Skip to content

Thymesia – Đánh Giá Game

Thymesia

Thymesia – Thật khó có thể “đo lường” được mức độ ảnh hưởng của FromSoftware lên ngành công nghiệp game, kể từ ngày mà Demon’s Souls chính thức lên kệ năm 2009.

Từ Dark Souls, Elden Ring tới Bloodborne Sekiro: Shadows Die Twice – thật khó để có thể định nghĩa chính xác được công thức thành công chung của những tựa game trên là gì, nhưng sự nhất quán trong cơ chế, lối dẫn truyện tuy mơ hồ nhưng hiệu quả, mức độ thử thách cao, những màn đấu trùm phức tạp, hoành tráng và đáng nhớ đã khiến cho cả game thủ lẫn những nhà làm game khác mê mẩn suốt 15 năm qua.

Điều này đã dẫn tới việc không ít nhà làm game cố gắng mô phỏng lại công thức của FromSoftware, tạo nên một thể loại hoàn toàn mới với cái tên Souls-Like!

Từ nhà làm game độc lập tới những hãng game khổng lồ, từ bối cảnh thế giới kỳ ảo truyền thống tới Trung Hoa cổ đại hay tương lai viễn tưởng, từ game 2D tới 3D – chỉ trong 15 năm ngắn ngủi đã tạo ra muôn vàn những tựa game cố gắng ăn theo sự thành công của FromSoftware, với chất lượng… vô cùng trồi sụt.

Lẫn trong những nỗ lực đó là một tựa game có tên Thymesia do một đội ngũ nhỏ tên OverBorder Studio đến từ Đài Loan phát triển, với những cơ chế và bối cảnh dường như chịu ảnh hưởng rất nhiều từ BloodborneSekiro: Shadows Die Twice – hai tựa game với “công thức” đặc biệt nhất mà FromSoftware từng sản xuất.

Vậy liệu nhà phát triển từ Đài Loan này có mô phỏng được cái “chất” FromSoftware với sản phẩm đầu tay của họ?

Hãy cùng Vietgame.asia thám hiểm Vương quốc Hermes hoang tàn vì dịch bệnh để tìm ra câu trả lời, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Thần Điêu Đại Hiệp!

Trong Thymesia, người chơi sẽ được hóa thân thành Corvus, một chiến binh tinh nhuệ của Hoàng Gia Hermes, vì lý do nào đó đã bị mất trí nhớ, và anh ta buộc phải du hành ngược vào tâm trí của mình, chiến đấu những trận chiến đã kinh qua để vạch trần chân tướng của bệnh dịch hạch quái ác đang hoành hành khắp vương quốc.

Nhân vật chính, với cái tên Corvus (nghĩa là con quạ), được thiết kế xung quanh hình tượng một loài chim nhẫn tâm và lạnh lùng – và tính “chim” này cũng được áp dụng vào lối chơi một cách tương đối hiệu quả!

Corvus nhà ta dựa vào tốc độ, sự thanh thoát và linh hoạt trong di chuyển để “vờn” kẻ thù và một hệ thống vũ khí lẫn chiến đấu tương đối thông minh để loại bỏ chúng!

Mỗi kẻ thù trong game sẽ luôn có hai thanh “máu” – một thanh máu “giả” màu trắng và thanh máu “thật” màu xanh lá cây. Người chơi có thể làm kẻ thù tụt máu thường bằng cách tấn công bằng vũ khí hay phản đòn, nhưng chỉ làm kẻ thù mất máu trắng sẽ không tiêu diệt được chúng đâu! Thanh máu này sẽ nhanh chóng hồi lại nếu người chơi ngừng tấn công, và kể cả khi người chơi có rút hết “máu trắng” của kẻ thù, chúng vẫn sẽ không bị đánh bại!

Kẻ thù chỉ bị đánh bại khi chúng bị rút hết “máu xanh”, một thanh máu chỉ bị lộ ra khi chúng bị mất một cơ số “máu trắng”, và cách duy nhất để Corvus nhà ta rút “máu xanh” của kẻ thù là tung móng vuốt ra!

Cơ chế thanh máu đặc biệt này yêu cầu người chơi phải thành thục trong việc “tung hứng” hai loại vũ khí một cách nhanh chóng và tức thời giữa những trận chiến căng thẳng và nảy lửa. Vũ khí thường sẽ đóng vai trò như một công cụ để trấn áp và tạo sức ép lên kẻ thù một cách ổn định, và chiếc móng sẽ đảm nhiệm việc dứt điểm và khai thác sơ hở đối phương.

Nhịp độ và cấu trúc chiến đấu chặt chẽ như vậy khiến cho trải nghiệm chiến đấu 1-1 trong game luôn giữ được sự lôi cuốn, và kể cả khi người chơi bị đánh “hội đồng” thì lối tiếp cận di chuyển nhanh, không tốn thể lực mang nhiều điểm chung với Sekiro sẽ giúp người chơi cô lập kẻ thù và thoát hiểm một cách hiệu quả.

Thiết kế chặt chẽ kết hợp với những diễn hoạt chạy, né nhẹ nhàng và vung vũ khí, tung vuốt đầy sức nặng – khả năng chiến đấu thượng thừa của Corvus được game diễn giải tương trơn tru qua ngôn ngữ hình ảnh. Sở dĩ điều này quan trọng như vậy vì những cơ chế chiến đấu của game đôi khi có thể tạo ra cảm giác không nhất quán, nhưng sự mượt mà và kết nối của các diễn hoạt làm cho các lỗi này ít có cảm giác “lấn cấn” hơn.

Hệ thống chiến đấu của game còn được mở rộng ra hơn qua cơ chế cây kỹ năng và Plague Weapon. Hai cơ chế này cung cấp cho người chơi thêm kĩ năng và công cụ để khiến trải nghiệm trừ gian diệt bạo của Thymesia thêm đa dạng và thú vị!

Game cũng vô cùng hào phóng khi cho người chơi được tự do thay đổi chỉnh sửa kĩ năng và trang bị tại điểm lưu của game, cho phép người chơi được thử lại và thay đổi lối tiếp cận của mình sau mỗi thất bại một cách vô cùng tiện lợi – một cơ chế mà Thymesia cũng “học hỏi” từ một dòng game khác nữa của FromSoftware là Armored Core!

Nhưng lối chơi chặt chẽ và hoa mỹ như vậy của Thymesia tỏa sáng rực rỡ nhất ở những màn đấu trùm. Dù kích cỡ trò chơi tương đối nhỏ và số lượng trùm của Thymesia khá ít so với những game Souls và Souls-like khác, nhưng tôn chỉ của những con trùm này là chất lượng bù cho số lượng!

Mỗi con con trùm trong game đều đại diện cho một “tôn chỉ” thiết kế khác nhau – từ gã ảo thuật gia Udur với lối chiến đấu xoay quanh việc “vờn” và phản đòn người chơi, tới tên bị thịt Varg dùng sức mạnh và tốc độ tập trung vào áp đảo người chơi, con giun đất khổng lồ Sound of the Abyss như một bài kiểm tra khả năng di chuyển, cũng như một con trùm cuối đầy bất ngờ và thú vị!

lối chơi chặt chẽ và hoa mỹ như vậy của Thymesia tỏa sáng rực rỡ nhất ở những màn đấu trùm

BẠN SẼ GHÉT

Chớp mắt là qua…

Như đã đề cập, đội ngũ phát triển của Thymesia – OverBorder Studio có nhân lực ít, và điều này ảnh hưởng rất nhiều tới sự tham vọng của game!

Lấy ví dụ như Sekiro: Shadows Die Twice hay Bloodborne, sức hút của game không chỉ đến từ nhịp độ chiến đấu nhanh, chính xác và đầy chiều sâu như cách mà Thymesia đã tiệm cận, mà còn đến từ việc thiết kế màn chơi. Các tựa game của FromSoftware hầu hết có những màn chơi được thiết kế cẩn thận, với cách bố trí kẻ thù thông minh và đa dạng – còn Thymesia thì không!

Xuyên suốt game, các màn chơi của Thymesia gần như chỉ mang lại cảm giác như những hành lang có chút lắt léo nhưng đơn điệu, với kẻ thù càng trở nên dễ đoán và nhàm chán về cuối game.

Quy mô nhỏ và đơn điệu của game càng lộ rõ hơn qua việc thiết kế hình ảnh và phong cách nghệ thuật. Dường như đội ngũ đồ họa đã đổ hết tài nguyên và công sức vào thiết kế diễn hoạt cho chàng nhân vật chính Corvus và những con trùm (boss) hoành tráng của game.

Thymesia có chất lượng đồ họa tương đối trồi sụt, kể cả khi so với những tựa game độc lập quy mô nhỏ khác, môi trường thì được thiết kế nhàm chán và đáng quên, và chỉ được cứu vãn phần nào bởi một màn chơi cuối có vẻ “lạ” với những nhà vườn bí ẩn và đầm lầy máu ghê rợn.

Điều này đồng nghĩa với việc lối dẫn truyện mơ hồ và bí ẩn mà Thymesia cố gắng học từ các tựa game FromSoftware là hoàn toàn thất bại. Không có những môi trường thú vị để khám phá, cũng như dẫn truyện môi trường gần như bằng không, hoặc thiếu đi nghiêm trọng độ hiệu quả.

Thật tiếc, với cơ chế chiến đấu sâu sắc và gây nghiện như vậy, lẽ ra Thymesia sẽ xứng đáng với quy mô lớn hơn, hoành tráng hơn và chỉn chu hơn!

Quy mô nhỏ và đơn điệu của game càng lộ rõ hơn qua việc thiết kế hình ảnh và phong cách nghệ thuật

7.5

Thymesia là một tựa game hành động được thiết kế chặt chẽ và chỉn chu, với nhịp độ cao và độ thử thách hợp lý - nhưng quy mô quá nhỏ của game làm mai một đi rất nhiều tiềm năng và trải nghiệm chơi!

Thông tin

  • Thymesia
  • Nhà phát triển
    OverBorder Studio
  • Nhà phát hành
    Team17
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    18/08/2022
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows
  • CPU
    Intel Core i7 hoặc AMD Ryzen 7
  • RAM
    16 GB
  • GPU
    NVIDIA® GeForce® GTX 1060 (VRAM 3GB) / AMD Radeon™ RX 570 (VRAM 4GB)
  • Lưu trữ
    16GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 11 Pro 64-Bit
  • CPU
    AMD Ryzen 5 4600H
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA RTX 2060
  • Lưu trữ
    Kingston A400
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi TEAM17. Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận