Tainted Grail: Conquest – Trong bất cứ khâu nào của việc kiến tạo ra sản phẩm, thì phần cốt lõi, hay là “ý đồ thiết kế” luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Nó thể hiện nên những ý tưởng của người sáng tạo, cũng như truyền tải thông điệp đến những người tiêu thụ, khách hàng, hay khán giả.
Việc một bộ phim, một quyển sách, hay một tựa game có cốt truyện hấp dẫn đến đâu, ẩn chứa những giá trị gì, thường được lên kế hoạch rất chỉn chu, tuần tự, mạch lạc và có tổ chức.
Trong việc kiến tạo, thì cụm từ “ngẫu nhiên” là điều tối kỵ rất lớn.
Ấy thế mà trong ngành công nghiệp game, cái nghịch lý trái khoáy này lại được ứng dụng khá nhiều, và kỳ lạ thay, cũng gặt hái được không ít thành công.
Người viết đang muốn nói đến “Rogue-like”, thể loại game được kiến tạo một cách “ngẫu nhiên có trật tự”, nhằm mang lại cho người chơi những trải nghiệm mới lạ, khác biệt cho mỗi lần chơi lại – qua đó tạo nên sự “vô cùng tận” trong thiết kế của mình.
Đến từ nhà phát triển Awaken Realms Digital, Tainted Grail: Conquest tiếp nối sự thành công to lớn của những “tiền bối” Rogue-like trong những năm gần đây như Hades, Hand of Fate hay Slay the Spire, khi chính thức chấm dứt giai đoạn Early Access hồi cuối tháng 5.2021 vừa qua.
Vốn được xem là một phiên bản “đắc đíp” của Slay the Spire, Tainted Grail: Conquest thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng yêu game trong suốt giai đoạn Early Access, và hầu như ai cũng mong mỏi một phiên bản chính thức “chuẩn khỏi chỉnh”.
Vậy, sau cùng liệu Tainted Grail: Conquest có thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng này từ người hâm mộ hay không?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi “dễ ghiền”
Tương tự như Slay the Spire, Tainted Grail: Conquest là một tựa game nhập vai với lối chơi cốt lõi xoay quanh việc xây dựng bộ bài (deck building).
Nôm na thì các hành động và kỹ năng nhân vật có thể được kiểm soát bằng cách đưa các thẻ bài liên quan vào, nhưng chúng vẫn có tính ngẫu nhiên nhất định khi một lượt, người chơi chỉ được rút một số bài cố định.
Người chơi Tainted Grail: Conquest có thể chọn 1 trong 9 lớp nhân vật (mới đầu chỉ được chọn mặc định Wyrd Hunter, các lớp khác sẽ mở khóa dần sau đó) với lối chơi, nội tại và bộ kỹ năng hoàn toàn khác biệt.
Qua nhiều cuộc hội thoại được dẫn dắt khéo léo, người chơi sẽ dần dần khám phá ra thêm những bí mật của thế giới hư ảo mà mình lạc vào, “cứu” thêm được các NPC khác nhau, cũng như mở khóa thêm các thẻ bài và trang bị mạnh mẽ hơn.
Là một tựa game Rogue-like, Tainted Grail: Conquest xác định sẽ “bán no hành” cho người chơi với hàng loạt những trận đánh và tình huống được sắp xếp “ngẫu nhiên một cách có ý đồ”.
Cộng thêm việc tự do xây dựng bộ bài, và tính bất định trong đó, người chơi Tainted Grail: Conquest hầu như khó có hai “run” nào mà gặp những tao ngộ giống nhau được.
Các trận đánh trong game sẽ diễn ra theo lượt với việc người chơi bắt đầu rút các quân bài cho mình. Chúng có thể là các đòn đánh thường, kỹ năng đặc biệt dao động từ đánh choáng/đánh lan/phá giáp… cho đến các lá bài né tránh/phòng thủ/hồi máu…
Với các lớp nhân vật phong phú và biến hóa đa chiều, người chơi có nhiều lựa chọn từ khâu xây dựng trang bị, kỹ năng cho đến bộ bài đặc thù
Người chơi cần phải chú ý rõ hành động của các con quái vật đối thủ, nửa biết trước nửa dự đoán xem chúng sẽ làm gì để đưa ra các hành động cho phù hợp.
Ví dụ nếu đối thủ chuẩn bị “gồng” để ra chiêu khủng nhưng mất hai lượt, người chơi có thể thoải mái dồn sát thương và chuẩn bị đỡ đòn sau – còn nếu địch chuẩn bị tung chiêu “tất sát” thì người chơi phải dồn lực vào các lá bài lá chắn/phòng ngự.
Với các lớp nhân vật phong phú và biến hóa đa chiều, người chơi có nhiều lựa chọn từ khâu xây dựng trang bị, kỹ năng cho đến bộ bài đặc thù phục vụ cho lối chơi mà mình yêu thích.
Hình – âm xuất sắc!
Khác với Slay the Spire, Tainted Grail: Conquest chọn cho mình một bộ cánh 3D với tông màu kiểu “gothic” âm u, tăm tối, rất phù hợp với bối cảnh diễn ra trong một cõi không gian vô định của mình.
Giao diện chính của cả tựa game diễn ra trong một ngôi làng hoang vu, ma mị – mà càng về sau sẽ càng trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn khi người chơi “cứu” được thêm các NPC từ mọi ngóc ngách về đây.
Điểm nhấn kế tiếp của Tainted Grail: Conquest nằm ở các mô hình nhân vật và quái vật được thiết kế rất chỉn chu, tỉ mỉ.
Tuy không tới mức đẹp “quằn quại” khiến thiên hạ phải trầm trồ như Bloodborne hay Nioh, cũng không có những pha chiến đấu mãn nhãn “màu mè hoa lá hẹ” kiểu Super Robot Wars, nhưng các trận đánh trong Tainted Grail: Conquest đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình: truyền tải trọn vẹn hệ quả của những hành động thông qua những lá bài trong game.
Hình “mãn nhãn”, và phần âm của Tainted Grail: Conquest cũng chẳng hề kém cạnh
Với những lá bài “xịn”, những đòn đánh tung ra sẽ rất uy lực và mạnh mẽ hơn hẳn các lá bài cơ bản. Hoặc những lớp nhân vật thuộc kiểu Summoner (triệu hồi) luôn đi kèm với dàn “đệ” vừa đông vừa hung hãn, tỏ ra chẳng hề lép vế trước phe địch với có kích thước to lớn và vẻ ngoài “hầm hố”.
Song song với các mô hình và diễn hoạt 3D, phần tranh ảnh minh họa 2D của các lá bài cũng được thể hiện rất đẹp, rất chất lượng với phong cách đồ họa độc đáo.
Hình “mãn nhãn”, và phần âm của Tainted Grail: Conquest cũng chẳng hề kém cạnh gì khi game dẫn dắt người chơi vào cốt truyện với những giọng đọc dẫn truyện hay giọng hội thoại của các NPC rất truyền cảm, bộc lộ rất rõ tính cách và tình trạng của từng người.
BẠN SẼ GHÉT
Một tựa game chưa hoàn chỉnh
Tuy sở hữu khá nhiều ưu điểm có thể khiến Tainted Grail: Conquest trở thành ứng viên sáng giá cho danh hiệu “Game Of The Year”, không may thay, số khuyết điểm cũng chẳng hề ít đã nhanh chóng “hạ giá” game xuống mức trung bình cộng.
Vấn đề đầu tiên có thể kể đến sự cân bằng khá tệ trong game.
Dẫu biết đặc thù của dòng Rogue-like là người chơi sẽ “tạch” rất nhiều lần để qua đó mạnh hơn và chinh phục được các thử thách trong những lần cố gắng sau, thế nhưng độ khó có tính “nhảy vọt” khiến những lần chơi sau trở nên kém hứng thú đi nhiều, và có những người chơi còn ví nó với việc “chịu tội”.
Thật vậy, sự chênh lệch về thang sức mạnh cũng như mức độ phát triển của các lớp nhân vật vốn đã cao, mà đôi khi Tainted Grail: Conquest lại còn “vui tính” tạo ra các tình huống mà người chơi “không thể không thua”, ví dụ như đưa ra một con trùm có khả năng hồi máu nhiều hơn lượng sát thương mà người chơi có thể gây ra trong 1 lượt.
Kế đến, đó là việc tuy game sở hữu một bộ cánh 3D khá lộng lẫy, thế nhưng việc điều khiển nhân vật di chuyển qua các lối đi trên bản đồ lại được thực hiện rất lủng củng, khó chịu!
Đây là một vấn đề được nêu lên khá nhiều trong giai đoạn Early Access, thế nhưng mãi cho đến hôm nay nó vẫn chẳng được đoái hoài tới.
Tainted Grail: Conquest lại sở hữu rất nhiều lỗi từ lặt vặt cho đến to tổ chảng; chẳng hạn như việc hay văng game đột ngột, mất tập tin lưu (save)…
Sau cùng, là việc tuy đã dán nhãn “chính thức ra mắt”, nhưng Tainted Grail: Conquest lại sở hữu rất nhiều lỗi từ lặt vặt cho đến to tổ chảng; chẳng hạn như việc hay văng game đột ngột, mất tập tin lưu (save), thậm chí là FPS trồi sụt thất thường, và nhiều người chơi khác (không có người viết) than phiền về việc Tainted Grail: Conquest “ngốn” CPU rất dữ (xấp xỉ 100%).
Tổng kết lại, có vẻ như Tainted Grail: Conquest hoàn toàn chưa đủ tiêu chuẩn để thoát ra khỏi giai đoạn Early Access với quá nhiều thứ còn bất ổn như thế này, nhưng vì lý do nào đó mà hãng phát triển lại chơi trò “vượt trạm” khá đáng trách này.