Yakuza: Like a Dragon – Ra mắt phần đầu tiên vào năm 2005, Yakuza là thương hiệu game hành động thế giới mở có chủ để xoay quanh giới tội phạm Nhật Bản.
Trải qua 7 tựa game chính cùng những phần “spin-off” (ngoại truyện) và làm lại, tiếng tăm của dòng game Yakuza đã dần được lan truyền mạnh mẽ hơn.
Sau khi kết thúc câu chuyện của nhân chính lâu năm Kiryu Kazuma ở Yakuza 6, hãng phát triển RGG Studio đã quyết định mở ra một chương mới cho đứa con cưng của họ.
Đánh dấu cho sự khởi đầu này là Ichiban Kasuga, nhân vật chính mới của thương hiệu bắt đầu từ Yakuza: Like a Dragon trở đi.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đây, RGG Studio cũng đã quyết định chuyển thể loại của dòng game từ “Beat em Up” (đi cảnh đánh đấm) sang “Turn-based RPG” (Nhập vai theo lượt).
Đây là một quyết định gây nhiều tranh cãi bởi vì từ trước đến nay, Yakuza đã luôn được biết đến là dòng game cho phép người chơi “tả xung hữu đột”, một mình đối đầu với nhiều kẻ địch trong các trận đánh đấm.
Liệu bước chuyển mình này có ảnh hưởng đến chất lượng của dòng game? Vietgame.asia sẽ cùng độc giả đánh giá qua bài viết sau về Yakuza: Like a Dragon.
Một thông tin bên lề, đó là theo lời cha đẻ của thương hiệu Yakuza – ông Toshihiro Nagoshi – việc Yakuza: Like a Dragon chuyển sang hướng đánh theo lượt là vì ông có niêm đam mê lớn và muốn thể hiện sự tôn trong đến dòng game Dragon Quest.
Nội dung
Câu chuyện của Yakuza: Like a Dragon bắt đầu vào ngày cuối cùng của năm 2000. Ichiban Kasuga – nhân vật chính – là một gã yakuza cấp thấp của gia đình Arakawa thuộc gia tộc Tojo khét tiếng. Đây là tổ chức yakuza lớn nhất khu vực Kanto, Nhật Bản.
Dù mang danh tội phạm, Ichiban là một con người sống có tình nghĩa và luôn giúp đỡ mọi người mỗi khi có thể. Điều này khiến anh có phần gặp rắc rối với cấp trên trong gia đình.
Vào ngày 1 tháng 1 năm 2001, cuộc sống của Ichiban đã trải qua một bước ngoặc lớn. Gia trưởng của gia đình Arakawa – Masumi Arakawa – đã yêu cầu Ichiban vào tù thay thế cho một thành viên cấp cao của gia đình vì tội giết người.
Vì Masumi Arakawa đã cứu mạng Ichiban khi anh còn nhỏ, Ichiban gật đầu ngay. Với Ichiban, anh tin rằng đây chính là cơ hội để trả ơn người mà anh xem là cha.
Sau khi kết thúc án tù 18 năm, Ichiban tưởng rằng anh sẽ có thể trở lại với gia đình tội phạm thân quen. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không còn như trước… Masumi Arakawa giờ đây đã là thành viên của Liên Minh Omi, tổ chức Yakuza lớn nhất Kansai và cũng là kì phùng địch thủ của Tojo.
Hành trình của Ichiban giờ đây sẽ là tìm hiểu sự thật vì sao Arakawa lại phản bội. Anh không hề mảy may rằng chặng đường phía trước đầy chông gai với những thế lực tranh giành quyền lực với nhau.
BẠN SẼ THÍCH
Một câu chuyện cuốn hút
Điều đầu tiên mà người viết muốn nói, đó là cho dù bạn có lạ lẫm với thương hiệu Yakuza, thì tựa game này vẫn là một điểm khởi đầu tốt. Nguyên nhân là vì Ichiban đã phải ngồi tù từ năm 2001 đến 2019, vì vậy anh cũng không nắm được những việc đã xảy ra trong khoảng thời gian qua.
Tất nhiên, nếu đã chơi các phần trước, thì người chơi sẽ có thể cảm nhận những tình tiết của câu chuyện mà Yakuza: Like a Dragon kể tốt hơn.
Câu chuyện của tựa game được xoay quanh bí ẩn về việc tại sao Masumi Arakawa lại quyết định phục vụ cho băng đảng Omi. Thông qua bí ẩn này, Ichiban sẽ khai quật những bí mật to lớn hơn liên quan đến chính phủ, cũng như đưa đến cho người chơi một góc nhìn khác về xã hội.
Thứ khiến cho người viết nhớ đến câu chuyện của Yakuza: Like a Dragon nhiều nhất, chính là cách trò chơi đã xây dựng các tuyến nhân vật.
Với những khoảnh khắc rung động lòng người cũng như hài hước dí dỏm, RGG Studio đã khiến cho người viết phải quan tâm đến tình cảnh của Ichiban cũng như những nhân vật mà anh gặp trong tựa game.
Kẻ phản diện của Yakuza: Like a Dragon cũng được xây dựng tốt không kém, họ có động cơ rõ ràng và thậm chí một số kẻ phản diện cũng “được lòng” người viết, dù những hành động của họ khó có thể tha thứ.
Sự xây dựng nhân vật thêm phần hiệu quả hơn nhờ vào các diễn viên lồng tiếng. Dù là giọng thoại tiếng Anh hay Nhật, phần trình diễn của họ đã khiến cho người viết suýt rơi nước mắt ở nhiều phân đoạn khác nhau.
Không chỉ là một câu chuyện trinh thám tội phạm, Yakuza: Like a Dragon cũng đậm tính nhân văn, xây dựng xung quanh con người và tình người. Các nhân vật chính củaYakuza: Like a Dragon đều có gánh nặng của riêng họ, song thông qua sự đoàn kết và sẻ chia, họ đã cùng nhau vượt qua những nghịch cảnh này.
Yakuza: Like a Dragon cho chúng ta thấy rằng nhờ có tình người, những mảnh đời gần như là dưới đáy xã hội mới có thể sống dưới sự áp bức của tầng lớp cầm quyền.
…thứ khiến cho người viết nhớ đến câu chuyện của Yakuza: Like a Dragon nhiều nhất, chính là cách trò chơi đã xây dựng các tuyến nhân vật.
Chiến thuật nhưng vẫn có chất hành động
Trong trò chơi, Ichiban Kasuga được xây dựng là một fan cuồng của dòng game Dragon Quest. Chính vì điều này, anh nhìn nhận những trận đấu mà anh tham gia diễn ra theo lượt, như tựa game yêu thích.
Dù đã chuyển sang thể loại đánh theo lượt, tính hành động của các tựa game trước đó vẫn hiện hữu trong Yakuza: Like a Dragon thông qua nhiều yếu tố.
Yếu tố đầu tiên, đó là việc tựa game khuyến khích người chơi đưa ra quyết định tấn công càng nhanh càng tốt.
Cụ thể hơn, sau khi đánh ngã kẻ địch, người chơi có thể tận dụng thời cơ kẻ địch chưa kịp đứng dậy để bồi thêm một đòn tấn công nữa. Đòn tấn công này sẽ có sát thương cao hơn hẳn.
Yếu tố thứ hai, chính là cơ chế phòng thủ trong chiến đấu.
Yakuza: Like a Dragon đưa đến cho người chơi hai cách phòng thủ. Cách thứ nhất đó là hy sinh lượt đang sử dụng để đưa nhân vật vào thế đỡ đòn, đảm bảo rằng khi kẻ địch tấn công sẽ nhận sát thương thấp hơn.
Cách thứ hai, mang tên “Perfect Guard”, sẽ yêu cầu người chơi phải canh thời điểm lúc đòn tấn công của kẻ địch gần tiếp xúc với nhân vật để đưa tay lên phòng vệ kịp thời.
Perfect Guard là một cơ chế “rủi ro cao, hiệu quả lớn”, dành cho những game thủ có phản xạ cao muốn sử dụng lượt của mình để tổng tấn công.
Yếu tố thứ ba, đó là những “Quick Time Event – QTE” xuất hiện khi người chơi thực hiện các tuyệt chiêu. Mục đích của chúng là để tăng độ hiệu quả khi sử dụng chiêu.
Tuy các QTE này không đa dạng – với hai loại duy nhất là nhấn nút liên tục hoặc canh thời điểm – sự tồn tại của chúng giúp người chơi phần nào kiểm soát được cách mà nhân vật đang tấn công.
Ví dụ, Ichiban có một tuyệt chiêu cho phép anh sử dụng “thiết đầu công” và nếu người chơi thực hiện QTE trên màn hình, tuyệt chiêu sẽ được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, đã mắt hơn.
Bên cạnh ba yếu tố lớn ở trên, Yakuza: Like a Dragon còn một số yếu tố phụ khác giúp cho game có cảm giác hành động.
Ví dụ như các nhân vật di chuyển liên tục, không đứng yên dàn hàng ngang như các tựa game theo lượt khác. Hay là việc Ichiban có thể cầm các vật dụng xung quanh để tấn công nếu anh đứng gần. Hoặc là việc kẻ địch có thể chặn đường người chơi nếu người chơi chọn một mục tiêu đứng sau chúng.
Khi tồn tại một mình, các yếu tố này tương đối nhỏ và không ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi mấy. Khi cộng hưởng với nhau, trải nghiệm chiến thuật theo lượt của game sẽ hành động hóa hơn hẳn.
Cơ chế chiến đấu của Yakuza: Like a Dragon cũng có những điểm trừ nhất định, chẳng hạn như việc chúng ta không thể tự do di chuyển nhân vật trong trận đấu , song người viết vẫn cảm thấy rằng các điểm tốt đã vượt trội hơn điểm xấu.
Dù đã chuyển sang thể loại đánh theo lượt, tính hành động của các tựa game trước đó vẫn hiện hữu trong Yakuza: Like a Dragon thông qua nhiều yếu tố.
Yokohama, vùng đất mới để người chơi khám phá
Bên cạnh khu phố Kamurocho quá đỗi quen thuộc với thương hiệu, Yakuza: Like a Dragon cũng đưa đến cho người chơi một đia điểm mới để khám phá – Isezaki Ijincho. Địa danh này được xây dựng dựa trên Isezakichō, một quận thuộc thành phố Yokohama nổi tiếng.
Thông qua sức mạnh của Dragon Engine (được dùng cho siêu phẩm Judgment), Yakuza: Like a Dragon đã đưa đến cho chúng ta một khu phố tuyệt đẹp của xứ sở hoa anh đào, nhất là khi về đêm.
Về mặt diện tích, Isezaki Ijincho rộng lớn gấp ba lần Kamurocho và đi kèm với đó là vô vàn các địa điểm để người chơi ghé qua, ví dụ như các quán ăn, quầy bar, rạp chiếu phim, casino ngầm, gian hàng vũ khí…
Và tất nhiên, tương tự như Kamurocho, Isezaki Ijincho cũng sẽ có những con người gặp khó khăn cần sự giúp đỡ của nhân vật chính, dẫn đến các câu chuyện phụ vui nhộn nhưng không kém phần sâu sắc.
Thông qua sức mạnh của Dragon Engine, Yakuza: Like a Dragon đã đưa đến cho chúng ta một khu phố tuyệt đẹp của xứ sở hoa anh đào, nhất là khi về đêm.
Âm nhạc tuyệt vời
Một yếu tố đáng được nhận sự chú ý của Yakuza: Like a Dragon chính là mảng âm nhạc của tựa game. Bên cạnh những bài nhạc mang lại sự hào hứng cho các trận đấu, tựa game còn có những bài nhạc lấy cảm hứng từ các sản phẩm văn hóa khác.
Ví dụ như “Substory Battle Theme” được lấy cảm hứng từ nhạc nền chiến đấu của Dragon Quest V: Hand of the Heavenly Bride, hay là “Hei An Ru Encounter” mang cảm giác của những bộ phim Kung-Fu thập niên 80.
Nhạc nền của những trận đấu trùm cũng đáng chú ý, vì chúng truyền đạt cảm xúc mà Ichiban đang cảm thấy khi đối đầu với những đối thủ khó ăn. Cảm xúc đó có thể là bồn chồn lo lắng, giận dữ, buồn bã hay chỉ đơn thuần là phấn khích.
Và tất nhiên, đã là Yakuza thì không thể nào thiếu minigame Karaoke quen thuộc, với những khúc ca đầy cảm xúc được thể hiện tài tình bởi những diễn viên lồng tiếng.
Một yếu tố đáng được nhận sự chú ý của Yakuza: Like a Dragon chính là mảng âm nhạc của tựa game.
BẠN SẼ GHÉT
Hệ thống nhập vai thiếu cân bằng
Tương tự như Dragon Quest, Yakuza: Like a Dragon cũng sử dụng một hệ thống job (công việc) nhằm đa dạng hóa cơ chế chiến đấu.
Vì tựa game này diễn ra ở thế giới thật, Ichiban sẽ có thể xác định job cho anh và đồng đội thông qua cách… đến trung tâm giới thiệu việc làm. Trò chơi cho phép chúng ta lựa chọn các công việc từ thực tế như vệ sĩ, đầu bếp, tiếp viên quán bar cho đến các công việc có phần “hư cấu” như thầy bói.
Điểm trừ của trò chơi cũng nằm ở chính hệ thống công việc. Các công việc tuy đa dạng nhưng không cân bằng với nhau, với một số công việc có độ hữu dụng tương đối thấp vì số chiêu thức quá hạn chế hoặc trang bị của nghề nghiệp không đủ mạnh.
Trong khi đó, một số công việc mạnh đến mức người chơi có thể sử dụng nó từ đầu đến cuối game, khiến người chơi chỉ đổi sang công việc khác vì muốn “đổi gió” cho các trận đấu hoặc “cày” chỉ số cho nhân vật.
Một điểm trừ nhỏ khác, đó là số lượng kỹ năng lúc khởi đầu của Ichiban khá là thấp, với việc anh chỉ có thể sử dụng đòn đánh cơ bản và một tuyệt chiêu.
Điều này đã vô tình khiến cho các trận đấu trong chương đầu của game có cảm giác lặp đi lặp lại liên tục, khiến những game thủ đã quen với phong cách hành động của các game trước cảm thấy mau ngán.
Suy cho cùng, những khuyết điểm này đến từ việc Yakuza: Like a Dragon là lần đầu tiên RGG Studio thực hiện một tựa game nhập vai đánh theo lượt. Hy vọng rằng họ sẽ có thể khắc phục điều này trong tương lai.