Skip to content

TOP 6 game kinh dị huyền thoại “ám ảnh xuyên thời gian”

game kinh dị

Game kinh dị – Như mọi năm, những ngày cuối tháng 10 báo hiệu một mùa Halloween sắp tới gần.

Sau một năm đầy biến động và “ê mông” vì ngồi nhà, vào những dịp vui chơi như thế này, ai ai cũng háo hức ra ngoài phải không nào?

Tuy nhiên, nếu bạn là tuýp người hướng nội, thích ngồi nhà, nhưng vẫn muốn cảm nhận cái không khí “sợ sệt” của Halloween thì Vietgame.asia đã có “giải pháp mạnh” cho bạn đây!

Sở thích của mỗi người chắc chắn sẽ khác nhau, nên để chọn ra những tựa game kinh dị đáng trải nghiệm cũng không phải đơn giản.

Vietgame.asia cam đoan rằng, chỉ cần bạn ngồi trước máy tính, đeo tai nghe, bật tối đa âm lượng để trải nghiệm 6 tựa game kinh dị sau đây, Halloween 2020 sẽ tới “ngồi cạnh bạn ngay”, không ở đâu xa!

MỤC LỤC

    1. DEAD SPACE

    12 năm đã trôi qua kể từ ngày ra mắt, nhưng nhắc tới game kinh dị thì Dead Space luôn là một trong những cái tên được nhắc tới khá nhiều.

    Trong game, người chơi vào vai Isaac Clarke, một kỹ sư hệ thống mắc kẹt trên con tàu không gian xấu số USG Ishimura.

    Theo dòng cốt truyện, người chơi phải thực hiện những nhiệm vụ được yêu cầu, giải đố và chống lại những con quái vật tên là Necromorphs.

    Mô típ cốt truyện và lối chơi nghe qua thì có vẻ hơi “nhạt”, nhưng để bù vào đó, Dead Space đã làm chủ được bầu không khí rùng rợn của game qua nhiều cách, mà được thể hiện rõ nhất qua: âm thanh.

    Âm thanh là yếu tố không thể thiếu của các game kinh dị, nhưng không có nghĩa là nhà sản xuất game nào cũng biết tận dụng chúng triệt để.

    Khá nhiều tựa game tích hợp âm thanh theo cách đơn giản: có đánh nhau hay gặp biến thì nhạc nhẽo dồn dập, hồi hộp bỗng dưng nổi lên, còn bình thường thì cho tí tiếng động u ám làm nền.

    Nói cách khác, nếu không “có biến”, hoặc người chơi không tương tác với môi trường theo một cách nào đó định sẵn, thì sẽ không có gì đáng sợ cả.

    Dead Space đã nói “không” với cách thiết kế “nhạt nhẽo” này.

    Thay vào đó, game sử dụng một công cụ gọi là “Fear Emitters” để điều khiển tiếng nhạc, dung lượng và âm thanh dựa vào khoảng cách của bạn tới mối nguy hiểm.

    Như vậy, chỉ cần có một âm thành kì lạ nào đó thoảng qua hoặc dung lượng âm tự tăng là bạn biết “sắp có biến”!

    Nhưng để biết “biến” ở đâu thì bạn phải dấn thân tiếp thôi!

    Game “ăn tiền” ở cách xây dựng sự căng thẳng.

    Thay vì để mối họa bất ngờ tới trong vài giây rồi khiến người chơi giật mình, game cho họ thời gian để quan sát, để “ngấm” sự ám ảnh đang lớn dần, nhưng họ không biết hoặc không thể làm gì khác để ngăn chặn cái thứ đang đến ấy.

    Đương nhiên, game mang tới yếu tố kinh dị trong nhiều chi tiết lớn nhỏ khác, như thiết kế ánh sáng, giao diện, hay kẻ thù (và cả hình dạng kinh tởm của chúng).

    Nhưng quan trọng nhất, chính cái cảm giác không hề bất chợt mà từ từ, chậm rãi nhưng chẳng thể cưỡng lại… là cách nỗi sợ ảo của tựa game chiến thắng lý trí thật của người chơi.

    Không quá khó để tìm mua Dead Space trên Origin và Steam.


    2. FATAL FRAME II: CRIMSON BUTTERFLY

    Nói tới các tác phẩm kinh dị mà không nhắc tới Nhật Bản thì cũng là thiếu sót thật.

    Phim thì có Ring, truyện thì có Truyện kinh dị ở nhà Yotsuya vùng Tokaido, và game thì có Fatal Frame II: Crimson Butterfly.

    Fatal Frame II: Crimson Butterfly theo chân hai chị em sinh đôi là Mio và Mayu trong chuyến khám phá và sinh tồn tại ngôi làng “ma ám” Minakami Village.

    Là một trong những tựa game kinh dị có tiếng nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cả tựa game được thiết kế để làm bạn mất ăn mất ngủ, nhưng không phải mất ăn mất ngủ một hai đêm đâu…

    Nỗi rùng rợn được xây dựng cơ bản từ lối chơi, đó là bạn phải đánh bại những con ma bằng cách… chĩa thẳng máy ảnh vào chúng để chụp ảnh!

    Tựa game bắt bạn phải đối diện với sự sợ hãi một cách trực tiếp, để rồi “ốp” vào các khung hình bạn phải chụp những con ma quỷ rùng rợn.

    À mà không chỉ có những con ma quỷ rùng rợn đâu, mà toàn bộ khung cảnh trong game… đều rùng rợn luôn!

    Nhưng cái “ăn tiền” của Fatal Frame II: Crimson Butterfly, cái cách mà game làm cho bạn sợ là qua… sự thấu hiểu.

    Không có đội quân ngoài hành tinh nào, không có những com zombie gớm giếc, những con ma cà rồng kinh tởm khát máu, nỗi sợ chính lớn nhất của game là từ những con ma, những linh hồn đã từng có một kiếp người.

    Đối mặt và chiến thắng từng linh hồn, bạn sẽ hiểu được những câu chuyện hay bí mật của chúng, về những đau đớn mà chúng từng phải trải qua.

    Không những thế, bạn còn đồng hành cùng Mio và Mayu, và hiểu được cảm xúc của hai nhân vật chính này nữa.

    Theo dòng chảy của game, chắc chắn bạn sẽ gặp những tình tiết cực kì kinh dị, giả tưởng, đau đớn hơn mức bình thường rất nhiều.

    Tuy nhiên, sau đó, khi bạn được “dẫn” vào luồng của câu chuyện, hiểu được nguyên do của những gì đã diễn ra thì tâm trí bạn như bị “xích lại gần” thế giới đó vậy.

    Kết quả là cái sự kinh dị nhưng giả tưởng, xa vời trong game… nó có lẽ không còn quá giả tưởng nữa, không còn quá xa vời nữa.

    Để rồi cuối cùng, còn lại một sự ám ảnh cho người chơi.

    Bạn có thể mất 10 tiếng để chơi, nhưng chưa chắc 10 năm đã nguôi hết cái sự ám ảnh mà game mang lại đâu…

    Hiện tại, rất khó để mua được các game PlayStation 2 cũ kỹ, tuy nhiên ở vài nơi, chẳng hạn như Amazon, vẫn còn bày bán với giá khoảng 50USD.


    3. SILENT HILL 2

    Silent Hill 2 cũng là một trong những tựa game kinh dị cực kì nổi tiếng, nhưng để hiểu được tại sao nó đạt tới thành công vậy thì không phải đơn giản.

    Bằng chứng là hơn 20 năm, Konami đã thử tầm… 15 phiên bản Silent Hill khác nhau, mà cũng chỉ có Silent Hill 3Silent Hill 4 là “ngang hàng” với tiền bối của nó, tức phiên bản thứ hai này.

    Trong Silent Hill 2, bạn phải “chỉ lối” cho nhân vật chính James Sunderland vượt qua những con quái vật của thị trấn Silent Hill, sau khi nhận được một bức thư từ người vợ quá cố của mình.

    Tựa game gần như chỉ tập trung vào tìm đường, tìm đồ, không có hù dọa bất ngờ, và cũng chẳng hề chú trọng vào chiến đấu.

    Nên cũng là dễ hiểu khi sau 20 năm, Konami vẫn chưa thể đạt được những gì mà Silent Hill 2 đã làm, bởi điều mà game đã thực hiện tuyệt vời thì lại khó có thể “cân đo, đong đếm”.

    Đó là game “chơi” với tâm trí của bạn!

    Hãy thử tưởng tượng nhân vật của bạn đang lấy một món đồ.

    Nếu món đồ đó đặt trong một nồi nước sôi chẳng hạn, và nhân vật của bạn phải thò tay vào lấy, anh ta có thể sẽ bị bỏng nặng, đau đớn… đó là những yếu tố quen thuộc trong game kinh dị đúng không nào.

    Tuy nhiên, cách mà Silent Hill 2 làm là đặt món đồ đó vào một cái hốc đen ngòm và bắt bạn thò tay vào lấy.

    Chẳng có mối họa trực tiếp nào hiện hữu cả.

    Tuy nhiên, trong đầu bạn sẽ liên tục nghĩ tới tới những kịch bản xấu nhất, vì biết đâu được, điều điều có thể xảy ra mà.

    Đó là cách Silent Hill 2 trở thành một tựa game kinh dị.

    Nó không vồ vập, nó không cố gắng cho bạn giật nảy mình.

    Chỉ là nó luôn đặt bạn trong một tình trạng căng thẳng và hồi hộp.

    Bạn thực sự không biết chuyện gì đáng xảy ra, và cũng chẳng biết chuyện gì sẽ tới.

    game kinh dị

    Mọi thứ cứ xoay quanh nhân vật James một cách mơ hồ nhưng cũng không kém phần rùng rợn, khiến cho tiềm thức của bạn luôn suy diễn theo đủ mọi chiều hướng.

    Cả chuyến hành trình của James là một ảo mộng mơ hồ về những việc có thật, nhưng lại vô thực.

    Nếu người vợ của James đã chết, thì tại sao lại gửi được thư cho anh ấy?

    Những con quái vật James gặp có thực sự là quái vật?

    Kể cả cho tới hồi kết, tựa game cũng không để cho trí tưởng tượng bạn được “thư giãn”.

    Tùy bản game mà bạn chơi, nhưng tổng cộng game có tối đa 6 phần kết khác nhau, và Konami không hề tiết lộ đâu là cái kết đúng cả.

    Tóm lại, cách mà Silent Hill 2 ghi mình vào lịch sử của những game rùng rợn là đảm bảo rằng mọi diễn biến của game đều kì quái, rùng rợn, nhưng không theo lối diễn tả trực quan, mà theo hướng kỳ bí, hồi hộp, không thể đoán trước được.

    Đây cũng là lý do tại sao mà không dễ gì có thể tái tạo một tựa game rùng hợn nhưng cũng đầy mơ hồ như Silent Hill 2.

    Để tìm mua Silent Hill 2 hiện nay rất khó, ngay cả Amazon cũng đang khan hiếm hàng, và rao bán với giá tận… 140USD!


    4. OUTLAST

    Mặc dù cũng là tựa game có tuổi rồi, ra mắt từ 6 năm trước, nhưng so với ba tựa game nói trên thì Outlast của Red Barrels là sản phẩm còn “non trẻ”.

    Game theo chân Miles Upshur trong hành trình sinh tử của anh tại một bệnh viện tâm thần Mount Massive ở Leadville, Colorado, nơi mà những bệnh nhân tồi tệ nhất đã “xổng chuồng” và sát hại các bác sĩ, y tá.

    Trái ngược với phong cách game kinh dị của Nhật Bản, Outlast có lẽ là sản phẩm gây nên yếu tố kinh dị từ nhiều pha hù dọa bất ngờ.

    Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là dùng sự hù dọa để gây nên nỗi sợ thì tựa game đã chẳng nổi tiếng như vậy.

    Outlast thành công là vì nó bắt người chơi… phải chịu đựng!

    game kinh dị

    Từ đầu chí cuối, game không hề cho bạn cơ hội đánh trả, tấn công lại kẻ địch một cách chủ động nào.

    Những việc bạn có thể làm gồm có trườn, leo, bò, và lẩn trốn như một con thú bị săn đuổi.

    Outlast về căn bản là “giả lập con mồi”, và đã làm rất tốt việc mang tới cho bạn trải nghiệm hồi hộp, căng thẳng, bất lực, vì đơn giản bạn chẳng thể làm gì.

    Đây cũng là lý do các pha hù dọa làm nền cho game rất tuyệt vời!

    Outlast là ví dụ một sản phẩm game kinh dị có thể tích hợp các pha hù họa bất ngờ theo chiều hướng nào đó tích cực và có ý nghĩa, điều mà nhiều tựa game kinh dị hiện nay đã quá lạm dụng.

    Bạn có thể dễ dàng trải nghiệm Outlast trên Steam, với giá khoảng 188.000 VNĐ.


    5-6. RESIDENT EVIL 2 REMAKE & RESIDENT EVIL 7

    Tất nhiên là khi nói tới game kinh dị, ta không thể không kể tới dòng game Resident Evil.

    Nhắc qua một chút lịch sử về dòng game này, thì Resident Evil 2 thực sự là một cái tên rất thành công của Capcom, và sự huy hoàng đó còn tiếp diễn thêm hai bản nữa.

    Tuy nhiên, tới Resident Evil 5Resident Evil 6 là hai sản phẩm đã không nhận được nhiều sự tán dương lắm, vì đã “phá cách” những gì quen thuộc với dòng game.

    Do vậy, khi Resident Evil 7 ra mắt, tựa game được coi là một lời “sám hối”, tìm lại cội nguồn kinh dị – sinh tồn của Capcom.

    game kinh dị

    Có thể nói, Resident Evil 7Resident Evil 2 Remake tuy là hai game khác biệt nhưng có khá nhiều nét tương đồng.

    Thứ nhất, cả hai tựa game đều sử dụng công cụ làm game RE Engine.

    Điều này cho phép Capcom mang tới một trải nghiệm chơi hiện đại, đẹp mặt, đủ các thể loại hiệu ứng hay cách làm chấn động tâm lý.

    Do vậy, hai tựa game này nắm chắc điểm ở mảng đồ họa, và tất nhiên rồi, với một tựa game kinh dị thì trau chuốt đồ họa không bao giờ là yếu tố thừa.

    Thứ hai, cả hai đều mang tới vừa đủ những yếu tố cuốn hút để bạn bị cuốn theo dòng chảy của game.

    Hai game luôn “đập vào mặt” bạn những kẻ thù mạnh, hung hãn, rùng rợn, đủ để làm bạn luôn cảm thấy mình ở “cửa dưới”.

    Để rồi kết hợp với không khí ảm đạm, những pha hù dọa bất ngờ, và sự bí ẩn trong cốt truyện để kéo bạn gần hơn với trải nghiệm.

    Thứ ba, game cho bạn khả năng chiến đấu.

    game kinh dị

    Bạn không vô dụng hoàn toàn như trong Outlast, cũng không phải trải nghiệm một cơ chế mới lạ như trong Fatal Frame II: Crimson Butterfly, mà thứ bạn có trong tay là súng, là đạn quen thuộc.

    Điều này tuy không quá phá cách nhưng lại quen thuộc với nhiều người hơn, và đặc biệt là trung thành với dòng game Resident Evil.

    Tóm lại, cả Resident Evil 2 Remake Resident Evil 7 là hai ví dụ điển hình của việc nhà sản xuất không cần cố gắng làm gì đó phá cách, mà chỉ cần thực hiện chỉn chu những khuôn mẫu có sẵn, kèm thêm chút tên tuổi hay may mắn, là cũng đủ để tạo ra một tựa game đáng trải nghiệm rồi!

    Không quá khó để mua hai game Resident Evil kể trên trong các trang bán game trực tuyến như Steam, PSN, v.v.


    Và giờ, phần còn lại Vietgame.asia xin nhường lại cho bạn: bật máy lên, cài đặt game, trải nghiệm những thế giới quan huyền bí mà 6 tựa game trên đang chờ đón, bạn nhé!