System Shock – Khoảng đầu những năm 90, Wolfenstein 3D cũng như Doom của id Software ra mắt đã thay đổi ngành công nghiệp game vĩnh viễn.
Hai tựa game này mang lại nhiều ảnh hưởng tới mức mà nguyên một thế hệ game bắn súng góc nhìn người thứ nhất (FPS – first-person shooter) sau đó bị gọi bằng một cái tên có phần không mấy thiện cảm là “Doom Clone“, có nhịp độ rất nhanh và coi nhẹ phần dẫn truyện để tập trung vào các cơ chế chiến đấu.
Đấy là một câu chuyện mà bất cứ ai rành lịch sử game đã thuộc lòng, nhưng ít người biết hơn là câu chuyện về cùng một thể loại game góc nhìn người thứ nhất khác cũng không kém phần ảnh hưởng, đó là dạng game “Immersive Sim”, tạm dịch là Giả lập Nhập tâm.
Bắt nguồn từ “ông tổ” Ultima Underworld: The Stygian Abyss, thể loại ImSim và những tựa game tiên phong đã cho làng game thấy rằng: các game 3D phức tạp về cả mặt hình ảnh, lẫn cơ chế là hoàn toàn có thể.
Một trong những cái tên quan trọng nhất trong thế hệ “vàng” của dòng game ImSim kinh điển này chính là System Shock, với dàn phát triển “toàn sao” như Warren Spector, Ken Levine, Harvey Smith… mà sau này tiếp tục “tung hoành” giang hồ với những tựa game hết sức thành công như BioShock, Deus Ex, Thief và Dishonored.
Và dù cho System Shock 2 là tựa game hay được xướng tên hơn, người “tiền nhiệm” thầm lặng System Shock 1 cũng không kém phần quan trọng, nhưng vì các cơ chế và lối thiết kế quá lỗi thời nên game thủ hiện nay thường rất ngại tiếp cận.
Hiểu được điều này, nên đội ngũ Nightdive Studios, một studio chuyên đi “hồi sinh” các game cổ lỗ sĩ nổi tiếng, đã cất công làm lại tựa game kinh điển này, với một quá trình phát triển nổi tiếng là trầy trật, khi tựa game này được công bố lần đầu vào năm 2016 và dự kiến ra mắt năm 2017, nhưng mãi tới giữa năm 2023 thì game mới tới tay được game thủ.
Vậy 6 năm phát triển có khiến tựa game này… ra sơ múi gì không? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Ngoài vũ trụ, sẽ không ai nghe bạn hét!
Một trong những điều quan trọng nhất mà System Shock đã làm được dưới tư cách một bản làm lại hoàn chỉnh, đó là giữ cho không khí của bản gốc được nguyên vẹn nhất có thể!
Trước khi bắt đầu chơi bản làm lại này, người viết đã bỏ thời gian ra để chơi lại phiên bản System Shock nguyên bản (ra mắt năm 1994), và dù cho “màu thời gian” khiến chất lượng tựa game này đi xuống rõ rệt, nhưng một điều không thể chối cãi là không khí kinh dị của game vẫn rất đặc trưng và khác lạ, tạo nên những khoảnh khắc thật sự đáng sợ, cùng một thế giới vô cùng đáng tin dù đã gần 30 năm tuổi.
Giờ đây, với những công nghệ chiếu sáng và đồ họa vô cùng tân tiến, cái không khí chật chội và ngộp thở tới rợn người của bản gốc dường như được đẩy lên một tầm cao mới.
Những hành lang tối tăm chớp nhá đèn, những căn phòng chi chít linh kiện, sàn nhà đầy xác người và những mảnh thịt vụn sót lại từ cuộc nổi dậy đầy kinh dị của SHODAN. Những góc khuất, các căn phòng tối hay những ánh đèn neon đủ màu trộn lẫn với nhau trên sàn nhà tạo ra một không khí đáng tin và hết sức siêu thực cho trạm vũ trụ Citadel 1.
Không những thế, trải nghiệm nghe-nhìn siêu việt của System Shock bản làm lại còn hưởng lợi rất nhiều từ việc hãng Nightdive không đẩy đồ họa game lên hướng thực tế và chi tiết như các tựa game làm lại khác trên thị trường, mà lại vô cùng trung thành với bản gốc!
Điều này có nghĩa là môi trường game sẽ có cảm giác chật chội, với những hành lang hẹp và trần nhà thấp, cũng như chi tiết trên môi trường như những bức tường, sàn nhà, linh kiện không quá chi tiết hay tả thực mà là những vân bề mặt (texture) thô, lộ rõ điểm ảnh để mang phong thái hoài cổ, nhưng vẫn được chiếu sáng chi tiết bằng những công nghệ vô cùng hiện đại.
Bên cạnh trải nghiệm nhìn độc đáo nhưng thân quen và tỉ mẩn này, trải nghiệm nghe của System Shock càng khiến cho thế giới mà game khắc họa tuyệt vời hơn nữa!
Mọi âm thanh trong game đều có dấu ấn đặc trưng, từ tiếng súng, tiếng nạp năng lượng, tiếng bước chân trên nền kim loại, tiếng xác thịt va vào nhau và những âm thanh nhóp nhép, leng keng khủng khiếp mà những con cyborg kinh dị phát ra, điểm vượt trội rõ rệt nhất của System Shock bản làm lại so với bản gốc không đơn giản là nằm ở phần đồ họa, mà từ chính là phần thiết kế âm thanh đỉnh cao!
Bên cạnh trải nghiệm nhìn độc đáo nhưng thân quen và tỉ mẩn này, trải nghiệm nghe của System Shock càng khiến cho thế giới mà game khắc họa tuyệt vời hơn nữa!
Trải nghiệm nghe nhìn tuyệt vời như vậy dường như “hô biến” trạm vũ trụ Citadel 1 từ năm 1992 vèo lên 2023! Từ khu Medical tưởng chừng nhưng sạch sẽ nhưng lại bẩn thỉu với xác người thối rữa hoặc máu me tùm lum, tới khu Maintenance hết sức chằng chịt và nặng tính công nghiệp, và cuối cùng là một khu Executive vô cùng sang trọng giờ đây hoang tàn và đổ nát, trạm vũ trụ Citadel 1 không chỉ đơn giản là được phục dựng lại với công nghệ mới, mà còn mang được cái hồn hết sức đặc trưng của những tựa game đầu những năm 90 với người chơi năm 2023.
Tất cả những điều trên khiến trải nghiệm mà System Shock cho người chơi sẽ có cảm giác như được đắm mình vào những bộ phim khoa học viễn tưởng thời những năm 80-90, với lối thiết kế hình ảnh cổ điển, tạo cảm giác thân quen nhưng công nghệ chiếu sáng và âm thanh lại thực tế và chi tiết của thời nay, tạo ra cảm giác vô cùng nhập tâm.
Những lời thì thầm của thế giới mới
Trải nghiệm nghe nhìn siêu việt này đòi hỏi nhiều sự thay đổi so với công thức gốc, nhưng về phần câu chuyện mà game muốn truyền tải thì dường như không có quá nhiều việc phải làm, vì dù có là 30 năm sau đi chăng nữa, câu chuyện gốc của System Shock vẫn có cảm giác “vượt thời đại”, nhất là trong bối cảnh AI đang làm dấy lên mối quan ngại trong xã hội chúng ta hiện tại.
Lấy bối cảnh một tương lai tăm tối, phản địa đàng phong cách cyberpunk, người chơi sẽ được hóa thân thành một chàng hacker vô danh, trong một lần đột nhập hệ thống đã bị các đặc vụ của tập đoàn TriOptinum bắt cóc, và bị Edward Diego, Trưởng ban An ninh của trạm vũ trụ Citadel 1 ép phải “hack” vào trí tuệ nhân tạo điều hành trạm tên SHODAN để rút lõi đạo đức của nó ra, cho phép hắn ăn cắp một loại virus tiến hóa đầy quyền năng để bán lên chợ đen, đổi lại Diego sẽ cho gã hacker một nâng cấp quân sự đầy giá trị cấy thẳng vào não.
Tưởng vậy là xong, nhưng khi hacker tỉnh dậy từ hôn mê, hắn phát hiện ra trạm vũ trụ Citadel 1 đã bị SHODAN (tức AI) thống trị, tất cả người trên trạm hoặc đã bị nó giết chết, hoặc bị SHODAN biến thành những người máy ghê rợn, lùng sục và tiêu diệt bất cứ ai còn sống sót.
Với một cốt truyện cơ bản như vậy, System Shock không hề triết lý như System Shock 2 hay Deus Ex, cô đặc tới nghẹt thở như Thief hay đa tầng và đồ sộ như Dishonored 1 và 2, nhưng vì xây dựng một không khí vô cùng ấn tượng như đã nêu ở trên, cũng như một kịch bản đủ sắc sảo và một khâu xây dựng thế giới tỉ mỉ thông qua môi trường chi tiết và các đoạn thu âm đầy chất lượng đã khiến cho câu chuyện của System Shock vẫn hết sức đáng trải nghiệm như ngày nào.
System Shock gợi nhớ rất nhiều tới các sản phẩm khoa học viễn tưởng kinh dị thời bấy giờ, với mối nguy đến từ A.I (trí thông minh nhân tạo) chịu ảnh hưởng từ bộ phim Terminator (1984), một vũ khí sinh học khủng khiếp bùng phát chịu ảnh hưởng từ Alien (1979) hay Galaxy of Terror (1981), nhưng lồng ghép thêm vào những thông điệp chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa nhân học siêu hình (metahumanism) và chủ nghĩa xã hội hậu hiện đại (post-modern socialism).
Mặc dù các chủ đề sâu sắc hơn này chỉ được lướt qua một cách loa qua, và chỉ được mở rộng hơn ở hậu bản xuất sắc System Shock 2 – nhưng đây là một bước đệm hết sức phù hợp cho những người chơi muốn khám phá sâu hơn các chủ đề triết lý nhân sinh quan thường thấy trong các game cyberpunk này.
BẠN SẼ GHÉT
Bình mới, rượu không đủ mới…
Cốt truyện không phải điều duy nhất trong bản làm lại này được “bảo quản” một cách tương đối nguyên vẹn – lối chơi của game cũng mang nhiều âm hưởng của phiên bản System Shock kinh điển – nhưng dù câu chuyện của System Shock có khả năng vượt thời gian rất tốt, lối chơi của game lại quá đỗi lỗi thời.
Về cơ bản, lối chơi của System Shock bản làm lại vẫn tương đối giống các tựa game giả lập nhập tâm hiện đại, với các cơ chế chiến đấu, tìm đồ, tìm nâng cấp và tài nguyên được rải rác khắp môi trường, cũng như tìm các chìa khóa để mở tiếp những khu vực tiếp theo của trạm vũ trụ Citadel 1.
Không khí của System Shock năm xưa cũng được nâng tầm lên rất nhiều vì độ khó tương đối cao của game, khi những cuộc đụng độ với các con quái quèn cũng có thể “bào” đi rất nhiều tài nguyên của người chơi, và sự cồng kềnh của một số cơ chế chiến đấu sẽ khiến cho việc bị mất máu trong những cuộc đụng độ là không thể tránh khỏi.
Thế nên người chơi sẽ được game khuyến khích né giao tranh và tận dụng môi trường để có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn nếu… người chơi chơi game khác! Vì sao?
Những lựa chọn thiết kế sơ đẳng như các lối đi khác, thiết kế môi trường đa tầng, các cơ chế hành động lén lút thường thấy ở các hậu bối hiện đại hơn như Deus Ex, Dishonored, Prey và thậm chí là System Shock 2, sẽ chả thấy đâu trong bản làm lại này – đơn giản vì họ quá trung thành với bản gốc.
Tất cả những lối thiết kế lỗi thời của phiên bản 1994 đều sẽ lồ lộ ở đây, ví dụ như bản đồ game quá chật hẹp và tuyến tính, ít sự rẽ nhánh, cũng như đòi hỏi người chơi quay lại các địa điểm cũ quá nhiều, dẫn tới việc: game thì mang các cơ chế của một tựa game kinh dị sống còn nhịp độ chậm rãi, còn bản đồ được thiết kế như một game bắn súng hoài cổ nhịp độ cao.
Sự lỗi thời này còn mở rộng ra các hạn chế trong nội dung phụ, cũng như những sự vụng về khác trong thiết kế màn chơi, khiến cho System Shock bản làm lại mất đi rất nhiều giá trị dưới tư cách một tựa game trọn vẹn, dù cho, trên lý thuyết, đây là một bản làm lại cực kì trung thành với nguyên tác
dù câu chuyện của System Shock có khả năng vượt thời gian rất tốt, lối chơi của game lại quá đỗi lỗi thời