Skip to content

Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion – Đánh Giá Game

Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion

Crisis CoreFinal Fantasy VII là một tựa game, có thể nói, đã làm thay đổi hoàn toàn dòng game Final Fantasy, mở rộng phạm vi bao trùm của dòng game này trên toàn cầu.

Tựa game này thành công tới mức, tự nó đã sản sinh ra một “dòng game phụ bản” với tên gọi Compilation of Final Fantasy VII, để mở rộng thêm về thế giới đồ sộ của Cloud và những người bạn.

Ra mắt 15 năm trước, Crisis Core: Final Fantasy VII ra mắt độc quyền trên PSP, và mặc dù không “nổi tiếng” bằng tựa game gốc, nhưng cũng đã trở thành một tựa game thu hút nhiều người hâm mộ, cả mới lẫn cũ, đến với hành trình của chàng SOLDIER Zack Fair.

Giờ đây, sau hơn 15 năm trôi qua, trò chơi đã được Square Enix tân trang hoàn toàn và phát hành đa nền tảng (PC, PS4, PS5, Switch, Xbox ONE, Xbox Series) với tên gọi mới là Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion.

Liệu Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion có xứng với những gì phiên bản cũ đã gây dựng? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Mảnh ghép còn thiếu của một thế giới đồ sộ

Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion lấy bối cảnh 7 năm trước Final Fantasy VII (bản gốc). Lúc này, Midgar vẫn chưa được hoàn thiện, Gaia còn tương đối “xanh tươi”, mặc dù đang dần dần bị hút cạn sinh lực bởi tập đoàn ShinRa.

Trò chơi theo chân Zack Fair, một SOLDIER Hạng Hai – lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của tập đoàn ShinRa – và nằm dưới sự hướng dẫn của Angeal Hewley, một SOLDIER Hạng Nhất, và là một trong ba SOLDIER huyền thoại, cùng với Sephiroth và Genesis Rhapsodos.

Sau cuộc tấn công vào Pháo đài Tamblin ở Wutai (nơi Zack một mình “cân” hết cả pháo đài) và kết thúc Chiến tranh Wutai, Angeal đột ngột… biến mất cùng với Genesis, và Zack được giao nhiệm vụ đi tìm hai người này cùng với Tseng.

Cuối cùng, Zack phát hiện ra rằng hai người này đã đào ngũ, và cùng với Sephiroth, Zack được lệnh… triệt hạ hai đối tượng đào ngũ.

Giờ đây, Zack phải lên đường tìm hiểu tại sao người thầy, người bạn của mình, Angeal, một người luôn luôn coi trọng “danh dự” lại làm ra những chuyện như vậy, và từ đó Zack sẽ dần khám phá ra những bí mật đen tối của tập đoàn ShinRa, SOLDIER, và những giá trị của danh dự mà Angeal nhắc đến.

Cốt truyện của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion theo người viết cảm nhận là đủ sức lôi cuốn, với nhiều tình tiết bất ngờ, đặt nhiều dấu hỏi cho người chơi để tiếp tục cuộc hành trình của Zack.

Trong quá trình chơi, người chơi nếu đã từng chơi Final Fantasy VII sẽ thấy rất nhiều gương mặt thân quen, và nhờ Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion, họ sẽ hiểu rõ ràng hơn tiểu sử của họ, những sợi dây liên kết giữa các nhân vật, Sephiroth, Zack, Aerith, Cloud, the Turks và ShinRa thật sự là gì.

Đặc biệt, người chơi sẽ tìm thấy một Sephiroth gần gũi, “con người” hơn bao giờ hết ở Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion. Hắn ta không chỉ là một cỗ máy giết chóc, mà thật sự có những cảm xúc giống con người, có bạn bè, có buồn đau, có lo lắng…

Quan trọng nhất, người chơi FF7 sẽ được biết Zack là người như thế nào, và nguồn gốc của thanh kiếm trứ danh Buster Sword ra sao. Rất nhiều người hâm mộ mới đến với dòng game đã tự hỏi anh chàng tóc đen ở cuối Final Fantasy VII Remake là ai vậy? Kể cả khi bạn chơi FF7 bản gốc, thì Zack Fair cũng không hề được phác hoạ chi tiết, và thực sự mặc dù ảnh hưởng của Zack lên Cloud là cực kì quan trọng, nhưng những gì người chơi bản gốc có thể hiểu về Zack trong game là quá ít.

Những cung bậc cảm xúc của game nay càng được trở nên khuếch đại hơn nhờ vào việc game đã được lồng tiếng hầu như toàn bộ cốt truyện chính, thay vì chỉ tập trung vào một số phân cảnh như ngày xưa (do giới hạn phần cứng của PSP).

Có thể nhiều bạn đọc sẽ nghĩ rằng Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion sẽ thay đổi cốt truyện để phù hợp với những thay đổi của Final Fantasy VII Remake, tuy nhiên với tư cách là người đã chơi bản gốc trên PSP, người viết khẳng định mạch truyện được “sao y” bản gốc, hoặc có thể có những đoạn cắt cảnh giấu kín mà người viết chưa tìm thấy, và cũng chưa nghe thấy ai nhắc đến.

Cốt truyện của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion theo người viết cảm nhận là đủ sức lôi cuốn, với nhiều tình tiết bất ngờ, đặt nhiều dấu hỏi cho người chơi

Nghĩa là, kết thúc của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion vẫn sẽ là kết thúc để dẫn tới Final Fantasy VII bản gốc, mà chưa bị… tới đây là phạm vi “spoiler”, người viết sẽ để bạn đọc tự khám phá nhé!

Tóm lại, người hâm mộ Final Fantasy VII chắc chắn sẽ muốn chơi Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion, vì những sự kiện, nhân vật xuất hiện trong game đóng góp một phần không hề nhỏ vào tổng thể mạch truyện của thế giới Final Fantasy VII, và kể cả bạn có không phải là “fan cứng” Final Fantasy VII đi chăng nữa, thì cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn, hồi hộp với nhiều cảnh chiến đấu mãn nhãn sẽ làm hài lòng bạn.


Crisis Core

Remaster, Remastera, Remasteraga!!!

Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion chính thức được liệt vào dạng “remaster” (tút lại), nhưng người viết cũng thấy khá bất ngờ về mức độ “remaster” rất cao cấp của tựa game này, đặc biệt lại được thực hiện bởi công ty nổi tiếng… kẹt xỉ về khoản “remaster” là Square Enix.

Hầu như tất cả mọi thứ trong game: đường vân (texture) của vật thể, mô hình nhân vật, cho tới giao diện người dùng đều được “tân trang” lại theo phong cách của Final Fantasy VII Remake (thậm chí sử dụng Unreal Engine 4 để dựng lại luôn).

Kết quả là một tựa game mà người chơi hoàn toàn có thể nghĩ đây là một phần ngoại truyện mới được sản xuất gần đây! Thậm chí, đồ hoạ được nâng cấp chuẩn chỉ tới mức người chơi có thể… hình dung được một số địa danh như Junon, Costa de Sol hay Gongaga trong Final Fantasy VII Rebirth sẽ được mô tả lại như thế nào.

Những chiêu thức tấn công mang tính “điện ảnh” (CGI) của những Summon cũng được làm lại hoàn toàn, hệ quả là người chơi sẽ được chiêm ngưỡng những pha khè Megaflare cực kỳ “ngầu” của Bahamut ở 4K, và quả thực chúng đẹp tới nỗi người viết gần như không bao giờ bỏ qua những phân cảnh này khi triệu hồi các Summon!

Crisis Core

Chiến đấu, nhờ vào việc gỡ bỏ rào cản số nút ít ỏi của PSP, giờ đây giúp Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion thực sự trở thành một tựa game hành động. Nếu các bạn chưa biết, ở phiên bản PSP thì người chơi phải… tua vòng lệnh, nghĩa là muốn tấn công phải tua đến lệnh tấn công rồi bấm X, muốn dùng kỹ năng hay phép hay vật phẩm gì phải tua vòng đến chỗ đó, khiến tựa game lại… mang hơi hướng đánh theo lượt.

Với số lượng nút bấm thoải mái của DualSense, giờ đây đòn tấn công đã có một nút riêng. Người chơi dễ dàng sử dụng kỹ năng với phép mà họ lựa chọn sử dụng nút L1, và sử dụng vật phẩm bằng cách lựa chọn chúng từ trong bảng. Ngoài ra, việc có thêm một joystick làm cho việc xoay camera trở nên “thuận buồm, xuôi gió”.

Nhờ vào việc giải phóng số nút bấm như vậy, chiến đấu của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion trở nên nhanh, hấp dẫn, là một tựa game hành động thực thụ, đem tới một trải nghiệm khác hẳn so với tựa game gốc.

Tất nhiên, cơ chế chiến đấu vẫn giữ những giới hạn của một tựa game 15 năm tuổi trên một hệ máy cầm tay, do đó nếu bạn mong muốn một tựa game hành động thực sự với những combo đã mắt, sướng tay thì chắc chắn Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion chưa đủ tầm.

Crisis Core

Tuy nhiên, đối với những người hâm mộ Final Fantasy VII, hoặc những người đã từng chơi Crisis Core bản gốc, hoặc thậm chí những người chơi mới nhưng không quá đặt nặng vào sự cầu kỳ phức tạp lối chơi, thì cơ chế chiến đấu được tân trang lại của tựa game là quá đủ, nhanh, tốc độ cao, với khả năng tùy biến lớn thông qua hệ thống Materia và Materia Fusion, nơi bạn có thể “chế cháo” ra những kỹ năng mới bằng cách… trộn bừa các nguyên liệu vào với nhau.

Âm nhạc cũng đã được làm lại một cách tử tế, vừa giữ được linh hồn của Final Fantasy VIICrisis Core, vừa đem lại một trải nghiệm tân tiến.

Người viết cũng khuyên bạn đọc, nếu không cần phải chơi game mọi lúc mọi nơi, hãy chơi phiên bản PS5, PC hoặc Xbox Series X để có thể trải nghiệm và chiêm ngưỡng toàn bộ những nâng cấp của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion với nền đồ họa 4K 60 FPS!

cơ chế chiến đấu được tân trang lại của tựa game là quá đủ, nhanh, tốc độ cao, với khả năng tuỳ biến lớn

BẠN SẼ GHÉT

DMW

DMW (Digital Mind Wave) là một cơ chế “độc nhất vô nhị” của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion, và là thứ khiến nhiều người chơi… điên đầu nhất, trong đó có cả người viết!

Đại khái nó là một “cỗ máy đánh bạc” xoay liên tục ở góc phía trên bên trái màn hình, người chơi không hề có quyền tác động vào nó, và nó cứ tự động xoay như vậy trong trận chiến mà thôi.

Trên mặt của DMW là hình ảnh của những nhân vật mà Zack đã gặp xuyên suốt hành trình, cùng với một con số.

Nếu những con số này quay ra một bộ số nhất định, ví dụ 111 222 333, hoặc một bộ số chứa số 7 v.v, thì người chơi sẽ nhận được một số hiệu ứng có lợi như miễn nhiễm tấn công vật lý, v.v.

Nếu ba hình ảnh trùng nhau, Zack sẽ sử dụng được Limit Break của nhân vật đó.

Cơ bản là không có hiệu ứng xấu nào, chỉ có một mớ buff ngẫu nhiên nếu người chơi quay được trúng số mà không cần người chơi tác động. Vậy tại sao người chơi lại không thích DMW?

Lý do là DMW gắn liền với cả tiến trình của trò chơi, và cả những kỹ năng người chơi muốn thi triển! Cụ thể, để Zack được tăng cấp, ngoài việc tăng kinh nghiệm, người chơi phải… cầu may cho DMW nó quay ra 777. Thành thử, có lúc người viết đánh cả giờ không tăng cấp nào, xong đánh thêm 4 trận tăng liền 4 cấp!

Muốn tăng cấp Materia Lửa để bắn phép mạnh hơn? DMW.

Muốn tăng cấp kỹ năng Firaga Blade mới cóong của bạn? DMW.

Muốn triệu hồi ra Bahamut để xem phân cảnh? DMW.

Muốn sử dụng Limit Break? DMW.

DMW (Digital Mind Wave) là một cơ chế “độc nhất vô nhị” của Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion, và là thứ khiến nhiều người chơi… điên đầu nhất, trong đó có cả người viết!

Có quá nhiều thứ phụ thuộc vào một thứ hoàn toàn ngẫu nhiên (hoặc có một thuật toán đảm bảo nào đó mà người dùng không được biết), khiến cho việc chiến đấu đôi khi không còn nằm trong tầm kiểm soát của người chơi, mà phụ thuộc hơn vào… sự “vui vẻ” của hệ thống.

Tất nhiên, sẽ có những khoảnh khắc mà bạn sẽ phải “thầm cảm ơn” DMW, chẳng hạn như đang sắp “tèo” thì nó cho một buff miễn nhiễm sát thương, hoặc buff dùng kỹ năng không tốn AP suốt cả trận đấu.

Tuy nhiên, người viết chắc chắn sẽ không muốn giao hoàn toàn số phận của Zack Fair vào một cái máy đánh bạc, và điều này có thể sẽ gây khó chịu với một số người chơi đam mê game hành động như God of War chẳng hạn.

Tóm lại, DMW là một cơ chế “độc lạ” mà người chơi sẽ phải tập làm quen với sự hiện diện của nó, và ảnh hưởng tuyệt đối của nó đối với lối chơi của người chơi.

Ít nhất thì trong bản Reunion này, Square Enix đã cải thiện “modulating phase”, thay vì che toàn bộ màn hình mỗi lần có 2 khuôn mặt giống nhau thì giờ đây modulating phase sẽ diễn ra tự động, cho phép người chơi tiếp tục chiến đấu mà không bị ngắt quãng liên tục giữa chừng.


Tàn dư của một thế hệ…

Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion được xây lại như mới từ gốc lên, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều tàn dư của một thế hệ xưa cũ.

Đầu tiên có thể kể đến việc “bắt gặp ngẫu nhiên” (random encounter). Tần suất này của game lại thuộc dạng “rát”, nhiều khi đi có vài bước là đã phải chiến đấu rồi, cản trở việc khám phá rất nhiều!

Thứ hai có thể kể tới hệ thống nhiệm vụ gồm… 300 nhiệm vụ cực kỳ đồ sộ! Có lẽ hệ thống này phù hợp với hệ máy cầm tay, khi bạn có thể móc PSP ra trong lúc chờ xe buýt đến trường rồi “nhoáy” nhanh một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên, với console thì người viết làm tầm một nửa là đã bắt đầu thấy… oải, mà không làm lại không xong, vì khá nhiều vật phẩm quan trọng bị khóa sau những nhiệm vụ không mấy đa dạng này.

Mặc dù được tân trang “da thịt”, nhưng trò chơi vẫn để lộ rõ khung xương cũ kỹ của các nhân vật, với những cử động cứng ngắc, biểu cảm khuôn mặt khá “đơ”, không đạt được tới tầm trôi chảy của Final Fantasy VII Remake.

Các đoạn phân cảnh CGI dựng sẵn, hồi game mới ra PSP thì rõ ràng là “một trời, một vực” với đồ họa trong game, ở phiên bản này cũng “một trời, một vực” nhưng… ngược lại. Chúng chỉ được lọc qua một bộ lọc “upscale” đơn giản, không có độ phân giải cao nhất, khi chiếu lên màn hình lớn cảm giác rất mờ và cũ kỹ, trái ngược với đồ họa được tút tát thật sự trong game.

Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion được xây lại như mới từ gốc lên, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều tàn dư của một thế hệ xưa cũ

Bạc 8.5

Là một bản tân trang chất lượng từ đồ họa cho tới lối chơi, Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion, mặc dù không phải là không có những hạn chế, nhưng vẫn là phương thức "chuẩn chỉ" nhất giúp người hâm mộ trải nghiệm câu chuyện tuyệt vời của Zack Fair và kết nối anh chàng tới vũ trụ rộng lớn của Final Fantasy VII.

Thông tin

  • Crisis Core: Final Fantasy VII Reunion
  • Nhà phát triển
    Square Enix
  • Nhà phát hành
    Square Enix
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    14/12/2022
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows® 10 / Windows® 11 64-bit
  • CPU
    AMD A8-7600 / Intel® Core™ i3-3210
  • RAM
    8GB
  • GPU
    AMD Radeon™ RX 460 / Intel® Arc™ A380 / NVIDIA® GeForce® GTX 750 Ti
  • Lưu trữ
    30GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SQUARE ENIX. Chơi trên PlayStation 5.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận