War Mongrels – Từ lâu, thiết kế màn chơi đã luôn là một trong các yếu tố tiên quyết để nhà phát triển có thể “ra lò” được những tựa game hay.
Tuy nhiên, khác với các “ông lớn” phát triển được những tựa game có lối thiết kế màn chơi tuyệt vời như Dead Space (2023), Hi-Fi RUSH, thì yếu tố này luôn là trở ngại khó nhằn nhất đối với những studio phát triển game nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm.
Hơn nữa, yêu cầu về thiết kế màn chơi này càng khắt khe hơn đối với các tựa game chiến thuật thời gian thực (RTS).
Điển hình cho những tựa game theo phong cách RTS gần đây, ta có Partisan 1941 ra mắt năm 2020, tuy sở hữu cho mình nhiều ý tưởng độc đáo, nhưng cách Daedalic Entertainment phát triển màn chơi vẫn còn khá “non tay” bởi hướng xây dựng quá tuyến tính, thiếu đi tính chiến thuật cho trò chơi.
Vậy liệu War Mongrels vừa ra mắt đây từ Destructive Creations, nhóm phát triển sáng tạo nên Daymare: 1998, có vấp phải những sai lầm trên?
Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài viết sau đây!
BẠN SẼ THÍCH
THẾ GIỚI SINH ĐỘNG!
War Mongrels đưa người chơi đến với chiến tuyến phía Tây những năm Thế chiến II, trong vai Manfred và Ewald, hai gã lính Đức Quốc xã… đào ngũ trong chiến dịch Vitebsk-Orsha năm 1944.
Cả hai nhân vật này sẽ phải hợp tác cùng nhau để trốn thoát khỏi khu vực lúc này đang bị bao vây bởi lực lượng từ cả hai phe tham chiến: Đồng Minh và Trục. Về sau cả hai nhân vật chuyển phía sang lực lượng quân kháng chiến nhờ vào sự dẫn dắt của các nhân vật mới, được giới thiệu trong các chương sau của trò chơi.
Các nhân vật được giới thiệu về sau cũng sở hữu cho mình lượng “đất diễn” vừa phải, dễ dàng tạo được sự đồng cảm với người chơi thông qua những cuộc đàm thoại nhỏ lẻ và tình tiết bất ngờ xuyên suốt màn chơi. Qua đó mà tuyến truyện của trò chơi được diễn giải một cách ổn áp, dễ dàng cho người chơi nắm bắt.
Điển hình như tình tiết Manfred và Ewald tình cờ cứu Lukas, một tay lính thuộc Quân đội Nhà của Ba Lan, khi anh đã thành công dẫn dắt cả hai người tham gia vào quân kháng chiến sau khi tận mắt chứng kiến cuộc thảm sát kinh hoàng tại Ponary.
Xuyên suốt quá trình trải nghiệm War Mongrels, trò chơi liên tục giới đến người chơi những màn chơi chơi mới, tuy hầu hết tất cả đều xoay quanh các nhiệm vụ đào tẩu, ám sát, nhưng với kích thước màn chơi đồ sộ cùng bối cảnh đặc trưng được dàn dựng riêng cho từng chương, trò chơi dễ dàng cuốn hút người chơi vào cuộc hành trình, kích thích sự tò mò của bạn với những câu truyện dần hé mở.
trò chơi dễ dàng cuốn hút người chơi vào cuộc hành trình, kích thích sự tò mò của bạn với những câu truyện dần hé mở
XÂY DỰNG CHẮC TAY!
Nhìn chung thì nếu là fan yêu thích các trò chơi theo phong cách chiến lược thời gian thực như dòng Commandos hay Desperados, thì War Mongrels đích thị là trò chơi dành cho bạn, bởi game sở hữu khá nhiều cơ chế lấy cảm hứng từ hai dòng game lừng danh này.
Màn chơi của game cùng dàn nhân vật được dàn dựng khá tốt để đem đến trải nghiệm chiến thuật, kích thích người chơi lên kế hoạch cho những cuộc ám sát hoàn hảo.
Về hai nhân vật đầu tiên của game, Ewald là một tay “cơ bắp” chính hiệu với khả năng ám sát kẻ địch một cách nhanh gọn mà không tạo ra tiếng động, trong khi Manfred thì ngược lại, anh có thể gây chú ý kẻ địch xung quanh đó nếu không cẩn thận, tuy nhiên thì Manfred lại có kỹ năng huýt sáo, ném vật thể dụ kẻ địch khá hữu dụng, cùng với đó là khả năng cải trang thành lính Đức Quốc xã chỉ xuất hiện ở một số khu vực trong màn chơi.
Qua đó mà người chơi có thể phối hợp cả hai như một cặp bài trùng cho chiêu “giương Đông kích Tây” xuyên suốt phần lớn tình huống, bằng việc cho Manfred dụ kẻ địch, trong khi Ewald lao đến kết liễu.
Tuy hữu dụng là thế, nhưng cả hai lại khá kém trong việc leo trèo lên những tòa nhà cao tầng.
Lúc này, War Mongrels giới thiệu Lukas, nhân vật làm rất tốt việc thâm nhập vào hậu phương của kẻ địch bằng cách trèo qua những tòa nhà cao tầng, đi kèm với kỹ năng ném đá, đặt bẩy để đánh lạc hướng, là lựa chọn tuyệt vời khi người chơi muốn lên kế hoạch thâm nhập, tiêu diệt nhiều kẻ địch cùng lúc.
Trò chơi được thiết kế theo hướng khá tuyến tính, dễ kiểm soát, bằng cách vạch sẵn hướng giải quyết cho người chơi, với các tình huống khá hiển nhiên trong việc người chơi phải bố trí nhân vật ra sao, ai sẽ thực hiện công việc nào.
Tuy nhiên, lối thiết kế tưởng chừng như đơn giản này lại bị chi phối bởi yếu tố như lộ trình và tầm nhìn của kẻ địch.
Nhờ thế mà việc căng thời gian và xử lý tình huống trong War Mongrels lại không hề đơn giản tí nào bởi hầu hết kẻ địch đều có khả năng phát hiện người chơi từ rất xa, nhưng đổi lại thì game đem đến cảm giác rất thỏa mãn khi bạn thực hiện thành công một cuộc ám sát mà không gây được sự chú ý của kẻ địch xung quanh.
Tương tự như các trò chơi như Shadow Tactics, Desperados 3, War Mongrels sở hữu chế độ “Planning” cho phép tạm thời ngưng đọng thời gian, người chơi dễ dàng sắp xếp và kết hợp nhiều chuỗi hoạt động để tạo nên một màn ám sát đẹp mắt.
Nếu không may bạn bị kẻ địch xung quanh phát hiện thì sao?
Đây là lúc War Mongrels giới thiệu đến cơ chế “Combat Mode” khá đặc trưng của trò chơi.
Khi vào chế độ này, trò chơi sẽ chuyển hẳn sang cơ chế “Twin-stick shooter” cho phép người chơi điều khiển nhân vật một cách tự do và nhấn vào kẻ địch để xả đạn vào chúng, đổi lại thì gần như tất cả kẻ địch trong phạm vi sẽ lao vào tấn công bạn sau đó.
Nhìn chung thì đây là cơ chế “tẩu thoát” thú vị và tiện lợi nhất mà người viết từng được trải nghiệm trong bất kỳ tựa game theo mô hình RTS nào, nhưng chúng lại khá rủi ro và chỉ nên dùng vào gần cuối màn chơi, khi mà bạn có thể chạy trốn bất kỳ lúc nào.
nếu là fan yêu thích các trò chơi theo phong cách chiến lược thời gian thực như dòng Commandos hay Desperados, thì War Mongrels đích thị là trò chơi dành cho bạn
BẠN SẼ GHÉT
HÀNG TÁ VẤN ĐỀ KỸ THUẬT
Nhìn chung thì War Mongrels là tựa game tương đối hoàn chỉnh, với lối chơi được thiết kế một cách bài bản, đa dạng, tuy nhiên, trò chơi lại tồn đọng một loạt vấn đề kỹ thuật dễ dàng gây ức chế cho người chơi.
Dễ nhận biết nhất là trong các trường hợp kẻ địch trong trạng thái cảnh giác, khi phát hiện xác đồng bọn trước mắt, chúng sẽ chạy tứ tung khắp bản đồ để tìm bạn, nhưng chỉ trong vài phút sau thì mọi thứ lại trở lại… bình thường!
Bọn lính vẫn sẽ tiếp tục lộ trình thường trực của mình, mặc cho xung quanh trông không khác gì bãi chiến trường, trông rất ngớ ngẩn, thiếu tự nhiên!
Điều này vô tình khiến trò chơi trở nên đơn điệu một cách không cần thiết, thiếu đi khá nhiều tính may rủi trong những màn ám sát thất bại.
Ngoài ra, tuy không xuất hiện quá thường xuyên, nhưng đôi lúc trò chơi xuất hiện tình trạng nhân vật đi trượt lộ trình được định sẵn, hay đôi lúc chế độ “Planning” gần như vô dụng khi hai hoặc nhiều tên lính đứng quá sát nhau, dẫn đến việc người chơi không thể chọn đúng mục tiêu cần ám sát.
trò chơi trở nên đơn điệu một cách không cần thiết, thiếu đi khá nhiều tính may rủi trong những màn ám sát thất bại