Skip to content

Wartile – Đánh Giá Game

Wartile

Wartile – Ngày nay, videogame đã trở thành một khái niệm quá quen thuộc, nếu không muốn nói rằng nó là một phần tất yếu của cuộc sống. 

Nếu tính sơ sơ ra thì ngành công nghiệp game cũng chỉ mới xấp xỉ 40 cái “xuân xanh” – mà như vậy thì hẳn không ít người sẽ nảy ra câu hỏi là “ngày xưa ấy người ta chơi cái gì để giải trí?”

Để có câu trả lời thì cũng cần nhắc lại rằng game nhập vai (RPG) ngày nay vốn có tiền thân là “cờ bàn” (board game), được chơi chỉ bằng giấy, bút chì, xúc xắc và những câu chuyện đầy mê hoặc trong sách luật. 

Hoạ hoằn lắm ở các biến thể “sang chảnh” hơn, người ta mới được tiếp xúc với những bộ cờ bàn “xịn xò”, gồm các hạt xúc xắc nhiều mặt đủ màu, hoặc các mô hình nhân vật tí hon mà tinh xảo.

Cũng có những loại cờ bàn cực kỳ đắt đỏ khi đẩy mọi thứ đi xa hơn, cho người chơi đấu trí với nhau qua một bàn cờ rộng lớn đầy chi tiết và địa hình mấp mô, tiệm cận với cấp độ “sa bàn” (diorama). 

Thật vậy, những ván game kéo dài mấy tiếng đồng hồ sẽ chẳng lấy gì làm lê thê nếu người chơi có thể mê đắm vào một thế giới tinh xảo thu nhỏ, nằm gọn trên một mặt bàn.

Nếu, đã tách bạch ra board game và videogame rõ ràng như vậy, thì liệu điều gì sẽ xảy ra khi có người cố tìm cách “dung hợp” hai phạm trù này lại làm một – mà cụ thể là… làm game về board game, trong đó người chơi sẽ chơi board game trong một tựa game?

Hãy cùng Vietgame.asia cùng đi tìm câu trả lời qua bài đánh giá về Wartile – một tựa game độc, lạ đến từ hãng Playwood Project Aps nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Phong cách đồ hoa “sa bàn” cực đỉnh!

Sở dĩ nói Wartile là một tựa game trong đó người ta chơi board game, là bởi vì sự thực đúng y như vậy, khi mà Wartile tái hiện lại các sa bàn môi trường một cách cực kỳ tinh tế và tỉ mỉ. 

Với màn chơi là những “mảng” cắt ra từ các địa hình thường thấy trong game huyễn mộng (fantasy) như đường đèo trên núi quỷ, hang rồng, hay vách núi sát biển, v.v. 

Wartile đưa người chơi đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, với những thủ pháp kiến tạo thần sầu của mình.

Thật sự người viết luôn tự hỏi rằng, nếu ở ngoài đời thực, liệu có ai đủ khả năng để kiến tạo ra những mô hình sa bàn tinh xảo mà nghệ thuật, ngõ hầu đến mức “xảo đoạt thiên công” như thế này hay không? 

Mỗi màn chơi trong Wartile là một sa bàn tái hiện lại một dạng chiến trường, mà tại đó người chơi sẽ điều khiển đội ngũ các mô hình nhân vật chống lại kẻ địch.

Lấy bối cảnh Viking, nên các nhân vật trong Wartile đều khá quen thuộc với những ai yêu thích pho sử thi Bắc Âu, cùng vùng đất khắc nghiệt quanh năm tuyết phủ này. 

Các mô hình chiến binh Viking cũng được thiết kế tỉa tót cực kỳ chi tiết và tinh xảo, vừa vặn, để biểu đạt bản chất của từng lớp nhân vật (chiến binh rìu, kiếm khiên, thợ săn cầm giáo…) nhưng vẫn giữ được cái chất “mô hình nhựa” của mình.

nếu ngoài đời thật mà có những sa bàn chi tiết tỉ mỉ như trong Wartile, thì giá của chúng phải tính bằng chục triệu VNĐ đổ lên

Đặc biệt, mỗi sa bàn trong Wartile đều được kiến tạo rất tỉ mỉ ở mọi góc độ, vừa tạo ra tính chiến thuật cho người chơi tận dụng, mà lại vừa có tính nghệ thuật thị giác rất cao với những góc vát cạnh, lát cắt tinh tế, chọn lọc. 

Người viết cam đoan rằng nếu ngoài đời thật mà có những sa bàn chi tiết tỉ mỉ như trong Wartile, thì giá của chúng phải tính bằng chục triệu VNĐ đổ lên chứ không thể thấp hơn được!

BẠN SẼ GHÉT

Khuyết lấn lướt ưu

Wartile có thể chinh phục được người chơi từ cái nhìn đầu tiên nhờ vào đồ hoạ độc đáo và quá đỗi xuất sắc của mình – nhưng tiếc thay, lời khen có thể dành cho game chỉ dừng lại ở đó, bởi lẽ các khía cạnh khác của Wartile đều chỉ ở mức… dưới trung bình!

Đầu tiên phải nói đến việc lối chơi của Wartile: thay vì nên theo hướng chiến thuật theo lượt kiểu cổ điển, thì game lại chọn cách thể hiện là hành động thời gian thực. 

Yup, bạn không nghe lầm đâu. 

Mỗi một nhân vật trong Wartile dù là ta hay địch đều có thể được điều khiển theo thời gian thực, và chúng có độ trễ mỗi khi tấn công hay di chuyển nhất định.

Vấn đề ở đây là, các nhân vật chỉ có thể đứng trên một ô hình lục giác trên sa bàn, chứ không phải di chuyển tự do. 

Điều này dẫn đến việc người chơi thường xuyên gặp phải tình trạng đường đi bị chặn bởi các bố cục lỗi (sai lầm của người chơi hoặc do máy bố trí ngu). 

Thậm chí, dù trên màn có xuất hiện các vật phẩm then chốt, thì người chơi vẫn phải tiêu diệt hết kẻ địch, rồi dời từng nhân vật ra lấy đường trống, thì mới chạm vào được.

Wartile

Chuyện này cũng không phải quá to tát, nếu Wartile có một cơ chế điều khiển thông minh hơn. 

Rất tiếc, ở cả hai phiên bản Steam lẫn Switch, người viết đều phải chịu đựng cơ chế điều khiển “sida” quá sức cần thiết: chọn nhân vật, chọn điểm đến, di chuyển – hoặc, chọn sai, cố gắng chọn lại. 

Một lần nữa, nếu Wartile là dạng game chiến thuật theo lượt để người chơi có thể thong thả vừa “uống trà ăn bánh”, vừa bàn việc quân thì mọi chuyện có lẽ đã khác – nhưng khi chọn cho mình lối chơi thời gian thực, nơi mỗi hành động sai lầm đều phải trả giá đắt, thì Wartile đã “thọt” toàn tập.

Kế tiếp, là hệ thống thẻ bài hỗ trợ trong game. 

khi chọn cho mình lối chơi thời gian thực, nơi mỗi hành động sai lầm đều phải trả giá đắt, thì Wartile đã “thọt” toàn tập

Lẽ ra đây sẽ là một ý tưởng hay, nếu bộ bài của người chơi đa dạng và đỡ bị ngẫu nhiên hơn – hoặc người chơi có phương pháp thao tác nào tiện hơn là… chọn bài, rồi cố gắng kéo đến nhân vật muốn “buff”, rồi thả. 

Kho đồ của Wartile cũng có thể coi là một “kiệt tác” mang tầm… thảm hoạ, khi nó vừa khó quản lý, vừa rườm rà, mà thực tế các món đồ có thể mua được trong shop luôn… “cùi bắp” hơn đồ người chơi nhặt được sau các trận đánh.

Wartile

Sau cùng, là việc game có thời lượng chơi quá ngắn, chỉ chưa đến 10 màn, gói gọn trong 6-7 loại sa bàn. 

Điều này không chỉ khiến giá trị thưởng thức game bị hụt hẫng do cốt truyện làm kiểu “cho có”, mà còn xoá nhoà luôn giá trị chơi lại – thứ mà các game chiến thuật đều hướng tới, nhằm giúp người chơi khai thác nhiều tính năng ẩn trong game hơn. 

Và với dàn nhân vật ít ỏi và không thật sự khác nhau nhiều, hầu như không có lý do gì để người chơi “yêu lại từ đầu” khi đã chơi xong Wartile cả.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Playwood Project Aps
  • Phát hành: DECK 13
  • Thể loại: Chiến thuật
  • Ngày ra mắt: 22/10/2020
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A 
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A 
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A 
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A 
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI PLAYWOOD PROJECT APS – CHƠI TRÊN HỆ SWITCH

6.0

Với cái giá 24.99 USD, Wartile là một lựa chọn khá tồi cho người chơi ở bất kỳ phân khúc nào.



Ngoại trừ mảng đồ hoạ được thể hiện xuất sắc ngoài mức tưởng tượng, Wartile “thọt” ở mọi khía cạnh của một tựa game: từ cốt truyện, lối chơi cho đến giá trị chơi lại.



Thật đáng tiếc khi Wartile vốn sở hữu rất nhiều tiềm năng để trở thành một tựa game “siêu to khổng lồ”, với hàng loạt cơ hội lấn sân qua các lĩnh vực khác như board game, đồ chơi… nhưng có vẻ như Playwood Project Aps vẫn chỉ là một studio non trẻ, chưa đủ “nội lực” để khai thác được “mỏ vàng” béo bở này.

Tác giả