.

Thay vì phải chạy về bang hội để thay đổi Vocation, Warfarer có khả năng thích ứng với mọi tình huống trên chiến trường, với độ linh hoạt khoảng 50% so với một Vocation thuần chủng.

Dragon's Dogma 2

Khác với 4 Vocation cơ bản, các Vocation nâng cao sẽ dần được mở trong quá trình khám phá, mà nếu bạn chỉ chăm chăm chạy nhiệm vụ chính thì khả năng sẽ bỏ lỡ gần như mọi Vocation nâng cao này. Lại thêm một lý do để game thủ phải dấn thân sâu hơn vào thế giới Dragon’s Dogma 2 nhỉ?

Cùng với hệ thống Pawn, Dragon’s Dogma còn nổi tiếng nhờ hệ thống các con trùm là những thần thú nổi tiếng trong thần thoại. Dragon’s Dogma 2 không cải tiến thêm cho hệ thống trùm này khi vẫn những gương mặt quen thuộc như Orge, Golem, Griffin, Chimera, Gorgon, Rồng… từ cách đây 12 năm.

Tuy vậy, với sự nâng cấp về hệ thống Pawn, hiệu ứng hình ảnh và diễn hoạt (animation), những trận đấu trùm cũng trở nên hoành tráng hơn bao giờ hết, hoàn toàn mang đến một trải nghiệm thõa mãn và hưng phấn tột độ chẳng kém Monster Hunter là bao.

Dragon's Dogma 2

Không phải cứ lao vào đâm chém mà người chơi phải biết nắm bắt chiêu thức, ngũ hành, quan sát địa thế và chuẩn bị thuốc men kỹ càng trước khi đụng độ với một thần thú. Đặc biệt các loại loại quái vật cỡ lớn bắt buộc người chơi phải leo lên mình thì mới có thể đánh vào đúng điểm yếu chí mạng của chúng, nhằm kết thúc trận đấu nhanh chóng trước khi cả tổ đội “đi chầu”.

Việc “solo” những con trùm hay kể cả là một bầy quái bé cũng không phải là điều gì dễ dàng với một Arisen. Chúng rất biết tận dụng cơ hội khi biết bạn đang trong tình thế bất lợi và liên tục “quây” người chơi cho đến lúc đo sàn.

Đó cũng là lúc mà Arisen cần đến sự phối hợp với các Pawn của mình chứ không phải cứ vũ khí mạnh, thanh máu dài là có thể một mình cân tất như những tựa game khác. Kể cả cho dù bạn có đang ở trong thành phố, vốn dĩ là khu vực “bất khả xâm phạm” của người chơi như thường thấy ở các game khác, thì những con thần thú này… vẫn có thể xông vào tận đấy làm loạn xong lại quay đít bỏ đi như chưa hề có cuộc gặp gỡ nào, bỏ lại sự tiếc nuối lẫn “cay cú” cho bạn khi không thể kết liễu được nó.

Thay vì quan tâm đến cấp độ nhân vật để tăng chỉ số, thì Dragon’s Dogma 2 đơn giản hóa tất cả và thêm vào cấp độ Vocation

BẠN SẼ GHÉT

Dragon's Dogma 2

ĐỦ TỐT NHƯNG CHƯA ĐỦ NHIỀU

Cũng giống như phiên bản đầu tiên, Dragon’s Dogma 2 ít nhiều giống như một phiên bản “remake” hơn là phần tiếp theo đúng nghĩa.

Dựa trên những tiềm năng mà vốn phiên bản tiền nhiệm có thể đạt được, Dragon’s Dogma 2 chủ yếu làm tốt và đầy đủ hơn. Từ đồ họa đẹp mắt hơn, hiệu ứng ấn tượng hơn, nhiều tính năng bổ sung cho lối chơi hấp dẫn hơn, cốt truyện được viết lại với các tuyến nhiệm vụ phụ hay hơn… Nhưng có vẻ mọi thứ chỉ dừng lại ở một phiên bản nâng cấp và vẫn còn nhiều luyến tiếc như phiên bản đầu tiên.

Thật ra đây cũng là dụng ý của chính Capcom khi ngay từ trình đơn (menu) đầu game, logo vẫn chỉ là Dragon’s Dogma thay vì là Dragon’s Dogma 2. Chỉ khi nào người chơi hoàn thành game với kết thúc thật sự, thì nội dung phần hai… mới được “mở khóa”. Dù vậy, phần nội dung thêm này cũng không quá nhiều, vả lại còn giới hạn thời gian trải nghiệm, nên phần nào khiến cuộc chơi với Dragon’s Dogma 2 có phần hơi gấp rút.

Dragon's Dogma 2

Capcom có vẻ rất “khôn” trong việc đánh tráo khái niệm, nhưng với một tựa game đã 12 năm tuổi thì thiết nghĩ làm mới tựa game cũ, cộng thêm một ít nội dung mới, rồi đặt tên như một hậu bản và bán nó như một tựa game mới giá 70USD thì lại có cảm giác hơi… cú lừa cho game thủ, thay vì hiểu đó như một dụng ý sâu xa.

Và nếu xét tổng thể, dù chiếm của người chơi tầm 30-50 giờ để hoàn thành, song cảm giác Dragon’s Dogma 2 vẫn khá ngắn, chưa đủ độ dài và độ sâu khi so sánh với chính phiên bản tiền nhiệm.

Cũng vì tận dụng lại tất cả nội dung của phiên bản đầu tiên, nên về mặt thiết kế Dragon’s Dogma 2 dù rất hay nhưng nội dung chỉ mới tạm đủ. Số lượng quái thú ít, thần thú số lượng vẫn y hệt, NPC thưa thớt, thiết kế bản đồ tuy được đầu tư thiết kế mới rất nhiều nhưng vẫn dựa trên vùng đất cũ, nên cách tổ chức và sắp xếp không khiến cho game thủ gạo cội phiên bản cũ cảm thấy quá ấn tượng, bởi chúng vẫn còn khá thiếu sức sống.

Dragon's Dogma 2

Mặt khác, do được xây dựng lại trên nền engine RE “cây nhà lá vườn” đem lại hiệu quả hình ảnh ấn tượng, nhưng chất lượng khung hình trong quá trình chơi lại khá kém.

Cho dù bản vá mới nhất đã khắc phục tương đối hiệu năng trên PC, song đổi lại phải hy sinh chất lượng hình ảnh khá nhiều và phải có sự trở giúp của các modder mới “ổn áp” được.

Đặc biệt, đang có khá nhiều nghi vấn cho rằng Capcom đang “để dành” phần lớn nội dung mới cho phiên bản DLC sắp ra mắt vào nửa cuối năm nay.

Chính sách này là một “con dao hai lưỡi” tương tự Capcom đã từng làm với các tựa game ra mắt trong vài năm trở lại đây. Bản thân người viết thực sự không ưng chính sách này bởi đáng ra Dragon’s Dogma 2 sẽ còn tuyệt vời hơn thế này rất nhiều.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần thời gian trả lời cho nghi vấn “cắt xén” trên.

dù chiếm của người chơi tầm 30-50 giờ để hoàn thành, song cảm giác Dragon’s Dogma 2 vẫn khá ngắn, chưa đủ độ dài và độ sâu khi so sánh với chính phiên bản tiền nhiệm

Bạc 8.5

Sự xuất hiện đầy ấn tượng của Dragon’s Dogma 2 một lần nữa khiến cõi game thủ lại một phen "dậy sóng", bởi nó giống như một làn gió làm mới cho thị trường game nhập vai hành động đang quá “lậm” vào phong cách Souls-like; lại vừa làm sống lại những giá trị xưa cũ nhưng đi trước thời đại mà dòng game Dragon’s Dogma chưa thể làm được 12 năm trước.

Dragon’s Dogma 2 là một tựa game tuyệt vời, cho dù nó có là phiên bản "remake" hay không thì game vẫn xứng đáng để trở thành cú hích ấn tượng cho một năm mới đầy thành công của Capcom.

Tác giả

WINE

Life (is) so "short"? - Let's "Play" more! ^^

Thảo luận