Skip to content

TOP 5 game đội mồ sống dậy sau “giấc ngủ ngàn năm” – Chuyên Đề Game

TOP 5 tựa game đội mồ sống dậy sau "giấc ngủ ngàn năm"

Game đội mồ – “Development hell” là thuật ngữ để ám chỉ những sản phẩm trải qua thời gian phát triển dài đằng ẵng, trôi dạt vô định, không biết khi nào mới cập bến, và nhà phát triển cũng chẳng thèm xác nhận rằng sản phẩm của họ vẫn đang được tiếp tục phát triển hay đã bị hủy bỏ.

Nghe có vẻ khá “bi ai”, nhưng cũng đã có kha khá những tựa game rơi xuống “địa ngục” đó và không phải tựa game nào cũng đủ sức để “vực dậy” được.

Vietgame.asia xin gửi đến bạn đọc 5 tựa game may mắn, sau khi vật lộn với dòng chảy thời gian, cũng đã đủ sức chạm tới tới ánh bình mình của thế giới.

1. TEAM FORTRESS 2 – 8 NĂM

Là một sản phẩm luôn đứng trong top đầu những tựa game được nhiều người chơi nhất trên Steam, chắc chẳng ai còn lạ lẫm gì với cái tên Team Fortress 2. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, quá trình phát triển tựa game này bắt đầu từ… thiên niên kỉ trước.

Với ý tưởng ban đầu lấy bối cảnh chiến tranh thời hiện đại, Team Fortress 2 lần đầu được Valve “nhá hàng” tại E3 1999 cùng một số giới thiệu về công nghệ tiên tiến thời đó. Nhưng vào năm 2000, tựa game được thông báo bị trì hoãn bởi Valve muốn chuyển toàn bộ phần mềm làm game từ GoldSrc engine sang Source Engine.

Đáng tiếc là Valve đã không thông báo là khoảng thời gian trì hoãn đó sẽ kéo dài 6 năm.

Tới tận E3 2006, Team Fortress 2 mới trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới mang phong cách đồ họa hoạt hình. Một lúc nào đó trong 6 năm đằng đẵng ấy, Valve đã quyết định khai tử phong cách đồ họa thực tế cũ, vì nó chẳng ăn khớp vì với lối chơi giả tưởng cả.

Cuối cùng, vào ngày 10/10/2007, Team Fortress 2 chính thức được ra mắt, đánh dấu kết thúc 8 năm của giấc ngủ dài của trò chơi.

Năm 2011, Team Fortress 2 trở thành một tựa game miễn phí, gặt hái được rất nhiều thành công cho Valve và vẫn tiếp tục được cập nhật nội dung cho tới ngày hôm nay.

2. OWLBOY – 9 NĂM

Khác với rất nhiều cái tên xấu số bị bức tường thời gian ghìm chân, Owlboy hoàn toàn không phải là một tựa game có quy mô lớn. Sản phẩm phiêu lưu phong cách “leo bục” (platformer) này được Simon Stafsnes Andersen (Giám đốc Phát triển, kiêm Thiết kế và Họa sĩ của game) xây dựng trên niềm hoài cổ về những tựa game Nintendo xưa cũ.

Tuy nhiên, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, không bị bế tắc bởi quy mô thì Owlboy lại gặp phải trắc trở từ trong chính đội ngũ làm game.

Bắt đầu phát triển từ 2007, nhưng đội ngũ làm game lại quá lo lắng cho sản phẩm của mình, không dám ra mắt bởi sợ không chiều lòng được người hâm mộ. Thế rồi căn bệnh “trầm cảm” từ nhỏ trở lại hoành hành Andersen.

Tới tận năm 2013, Owlboy mới một lần nữa tìm lại đường lên màn ảnh công chúng tại PAX, nhưng do nhà sản xuất phải dồn nhân lực để hoàn thiện một tựa game khác mang tên Savant Ascent, định mệnh lại buộc Owlboy phải chờ đợi.

Cuối cùng, điều gì đến cũng sẽ đến. Tại PAX 2016, ngày phát hành của Owlboy được ấn định, và 1/11/2016, Owlboy chính thức “chào đời” sau gần 10 năm thai nghén.

3. THE LAST GUARDIAN – 9 NĂM

The Last Guardian được bắt đầu sản xuất vào năm 2007, một năm sau ngày hệ máy console PlayStation 3 ra mắt, với tên gọi Project Trico.

Tới năm 2009, một phần lớn nội dung của game đã được hoàn thiện, đủ để ra mắt tại E3. Tưởng chừng như tựa game sắp sửa chạm tới tay của hàng triệu người, thế nhưng chẳng ai ngờ rằng đó vẫn mới chỉ là điểm đầu của chặng đường.

Sở dĩ quá trình đến với thế giới của The Last Guardian nhọc công như vậy là do những khao khát của Fumito Ueda – Giám đốc dự án, đã bị kìm hãm bởi sức mạnh phần cứng của PlayStation 3 thời bấy giờ.

Tới năm 2011, dự án vẫn còn dang dở nên Sony đã quyết định điều động nhân lực từ nhiều đội khác tới để cố gắng cải thiện mã nguồn, giúp game hoạt động trơn tru hơn, nhưng có vẻ điều đó không mang lại nhiều thành quả lắm.

Tới năm 2012 với việc hệ máy console PlayStation 4 sắp được công bố và The Last Guardian vẫn còn chật vật với hệ máy cũ, Sony quyết định đẩy toàn bộ tựa game lên PlayStation 4. Những đội ngũ mới được thành lập để chuyển mã nguồn của game sao cho phù hợp với hệ máy mới.

Vào năm 2015, Shuhei Yoshida, chủ tịch của Sony Computer Entertainment Worldwide, cho biết bản trailer từ năm 2009 thực chất và một video đã được điều chỉnh tốc độ để chạy nhanh hơn so với tựa game thực tế, vốn chạy rất chậm trên hệ máy PlayStation 3.

Ngoài vấn đề kĩ thuật, quá trình phát triển của tựa game còn gặp trắc trở khi Fumito Ueda rời Sony vào năm 2011, sau quyết định trì hoãn ngày phát hành game của Sony vào năm đó.

Thế nhưng, quá khứ cũng đã là quá khứ, và phiên bản The Last Guardian ra mắt vào năm 2016 được Fumito Ueda công nhận giữ đúng những gì mình đã khao khát xây dựng từ gần 10 năm trước.

Vậy cuối cùng, nguyên do mà The Last Guardian mất tới gần 10 năm để ra mắt có lẽ là vì những người tham gia sản xuất thà chờ đợi chứ không từ bỏ tham vọng của mình.

4. FINAL FANTASY XV – 10 NĂM

Với cái tên nói lên danh tiếng của Final Fantasy XV, có lẽ mọi sự giới thiệu đều là thừa thãi. Không chỉ gây dựng được tiếng tăm với tư cách là một tựa game chính của dòng game Final FantasyFinal Fantasy XV còn thu hút rất nhiều sự chú ý bởi hành trình “nhen nhóm” hơn 10 năm của nó.

Quá trình phát triển của tựa game bắt đầu vào năm 2006 với tên gọi Final Fantasy Versus XIII, do tựa game dự kiến sẽ là một phần mở rộng của vũ trụ Fabula Nova Crystallis mở đầu bởi Final Fantasy XIII. Tetsuya Nomura đảm nhiệm vai trò chỉ đạo và thiết kế chính cho tựa game.

Tuy nhiên, do vô số lý do khác nhau như quy mô tựa game, yếu tố kĩ thuạt và sự ra mắt của hệ máy console mới, cho tới 2012, tựa game mới chỉ được hoàn thành 20-25%, chưa thể định hình rõ ràng.

Và rồi Hajime Tabata thay thế Tetsuya Nomura, “nhào nặn” lại tựa game theo một khuôn dạng mới, nhưng Nomura vẫn theo sát dự án một thời gian sau đó để đảm bảo nhiều dự định ban đầu về tựa game được lưu lại nhất có thể. Và Final Fantasy Versus XIII đã thay đổi rất nhiều, từ tên gọi, dàn nhân vật, bối cảnh thế giới, tới cả hệ máy phát hành.

E3 2013 là lần đầu tiên mà cái tên Final Fantasy XV được cất lên, và bước chân vào cuộc đời 3 năm sau đó, đánh dấu chấm hết cho hơn 10 năm phát triển của tựa game.

5. DUKE NUKEM FOREVER – 15 NĂM

Cuối cùng là ông trùm của nghệ thuật “chơi lầy phát triển” trong làng game cho tới hiện tại, chính là Duke Nukem Forever.

Chặng đường phát triển của game bắt đầu từ năm 1997 bởi 3D Realms, với dự định đây sẽ là tựa game kế tiếp sau Duke Nukem 3D.

Nhiều thông tin quảng bá cho trò chơi chỉ định tới một khoảng thời gian phát hành giữa năm 1997 và 1998.

Tuy nhiên, hãng hoạt thông báo phát hành và trì hoãn được 3D Realms liên tục đưa ra sau đó, phần lớn là do sự chuyển mình từ công cụ làm game từ bộ engine của Quake II sang Unreal Engine.

Tới 2001, công ty tuyên bố trò chơi sẽ được phát hành “khi nó được hoàn thành” – tạm dịch là “đến cả chúng tôi cũng không biết là khi nào”. Không có một video nào về tựa game được trình chiều cho tới tận tháng 12/2007, tuy nhiên, mọi thông tin về Duke Nukem Forever cũng lại “chìm nghỉm” sau đó.

Tới năm 2009, do vấn đề tài chính nên 3DRealms phải chịu cắt giảm nhân sự, và đội hiện đang chịu trách nhiệm phát triển game thời bấy giờ không may cũng đã… theo gió mà bay.

Thế rồi, Take-Two Interactive, nhà phát hành của game, khởi kiện 3DRealms vì liên tục thất bại trong quá trình phát triển, không thể đưa ra sản phẩm đúng hạn.

Quyền sở hữu dòng game Duke Nukem được bán lại cho Gearbox Software vào 2009, tới tháng 3/2010 tức là sau 14 năm kể từ ngày công bố, 2K Games thông báo Duke Nukem Forever vẫn đang trong quá trình phát triển.

Cuối cùng, tựa game cũng tìm được đường tới ánh sáng nhân loại vào 10/6/2011, sau 15 năm “lạc lõng” trên bàn giấy.

Mỗi tội, chất lượng của trò chơi chẳng hề tỷ lệ thuận với quãng thời gian phát triển của nó.