Unholy – Từ việc khám phá những môi trường bị “ma” ám, quái vật hoành hành như Dead Space (2023), đến việc đối diện với “mảng tối” của bản thân từ dòng game Silent Hill, thể loại game Kinh dị luôn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại cốt truyện, bối cảnh cũng như nhân vật có đất “diễn”, nhằm đem đến những giây phút thưởng thức đầy “ú tim” lẫn ngoạn mục, hoặc tràn đầy cảm xúc.
Một trong những bối cảnh đầy cảm xúc đấy, theo người viết, là về gia đình – khi từng thành viên trong nhà phải trải qua những giây phút kinh hoàng đến từ… trí tưởng tượng của đội ngũ phát triển! Ví như The Park với người mẹ Lorraine lạc lõng trong khu công viên u ám nhằm tìm lại con mình; The Mortuary Assisant với cốt truyện nhấn mạnh tình thương từ người cha và sức mạnh lý trí nhằm cai nghiện của Rebecca – trong lúc phải đối đầu với những “con nghiện” thích hù dọa tại… nhà xác; hay Unholy – tựa game kinh dị đầu tiên đến từ hãng phát triển Duality Games tại Phần Lan (“quê hương” của Layers Of Fear 2023 từ Bloober Teams).
Với lối thiết kế và nghệ thuật đầy âm hưởng từ H.R. Giger và Zdzisław Beksiński – những họa sĩ “bậc thầy” trong việc lột tả nét kinh dị đầy trừu tượng lẫn ma mị, những giây phút đầu tiên của Unholy dễ làm người chơi liên tưởng đến tựa game Scorn, với lối thiết kế tương đồng.
Nhưng thay cho cuộc hành trình đơn độc vào cõi âm đầy hiểm nguy, nay trong vai của một người mẹ – Dorothea, người chơi sẽ phải du hành trong hai thế giới nhằm tìm lại người con đã bị giáo phái đen tối nắm giữ: thế giới thật tại một thị trấn thời hậu Sô Viết, và thế giới “song song” mà giáo phái đấy lẫn thế lực đen tối hoàn hành.
Và thay cho lối chơi có phần thất vọng từ Scorn, bản demo của Unholy từ tháng 06/2023 lại trông rất hứa hẹn với những giây phút giải đố, ẩn nấp và cả sử dụng “vũ khí” nhằm bảo vệ bản thân trước hiểm nguy đang rình rập.
Nay với tựa game được ra mắt chính thức, liệu Unholy có giữ “lửa” được như cách bản demo đã làm?
Hãy cùng Vietgame.asia chu du giữa hai thế giới trên và tìm hiểu qua bài đánh giá sau nhé!
BẠN SẼ THÍCH
“Thử lửa” tình mẫu tử
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thế giới trông như lời ca của John Lennon — từ bài hát Imagine bất hủ, chỉ khác rằng tín ngưỡng chính là chất xúc tác nhằm đem đến hòa bình?
Bạn sẽ có được thế giới của Unholy – một thị trấn Đông Âu yên bình được trị vì bởi… một giáo phái mang tên Suối Nguồn Vĩnh Cửu (The Spring of Eternity).
Nhờ sức mạnh của đức tin ngày càng mạnh mẽ, giáo phái trên đã sớm lập nên một xã hội gồm hai… thế giới: một là thị trấn do “Nhà Tiên Tri” – chủ giáo phái – cai quản, song song với thế giới “thứ hai” – vốn được dựng nên từ chính thị trấn dưới cái tên “Thành Phố Vĩnh Hằng” (Eternal City), nơi mà người dân tự do thể hiện tín ngưỡng họ đang theo đuổi mà không phải lo về nỗi đau thể xác, đói khát và bất tử. Trong đấy, hai mẹ con Dorothea và Gabriel là hai thành viên mới nhất được dung nạp từ người cha của cô.
Dẫu cho vẻ yên bình và đoàn kết mà Dorothea được “quảng bá”, cô ngày càng thấy được sự mục ruỗng, giả dối và nguy hiểm từ nơi đây — dẫn đến buổi tối định mệnh mà Dorothea lẽ ra phải trốn khỏi giáo phái cùng con trai lại trở thành đêm biệt ly, khi Gabriel bị chúng bắt cóc sang Thành Phố Vĩnh Hằng, nhằm tiến hành nghi lễ xóa bỏ thế lực đen tối nơi đấy.
Cuộc hành trình của Dorothea từ đấy bắt đầu – dưới sự giúp đỡ của vị trưởng giáo phái đời trước nhằm tìm lại đứa con của mình, cũng như vén màn bí mật đằng sau nguyên nhân dẫn đến việc bắt cóc, những sự thật đau lòng mà người cha lẫn vị cựu trưởng giáo phái đã che giấu, cũng như tìm hiểu vì sao Thành Phố Vĩnh Hằng lại trở nên mục ruỗng dưới sự thống trị của giáo phái.
Khó có thể tin được những giây phút đầu tiên của cốt truyện lẫn mạch truyện về sau càng trở nên cuốn hút và đen tối như vậy – dưới bàn tay của đội ngũ phát triển chuyên về các dòng game độc lập mang nội dung… vui tươi và bớt phần u ám hơn từ Duality Games.
Thế nhưng nếu xét lại các tựa game kinh dị đến từ các hãng châu Âu như Layers Of Fear 2023, Cry Of Fear hay Darkwood, người chơi sẽ dễ nhận thấy điểm tương đồng trong mạch kể chuyện lẫn cách tạo dựng môi trường và nhân vật: mọi cảnh vật trông đỗi đời thường và thân quen đều chứa đựng những hiểm nguy hữu hình, những thực thể không ra… người và các “góc tối” của chính nhân vật được phô bày trong đấy, chỉ chực chờ người chơi sơ hở để xâu xé… Trừ thế giới khiếp đảm của… Scorn ra!
Tuy có một điểm trừ nhỏ của Unholy ở tốc độ kể chuyện – nhất là ở các đoạn cắt cảnh giữa Dorothea và các nhân vật phụ có phần khá… chóng vánh, khiến người viết cảm tưởng cô đang cố… chạy đua cùng thời gian nhằm giải cứu Gabriel càng nhanh càng tốt, ít ra cốt truyện về sau cũng đã bù đắp khi tập trung khai thác vào mối quan hệ giữa cô – giáo phái – người cha và góp phần tạo nên nét đa chiều ở các nhân vật trọn vẹn hơn.
Đây cũng là điểm cộng giúp tựa game có chiều sâu hơn so với các “đàn anh” cùng quê hương như từ Bloober Teams hay Ebb Software – nhà phát triển tựa game Scorn.
Khó có thể tin được những giây phút đầu tiên của cốt truyện lẫn mạch truyện về sau càng trở nên cuốn hút và đen tối như vậy
“Bắn” đá giấu tay!
Lối chơi của Unholy là một trong những điểm cộng mà người viết khá thích thú, tuy có phần lặp lại và cần thêm sự trau chuốt.
Nếu bạn đã quen việc chạy-ẩn nấp như cách các hậu bản của dòng game Amnesia hay Outlast, bạn sẽ không quá bỡ ngỡ với Unholy. Trong game, người chơi sẽ không thể gây sát thương trực tiếp lên kẻ thù – từ dàn lính gác bảo vệ giáo phái đến những xác chết vật vờ bởi sự ảnh hưởng của thế lực đen tối.
Thế nhưng thay vì chỉ dừng tại đấy, Unholy lại đem đến cơ chế “chiến đấu” khá thú vị — bằng cây ná cùng những viên ngọc “tâm hồn”, người chơi sẽ gián tiếp “hướng dẫn” chúng vào các bẫy nguy hiểm như mìn, hộp điện… hay tạo những màn khói nhằm bảo vệ Dorothea khỏi ánh mắt của kẻ thù.
Ngoài cái tên khá “kêu” cùng với mỗi viên ngọc “tâm hồn”, chúng cũng đem đến những tương tác khác nhau đến môi trường: ngọc xanh “Cú Sốc” nhằm kích hoạt các đồ vật dùng điện, ngọc đỏ “Giận Dữ” nhằm phá hủy môi trường, ngọc xám “Buồn Thẳm” nhằm tạo nên màn khói che mắt kẻ thù, cùng với ngọc vàng “Ham Muốn” nhằm dụ dỗ kẻ thù vào góc mình… muốn.
Các viên ngọc cũng góp phần giúp người chơi giải đố ở mỗi màn chơi, từ việc phải kích hoạt hộp điện từ xa, phá khóa cửa cho đến đánh lạc hướng kẻ thù để… tập trung giải đố, giúp cho việc sử dụng cây ná trở nên rất hữu ích. Ngoài ra khả năng chạy-leo trèo-ẩn nấp của Dorothea cũng góp phần không nhỏ trong việc khám phá, giải đố của cô tại Thành Phố Vĩnh Hằng, tuy đôi lúc chuyển động của nhân vật còn hơi thô.
Nói đến khả năng thì không thể không nhắc đến một trong những điểm nhấn chính của Unholy – chiếc mặt nạ. Ban đầu chỉ nhằm che đậy bộ mặt đằng sau mỗi người dân, nay chúng đã được tận dụng bởi Dorothea nhằm đem đến những kỹ năng đặc biệt, ví như bảo vệ khỏi khí độc hay tô đậm những đồ vật có thể tương tác.
Đương nhiên trong thời kỳ “nhà nhà làm game RPG” thì không thể thiếu được cơ chế nâng cấp, và Unholy cũng góp mặt với cơ chế này khi cho phép người chơi sử dụng “Ký ức” -những đồ vật gắn liền với kỷ niệm của Dorothea – nhằm làm vật tế thần và đổi thành điểm kỹ năng nâng cấp, từ nâng thêm số lượng ngọc để bắn, di chuyển trong im lặng cho đến sức mạnh của một số loại ngọc khác nhau.
May mắn thay độ dài vừa phải của game cũng phản ánh mức độ đơn giản của cơ chế nâng cấp, nhằm tránh mắc phải lỗi rườm rà phức tạp không cần thiết từ một tựa game thuần phiêu lưu – kinh dị như Unholy.
Lối chơi của Unholy là một trong những điểm cộng mà người viết khá thích thú, tuy có phần lặp lại và cần thêm sự trau chuốt
Thành Phố “Chết” mà “Chất”!
Mộc mạc, giản dị trước khi nhuốm màu của máu, sự đổ nát lẫn biến chất, ma mị của Thành Phố Vĩnh Hằng – mỗi ngóc ngách, âm thanh trong Unholy toát nên sự chăm chút kỹ lưỡng của Giám đốc Sáng tạo tại Duality Games, Tomasz Strzalkowski.
Không chỉ đem đến những góc căn hộ chân thật và rất gần gũi – với những chiếc xe đạp con nít lẫn giày dép gác tại dãy hành lang chung cư như đang ở tại… Sài Gòn, cùng với âm thanh phố phường từ cửa sổ đến trước cửa nhà hàng xóm, Strzalkowski còn đem đến nét đẹp ảm đạm, “chết chóc” lẫn nhơ nhuốc nhằm thể hiện sức ảnh hưởng của thế lực đen tối đang “gặm nhấm” thành phố trong mơ này.
Nếu bạn đã từng xem các tác phẩm như Alien, Prometheus hay Dune, hẳn bạn sẽ nhận thấy lối thiết kế những bộ phận sinh học được trừu tượng hóa lẫn “kinh dị” hóa nhằm nổi bật lên nỗi sợ sâu thẳm của con người – nhất là các trường đoạn khi Dorothea dấn thân sâu vào trong lòng thành phố và đối mặt với những xúc tu bao phủ mặt tường, những lớp rễ trông như có sự sống bám lấy xác chết các cư dân xấu số, âm thanh rên rỉ của kẻ thù ẩn sau những góc tối trong tòa nhà mục nát…
Và đi đôi với sự hiện diện của thế lực này chính là dàn kẻ thù của Unholy – tuy có phần khiêm tốn về số lượng lẫn chủng loại, nhưng đều được thiết kế rất đồng bộ với môi trường “ác mộng” nơi đây: từ những tên lính gác của giáo phái đến các thây ma có khả năng nghe hay tàng hình đến khi người chơi lại gần.
Nếu bạn đã từng xem các tuyệt phẩm như Alien, Prometheus hay Dune, hẳn bạn sẽ nhận thấy lối thiết kế những bộ phận sinh học được trừu tượng hóa lẫn “kinh dị” hóa nhằm nổi bật lên nỗi sợ sâu thẳm của con người…
Sự hiện diện song song của thị trấn và Thành Phố Vĩnh Hằng – cùng với khả năng du hành giữa hai thế giới của Dorothea – kỳ thực làm người chơi liên tưởng đến cách James Sunderland khám phá thị trấn Silent Hill (cùng với bản làm lại sắp tới từ Bloober Teams), cùng với chút pha trộn trong lối di chuyển và tương tác với môi trường từ Thief.
May thay nét vay mượn từ các “đàn anh” trên không làm lu mờ đi nét đẹp riêng của Unholy, cùng với mảng cốt truyện chỉn chu và dàn diễn viên lồng tiếng khá ổn. Thật sự dù mới chỉ là tựa game kinh dị đầu tiên của Duality Games, việc hãng có thể đem đến sự đầu tư kỹ lưỡng trên vào game là một điều rất đáng khen!
BẠN SẼ GHÉT
“Sạn” theo từng bước chân
Tiếc thay cho tựa game kinh dị đầu tiên của hãng, Unholy cũng đi kèm với vài điểm trừ lẫn cơ hội “tỏa sáng” bị đánh hụt một cách đáng tiếc!
Điều đầu tiên phải kể đến chính là cơ chế chuyển động, “chiến đấu” và di chuyển của Dorothea: cồng kềnh có lẽ là cách mô tả phù hợp nhất cho thời điểm hiện tại. Từ việc đồ vật phải ở rất sát nhân vật mới có thể tương tác – kể cả những quả mìn có thể… phát nổ một khi đứng quá gần; việc phải đổi loại ngọc trong một nút thay vì gán cho mỗi nút số trên cùng; cho đến một số lỗi khiến người viết không đeo được mặt nạ hay bật đèn pin lên, dẫn đến phải quay lại phần lưu trước…
Điểm tiếp theo lại nằm ở chính các câu đố trong Unholy! Tuy không quá phức tạp và đa phần dễ xử lý, có không ít các câu đố thật sự không có gợi ý rõ ràng – ví như chiếc khóa hình ở trên một số thùng rương trong game với hình gợi ý… không ăn nhập với hình khóa!
Việc giải đố bằng các viên ngọc, nhất là khi phải đổi trên một loại ngọc, trở nên rườm rà một cách không đáng có, khiến công sức của Dorothea nâng cấp bản thân trở nên lãng phí, cùng với việc một khi đã bắn hàng… chục viên ngọc vào môi trường, người chơi cũng sẽ dần cảm thấy nhàm chán khi cách giải đố trên đa phần còn tuyến tính và lặp lại.
Đấy là chưa kể đến việc hiến tế các “ký ức” của cô cũng đã có thể góp phần cho kết thúc của game có chiều sâu hơn, ví dụ như việc cô dần đánh mất bản thân mình khi phải hy sinh từng kỷ niệm – với gia đình lẫn cùng Gabriel – khi càng bước sâu vào Thành Phố Vĩnh Hằng và trở nên mạnh mẽ hơn. Tiếc thay, việc nâng cấp nhân vật chỉ dừng lại ở việc giúp cô giải đố… đỡ cực hơn chút đỉnh.
Cuối cùng là những lỗi vặt nhưng “kinh điển” như A.I không được thông minh đôi lúc, âm thanh không đồng nhất với môi trường xung quanh, khung hình bị tuột tại một số môi trường nhất định… Những điểm trừ tuy có thể hiểu cho các hãng phát triển độc lập, nhưng cũng góp phần khiến trải nghiệm game có phần thiếu hoàn chỉnh.
Tiếc thay cho tựa game kinh dị đầu tiên của hãng, Unholy cũng đi kèm với vài điểm trừ lẫn cơ hội “tỏa sáng” bị đánh hụt một cách đáng tiếc