Theatrhythm Final Bar Line – Dạo gần đây, Square Enix có vẻ hơi… đi xuống! Tựa game AAA mới nhất của họ, Forspoken, bị chê bai thảm hại, hàng loạt tựa game di động bị đóng cửa.
Kèm với đó, những quyết định kinh doanh khá… khó hiểu như tập trung vào NFT, hoặc bán hết các dòng game xịn như Tomb Raider hay Hitman, khiến nhiều người bắt đầu nghi ngờ liệu Square Enix có đang gặp vấn đề gì không?
Với phương châm “đâu cần Final Fantasy có, đâu khó có Final Fantasy lo”, đúng dịp kỷ niệm 35 năm của dòng game, Square Enix đã tung ra Theatrhythm Final Bar Line, tập trung nhắm vào những người hâm mộ của dòng game lâu đời này.
Liệu Theatrhythm Final Bar Line có xứng đáng với kỳ vọng mong đợi? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Món quà tuyệt vời dành cho người hâm mộ Final Fantasy!
Không phải game Final Fantasy nào cũng hay, đó là điều chắc chắn! Và kể cả khi một Final Fantasy có là “cực phẩm” trong mắt người này đi chăng nữa, thì không chắc trong mắt người khác tựa game đó chẳng khác gì “rác phẩm”!
Nói như vậy, mặc dù người hâm mộ có thể hết mực chê bai lối chơi nhạt nhoà, hoặc chửi bới về cốt truyện rối rắm phức tạp không có đầu đuôi gì, nhưng tuyệt nhiên xuyên suốt toàn bộ lịch sử dòng game, rất ít người có thể chê âm nhạc của bất cứ phiên bản Final Fantasy nào!
Với 15 tựa game trong dòng chính, với không đếm xuể những ấn phẩm khác, từ bản game “spin-off” (ngoại truyện), tới phim đi kèm, với những tài năng xuất chúng và lão luyện trong làng âm nhạc điện tử như Nobuo Uematsu, Yoko Shimomura hay Masayoshi Soken, dòng game Final Fantasy sở hữu trong mình một kho tàng âm nhạc đồ sộ kinh điển, gồm đủ các thể loại.
Nếu bạn đã trót yêu những bản nhạc mê đắm lòng người của Final Fantasy, Theatrhythm Final Bar Line sẽ khiến bạn hạnh phúc khôn nguôi khi được chìm đắm vào gần 400 bài hát, tới từ tất cả các tựa game trong dòng chính, kể cả Crisis Core, hay Final Fantasy VII Remake, hay Strangers of Paradise: Final Fantasy Origin.
“Suteki Da Ne” tới từ Final Fantasy X? “Kiss Me Goodbye” tới từ Final Fantasy XII? “Answers” tới từ Final Fantasy XIV? Chỉ cần bạn muốn, bạn sẽ được trải nghiệm! (mặc dù một số bản nhạc cần phải… mua thêm, dẫu sao đây cũng là Square Enix mà!)
Không dừng lại ở nhạc, Theatrhythm Final Bar Line còn khéo léo cài cắm những chi tiết tuy nhỏ nhưng không khỏi khiến những người hâm mộ lâu năm của Final Fantasy ồ lên thích thú.
Những màn chơi, những bản nhạc của mỗi tựa game đều được thiết kế với thứ tự và lựa chọn để phù hợp với mạch truyện của mỗi trò chơi.
Chẳng hạn như Final Fantasy VI, người chơi sẽ mở đầu bằng bản “Terra’s Theme” khi Terra cùng Biggs và Wedge tới Narshe, sau đó là chiến đấu (Battle Theme) trong World of Balance, hay trên Floating Continent với bản nhạc “The Decisive Battle”.
Hoặc tỉ như khi chơi màn Final Fantasy XIV, người chơi sẽ mở đầu bằng cách chọn một trong ba bài “On Westerly Winds”, “To The Sun” hoặc “Serenity”, ứng với ba khu vực mở đầu La Noscea, Thanalan và The Black Shroud mà người chơi có thể lựa chọn.
Không chỉ có thứ tự bản nhạc, hình ảnh trong những màn chơi cũng được thiết kế tinh tế và có chủ đích. “Force Your Way” tới từ Final Fantasy VIII sẽ bắt bạn chiến đấu với Ifrit trong Fire Cavern (Ifrit là Guardian Force đầu tiên mà bạn phải chiến đấu trong tựa game gốc – NV). “Promise To Keep”, bản nhạc tới từ màn đi vây hãm (raid) Eden’s Promise: Eternity của Final Fantasy XIV, yêu cầu bạn chiến đấu với hàng loạt primal khác nhau, y như phiên bản gốc. Hay “Another Moon” tới từ Final Fantasy IV, bạn vừa nghe nhạc vừa đi dạo trên nền Xích Nguyệt, mặt trăng thứ hai của Trái Đất.
Theatrhythm Final Bar Line là một bức thư tình, không, phải nói chính xác là một quyển album đầy ắp thư tình dành cho tất cả mọi người hâm mộ Final Fantasy
Chơi qua những màn chơi của Theatrhythm Final Bar Line, người viết không chỉ thưởng thức những bản nhạc bất hủ, mà dường như còn được “tái trải nghiệm” phần nào đó của những tựa game xưa cũ, đánh thức trong mình những ký ức tươi đẹp về những tháng ngày miệt mài “cày” Final Fantasy vậy.
Tóm lại, Theatrhythm Final Bar Line là một bức thư tình, không, phải nói chính xác là một quyển album đầy ắp thư tình dành cho tất cả mọi người hâm mộ Final Fantasy, và dù bạn có yêu thích đặc biệt phiên bản nào, không thích phiên bản nào, bạn có thể tùy ý mở album này ra, chọn những thứ mà bạn thích, và bạn sẽ không phải thất vọng!
Lối chơi gây nghiện!
Tất nhiên, nếu chỉ cần nhạc thôi thì người viết mua đại một bản album bán trên Apple Music cũng được, nhưng Theatrhythm Final Bar Line còn mang theo một lối chơi cực kì gây nghiện.
Về căn bản, trò chơi khá giống với phiên bản trước Theatrhythm: Final Fantasy Curtain Call trên 3DS, khi người dùng sẽ phải thực hiện đúng thao tác khi con trỏ chạy tới vạch đích. Có các thao tác căn bản là bấm một nút, giữ và nhả, và nháy cần analog đúng hướng.
Đáng tiếc là không hề có chức năng màn hình chạm giống như 3DS, nhưng bù lại với hai cần analog và lượng phím đồ sộ, các thao tác sẽ phức tạp hơn nhiều, tỉ như hồi trước chỉ cần nháy 4 hướng thì giờ đây phải có đủ 8 hướng, và sẽ có lúc phải nháy cả hai analog một lúc theo… hai hướng khác nhau.
Rất may game khá thoải mái trong việc bạn thích nhấn nút nào mà không bắt ép người chơi nhấn nút cố định nào, do đó người chơi có thể lựa chọn bộ phím bấm phù hợp nhất với mình để chơi game.
Có ba chế độ chính: Field Music Stage dành cho những bản nhạc nền khi du hành ngoài thế giới của mỗi tựa game, như “Blue Fields” (Final Fantasy VIII), “Streets of Rabanastre” (Final Fantasy XII); “Battle Music Stage” dành cho những trận đánh kinh điển như Dancing Mad (Final Fantasy VI) hay “One Winged Angel” (Final Fantasy VII); và “Event Music Stage”, nơi bạn có thể coi lại những thước phim của tựa game đó kèm bản nhạc chủ đạo, chẳng hạn như “Suteki Da Ne” (Final Fantasy X) hoặc “Answers” (Final Fantasy XIV).
tính gây nghiện của Theatrhythm Final Bar Line là rất khủng khiếp!
Tiếp tục chơi và mở khóa, bạn sẽ mở được Endless World, nơi bạn sẽ được trải nghiệm những bản nhạc… ngẫu nhiên liên tục với độ khó tăng dần, vừa thử thách kỹ năng bản thân, vừa để “shuffle” trải nghiệm âm nhạc của bạn như một chiếc iPod.
Thực sự, tính gây nghiện của Theatrhythm Final Bar Line là rất khủng khiếp! Khi cầm trên tay trò chơi này, người viết đã ngồi liền một mạch… năm tiếng để “mở khóa” hết một lượt các tựa game Final Fantasy mình thích, nhẩm theo những bản nhạc bất hủ.
Từ đó tới nay, cứ mỗi lần có thời gian rảnh người viết lại móc chiếc Switch ra, chọn một bài nào đó để thưởng thức, trước khi đặt lưng xuống giường cũng phải tranh thủ làm một tí “Distant Worlds” (Final Fantasy XI) để êm giấc.
Có thể là một nút bấm nào đó bị trượt khiến người viết mất “Perfect Chain”, có thể là người viết mới mở khóa được một “waifu” thầm mến mộ một thời như Rinoa Heartilly, hay chỉ đơn thuần là người viết muốn nghe lại “Over The Hill” (Final Fantasy IX) và hồi tưởng lại quá khứ một lần nữa.
Luôn có điều gì đó thôi thúc người viết, luôn có lý do để người viết cầm Switch lên và chìm đắm vào những tiếng đàn vô tận của Theatrhythm Final Bar Line, tìm lại những nhịp điệu quen thuộc.
Không chỉ những giai điệu cũ, người chơi còn có thể khám phá ra những bản nhạc hay mà họ chưa từng được trải nghiệm, tới từ những phiên bản Final Fantasy mà họ chưa từng chơi bao giờ, và biết đâu, nhờ đó người chơi có thể mở mang tầm mắt, khám phá thêm được những tựa game tuyệt vời!
Dành cho tất cả mọi người!
Theatrhythm Final Bar Line dẫu sao vẫn hướng tới người hâm mộ dòng game, do đó Square Enix và indieszero đã cố gắng đưa ra nhiều mức độ khó khác nhau dành cho mọi đối tượng.
Game có bốn độ khó căn bản, từ Basic, Expert, Ultimate tới Supreme, tùy theo nhu cầu của bạn: chỉ muốn nghe lại những bài hát mình thích một cách thư giãn và yên bình, hay muốn một thử thách căng não “nhanh tay nhanh mắt”!
Còn có hai chế độ thao tác, Standard sẽ yêu cầu bạn phải sử dụng cần gạt analog để nhảy đúng hướng, và Simple, lúc này bạn chỉ cần lo bấm nút, không cần sử dụng tới cần gạt analog luôn.
Nếu bạn là một “trùm sò” làng game âm nhạc và Supreme vẫn chưa đủ “đô”, bạn thậm chí còn có thể tăng tốc độ di chuyển của con trỏ, và… che bớt màn hình lại, khiến thời gian xử lý giảm đi rất nhiều.
Bạn muốn dễ thì game sẽ rất dễ, hầu như chẳng làm gì cả, chỉ cần bấm một nút và nghe nhạc, bạn muốn khó thì game sẽ trở nên rất khó, với con trỏ ngập màn hình, yêu cầu kẹp, gạt analog, nhấp nhả con trỏ rất phức tạp và oái oăm, do đó tùy thuộc vào sở thích của bạn, Theatrhythm Final Bar Line luôn có lựa chọn phù hợp cho bạn để thưởng thức.
Thậm chí, có cả chế độ co-op, mỗi người cầm một Joy-Con để cùng nhau chơi nhạc, vô cùng thích hợp cho các cặp đôi hẹn hò!
Cá nhân người viết cảm thấy chế độ Standard Ultimate là sự cân bằng vừa phải giữa thử thách và thưởng thức âm nhạc, còn Supreme thì quả thực… không thể nạp nhạc vào đầu, mà chỉ thuần tập trung vào game.
Và sau những ngày làm việc đặc biệt mệt mỏi, người viết hoàn toàn có thể giảm độ khó xuống Expert, hoặc thậm chí là Basic, để có thể ngả lưng thư giãn theo dòng nhạc.
tùy thuộc vào sở thích của bạn, Theatrhythm Final Bar Line luôn có lựa chọn phù hợp cho bạn để thưởng thức
BẠN SẼ GHÉT
Lối chơi JRPG tương đối… vô dụng!
Đi kèm với lối chơi âm nhạc, Theatrhythm Final Bar Line cũng cài cắm thêm vào một lối chơi JRPG khá… vô dụng!
Khi “mở khóa” một màn chơi, người chơi sẽ thu thập được các nhân vật tới từ màn chơi đó, và có thể ghép một đội 4 người để “chiến đấu” trong lúc chơi nhạc.
Mỗi nhân vật sẽ có một nghề nghiệp khác nhau tương ứng với vai trò của họ trong game, ví dụ như Tifa sẽ là hệ Physical, Y’shtola sẽ là hệ Magic (và có phiên bản hệ Healer). Trong khi chơi nhạc, mỗi màn sẽ có một số nhiệm vụ như gây ra bao nhiêu sát thương, hoặc đánh bại quái trùm trước khi bản nhạc kết thúc, do đó bạn cần “cày cấp” các nhân vật để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Theatrhythm Final Bar Line cũng cài cắm thêm vào một lối chơi JRPG khá… vô dụng!
Một vấn đề nữa là mỗi lần bạn đánh trượt phím trong bản nhạc, thì bạn sẽ… ăn sát thương từ kẻ địch, và trừ khi bạn có Healer trong đội để hồi máu, thì đánh trượt quá nhiều lần sẽ dẫn tới việc… thua cuộc. Sát thương này cũng phụ thuộc vào chỉ số nhân vật và độ khó của màn chơi, do đó nếu bạn đem nhân vật cấp 1 đi Ultimate thì tỉ lệ thua của bạn rất cao, và trừ khi bạn chơi nhạc một cách hoàn mỹ, nếu không sẽ phải “đầu hàng” sớm.
Vấn đề là người viết cảm thấy tính năng này chỉ “cho có” là chính, vì thực tế việc hoàn thành nhiệm vụ hoàn toàn không phải bắt buộc, và kể cả có không tiêu diệt được quái trùm thì cũng… chẳng sao, mất chút quà mà thôi.
Và cũng chỉ cần hai Healer (tất nhiên là Aerith và Rosa rồi!) và 2 Tank ở cấp 99 là bạn dư sức ăn cả đống “bad” với “miss” ở Ultimate và vẫn sống nhăn răng qua bàn.
Có lẽ, chế độ này chỉ để “khoe” các nhân vật và kỹ năng của họ, thứ mà người chơi lại… không có thời gian nhìn do mải tập trung vào trò chơi âm nhạc ở trên và thật khó để phân tâm nhìn kỹ năng ở dưới.
Tất nhiên, việc thu thập nhân vật, đặc biệt là những “nữ thần” từ những tựa game ưa thích âu cũng là một thú vui, tuy nhiên đưa vào một tựa game âm nhạc cảm giác hơi thừa thãi.
Đủ, nhưng chưa hoàn chỉnh!
Đầu tiên, rất nhiều bài nhạc “trấn phái” của Final Fantasy bị đem vào gói Deluxe hoặc DLC – dẫu sao đây cũng là Square Enix mà, không lạ!
Nếu bạn chỉ là người hâm mộ bình thường thì cũng không sao, gần 400 bài là quá đủ rồi, nhưng nếu là một fan “cộm cán”, việc thiếu những bản như “Eyes on Me” (Final Fantasy VIII), “Melodies of Life” (Final Fantasy IX), “Distant Worlds” (Final Fantasy XI), hoặc “Eternal Love” (Final Fantasy XIII) là không thể chấp nhận được, và chắc chắn sẽ phải… xì tiền mua bản Deluxe!
Thứ hai, người viết để ý thấy một số bài khá hay vẫn còn thiếu, như “The Landing” từ Final Fantasy VIII, hay toàn bộ nhạc của “Endwalker” từ Final Fantasy XIV. Dẫu sao thì kho tàng nhạc của Final Fantasy quá đồ sộ, có tăng gấp đôi số lượng bài hát lên thì cũng vẫn thiếu, nên có lẽ điều này thông cảm được, và hi vọng DLC tương lai sẽ bổ sung chúng.
Thứ ba, một số bài hát bị cắt ngắn. Điển hình là “Dancing Mad”, bài này vốn khá dài có tới 4 đoạn, do đó game quyết định chỉ để vào đoạn thứ nhất. Điều này là khá đáng tiếc vì người viết đánh giá đoạn thứ tư mới là đoạn hay nhất của bài hát này.
Ví dụ khác là “Answers” (FFXIV) và “Hellfire” (FFXV), hai bài cũng có thời lượng khá dài nhưng đều bị cắt tương đối thô. Cũng may “Answers” còn đoạn hay, chứ “Hellfire” cũng chịu số phận như “Dancing Mad”, cắt mất đoạn hay nhất đi.
Nói tóm lại, Theatrhythm Final Bar Line có số lượng bài hát quá đủ, nhưng vẫn còn một số thiếu sót quan trọng trong danh mục bài hát của mình.
rất nhiều bài nhạc “trấn phái” của Final Fantasy bị đem vào gói Deluxe hoặc DLC
Khó chơi bằng Joy-Con ở độ khó cao
Ở độ khó cao như “Supreme”, người viết cảm nhận việc sử dụng Joy-Con là rất khó do bố cục cần gạt analog tách rời hay tay và phản hồi nút không đủ nhanh nhạy để có thể “múa” qua hàng loạt con trỏ lao tới như vũ bão, và người viết đã phải chuyển sang chơi chế độ dock và tay Pro Controller để thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, bạn đọc yên tâm là chơi ở Ultimate bằng Joy-Con vẫn là dư sức, chỉ có điều nếu ai có nhu cầu thử thách bản thân bằng độ khó cao nhất thì có lẽ nên đầu tư một chiếc Pro Controller để có thể “cày cuốc” mà thôi!
Ở độ khó cao như “Supreme”, người viết cảm nhận việc sử dụng Joy-Con là rất khó do bố cục cần gạt analog tách rời hai tay và phản hồi nút không đủ nhanh nhạy