Skip to content

The Chant – Đánh Giá Game

The Chant

The Chant là tựa game phiêu lưu kinh dị được phát triển bởi hãng Brass Token, một cái tên còn rất xa lạ với cộng đồng game thủ, tuy nhiên lại được “bảo trợ” bởi ông lớn PLAION (tiền thân là KOCH Media, công ty mẹ của Deep Silver – NV).

Tuy được “chống lưng” bởi thế lực to, thế nhưng bản thân tựa game cũng không được quảng bá rầm rộ, và chỉ bất thình lình thông báo qua các đoạn trailer trông khá là thú vị, và được mô tả có tính chất “cosmic horror” – hay còn có tên gọi khác là “Lovecraftian”, một trường phái kinh dị của những ai đam mê nhà văn H.P. Lovecraft và vũ trụ Cthulhu đầy ma mị của ông.

Vậy để xem The Chant liệu sẽ mang sự ma mị nào đến với chúng ta thông qua bài đánh giá sau của Vietgame.asia, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

The-Chant-Danh-Gia-Game

CŨNG ĐƯỢC PHẾT!

The Chant mở đầu bằng một đêm nọ tại một quần đảo có tên “Glory”, nơi đây có một giáo phái bí hiểm đang thực hiện nghi lễ quan trọng đầy tâm linh. Khung cảnh xung quanh bất thình lình xuất hiện những hình ảnh kỳ quái bao trùm khuôn viên. Mọi thứ dường như đang yên ả thì đột ngột bị xáo trộn khi có một thành viên bỏ chạy vì sợ hãi. Sau một lúc chạy trốn thì thành viên này đã… nhảy xuống vực thẳm.

Bẵng đi một thời gian sau, nhân vật chính của chúng ta, Jessica Briars, quyết định đến hòn đảo này vì nghe lời cô bạn tên Kim – cả hai nhân vật đều từng trải qua một quá khứ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý – nhằm tham gia chương trình “Prismic Science Retreat” để có thể cùng nhau điều trị và có được cuộc sống bình thường trở lại.

Thế nhưng có ai ngờ, cuộc hành trình này không như cô tưởng.

Thật ra, ý tưởng về việc dùng sức mạnh tâm linh, trải qua các biến cố với những miêu tả bằng những hình ảnh mang tính tượng trưng cho căn bệnh trầm cảm cũng không còn mấy xa lạ trong ngành công nghiệp game.

The-Chant-Danh-Gia-Game

The Chant cũng áp dụng phương thức này, đâu đó làm người viết nhớ tới dòng game huyền thoại: Silent Hill về các khu vực ma quái kỳ bí và đầy tội lỗi, và còn ở cách tạo hình các loài quỷ có đầu hoa mọc trên mặt cũng làm người viết nhớ tới đám zombie trong The Last of Us Part 1, thậm chí xưa hơn nữa là dòng game Obscure.

Lấy bối cảnh tập trung vào hòn đảo Glory ma mị, tất cả các khu vực của game ban đầu đều tuyến tính, nhưng càng về sau người chơi sẽ liên tục mở được các đường tắt khác nhau, tạo thành một hòn đảo liền mạch giữa các địa điểm rất thú vị.

Cách thiết kế và khai thác từng màn chơi của The Chant thật sự tốt hơn người viết nghĩ. Nó có sự thấu đáo, chăm chút kỹ lưỡng khi cố gắng tạo ra đổi mới của việc tìm đường giải đố, đan xen tình tiết câu chuyện vào bối cảnh đa dạng với sự hợp lý nhất có thể.

Tại mỗi nơi đều được chia ra và dàn trải thành hai dạng chính: khu vực bị nhiễm của loài hoa quỷ và không bị ảnh hưởng. Cả hai đều có các loài quỷ mạnh, yếu khác nhau cho người chơi tha hồ “tẩm bổ”, riêng khu vực bị nhiễm nếu nhanh tay thanh trừng loài hoa “trùm” thì nơi đó sẽ được thanh tẩy.

Các địa điểm trong The Chant bao gồm những mảnh ghép ký tự dùng cho việc mở cổng cho đường tắt. Muốn tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng siêu nhiên và sự hình thành của giáo phái bí ẩn thì người chơi cần kiếm tư liệu, các cuộn băng giải thích.

Quan trọng hơn, đó là việc tìm kiếm các vật dụng hỗ trợ chế tạo những món đồ trợ giúp cho chiến đấu, và các loại cỏ hồi phục cho trạng thái của nhân vật chính: tâm trí, thể chất và tâm hồn.

The-Chant-Danh-Gia-Game

Hệ thống chiến đấu của The Chant dễ hòa nhập, dễ dùng và cũng rất dễ “gây nghiện”

Các trạng thái này cũng được nâng cấp qua việc tìm được những loại đá đặc biệt, về sau chúng sẽ còn bổ trợ thêm các kỹ năng hữu dụng cho nhân vật khi chiến đấu như: nâng cấp khả năng lưu trữ các vật liệu, hất đẩy với lượng phản đòn nhất định, khả năng chịu đòn, v.v.s

Điều này đặc biệt thể hiện rõ hơn khi người chơi bước vô các khu vực bị nhiễm trong The Chant: thanh tâm trí bị giảm dần – chỉ có thể hồi được thông qua tìm đọc các manh mối câu chuyện, các vật phẩm hoặc sử dụng năng lực “tâm hồn” khi ra khỏi vùng nhiễm.

Thanh tâm hồn tượng trưng cho năng lượng để sử dụng cho các kỹ năng “khủng” như… thả ruồi từ miệng để hỗ trợ giết quái, hay tiếng hét thất thanh hất văng kẻ địch, v.v. Nhắc đến các kỹ năng này, người chơi sẽ thu thập được trong quá trình hạ trùm của tuyến truyện chính.

Các trận đấu trùm chính, hoặc ẩn trong màn chơi có diễn biến hấp dẫn, đủ lượng và gây cấn. Đòi hỏi người chơi phải biết sử dụng cân bằng hợp lý giữa các loại tro phù hợp, né đòn, và khả năng bổ trợ, song song các vật phẩm.

Hệ thống chiến đấu của The Chant dễ hoà nhập, dễ dùng và cũng rất dễ “gây nghiện”. Người viết nhiều lần cứ dùng các “tro nhang” – với ba loại phù hợp cho từng loại quái – để phóng tới chiến đấu đầy hả hê, mà phải nói, cách né đòn cũng có “mùi quen thuộc” của The Last of Us Part 2. Đặc biệt, nếu so với các tựa game kinh dị khác thì hệ thống chuyển động của The Chant ổn áp.

Nhìn chung tổng quan về lối chơi, cách xây dựng và thiết kế của The Chant tuy không mới, vay mượn nhiều ý tưởng của các tựa game nổi tiếng xung quanh. Nhưng tựa game vẫn hoàn thành vai trò, được làm ổn thoả với sự trải nghiệm nuột nà từ hệ thống chiến đấu, giải đố, tìm đường cũng như đáng khen cho sự tối ưu hoá của hãng dành cho nền đồ họa, lồng tiếng và âm thanh môi trường.

BẠN SẼ GHÉT

ĐÁNG BUỒN CHO NHỮNG HẠN CHẾ

The Chant tuy là một tựa game có chiều sâu cùng bối cảnh ma mị, với lối thiết kế có tiềm năng, nhưng khi chơi xong mọi thứ vẫn… trơn tuột vì điểm bất cập lớn đến từ khả năng dẫn truyện và các tuyến nhân vật.

Các nhân vật nhàm chán, “một màu” và quá ít đất diễn để có được sự cảm thông từ người chơi, hoặc ngay cả tạo cho mình sự đáng ghét qua những quyết định ngu xuẩn cũng không làm tới nổi! Người viết có cảm giác họ được sinh ra chỉ là một “công cụ” cho nữ nhân vật chính đi từ địa điểm này tới địa điểm kia, hơn là những tuyến nhân vật với nội tâm phức tạp.

Thật tiếc vì bối cảnh game làm gợi nhớ tới cái cách mà Silent Hill thể hiện trong việc thể hiện tội lỗi của loài người, đem đến những góc khuất đen tối để dẫn lối cho việc khai sinh ra các yếu tố siêu nhiên thì The Chant không thể làm tới nơi tới chốn.

Cách dẫn dắt câu chuyện của The Chant cũng không khá hơn là bao, dẫu chơi lôi cuốn nhưng vì cứ liên tục vồ dập và được thúc đẩy vội vã, nữ nhân vật chính – với câu chuyện nền gây ám ảnh cô ấy, tạo ra căn bệnh trầm cảm – cũng không có nhiều tình tiết hợp lý nào khi cô chỉ… “sợ một chút” rồi xông pha mặt trận với đủ mọi loại quái mà không rụt rè gì nữa, làm người viết nhớ nàng Lara Croft “giả nai” khóc lóc, nói lý trong đoạn các cắt cảnh và sau đó lạnh lùng hạ thủ các tay lính!

Xuyên suốt hành trình người chơi sẽ đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới đa kết cục, tương ứng ba trạng thái của nữ nhân vật chính trong The Chant.

Tuy nhiên, tất cả cái kết này đều thực hiện cẩu thả, vội vàng và cụt ngủn. Chơi xong, người viết cảm thấy hụt hẫng nhiều hơn vì sự vô lý trong cách hành xử của các nhân vật sinh tồn còn lại. Không có một câu trả lời nào thiết thực và đủ tốt cho cả một hành trình của nhân vật chính.

Bất cập khác cũng tới từ màn chơi – nghe kỳ nhỉ? Ở trên khen, nhưng giờ lại chê một tí? Thật ra, đó cũng là điểm chê duy nhất về sự kỳ quặc trong tính năng “teleport” (dịch chuyển) tương ứng với các loại hoa màu khác nhau mà The Chant mang tới.

Tựa game vốn không cung cấp bản đồ, nên người chơi hoàn toàn phải tự lực cánh sinh bằng việc ghi nhớ và xem bản chỉ đường như ngoài đời thực. Chính vì sợ người chơi… đi lạc, hãng mang tới các địa điểm hoa có khả năng dịch chuyển nhanh. Khổ nỗi vì không thể nhớ được hết toàn bộ các địa điểm nằm ở đâu cho các loại hoa màu tương ứng, nên không ít lần người viết bị lạc đường với tính năng này còn nhiều hơn là cuốc bộ các lối đi tắt bình thường của The Chant.

Nền tảng đồ họa của game khá nuột nà, dường như không hề có lỗi nào diễn ra trong toàn bộ thời gian chơi. Nhưng về phong cách chỉ đạo nghệ thuật thì lại… rất chán, vì không có nổi một địa điểm nào đẹp ngất ngây, thậm chí chuyển động tay chân và khuôn mặt trong The Chant khá thô và kỳ quặc, đặc biệt khi so với Until Dawn hay dòng game với kinh phí đầu tư nhỏ hơn là The Dark Pictures Anthology: Men of Medan.

Có lẽ, lý do một phần lớn ảnh hưởng tới việc cảm thụ cảnh quan không tốt là vì góc nhìn camera quá sát nhân vật chính. Ở những phân cảnh mà hãng muốn nhấn nhá thì camera cũng không phóng xa ra như cái cách mà Resident Evil 2 Remake hay gần đây là “bom tấn” God of War Ragnarok đã thể hiện!

khi chơi xong mọi thứ vẫn… trơn tuột vì điểm bất cập lớn đến từ khả năng dẫn truyện và các tuyến nhân vật

7.5

The Chant hoàn thành vai trò trong việc mang tới bối cảnh ma mị, cân bằng ổn thoả giữa giải đố và tìm đường, cùng với đó là hệ thống chiến đấu dễ chơi, dễ điều khiển.

Tuy nhiên, điểm yếu khiến tựa game khó có chỗ đứng trong lòng game thủ hiện tại đến từ việc thể hiện chưa "đủ đô" yếu tố dẫn truyện và các nhân vật trơn tuột.

Khi hoàn thành trò chơi, người chơi sẽ khó lòng cảm thấy thỏa mãn với trải nghiệm mà The Chant mang lại, dẫu tựa game hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

Thông tin

  • The Chant
  • Nhà phát triển
    Brass Token
  • Nhà phát hành
    Prime Matter, Plaion
  • Thể loại
    Phiêu lưu, Giải đố
  • Ngày ra mắt
    03/11/2022
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64-bit
  • CPU
    Intel Core i7-9700K @ 3.60GHz / AMD Ryzen 5 3600
  • RAM
    16GB
  • GPU
    GeForce RTX 2060 Super, 8 GB / Radeon RX 5700, 8 GB
  • Lưu trữ
    35GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi PLAION. Chơi trên PlayStation 5.

Tác giả

Rapon Tran

I love RPG, Action Adventure, Adventure game. Especially hidden indie gems, thanks to them for bringing new lights into gaming industry.

Thảo luận