Sự kiện game 12-2023 – Thế là năm 2023 đã khép lại, tuy rằng nó đã mang đến một loạt những tựa game tuyệt vời như Baldur’s Gate 3, Tears of the Kingdom và Armored Core VI Fires of Rubicon, nó đồng thời cũng là một quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với những ai làm việc trong ngành.
Từ việc hơn 10 nghìn người bị thất nghiệp trong năm 2023 đến việc Activision Blizzard chào tạm biệt CEO của mình, tháng 12 cũng không thiếu gì các biến động so với các tháng trước đó.
Vì vậy, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua top 10 sự kiện game 12-2023 nhé!
1. 10.500 NGƯỜI ĐÃ MẤT VIỆC LÀM TRONG NĂM 2023
Dựa theo thông tin đến từ trang videogamelayoffs.com, ngành game đã có khoảng 10.500 người phải mất việc làm trong năm 2023 (tính đến hết ngày 28/12/2023).
Trong số đó, 5 công ty sa thải nhiều nhân viên nhất trong năm vừa qua gồm có: Unity (1.165 nhân viên), ByteDance (1.000 nhân viên), Embracer Group (964 nhân viên), Epic (830 nhân viên) và Amazon (715 nhân viên).
Những hãng phải cắt giảm nguồn nhân lực của mình trong năm 2023 gồm có: Xbox Game Studios, Sony Interactive Entertainment, CD Projekt Red, Ubisoft, Riot Games, Blizzard, Crystal Dynamics, Electronic Arts, Take-Two, BioWare, Striking Distance, Team17, Frontier Developments, Telltale Games, Digital Extreme và Digital Bros.
Serkan Toto, một cố vấn trong ngành, đã chia sẻ với trang GamesIndustry.biz như sau:
“Đối với mảng game, tầm quan trọng của hai chữ ‘hiệu quả’ đã tăng lên một cách đáng kể trong 18 tháng qua. Hiện nay, việc tiết kiệm chi phí và điều hành các tổ chức một cách nhỏ gọn hơn càng ngày càng trở nên cấp bách. Áp đè lực đè lên các vị CEO và họ buộc phải làm mọi thứ để xử lý khối chi phí lớn nhất trong công ty của mình: nhân viên. Đây chính là những gì chúng ta đã thấy trong năm 2023.
Tất cả điều này đều diễn ra với cái tư tưởng là ‘nếu chúng ta không làm thì đối thủ sẽ đánh bại chúng ta về mặt hiệu quả làm việc’, và nó dẫn đến việc mọi người bị sa thải. Còn có một hiện tượng mà ở bất kỳ thời điểm nào, các CEO cũng cho rằng 15 đến 20% lượng nhân viên của mình là dư thừa.”
Liz Prince, người đứng đầu trung tâm tuyển dụng Amiqus, cũng chia sẻ vài điều như sau:
“Mọi lĩnh vực đều phải bước qua chu kỳ mở rộng và thu nhỏ, và những gì mà chúng ta đang thấy có vẻ là một sự tái tổ chức hậu Covid-19.
Như mọi người đã biết, thời kỳ đại dịch đã khiến cho ngành game đi lên một cách đáng kể và sự bùng nổ này đã dẫn đến việc các hãng game nhanh chóng mở rộng quy mô, thâu tóm các studio khác và có lẽ là đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực nhất định.
Bây giờ, một số studio cần phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhớ chính là khi một vài studio đang đối mặt với khó khăn thì vẫn có nhiều studio khác đang tiếp tục phát triển.”
2. FREE RADICAL DESIGN ĐÓNG CỬA VĨNH VIỄN
Vào tháng 11/2023, có nhiều bài báo cáo cho rằng Free Radical Design (hãng thực hiện dòng TimeSplitters) có thể sẽ bị đóng cửa trong tháng 12/2023.
Đến hôm 11/12/2023, những lời đồn này được xác nhận là thật bởi vì khi truy cập vào trang web chính thức của hãng thì bởi dòng chữ sau sẽ xuất hiện:
“404 không tìm thấy công ty :-(”
Không những vậy, nhiều nhân viên làm việc tại đây đã chia sẻ trên LinkedIn rằng toàn bộ 80 nhân viên làm việc tại đây đã bị sa thải.
Adam Kiraly, Cựu Họa sĩ Kỹ thuật Cấp cao (Senior Technical Artist) tại Free Radical Design, đã đăng lên Twitter như sau:
“Ngày cuối cùng tại FRD rất khác lạ so với những gì tôi tưởng tượng.
Tôi nghĩ điều này vẫn chưa thấm trong đầu tôi, nhưng tôi vừa mới trả lại chìa khóa và bước ra khỏi tòa nhà lần cuối.
Tới lúc sang chỗ khác làm rồi.”
Cựu Quản lý IT cho hãng cũng chia sẻ trên trang LinkedIn của mình như sau:
“Chà, thế là kết thúc rồi đấy, đây là ngày làm việc cuối cùng tại Free Radical Design và toàn bộ một studio (chỉ hơn 80 người) bị thất nghiệp. Thật là một niềm vinh dự khi được hợp tác làm việc cùng với những cá nhân tại đây, họ là những người vô cùng tài năng và giờ cần kiếm việc làm.”
Việc Free Radical Design bị đóng cửa là vô cùng buồn bởi vì “vòng đời” của hãng chứa đầy những bấp bênh khó đoán. Được thành lập vào năm 1999, phiên bản đầu tiên của studio đã phát triển dòng TimeSplitters cùng với Second Sight.
Sau màn thất bại của Haze và việc một dự án Star Wars: Battlefront bị hủy, hãng đã chính thức bị phá sản vào năm 2008.
Đến tháng 05/2021, PLAION cùng với Embracer Group công bố rằng một phiên bản mới của Free Radical Design đã được “mở cửa” bởi 2 người thành lập ra studio gốc là Steve Ellis và David Doak để mang thương hiệu TimeSplitters quay trở lại thị trường.
Cuối cùng, chỉ sau 2 năm kể từ lần “tái sinh”, hãng phải khép cửa lần hai.
3. VERSUS EVIL GIẢI THỂ NGAY TRƯỚC GIÁNG SINH
Versus Evil, hãng phát hành những game indie đặc sắc như The Banner Saga và Pillars of Eternity, công bố ngừng hoạt động sau 10 năm trong ngành.
Toàn thể nhân viên cũng bị sa thải chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh – và chỉ 1 ngày sau khi Atari đầu tư 2 triệu đô Mỹ vào tinyBuild (công ty “mẹ” của Versus Evil).
Trên trang Twitter chính thức của mình, hãng đã gửi gắm vài lời đến cộng đồng game thủ vì đã ở bên họ suốt cả một thập kỷ vừa qua.
“Hôm nay là một ngày đáng buồn. Sau 10 năm tuyệt vời, Versus Evil giờ đây đang chuẩn bị phải đóng cửa. Chúng tôi rất yêu thích việc mang đến cho các bạn những tựa game indie hay nhất mà chúng tôi có thể tìm và chia sẻ thật nhiều kỷ niệm vui vẻ cùng với các bạn, cộng đồng tuyệt vời của chúng tôi!
Từ tận đáy lòng của từng người chúng tôi, CẢM ƠN CÁC BẠN vì mọi thứ!”
Today is a sad day. After 10 wonderful years, Versus Evil is shutting its doors. We've loved bringing you the best indie games we could find & sharing so many happy memories with you all, our amazing community! From the bottom of our hearts, THANK YOU for everything! ♥️
— Versus Evil 🛡️ (@vs_evil) December 22, 2023
Sau khi bài viết được đăng, Cựu Trưởng Sản xuất tại hãng phát hành – Lance James, đã chia sẻ:
“Chà. Quả thật là một chuyến đi 10 năm vui vẻ. Toàn bộ mọi người ở Versus Evil vừa bị sa thải.
Để tôi nói rõ – đây không phải là quyết định của Versus Evil.”
Let me be clear – this wasn’t a Versus Evil decision or choice.
— Lance James (@Myll_Erik) December 22, 2023
Theo thông tin đến từ bài đăng trên trang LinkedIn của Francis Fincke (Cựu Giám đốc Chiến lược Sản phẩm), có vẻ có khoảng 13 người bị ảnh hưởng bởi việc hãng phát hành bị đóng cửa.
Việc hãng ngừng hoạt động diễn ra chỉ vài tuần sau khi tinyBuild công bố doanh thu thấp cùng với các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm sa thải nhân viên tại Versus Evil.
Trên trang web của mình, tinyBuild cho biết hãng có hơn 400 nhân viên trên toàn thế giới, 250 trong số đó đã được đưa vào đội hình của họ vào năm 2021 – khi mà tinyBuild mua lại Versus Evil cùng với chi nhánh phát triển là Red Cerberus.
Trong thông báo từ ngày 05/12, tinyBuild đã ghi nhận Versus Evil có hiệu quả hoạt động kém khả quan, với 3 trong số 4 game của họ đã bị đẩy lùi từ 2023 sang 2024.
Thông báo đó cũng hé lộ thông tin về quyết định hòa giải trị giá 3.5 triệu USD giữa tinyBuild và giữa người thành lập ra Versus Evil là Steve Escalante, Lance James và Stall Proof LLC (công ty sở hữu hãng trước tinyBuild).
Escalante, James và Stall Proof đã cáo buộc rằng “tinyBuild đã hứa hẹn và thất bại trong việc cung cấp vốn kịp thời cho Versus Evil trong năm tài chính 2022 và 2023”.
Escalante sau đó đã rời khỏi hãng phát hành.
Việc Atari đầu tư 2 triệu USD là một phần trong kế hoạch của tinyBuild để huy động 14 triệu USD tiền vốn bằng cách phát hành cổ phiếu mới.
4. FNTASTIC GIẢI THỂ, THE DAY BEFORE CÔNG BỐ ĐÓNG MÁY CHỦ
Fntastic đã công bố trên Twitter rằng hãng sẽ chính thức đóng cửa sau màn thất bại về mặt tài chính của tựa game The Day Before.
“Hôm nay, chúng tôi thông báo đóng cửa Fntastic. Thật không may là The Day Before đã thất bại về mặt tài chính, và chúng tôi không có đủ vốn để tiếp tục hỗ trợ tựa game. Tất cả thu nhập mà chúng tôi nhận được đang được dùng để trả nợ cho những đối tác của chúng tôi.
Chúng tôi đã đầu tư toàn bộ sự nhiệt huyết, tài nguyên, và nguồn nhân lực vào quá trình phát triển của The Day Before, game lớn đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi rất muốn tung ra thêm nhiều bản vá mới để hé lộ toàn bộ tiềm năng của trò chơi, nhưng đáng buồn là chúng tôi lại không có đủ vốn để tiếp tục.”
Official statement. #fntastic #thedaybefore #propnight pic.twitter.com/AKcRHeIaIW
— Fntastic (@FntasticHQ) December 11, 2023
Trong bài công bố, hãng cũng cho biết là tương lai của tựa game cùng với Propnight (dự án trước đó của hãng) đang ở trong trạng thái “lửng lơ”.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không biết tương lai của The Day Before và Propnight sẽ như thế nào nhưng các máy chủ vẫn đang hoạt động bình thường.
Chúng tôi xin lỗi nếu như đã không đáp ứng được kỳ vọng của các bạn. Chúng tôi đã làm mọi thứ trong khả năng của mình, nhưng đáng buồn là chúng tôi đã tính sai trình độ của chính mình. Làm ra game là một quá trình vô cùng khó khăn.”
Kể từ khi ra mắt, The Day Before đã nhận được một loạt “cơn mưa gạch đá” do có quá nhiều vấn đề kỹ thuật, cũng như do Fntastic đã… nói dối về các khía cạnh của trò chơi khi hãng còn đang thực hiện quảng bá cho tựa game.
Được gắn mác là thuộc thể loại game trực tuyến nhiều người chơi (MMO) trong các đoạn trailer trước đó, cộng đồng người chơi đã vô cùng “phẫn nộ” khi phát hiện ra rằng tựa game không hề có yếu tố MMO mà chỉ là một game bắn súng thu thập (extraction shooter) tương tự như các game Escape From Tarkov, Hunt: Showdown, Marauders…
Không chỉ vậy, với hàng loạt lỗi có mặt trong game, kể cả khi người chơi sẵn sàng bỏ qua việc Fntastic nói dối, họ vẫn không thể trải nghiệm tựa game một cách “mượt mà” được.
Không lâu sau khi nhận được một luồng phản ứng trái chiều, The Day Before cũng đã nhanh chóng công bố đóng cửa máy chủ vào ngày 22/01/2024.
— The Day Before (@playdaybefore) December 22, 2023
Trên Twitter, Fntastic đã đưa ra bài công bố sau:
“Kính gửi cộng đồng,
Chúng tôi cảm thấy rất buồn khi phải báo cho các bạn là hãng phát triển Fntastic đã chính thức ngừng hoạt động, thế nên The Day Before sẽ không còn được hỗ trợ và máy chủ sẽ đóng cửa vào ngày 22/01/2024.
Khi đã thông báo từ trước, Mytona, nhà đầu tư, đang hợp tác với Steam để hoàn tiền cho những người đã mua tựa game. Đối với những ai chưa được hoàn tiền, Steam giờ đây sẽ chủ động hoàn lại tiền cho tất cả người chơi còn sót lại.
Chúng tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đến cộng đồng vì đã hỗ trợ nhiệt tình trong suốt vòng đời của dự án. Đáng tiếc thay, vì không có đội phát triển nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ việc chính thức kết thúc dự án này.
Chúng tôi chân thành cảm ơn những người hỗ trợ trong suốt cuộc hành trình này và muốn chúc các bạn có một kỳ nghỉ lễ thật vui vẻ.”
Hiện tại, The Day Before dự kiến sẽ đóng cửa máy chủ vào ngày 22/01/2024 và bạn cũng không thể mua trải nghiệm tựa game nữa bởi vì nó đã bị đưa ra khỏi Steam.
5. INSOMNIAC GAMES BỊ LỘ 1,67 TERABYTE DỮ LIỆU
Vào cuối tháng 12, nhóm hacker Rhysida đã đe dọa là sẽ tung tất cả dữ liệu của Insomniac Games lên mạng nếu như Sony (công ty “mẹ” của hãng) không bỏ tiền ra để mua lại chúng.
Sau đó, nhóm tin tặc này đã đăng một tấm hình để chứng minh là họ thật sự sở hữu những thông tin “nhạy cảm” của Insomniac – trong đó có dự án Marvel’s Wolverine.
Sau khi làm điều này, họ đưa tất cả thông tin bị đánh cắp đi bán đấu giá với mức bắt đầu là 50 Bitcoin (tức tương đương 2 triệu USD). Đồng thời, họ còn nói là sẽ đưa những thông tin này lên mạng trong vòng 7 ngày nếu Sony vẫn chưa chịu trả tiền.
Đến nay, có vẻ như Rhysida đã biến lời hăm dọa của mình thành hiện thực bằng cách làm “rò rỉ” hơn 1,3 triệu dữ liệu (tức tương đương với 1,67 Terabyte) trên Darknet.
Tầm 98% số dữ liệu bị đánh cắp đã bị tung lên mạng. Rhysida cũng bật mí là chỉ những dữ liệu không ai mua mới bị lộ, ám chỉ rằng đã có người mua 2% còn lại.
Ngay lập tức sau khi điều này xảy ra, hàng loạt cá nhân trên cộng đồng mạng đã tải mọi thứ xuống và bắt đầu phân tích từng ngóc ngách kho dữ liệu của Insomniac. Trong đó, họ đã tìm thấy hàng loạt tài liệu về các dự án tương lai của hãng, một hợp đồng phát hành với Marvel để làm thêm nhiều game trong tương lai, tài liệu nhân sự nội bộ,…
Về phía các dự án tương lai, dân mạng đã tìm thấy lịch phát hành game trải dài đến tận 10 năm của Insomniac Games.
Ngoài ra, lời đe dọa từ tuần trước của Rhysida còn để lộ là họ nắm giữ các bản quét hộ chiếu (Passport) của nhân viên, một tài liệu cá nhân liên quan đến Yuri Lowenthal (diễn viên lồng tiếng của Spider-Man), email nội bộ, tài liệu bảo mật,…
Hiện tại, các trang báo như VGC đã cố gắng liên lạc với Insomniac Games và Sony để biết thêm chi tiết vẫn chưa nhận được phản hồi.
6. GRAND THEFT AUTO V BỊ LỘ MÃ NGUỒN
Sau lần “rò rỉ” thông tin từ năm 2022, có vẻ Rockstar Games vẫn phải tiếp tục chịu khổ bởi vì toàn bộ mã nguồn cho Grand Theft Auto V đã bị lộ.
Không chỉ vậy, mã nguồn cho một loạt dự án khác của hãng cũng đã bất ngờ bị “rò rỉ” như Red Dead Redemption 1, Bully 2 (hậu bản bị hủy của Bully), Agent (một tựa game gián điệp độc quyền cho PS3 bị hủy từ năm 2011) cùng với một số dòng mã Python cho Grand Theft Auto 6.
Mặc dù mã nguồn cho tựa game trước đó đã được chia sẻ âm thầm trên mạng theo từng mảnh nhỏ, đây chính là lần đầu tiên mọi thứ bị lộ.
Đặc biệt, một điều vô cùng thú vị mà cộng đồng mạng đã khám phá ra chính là mã nguồn của Grand Theft Auto V cho thấy tựa game vốn được lên kế hoạch để ra mắt một DLC cốt truyện xoay quanh Trevor sau khi anh ta trở thành một điệp viên.
Không chỉ vậy, theo thông tin từ bài viết của Rockstar Games từ 10 năm về trước, hãng còn có dự định thực hiện ít nhất 3 DLC cho Grand Theft Auto V xoay quanh từng nhân vật trong phần chơi đơn là Michael, Franklin và Trevor.
Tuy nhiên, sau sự thành công của GTA Online, hãng đã quyết định hủy mọi kế hoạch liên quan đến chế độ cốt truyện và dồn hết sự tập trung vào phần chơi mạng.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy được vài phiên bản đầu tiên cho bản đồ của trò chơi.
Có lẽ thứ mà không ai ngờ sẽ có mặt trong đợt “rò rỉ” này chính là việc Agent, một tựa game bị hủy của Rockstar từ hơn 10 năm trước, bị lộ bản đồ.
Về phía Grand Theft Auto 6, trò chơi cũng bị lộ vài dòng mã Python nhưng đáng tiếc là nó lại không đủ để cho chúng ta một cái nhìn sâu hơn về tựa game. Những dòng mã bị lộ chỉ cho chúng ta thấy tên của 2 nhân vật chính là Lucia và Jason được nhắc đến bởi hệ thống.
7. ACTIVISION BLIZZARD TRẢ 56 TRIỆU USD ĐỂ GIẢI QUYẾT VỤ KIỆN VỚI BỘ DÂN QUYỀN
Được báo cáo bởi VentureBeat, Activision Blizzard đã thỏa thuận với Bộ Dân Quyền (Civil Rights Department) của California để giải quyết vụ kiện từ năm 2021 – tức gồm có những lời cáo buộc liên quan đến hành vi trả lương bất bình đẳng cũng như thăng chức cho nhân viên dựa theo giới tính của họ.
Hãng sẽ phải bồi thường đến tận 46,7 triệu USD cho những nhân viên nữ mà cho rằng họ không được trả lương công bằng trong suốt quãng thời gian làm việc từ 2015 đến 2020, và 9,125 triệu USD còn lại sẽ được dùng để trả phí cho luật sư.
Theo các điều khoản từ thỏa thuận mà Bộ Dân Quyền đưa ra (tức vẫn phải chờ sự đồng ý của tòa án) hãng sẽ phải thực hiện các bước bổ sung nhằm đảm bảo việc trả lương và hình thức thăng chức sẽ công bằng cho mọi nhân viên trong tương lai.
Bộ Dân Quyền đồng ý là “không có cuộc điều tra của tòa án hay cuộc điều tra độc lập nào có thể chứng minh” rằng “có hiện tượng quấy rối tình dục có hệ thống hoặc phổ biến diễn ra tại Activision Blizzard”, cũng như việc “các giám đốc điều hành cấp cao tại Activision Blizzard đã phớt lờ, dung túng hoặc khuyến khích tạo ra một văn hóa có hệ thống quấy rối, trả thù và phân biệt.”
Thỏa thuận này cũng cho biết là những cuộc điều tra của Bộ Dân Quyền không tìm thấy bất kỳ bằng chứng cho thấy có hành vi sai trái từ phía Bobby Kotick (CEO của Activision Blizzard) hay từ phía hội đồng quản trị của công ty.
Nhân chứng chuyên môn của bang California cũng cho biết là về mặt tổng thể, sự chênh lệch mức lương giữa nam và nữ có tồn tại, nhưng nó lại không xuất giữa những nhân viên cùng cấp bậc.
8. BOBBY KOTICK CHÍNH THỨC RỜI KHỎI ACTIVISION BLIZZARD
Bobby Kotick, CEO của Activision Blizzard trong suốt 32 năm vừa qua, đã chính thức rời khỏi công ty vào hôm 29/12/2023.
Trong đoạn email được gửi đến toàn thể nhân viên, Kotick đã kể về quãng thời gian điều hành công ty. Kotick đã giám sát hoạt động của Activision Blizzard được hơn một nửa “vòng đời” của hãng, trở thành CEO chỉ 12 năm sau khi công ty được thành lập vào năm 1979.
Ông đã quan sát công ty thay đổi qua nhiều “làn sóng” của thời đại, từ sự bắt đầu và thành công của dòng Call of Duty, thời đại Guitar Hero, sự thăng và trầm của thể loại đồ chơi chuyển hóa thành nhân vật trong game (Toys-to-life), cuộc sáp nhập giữa Activision với Vivendi để trở thành Activision Blizzard, việc mua lại King (hãng làm Candy Crush) và cuối cùng là thương vụ với Microsoft.
Bên cạnh đó, trang The Verge còn cho biết là Phil Spencer (“ông trùm” của Xbox) đã công bố việc Bobby Kotick rời khỏi công ty cùng lúc với một số thay đổi khác về mặt tổ chức.
Mặc dù không có ai trực tiếp thay thế Kotick, những thành viên chức cao như Thomas Tippl (Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Activision Blizzard), Rob Kostich (Tổng Giám đốc Phát hành tại Activision), Mike Ybarra (Tổng Giám đốc của Blizzard) cùng với Tjodolf Sommestad (Tổng Giám đốc của King) giờ đây sẽ báo cáo trực tiếp cho Matt Booty (Tổng Giám đốc Nội dung Trò chơi và Studio của Xbox).
Thêm vào đó, vị CCO đầy tranh cãi của Activision Blizzard là Lulu Meservey cũng chuẩn bị rời khỏi công ty vào cuối tháng Một năm nay.
Meservey đã thu hút khá nhiều ý kiến trái chiều sau lần họp vào năm 2022, bởi vì cô đã cố gắng đẩy lùi nỗ lực thương lượng tập thể của các nhân viên tại Activision Blizzard và sau đó bị công đoàn CWA trực tiếp nêu tên trong đơn khiếu nại lao động vì hành vi đó.
Những thay đổi về mặt tổ chức khác bao gồm việc Humam Sakhnini (Phó Giám đốc của Blizzard và King) rời khỏi công ty và Jill Braff giờ đây được thăng chức lên thành người đứng đầu ZeniMax và Bethesda.
9. TENCENT VÀ NETEASE MẤT GẦN 80 TỶ USD GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG
Theo những quy định mới được đưa ra bởi Tổng Cục Tin tức và Xuất bản của Trung Quốc, trang Reuters cho biết những hãng làm game “online” sẽ không còn được phép thưởng cho người chơi khi họ đăng nhập hàng ngày hoặc khi họ nạp tiền lần đầu hay liên tiếp nhiều lần.
Những hãng game tại Trung Quốc cũng sẽ phải giới hạn lượng tiền mà người chơi của họ có thể nạp vào ví điện tử trong game.
Mặc dù các quy định này vẫn có khả năng thay đổi trước khi chính thức được áp dụng, sự tồn tại của nó cũng đã đủ làm cổ đông của 2 công ty game đứng Trung Quốc phải hoảng sợ.
Cổ phiếu của Tencent, công ty game lớn nhất trên toàn thế giới, có thời điểm đã giảm xuống 16% và cổ phiếu của NetEase đã giảm 25%.
Ivan Su, một nhà phân tích cho Morningstar, đã cho biết:
“Việc loại bỏ các ưu đãi này có khả năng cao sẽ làm giảm lượng người chơi hàng ngày và doanh thu trong ứng dụng, và có thể sẽ buộc các nhà phát hành phải tu sửa lại từ đầu đến cuối thiết kế game và chiến lược thu tiền của họ.”
Vào năm 2021, Trung Quốc đã đặt giới hạn thời gian chơi game nghiêm ngặt cho các đối tượng dưới 18 tuổi.
Trong cùng lúc đó, quá trình phê duyệt game mới cũng tạm thời bị dừng vì những lo ngại xoay quanh vấn đề nghiện game. Mãi đến cuối năm 2022, quá trình này mới quay trở lại trạng thái ban đầu.
Không chỉ vậy, một trong những quy định mới được đề ra sẽ có thể làm tăng tốc quá trình phê duyệt game bởi vì các cơ quan chịu trách nhiệm giờ đây sẽ phải xét duyệt từng sản phẩm trong vòng 60 ngày.
Đặc biệt, mặc dù đưa ra các quy định có ảnh hưởng nặng đến những trò chơi trực tuyến, Trung Quốc vẫn muốn đón nhận các tựa game nước ngoài.
Cụ thể, trang Reuters cho biết rằng các cơ quan chức quyền của Trung Quốc đã công bố trong cùng ngày là họ đã có được giấy phép để nhập thêm 40 tựa game mới và phát hành chúng ở thị trường trong nước.
10. PLAYSTATION 5 BÁN ĐƯỢC TỔNG CỘNG 50 TRIỆU MÁY
Sony Interactive Entertainment (SIE) cho biết hãng đã bán được tổng cộng 50 triệu máy PlayStation 5 trên toàn thế giới.
Hãng đã cán mốc doanh số này vào ngày 09/12/2023, tức chỉ hơn 3 năm kể từ khi PS5 bắt đầu được đưa vào thị trường.
Theo báo cáo từ Financial Times, PS4 đã bán được 50 triệu máy trong vòng 160 tuần – tức vẫn nhanh hơn PS5 1 tuần. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhớ chính là hệ máy đời trước của Sony không gặp phải những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.
Jim Ryan, CEO của Sony Interactive Entertainment, cũng có vài lời để nói về thành tích này của PS5.
“Đạt được cột mốc doanh số này cho PS5 chính là minh chứng cho sự ủng hộ không ngừng nghỉ từ cộng đồng PlayStation trên toàn cầu, cũng như cho niềm đam mê của họ cho những trải nghiệm tuyệt vời được tạo ra bởi các nhà phát triển tài năng từ PlayStation Studios và các đối tác của chúng tôi.
Chúng tôi rất biết ơn tất cả những người chơi đã tham gia cuộc hành trình của hệ máy PS5 cho đến nay, và chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng vì đây chính là kỳ nghỉ lễ đầu tiên kể từ khi ra mắt mà chúng tôi có đầy đủ lượng PS5 – nên bất kỳ ai muốn sở hữu một máy sẽ có thể mua nó.”
Theo thông tin từ trang Ampere Analysis, trong năm 2023, PlayStation 5 đã bán chạy hơn Xbox Series X/S khoảng gấp 3 lần, với doanh số của PS5 nằm ở mức 22.5 triệu máy còn Xbox Series X/S dừng lại ở 7.6 triệu máy.
Sony giờ đang nhắm đến việc bán 25 triệu máy PlayStation 5 trong năm tài chính hiện tại (tức sẽ kết thúc vào tháng 03/2024). Nếu thành công, hãng sẽ phá vỡ kỷ lục được đặt ra bởi PS1 khi nó đạt doanh số là 22.6 triệu trong vòng 12 tháng.
Như vậy chúng ta vừa điểm qua 10 sự kiện game 12-2023 đáng chú ý nhất của tháng qua.
Liệu còn sự kiện game 12-2023 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?
Hãy góp ý qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!