Tales of Symphonia Remastered – Tales of là một dòng game JRPG có tuổi đời chỉ kém Final Fantasy và Dragon Quest một chút, tuy nhiên cũng sở hữu một kho tàng đồ sộ cùng với những di sản không thể nào quên.
Một trong những tựa game để lại ấn tượng đẹp trong lòng người viết đó là Tales of Symphonia. Người viết lần đầu trải nghiệm tựa game này trên nền tảng PS2 gần 20 năm về trước, và đã có nhiều kỉ niệm đáng nhớ cùng với hành trình của cậu chàng Lloyd Irving và cô bé Colette Brunel.
Do đó, việc Bandai Namco quyết định “remaster” lại tựa game này đã đem tới cho người viết một bất ngờ thú vị, và người viết đã mong chờ được khám phá thế giới Sylvarant một lần nữa, dưới hình hài đẹp hơn gấp bội.
Tuy nhiên, sự thực thì sao? Hãy cùng Vietgame.asia tìm câu trả lời qua bài đánh giá sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện tinh túy của JRPG thời hoàng kim
Tales of Symphonia lần đầu ra mắt vào 2003. Mặc dù thời này JRPG đã không còn ở đỉnh cao như thập niên 90 với mật độ game được phát hành dày đặc và chất lượng cực “khủng”, tuy nhiên sức ảnh hưởng của dòng game nhập vai tới từ Nhật vẫn là rất lớn, với những “bom tấn” như Final Fantasy X, Kingdom Hearts, Skies of Arcadia, Golden Sun v..v..
Vào thời này, các tựa game JRPG hầu hết đều được chú trọng khâu tổ chức cốt truyện, không đơn thuần chỉ là một mạch truyện huyền ảo (fantasy) đơn giản nữa, mà đã tập trung phát triển một cốt truyện với nhiều khía cạnh đáng suy ngẫm, và Tales of Symphonia có thể nói là “tiên phong” cho dòng game Tales thời bấy giờ, với một định hướng cốt truyện khác hẳn so với Tales of Phantasia hay Tales of Destiny.
Trong Tales of Symphonia Remastered, chúng ta đến với thế giới Sylvarant, nơi mà “mana”, nguồn năng lượng sống của hành tinh đang ngày càng cạn kiệt, và hệ quả là cây cối chết dần, mùa màng đói kém, dân chúng lầm than.
Để duy trì sự sống, một “Chosen” – người được chọn, sứ giả của nữ thần Martel – sẽ phải thực hiện một cuộc hành hương vòng quanh Địa cầu, đi từ lục địa này tới lục địa khác, thức tỉnh những phong ấn trong những ngôi đền cổ xưa.
Với mỗi phong ấn được mở, Chosen sẽ dần dần biến hóa thành một thiên thần, và khi Chosen hoàn toàn trở thành một thiên thần, thế giới sẽ được tái tạo, mana sẽ được bổ sung, kéo dài sự sống cho cư dân Sylvarant.
Thực tế, khi lần đầu chơi Tales of Symphonia, người viết không khỏi so sánh bố cục tựa game này với Final Fantasy X. Cũng là mô-típ “người được chọn đi vòng quanh thế giới, mở phong ấn các đền thờ (thậm chí Tales of Symphonia cũng gọi là “Summon Spirit”), với một anh chàng hộ vệ ‘trẻ trâu’, sau đó họ khám phá ra bí mật của thế giới”.
Nhưng không! Sự giống nhau chỉ dừng lại ở đó, và mặc dù Tales of Symphonia Remastered có tông màu tươi sáng hơn, nhưng mạch truyện lại tăm tối hơn Final Fantasy X nhiều. Không lâu sau khi khởi đầu, nhóm bạn của chúng ta đã khám phá ra những sự thật trần trụi của thế giới: những “trang trại người” lúc nhúc nô lệ, những lời nói dối của các thiên thần, những sự phản bội…
Xuyên suốt mạch truyện của Tales of Symphonia Remastered, người chơi sẽ bắt gặp rất nhiều những pha “bẻ lái” tới chóng mặt, khiến trải nghiệm như một chuyến tàu lượn cao tốc. Mặc dù đây đã là lần thứ hai người viết trải nghiệm Tales of Symphonia Remastered, nhưng chỉ cần một ký ức bị lãng quên, thì người viết cũng không thể đoán được diễn biến tiếp theo của mạch truyện, và vẫn cảm thấy “bất ngờ”!
Một điểm mạnh khác là dàn nhân vật có tính cách hết sức gần gũi. Lloyd là một cậu bé mặc dù đậm chất “trẻ trâu”, nhưng cực kỳ kiên định, trung thành và yêu thương mọi người, phù hợp với cô bé Colette dễ thương và hậu đậu. Kratos, mặc dù ban đầu là một lính đánh thuê máu lạnh, nhưng dần dần khi anh chàng mở lòng, hóa ra ẩn giấu bên trong là một tính cách hiền dịu như một người cha.
Chính nhờ những tính cách này, và một sự phát triển nhân vật hợp lý, đã đem đến một trải nghiệm gần gũi, tự nhiên cho người chơi. Hỗ trợ thêm là hệ thống “skit” như bao tựa game Tales khác, giúp người chơi xây dựng một mối liên kết vô hình với nhóm bạn Lloyd khi theo chân họ đi tới những miền đất mới, và cảm nhận được những cảm xúc chân thật nhất: vui vẻ, đau buồn, phẫn nộ…
Xuyên suốt mạch truyện của Tales of Symphonia Remastered, người chơi sẽ bắt gặp rất nhiều những pha “bẻ lái” tới chóng mặt, khiến trải nghiệm như một chuyến tàu lượn cao tốc
Mặc dù là bản Remastered nhưng Bandai Namco có vẻ không chỉnh sửa chút nào về mặt dịch thuật, vẫn còn đó những đoạn hội thoại rất… buồn cười, tuy nhiên theo người viết, việc này lại thần kỳ phù hợp với tông màu tươi sáng của tựa game, giúp giảm bớt không khí nặng nề bao trùm, và phần nào đó cũng đã vốn là “bản sắc” của Tales of Symphonia.
Tựu chung lại, nếu bạn là một người hâm mộ JRPG có cốt truyện vừa cổ điển vừa lôi cuốn, thì Tales of Symphonia là một lựa chọn cực kỳ đúng đắn.
BẠN SẼ GHÉT
Cơ chế chiến đấu “cổ đại”…
Khá đáng tiếc, ngoài cốt truyện ra, thì dù sao Tales of Symphonia cũng đã 20 năm tuổi, và những khía cạnh khác bắt đầu để lộ tuổi tác.
Mảng chiến đấu trong Tales of Symphonia Remastered là hành động thời gian thực, trong đó bạn có thể tự do di chuyển, tung ra các đòn tấn công, sử dụng các Arte, vật phẩm. Là một tựa game Tales đời đầu, hệ thống Free Run chưa được sử dụng, khiến nhân vật chỉ có thể bị “khóa cứng” trong phạm vi không gian hai chiều. Do đó, nếu bạn đã quen sử dụng Free Run để né trong các tựa game Tales of sau này, thì chơi Tales of Symphonia Remastered sẽ cảm thấy cực kỳ gò bó, và hầu như không thể sử dụng kỹ năng né tránh.
Mặc dù người viết không hẳn là “ghét” cơ chế chiến đấu của Tales of Symphonia Remastered, khi cơ chế này có tốc độ cao, khá cuốn, đem lại độ thử thách và sảng khoái khi chiến đấu quái trùm không hề tệ, và thực tế là có một chiều sâu chiến thuật nhất định, tuy nhiên sau khi đã trải nghiệm các phiên bản Tales of đời cao hơn, thì không thể phủ nhận việc quay lại một cơ chế chiến đấu hành động thời gian thực “cổ đại” sẽ cảm thấy gượng gạo, và nhiều game thủ chắc chắn sẽ không ưa thích điều này.
Một số cơ chế khác cũng cho thấy sự “cổ” của nó. Đầu tiên là không hề có màn hình theo dõi nhiệm vụ, và game thậm chí còn không cho biết tiếp theo bạn sẽ cần phải đi đâu. Việc này theo người viết là khá hấp dẫn, tăng tính khám phá của một tựa game JRPG… nếu như Tales of Symphonia không bắt người chơi về những địa điểm cũ một cách nhiều quá đáng như vậy.
Ví dụ như Final Fantasy VI đi, đoạn đầu game sau khi người chơi “chôn” xong lâu đài Figaro, thì người chơi sẽ phải lần mò tìm hang South Figaro, sau đó tới Figaro Cave, chui qua đó, rồi tới thị trấn South Figaro là một địa điểm mới toanh.
Hầu như có rất ít lần người chơi phải đi khám phá địa điểm cũ để tiếp diễn cốt truyện, mỗi lần là một địa danh mới, một vùng đất mới chờ khám phá, đem lại sự háo hức, phấn khởi khám phá cho người chơi.
sau khi đã trải nghiệm các phiên bản Tales of đời cao hơn, thì không thể phủ nhận việc quay lại một cơ chế chiến đấu hành động thời gian thực “cổ đại” sẽ cảm thấy gượng gạo, và nhiều game thủ chắc chắn sẽ không ưa thích điều này
Còn Tales of Symphonia Remastered thì sao? Sau khi đã khám phá xong Palmacosta, bạn phải tìm cách đi tới đỉnh Hakonesia, sau đó lại quay về… Palmacosta, rồi tới Trang trại Palmacosta ở gần đó, lần mò đi mãi tới Cảng Thoda, sau đó lại phải… quay lại Palmacosta.
Việc vòng đi, vòng lại này xảy ra rất nhiều trong mạch truyện Tales of Symphonia, mà game thường xuyên không đưa ra chỉ dẫn, thậm chí còn chẳng thèm nhắc đến địa điểm tiếp theo mà người chơi phải khám phá.
Có những lúc, người viết phải… chạy bộ gần một nửa cái lục địa để tìm đầu mối tiếp theo của cốt truyện, mà không hề có “fast travel” hay tàu bay gì cả. Chắc chắn việc này sẽ làm không ít game thủ nản lòng…
“Remastered”?!
Đây là vấn đề chính của người viết đối với Tales of Symphonia Remastered. Gọi là “remastered” lần này đúng là chỉ cho… sang miệng, chứ quả thực người viết cảm thấy đây là một bản chuyển hệ thẳng từ phiên bản PS3, mà bản PS3 lại… chỉ là một phiên bản chuyển hệ của PS2, khá là lằng nhằng nhỉ?
Chơi Tales of Symphonia Remastered, người viết tìm mỏi mắt không thấy game được “tân trang” ở điểm nào. Thậm chí, mặc dù chơi trên PS5 nhưng game bị “khóa” ở 30 FPS, không bằng bản Gamecube với 60 FPS.
Để “nâng cấp” đồ hoạ, Bandai Namco đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng độ phân giải thay vì vẽ tay, và hệ quả là tông màu mờ mịt, các đường viền nhòe nhoẹt, các đường vân của thế giới nhìn cực kỳ rẻ tiền. Ít nhất thì mô hình nhân vật nhìn cũng còn tạm ổn, tuy nhiên phông nền, đường vân đồ vật, tất cả mọi thứ khi nâng lên độ phân giải 1080p nhìn rất tệ hại, gần như dập tắt mong muốn “chơi lại game” của người viết.
Đã vậy, hầu như không có một tính năng nâng cấp nào như các bản “remaster” của các hãng khác. Bình thường các bản “remaster” sẽ có một số công cụ hỗ trợ cho người chơi mới và cũ, như tăng tốc độ game hay tự động lưu game chẳng hạn, nhưng tuyệt nhiên không hề có bất kỳ công cụ hỗ trợ nào, hay chính xác là không có bất kỳ thay đổi nào đối với phiên bản này.
Thậm chí, hệ thống camera theo nhân vật khi di chuyển trên bản đồ thế giới, mặc dù đã bị chê bai rất nhiều nhưng Bandai Namco cũng chẳng thèm mó tay vào, và hệ thống camera vẫn tệ hại như xưa, đem lại trải nghiệm rất khó chịu!
Từ những lý do trên, người chơi có thể sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi “xuống tiền”, vì mặc dù Tales of Symphonia là một tựa game JRPG kinh điển, nhưng phiên bản Remastered này người viết còn thấy nó “cùi” hơn cả phiên bản gốc.
dù Tales of Symphonia là một tựa game JRPG kinh điển, nhưng phiên bản Remastered này người viết còn thấy nó “cùi” hơn cả phiên bản gốc