The Revenant Prince – Sau rất nhiều năm chơi các thể loại như Final Fantasy, Dragon Quest, Trails, người viết đã tự hỏi: cái gì tạo nên một tựa game JRPG (game nhập vai kiểu Nhật) thu hút?
Một vị anh hùng “được chọn”, ban đầu là một lính quèn sau đó đánh một thực thể “siêu to khổng lồ” nào đó cứu Trái đất?
Những kỹ năng “siêu khủng”, hay những kiểu tóc dựng đứng khác người?
Hay một hệ thống chiến đấu đặc trưng không thể nhầm lẫn?
Có rất nhiều hãng game độc lập đã cố gắng mô phỏng thành công của những tượng đài bằng cách máy móc sử dụng những công thức có sẵn, nhưng cũng không thiếu những tựa game vừa lấy được cảm hứng từ những tựa game cổ điển, vừa sáng tạo nên những đặc trưng của mình.
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu The Revenant Prince, một tựa game được quảng bá: lấy cảm hứng từ các tựa game JRPG nổi tiếng, xem tựa game này thuộc loại nào nhé.!
BẠN SẼ THÍCH
CỐT TRUYỆN… ĐEN TỐI!
The Revenant Prince có một cốt truyện lấy cảm hứng sâu sắc từ những tựa game JRPG kinh điển như Final Fantasy và Chrono Trigger.
Bạn sẽ nhập vai anh chàng Troy, một tay lính của Đế quốc Lumerian, với mục tiêu cao cả, thường thấy và kinh điển: mang lại hòa bình cho thế giới.
Tuy nhiên, Troy sớm phát hiện ra là để thực hiện mục đích “có vẻ cao cả” này được thực thi bằng vũ lực, khi Đế quốc sẵn sàng chĩa súng vào dân lành nếu họ chống đối lệnh, và chính Troy là người “thực thi” mệnh lệnh xử tử một người nổi loạn.
Sau đó, Troy đã đứng ra chất vấn cấp trên Olga về hành động này, và kết quả là anh suýt chết, nếu như người bạn thơ ấu Gabriella không hi sinh bản thân mình để giúp Troy bỏ chạy.
Tuy nhiên không lâu sau Troy, vì kiệt sức, đổ gục xuống nền tuyết trắng xung quanh mình, và tỉnh dậy ở một nơi lạ hoắc với một cô gái người cáo (hay người thỏ gì đó), với một trí nhớ không ổn định, và từ đây, cuộc phiêu lưu của Troy để chiến đấu với cái ác bắt đầu.
Trong tựa game này, Troy sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn, mỗi lựa chọn sẽ góp phần thay đổi nội tâm của anh, thay đổi cách nhìn của các NPC (nhân vật không phải người chơi) xung quanh anh, và có thể phản ánh chính xác thiện/ác trong con người của Troy.
Do đó, nhờ các lựa chọn tạo ra cốt truyện phân nhánh, mỗi lần chơi có thể tạo ra một trải nghiệm khác nhau.
The Revenant Prince có một cốt truyện khá đen tối, tỉ như khi bạn bắt buộc phải “kết liễu” người quen vì không còn cách nào cứu vãn
Mặc dù cơ chế này không mới (Red Dead Redemption 2 hay Undertale còn có hệ thống tương tự mà “nặng ký” hơn), nhưng cũng đã góp phần tăng cường tính “nhập vai” cho tựa game này, và đôi khi khiến bạn “lấn cấn” không biết mình đã lựa chọn chính xác hay chưa.
Phần còn lại của cốt truyện, để tránh tiết lộ quá nhiều trước nội dung, có thể nói là cuốn hút (và bạn sẽ không có chỉ dẫn cụ thể trên bản đồ đâu, điều này khiến một người yêu thích JRPG cổ điển như người viết cảm thấy… hấp dẫn).
Nhân tiện, The Revenant Prince có một cốt truyện khá đen tối, tỉ như khi bạn bắt buộc phải “kết liễu” người quen vì không còn cách nào cứu vãn, hoặc một người đưa nhiệm vụ cho bạn sẽ… tự vẫn trên một mỏm đá sau khi thực hiện “di nguyện” cuối cùng, do đó bạn sẽ cần chuẩn bị một chút tâm lý nếu đã quen chơi những tựa game JRPG “trong sáng”.
THẾ GIỚI “MỞ”
Về mặt thế giới, có thể nói, trò chơi được phân làm hai nửa: nửa đầu sẽ “thẳng” giống như một tựa game JRPG truyền thống (thậm chí cách Troy “xử lý” dân làng ngay đầu game chẳng khác gì Cecil Harvey đốt Mysidia trong Final Fantasy IV), tuy nhiên càng về sau thế giới càng “mở” hơn, và tới một thời điểm nhất định….
CẢNH BÁO SPOILER!!!
… thế giới sẽ mở ra cho bạn cả về không gian và thời gian, cho bạn di chuyển giữa các địa điểm và mốc thời gian khác nhau, và thậm chí bạn có thể… đánh trùm cuối và kết thúc game luôn nếu bạn thấy “đủ khỏe”!
HẾT CẢNH BÁO!!!
Cách tiếp cận ở trên rõ ràng là “mượn ý tưởng” từ một tựa game khác của Square Enix – Chrono Trigger – và điều này tạo sự thống nhất với cốt truyện của tựa game, đồng thời cho người chơi sự tự do hiếm thấy trong các tựa game nhập vai, giúp trải nghiệm thoải mái và không bị gò ép.
Bạn cũng có khả năng “dịch chuyển tức thời” giữa các thành phố, do đó việc di chuyển giữa thế giới cũng phần nào thoải mái và dễ dàng hơn.
Một điểm trừ nho nhỏ là trò chơi không hề có bản đồ thế giới (mà nếu có thì cũng chẳng chỉ dẫn rõ ràng là nó nằm ở đâu), nên việc định vị đôi khi sẽ gặp chút khó khăn.
Người chơi có sự tự do hiếm thấy trong các tựa game nhập vai, giúp trải nghiệm thoải mái và không bị gò ép
CƠ CHẾ CHIẾN ĐẤU
Đây có thể vừa coi là điểm mạnh vừa là điểm yếu của The Revenant Prince.
Cơ chế chiến đấu của tựa game này là “Active Time Battle” (tên giống cơ chế của Final Fantasy IV tới IX), tuy nhiên thực tế thì nó lại giống với… Final Fantasy XIII hơn.
Bạn sẽ có thể trang bị 3 vũ khí, gồm kiếm, súng và khiên, mỗi vũ khí sẽ có một thanh gọi là BP riêng, liên tục tự hồi theo thời gian.
Kiếm và súng sẽ có ba kiểu tấn công: tấn công mạnh, tấn công trung bình và tấn công nhẹ, mỗi kiểu tấn công sẽ “ngốn” một lượng thanh BP khác nhau, đồng thời thời gian hồi chiêu của mỗi kiểu tấn công cũng khác nhau, do đó người chơi cần phải cân đối giữa việc sử dụng các kiểu tấn công nhằm tối ưu hóa thời gian hồi chiêu và lượng BP sử dụng.
Tuy nhiên, nhờ việc thanh BP là độc lập, do đó người chơi có thể “xoay tua” các loại vũ khí liên tục nhằm thực hiện các chuỗi “combo” liên hoàn vào kẻ địch, đồng thời về tư thế thủ ngay sau khi tấn công, giúp cho việc chiến đấu trở nên nhanh và hấp dẫn.
Một điểm đặc biệt trong chiến đấu là khi bạn đánh hết máu địch thì bạn có hai lựa chọn: đợi một khoảng thời gian để địch chạy đi, hoặc là kết liễu địch.
Việc này có ảnh hưởng tới phe thiện/ác như đã mô tả ở trên, tuy nhiên thì không kết liễu địch bạn vẫn sẽ nhận được đầy đủ kinh nghiệm và vật phẩm, do đó đây hoàn toàn do người chơi quyết định.
Trong chiến đấu, ngoài các lệnh đánh nhau cơ bản thông thường bạn còn có thể mở ra một trình đơn đặc biệt, khi bạn có thể “nói chuyện” với mục tiêu hoặc là thả cho mục tiêu đi, tăng tính tương tác giữa nhân vật chính và thế giới, chứ không chỉ đơn thuần là lao vào đánh nhau nữa.
Khá đáng tiếc là tựa game không cho người chơi sử dụng nhiều kỹ năng đặc biệt mà chỉ tập trung vào vũ khí, do đó hầu như không thể tạo được độ gay cấn và tính toán chi li như Final Fantasy XIII.
Hơn nữa, xuyên suốt The Revenant Prince, mặc dù sẽ có nhiều người gia nhập nhóm của Troy, tuy nhiên bạn không thể sử dụng họ trong chiến đấu mà chỉ có thể “triệu hồi” một đợt tấn công của họ bằng lệnh “Hỗ trợ” trong trình đơn, vừa khiến chiến đấu trở nên đơn điệu vừa khiến người chơi mất đi “hứng thú” về việc có thêm thành viên mới trong đội.
Người chơi có thể “xoay tua” các loại vũ khí liên tục nhằm thực hiện các chuỗi “combo” liên hoàn vào kẻ địch, đồng thời về tư thế thủ ngay sau khi tấn công, giúp chiến đấu trở nên nhanh và hấp dẫn
Một điểm trừ khác, có lẽ do tựa game chỉ được làm bởi một người, do đó sự đa dạng quái vật là khá hạn chế, và nhiều quái vật được lặp đi lặp lại suốt trò chơi.
Tuy nhiên, nếu bạn đã chán chiến đấu thì tựa game cho phép bạn… tắt luôn khả năng gặp quái vật, đỡ phải chiến đấu phiền phức.
Tất nhiên là bạn không thể “tắt” quái trùm, do đó bạn không thể băng băng một đường tới hết game mà vẫn cần “cày cuốc” tăng cấp và tiền.
BẠN SẼ GHÉT
HỆ THỐNG NÂNG CẤP CÁ NHÂN
Trong The Revenant Prince, ngoài việc tăng chỉ số qua tăng cấp, thì bạn có thể tăng thêm các chỉ số khác thông qua hệ thống “Sphere Grid” (nghe y như Final Fantasy X).
Bạn sẽ trả SGP để nâng cấp các “nút” của một trong ba loại “Tấn công”, “Phòng thủ”, “Kỹ năng”, giúp bạn tăng thêm một chút chỉ số.
Điểm trừ ở đây là các “nút” này không bỏ công cày SGP, khi cày thì lâu mà lượng tăng lại… bé xíu, không đem lại cảm giác “sướng” như khi bạn cày AP cho Sphere Grid của Final Fantasy X, hay cày CP để tăng chỉ số và “mở khóa” kỹ năng mới cho hệ thống Crystarium của Final Fantasy XIII.
người chơi sẽ rơi vào trạng thái không biết có nên cày nâng cấp vũ khí không, vì biết đâu thành phố mới có vũ khí ngon hơn thì sao?
Ngoài ra, bạn cũng có thể nâng cấp vũ khí bằng cách đưa tới Thợ rèn nhờ họ nâng cấp hộ cho.
Có điều là tài nguyên để nâng cấp vũ khí là rất hiếm, hiếm tới nỗi người viết cố “cày cuốc” gần hai giờ mới có thể nâng cấp được vũ khí, để rồi khá thất vọng khi có thể mua vũ khí xịn hơn… ngay thành phố kế tiếp!
Thành thử, việc nâng cấp vũ khí trở nên khá… vô dụng và người chơi sẽ rơi vào trạng thái không biết có nên cày nâng cấp vũ khí không, vì biết đâu thành phố mới có vũ khí ngon hơn thì sao?
LỖI VẶT
Có lẽ do game được phát triển bởi… một người nên là lỗi vặt thì cũng không ít.
Một, hai lần gì đó tựa game tự dưng… sập (crash), thật may là người viết đã lưu trước đó không lâu.
Không hề có chức năng lưu tự động, do đó nếu bạn… số đen khi tựa game sập mà không lưu thì bạn sẽ mất trắng kha khá quá trình chơi.
Một lần khác tựa game treo luôn ở màn hình đánh nhau, khi đợi quái vật chạy đi mãi mà không chạy đi, người viết đã thử và phát hiện không thể làm gì được cả, và lần này thì bị mất hẳn… 1 giờ đồng hồ cày cuốc”.
Có lẽ do game được phát triển bởi một người nên là lỗi vặt thì cũng không ít…
Nếu là một tựa game dạng Early Access thì có thể chấp nhận được, chứ một tựa game hoàn chỉnh không có chức năng lưu tự động mà lại theo kiểu… “cầu may” như thế này thì sẽ gây khó chịu cho không ít người.
Cuối cùng, không rõ cái này do The Revenant Prince không tương thích với Steam, hay nhà phát triển tắt đi, mà hệ thống Steam Overlay – một hệ thống giúp bạn truy cập vào các chức năng của Steam ngay trong game – không hoạt động, thành thử người viết… không chụp ảnh màn hình bằng chức năng tiện lợi của Steam được, mà phải gõ Print Screen rồi ra ngoài dùng Paint lưu lại.
Không chỉ vô cùng phiền hà mà có rất nhiều khoảnh khắc đẹp trong game đã bị lỡ mất vì không kịp “chụp” thủ công như vậy, gây ra khá nhiều tiếc nuối cho người chơi.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Nomina Games
- Phát hành: Nomina Games
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 13/08/2020
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7
- CPU: Intel Pentium D Core
- RAM: 2GB
- VGA: VGA rời
- HDD: 2 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: i7-7700HQ
- RAM: 16GB
- VGA: GTX 1060 6GB
- SSD: SanDisk X400 M.2 2280 128GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI NOMINA GAMES – CHƠI TRÊN HỆ MÁY PC