Skip to content

Top 6 game đánh đấm bạn nên chơi, nếu đã thích Sifu! – Chuyên Đề Game

game đánh đấm

Sở hữu cơ chế đánh đấm đã tay, lượng đòn thế đa dạng và hệ thống nâng cấp có chiều sâu, Sifu là lựa chọn lí tưởng cho những game thủ có sở thích võ thuật.

Sau khi hoàn thành Sifu, có thể bạn sẽ trở nên “ghiền” trải nghiệm tay không đối mặt với hàng loạt kẻ địch mà trò chơi mang lại.

Tuy nhiên, khi chơi đi chơi lại 5 màn của Sifu liên tục, cảm giác “ngán” là điều có thể xảy ra, nhất là khi bạn đã học hết tất cả những kỹ năng của game.

Để tránh trường hợp này, tại sao bạn không thử những tựa game đánh đấm khác?

Suy cho cùng, bên cạnh Sifu, cũng có nhiều tựa game khác đem lại cảm giác đánh đấm tốt, nhiều đòn thế và dĩ nhiên là hệ thống nâng cấp nhân vật.

Dù không sở hữu độ khó khiến bạn phải “đổ mồ hôi hột”, những trò chơi này đều hứa hẹn sẽ đem lại cho bạn cảm giác chiến đấu tay không cực kì “phê”.

Điều cuối cùng mà người viết muốn nói trước khi vào bài, đó là danh sách này mang tính chất “điểm danh”, chứ không phải xếp hạng.

1. ABSOLVER

Trước khi ra mắt Sifu, tựa game đầu tay của nhà phát triển Sloclap chính là Absolver. Đây là một trò chơi nhập vai hành động võ thuật, kết hợp giữa chơi đơn và trực tuyến nhiều người.

Nhìn vào phong cách tạo hình của Absolver, chắc chắn người hâm mộ Sifu sẽ cảm thấy rất quen thuộc.

Cái hay của Absolver đó là người chơi có thể tùy chỉnh bộ kỹ năng của mình và chuyển đổi giữa bốn môn phái Kung Fu khác nhau.

Absolver được biết đến là một tựa game có lối chơi “dễ học, khó thành thạo” và chính vì điều này, nó có thể đáp ứng với nhu cầu của nhiều tuýt người chơi khác nhau.

2. DÒNG GAME “YAKUZA”

Ra mắt phần đầu tiên từ năm 2005, Yakuza là thương hiệu game đánh đấm xoay quanh giới tội phạm Nhật Bản.

Điều khiến cơ chế chiến đấu của thương hiệu Yakuza trở nên đặc sắc, đó chính là hệ thống Heat.

Heat là một thanh năng lượng tăng dần mỗi khi người chơi tung các chuỗi đòn tấn công hoặc khiêu khích kẻ địch. Khi thanh năng lượng đầy, người chơi sẽ có thể tung ra các tuyệt chiêu liễu mãn nhãn và tàn bạo .

Tùy vào những yếu tố như môi trường, đòn thế vừa tung ra, tình trạng của kẻ địch, vũ khí đang cầm trên tay… tuyệt chiêu Heat được thực hiện sẽ thay đổi.

Chẳng hạn có chiêu thì dùng khi kẻ địch đang phòng thủ, có chiêu chỉ có thể dùng khi nhân vật chính máu ở tình trạng thấp, và có chiêu chỉ có thể sử dụng sau khi vừa tung ra một chuỗi đòn nhất định…

Số lượng tuyệt chiêu Heat trò chơi đem lại cho chúng ta nhiều đến mức, nếu làm clip tổng hợp thì độ dài của chúng có thể hơn 10 phút.

À, và đó chỉ mới là chiêu kết liễu thôi, số lượng đòn thế võ thuật mà người chơi có thể thực hiện trong lúc đánh đấm thông thường cũng đa dạng không kém, nhất là khi trò chơi đi kèm với một hệ thống nâng cấp tương đối sâu.

Nếu muốn bắt đầu với thương hiệu Yakuza, người viết khuyến khích bạn nên chơi Yakuza 0.

3. DÒNG GAME “JUDGMENT”

Judgment và hậu bản Lost Judgment là spin-off (ngoại truyện) của thương hiệu Yakuza.

Chính vì điều này, Judgment đã kế thừa tất cả những tinh hoa trong lối chơi đánh đấm đã được xây dựng sau hơn 15 năm của Yakuza, kể cả cơ chế Heat (mang tên mới là Ex).

Đối lập với lối đánh đậm chất thực dụng đường phố mà nhân vật chính Kiryu Kazuma của dòng game Yakuza trước đây sử dụng, Takayuki Yagami của Judgment có phong cách chiến đấu đậm chất võ cổ truyền, với ảnh hưởng lớn từ Kung Fu.

Điều này khiến cho Judgment trở thành một tựa game phải chơi nếu bạn thích võ thuật Trung Quốc, nhất là sau khi vừa “phá đảo” Sifu.

Một điểm đáng chú ý, đó là với việc thương hiệu Yakuza quyết định chuyển sang hình thức chiến đấu theo lượt kể từ phần Like a Dragon, Judgment đã trở thành dòng game đánh đấm chính của RGG Studio.

4. THƯƠNG HIỆU “BATMAN: ARKHAM”

game đánh đấm

Batman là một trong những anh hùng giỏi võ nhất vũ trụ truyện tranh DC, vì vậy, nếu đã làm game về anh, thì hệ thống chiến đấu phải đã tay.

Rocksteady Studios đã thực hiện điều này thành công khi phát triển dòng game Arkham, thông qua việc phát triển hệ thống chiến đấu Freeflow.

Với hệ thống chiến đầu này, các trận đấu của Batman dường như trở thành một điệu nhảy, khi anh đấm gục kẻ địch A xuống đất, nhảy qua kẻ địch B để đá hắn một phát, sau đó né đòn dao của kẻ địch C trước khi tung chuỗi phản đòn.

Trong lúc làm những điều trên, Batman còn có thể sử dụng những công cụ trên chiếc thắt lưng của mình như phi tiêu để vô hiệu hóa những tên lính có súng, dùng áo choàng che mắt kẻ thù trước khi tặng chúng một combo gần chục cú đấm…

Nhìn chung, nếu nói về cảm giác vào vai một siêu anh hùng đối đầu với số đông kẻ địch, thì không nhiều trò chơi có thể sánh với dòng game Batman: Arkham.

5. SLEEPING DOG

game đánh đấm

Ở thời điểm hiện tại, Sleeping Dog chắc hẳn đã thoát ra khỏi cái mác “GTA Châu Á” và có nhân dạng của riêng mình.

Cơ chế đánh đấm của Sleeping Dog sử dụng một hệ thống đa hướng kết hợp với nút phản đòn, tương tự như các trò chơi dòng Batman Arkham.

Nhờ sự cố vấn của cựu vô địch giải UFC Georges St-Pierre, các đòn thế của nhân vật chính Wei Shen tung ra luôn đem lại cảm giác mượt và thực tế đến người chơi.

Tương tự như Sifu, Sleeping Dog cũng là một tác phẩm lấy cảm hứng từ bộ phim hành động võ thuật. Trong trường hợp này, thì đó là phim của Lý Tiểu Long, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt và Châu Nhuận Phát.

Nguồn cảm hứng từ điện ảnh còn rõ ràng hơn nữa nếu như bạn chơi gói tải thêm (DLC) Zodiac Tournament. Đây là gói nhiệm vụ lấy cảm hứng mạnh từ phim Long Tranh Hổ Đấu của Lý Tiểu Long.

6. MAD MAX

game đánh đấm

Được phát triển bởi Avalanche Studios, Mad Max là tựa game “ăn theo” với bộ phim Mad Max: Fury Road. Dù là vậy, trò chơi thực chất không có nhiều liên kết với bộ phim lắm.

Tuy Mad Max có nhiều điểm vẫn chưa thực hiện tốt, một thứ khiến người viết thích và luôn là động lực để trở lại trò chơi này, chính là cơ chế đánh đấm của nó.

Tương tự như Sleeping Dog nói trên, Max Mad cũng cảm hứng từ dòng game Batman: Arkham. Dù là thế, Mad Max vẫn có điểm khác biệt, đó là sự “thô” trong các đòn đánh.

Đừng hiểu nhầm, Max “điên” của chúng ta biết võ (do chuyển động của anh được thực hiện bởi diễn viên võ thuật Bren Foster), anh chỉ sử dụng những kĩ thuật đơn giản nhưng hiệu quả để triệt hạ kẻ thù.

Điều khiển Max Mad, bạn sẽ không thấy những tuyệt chiêu hoa mỹ như song phi cước hay nhào lộn, thay vào đó là các kỹ thuật thực tế như đấm thẳng, lên gối, bẻ tay bẻ chân…

Sự tàn bạo của Mad Max còn tăng khi anh trở nên “thịnh nộ”. Lúc này, Max dường như vứt bỏ hết các kỹ năng đánh đấm và biến thành một đô vật, khiến cho người chơi cứ ngỡ như là anh đang biểu diễn trên sàn WWE.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.

Thảo luận