The Tale of Bistun – Khi nhắc đến truyền thuyết Ba Tư trong trò chơi điện tử, cái tên đầu tiên mà hầu hết mọi người liên tưởng đến, có lẽ sẽ là Prince of Persia (hay “Hoàng tử Ba Tư”).
Dù mang “Ba Tư” ngay trên tiêu đề, Prince of Persia đã không giới thiệu cho chúng ta nhiều về văn hóa và truyền thuyết của dân tộc này. Nguyên nhân là do trò chơi chủ yếu mang ảnh hưởng từ những câu chuyện trong bộ sưu tập Nghìn lẻ một đêm.
Nhận thấy điều này, Black Cube Games – nhóm phát triển trò chơi ở Hà Lan – đã quyết định khai thác văn hóa Ba Tư cho tác phẩm đầu tay của họ, The Tale of Bistun.
Đây là một tựa game phiêu lưu hành động lấy cảm hứng từ bài thơ tình “Shirin và Farhad” của nhà thơ Iran thế kỷ 12, Nizami Ganjavi. Bài thơ kể về câu chuyện của một người thợ xây phải lòng một công chúa.
Trong bài viết này, Vietgame.asia sẽ cùng bạn xem thử liệu Black Cube Games có thành công trong việc truyền tải văn hóa Ba Tư đến người chơi hay không.
NỘI DUNG
Câu chuyện của The Tale of Bistun xoay quanh Farhad; một người thợ xây thức dậy trên sườn đồi của Núi Behistun – hay còn được gọi là Bistun – và không có ký ức nào cả.
Trên hành trình lấy lại trí nhớ, Farhad bị cuốn vào một trận chiến giữa thiện và ác sẽ định đoạt số phận của thế giới.
BẠN SẼ GHÉT
Cơ chế chơi sơ sài!
Sở hữu phong cách thẩm mỹ độc đáo, The Tale of Bistun mang lại trải nghiệm “nhìn” khá mãn nhãn. Tiếc thay, trải nghiệm “chơi” của tựa game khá là…chán.
Đầu tiên, chúng ta điểm qua mặt chiến đấu.
Để chống chọi với những con quỷ trên hành trình của mình, Farhad có thể sử dụng vũ khí cận chiến để tung chuỗi combo nhanh, hoặc một đòn mạnh, với thời gian chờ (cooldown) sau khi thực hiện tương đối lâu.
Về mặt phòng thủ, Farhad chỉ có một lựa chọn đó là… “lộn mèo” ra khỏi đường tấn công của kẻ địch. Anh không có chức năng phòng thủ nào khác như đỡ đòn, hất đòn hay phản đòn.
Ngoài ba yếu tố kể trên, The Tale of Bistun không cung cấp tùy chọn chiến đấu nào khác, như vũ khí tầm xa hoặc các yếu tố trong môi trường để chống lại kẻ thù. Điều này khiến nhiệm vụ của người chơi chỉ đơn giản là bấm 2-3 nút trong các cuộc giao tranh.
Các kẻ địch trong trò chơi cũng có thể bị áp đảo một cách dễ dàng, đến mức người viết có thể hoàn thành trò chơi mà… không mất mạng nào!
Nói thêm về vũ khí, Farhad sẽ khởi đầu hành trình với hai chiếc rìu nhỏ trên tay và sau khi đi nửa chặng đường, anh sẽ nhận được một vũ khí mới là một chiếc búa đục đá.
Tuy cặp đôi rìu và chiếc búa là hai loại vũ khí hoàn toàn khác nhau, chúng lại sở hữu chung hiệu ứng âm thanh, cự li đánh, tốc độ ra đòn và độ dài chuỗi combo.
Sự khác biệt duy nhất, đó là ở sát thương và đòn mạnh của hai vũ khí, với chiếc búa đục đá mạnh và hiệu quả hơn hẳn cặp rìu.
Điều này khiến cho việc chuyển đổi giữa hai vũ khí là không cần thiết, trừ phi bạn muốn cho quá trình chơi của mình đa dạng hơn một xíu.
À, mà trong trường hợp bạn muốn thay đổi luân phiên hai loại vũ khí trong chiến đấu để tự tạo ra những chuỗi đòn đẹp mắt, tựa như Devil May Cry, thì cũng không được, đó là do chẳng hiểu vì lí do gì, Black Cube Games chỉ cho phép chúng ta đổi vũ khí ở những địa điểm cố định.
Chiến đấu không phải là nhược điểm duy nhất của lối chơi trong The Tale of Bistun, sự lặp lại là một vấn đề khác.
Chu kì vòng chơi của chúng ta gồm ba giai đoạn.
Đầu tiên, đó là tiêu diệt các sinh vật ma quỷ trong mỗi khu vực để giải phóng cây lựu khỏi thế lực thối nát.
Sau đó, Farhad ăn trái lựu từ cây thần kì để du hành đến cõi mơ và khôi phục trí nhớ mình.
Cuối cùng, anh trở về núi Bistun để vượt qua chướng ngại vật tiếp theo của ngọn núi.
The Tale of Bistun khá ngắn (gần 3 tiếng đồng hồ), nhưng chu trình đơn điệu này dễ khiến người chơi nản sau nửa đầu game.
Cuối cùng, đó là việc trình đơn (menu) của trò chơi không hề có những yếu tố tối thiểu như sắp đặt lại các nút điều khiển hay cài đặt đồ họa.
Sở hữu phong cách thẩm mỹ độc đáo, The Tale of Bistun mang lại trải nghiệm “nhìn” khá mãn nhãn. Tiếc thay, trải nghiệm “chơi” của tựa game khá là… chán!
BẠN SẼ THÍCH
Sự chú trọng vào văn hóa Iran và Ba Tư
Nếu có một điều đáng để khen The Tale of Bistun, đó là nhà phát triển đã cố gắng đưa đến một trải nghiệm văn hóa dồi dào.
Như đã đề cập trong phần cơ chế chơi, một trong những nhiệm vụ của Farhad là giải phóng cây lựu khỏi sự thối nát đang chiếm đoạt đất đai, đổi lại anh sẽ nhận được những quả lựu ma thuật giúp hồi phục trí nhớ.
Nguyên nhân mà nhà phát triển chọn trái lựu, đó là vì đây là loại trái cây bản địa của vùng Tây Á (trong đó có Iran) và được biết đến là liều thuốc tự nhiên cải thiện trí nhớ.
Bên cạnh đó, thay vì sử dụng các phương pháp chỉ đường người chơi như các dấu hiệu mũi tên, hành trình của Farhad được dẫn bước bởi một con chim đầu rìu. Trong văn học Iran, chim đầu rìu là sinh vật mang tính biểu tượng của sự dẫn lối, đưa chúng ta đến nơi cần đến.
Trò chơi cũng có sự xuất hiện của các vị thần cổ đại của tín ngưỡng Zoroastrian; chẳng hạn như Anahita, nữ thần của sự sinh sản, nước, sức khỏe, chữa bệnh, và trí tuệ.
Không chỉ thế, khi nhìn vào bộ râu của gã ác quỷ khổng lồ Bistun – cội nguồn của cái ác trong trò chơi – chúng ta có thể thấy bản chạm khắc hình ảnh và dòng chữ Behistun. Đây là bản chữ lịch sử được khắc ở trung tâm của núi Behistun đời thật.
Cuối cùng, đó là một số bản nhạc trong game cũng được thể hiện bằng Tar – nhạc cụ truyền thống của Iran.
Nhìn chung, The Tale of Bistun là một sản phẩm truyền bá văn hóa Iran tốt, dù được thực hiện bởi một studio tại Hà Lan.
Nếu có một điều đáng để khen The Tale of Bistun, đó là nhà phát triển đã cố gắng đưa đến một trải nghiệm văn hóa dồi dào