Skip to content

10 tựa game chiến thuật đình đám trong năm 2016 – Kỳ 1

10 tựa game chiến thuật đình đám trong năm 2016 - Kỳ 1
[dropcap style=”style1″]M[/dropcap]ặc dù không còn được ưa chuộng và phổ biến như thể loại game hành động, bắn súng, hay nhập vai, các tựa game chiến thuật vẫn luôn được khá đông người chơi đón nhận. Đáng tiếc trong năm 2015 vừa qua, hầu hết các trò chơi theo thể loại này đều không được đánh giá cao, và ngay lập tức bị lãng quên chỉ sau vài tháng, thậm chí là vài tuần. Họa chăng chỉ có các tên tuổi lừng danh như StarCraft II: Legacy of the Void, Homeworld Remastered Collection là vẫn giữ được cho mình cộng đồng người hâm mộ cực kì sôi động.

Trái ngược với năm ngoái, tuy chỉ mới đầu năm thôi, thế giới game chiến thuật đã được hâm nóng khi làng game đón nhận những tựa game mới đến từ các hãng phát triển kì cựu như Creative Assembly và Firaxis Games. Trong kỳ đầu tiên, Vietgame.asia xin giới thiệu đến bạn đọc 5 tựa game chiến thuật triển vọng của năm 2016, hứa hẹn sẽ sánh ngang với các siêu phẩm của các thể loại game khác.

1. TOTAL WAR: WARHAMMER
THÔNG TIN

Nếu nói Dungeon & Dragon là “ông tổ” của thể loại game nhập vai, thì Warhammer được cho là “lão làng” trong thể loại game chiến thuật. Được ra đời vào năm 1986 dưới dạng bàn cờ, Warhammer đã làm say mê biết bao nhiêu fan của thể loại chiến thuật dàn quân. Mặc dù nổi tiếng đến như vậy, nhưng số lượng game chiến thuật đúng nghĩa liên quan đến thế giới này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, trái ngược hẳn với “người hàng xóm” Dungeon & Dragon.

Chính vì vậy mà việc Creative Assembly công bố phát triển một tựa game Warhammer đậm chất Total War đã làm dấy lên một cơn sốt cho giới game thủ thể loại chiến thuật. Đây cũng chính là lần đầu tiên hãng game kì cựu này quyết định tách ra khỏi bối cảnh lịch sử truyền thống của hãng, vốn được biết đến thông qua các phiên bản như Total War™: Rome II, Total War™: Shogun II.

Bên cạnh với hệ thống điều khiển, lối chơi tương tự như các phiên bản Total War khác, Total War™: Warhammer cũng mang đến khá nhiều tính năng mới đậm chất riêng. Chẳng hạn giờ đây các vị tướng chính trong game không thể tử nạn, họ chỉ đơn giản là “về thành dưỡng sức” để rồi lại tái xuất hiện ở trận tiếp theo như chưa có gì xảy ra. Thậm chí một trong số họ còn sở hữu khả năng sử dụng phép thuật, một yếu tố không thể thiếu của phong cách thần thoại.

Các chiến trường cũng được thiết kế dựa theo thế giới Warhammer, bao gồm cả hệ thống đường hầm với đầy cạm bẫy của tộc người lùn (Dwarf). Việc xuất hiện môi trường mới cũng đi kèm với các chiến thuật mới. Ở một số trường hợp, mục tiêu chính của bạn không còn là dàn đội hình sao cho đẹp, mà tập trung vào khả năng cầm cự và sinh tồn trước bốn bề phục kích của đối phương.

2. XCOM 2
Mặc dù có tuổi đời hơn 2 thập kỉ, dòng game XCOM kể từ sau ba phiên bản đầu tiên lại không thật sự tạo nên tiếng vang trong giới game chiến thuật. Phải tới năm 2012 khi Firaxis Games (nổi tiếng với loạt game Civilization) quyết định làm lại phiên bản XCOM: Enemy Unknown, dòng game mới thật sự được hồi sinh và trở thành một siêu phẩm của thể loại chiến thuật theo lượt.

Không chỉ phiên bản gốc, ngay cả bản mở rộng XCOM: Enemy Within cũng được đón nhật nhiệt liệt từ cộng đồng game thủ đam mê chiến thuật. Với thành công ở cả mặt doanh thu và giải thưởng, chẳng lạ gì mà việc ra mắt phiên bản tiếp theo của trò chơi chỉ còn là vấn đề về thời gian.

Lấy bối cảnh 20 năm sau sự kiện của XCOM: Enemy Unknown, Trái Đất giờ đây đã nằm gọn trong tay của thế lực ngoài hành tinh. Loài người đã bị tẩy não, trở nên tôn thờ bọn chúng. Tổ chức XCOM cũng vì thế mà tan rã, giờ đây chỉ còn sót lại một tổ chức kháng chiến tập hợp bên trong pháo đài Avenger. Không chỉ mang đến cho người chơi một bối cảnh khác, XCOM 2 cũng dựa vào đó để đưa vào các chiến thuật mới tập trung vào phong cách đánh du kích.

Mỗi khi bắt đầu trận đấu, lực lượng kháng chiến sẽ không bị phát hiện bởi phe địch. Nhờ vậy màn người chơi có thể bày binh bố trận, nhằm thực hiện các pha hành động lén lút vừa hoàn thành nhiệm vụ, mà lại không tiêu hao quân lực. Nhằm làm tăng nhịp game, XCOM 2 cũng giới thiệu thêm các nhiệm vụ đặc biệt, buộc người chơi phải hoàn thành mục tiêu càng nhanh càng tốt. Các nhiệm vụ này có thể là chạy trốn khỏi quân địch, đột kích giải cứu con tin trước khi bị họ bị đưa đi.

THÔNG TIN
  • Ngày ra mắt: 05/02/2016
  • Hệ máy: PC
  • Nhà phát triển: Firaxis
  • Nhà phát hành: 2K
3. ROMANCE OF THE THREE KINGDOMS 13
THÔNG TIN

Dẫu cho có nguồn gốc từ Nhật Bản, hãng KOEI lại nổi tiếng với các phiên bản game xoay quanh về đề tài Tam Quốc phân tranh của lịch sử Trung Hoa. Ngược lại với phong cách hành động chặt chém không cần phải suy nghĩ của Dynasty Warriors, dòng game Romance of the Three Kingdoms lại là một đại diện tiêu biểu cho thể loại game chiến thuật, cũng như có một lượng fan đông đảo không kém. Chính vì vậy mà mặc dù phiên bản thứ 12 nhận được khá nhiều phản ánh tiêu cực, trò chơi vẫn có doanh thu khá tốt.

Nhằm sửa chữa những sai lầm từ phiên bản trước, hãng KOEI đã quyết định bỏ ra gần bốn năm để phát triển cho phiên bản tiếp theo. Trò chơi hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo mới đầy chiều sâu cho dòng game 30 năm tuổi này.  Trong Romance of the Three Kingdoms XIII, mỗi vị tướng đều có những tính cách và phản ứng riêng, phụ thuộc vào cách bạn “đối nhân xử thế”. Đồ họa cũng sử dụng các chân dung nhân vật được thiết kế lại, cùng với gam màu nóng làm chủ đạo. Nhờ vậy mà các chiến trường trong game mang đến một cảm giác ác liệt, dữ dội hơn. Đây cũng là lần đầu tiên thủy chiến và công thành được đưa vào game, góp phần mang đến vô số các chiến thuật hoàn toàn mới.

4. AGE OF MYTHOLOGY: TALE OF THE DRAGON
THÔNG TIN

Bên cạnh Age of Empires, Age of Mythology cũng là một tựa game chiến thuật kinh điển do Ensemble Studios (nay đã giải thể) thực hiện. Thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh lịch sử chiến tranh cổ đại, hãng phát triển đã đưa vào các yếu tố thần thoại Hi Lạp, Bắc Âu, và Ai Cập. Người chơi không chỉ có thể điều khiển các giáo binh Hoplite, các chiến binh Viking, mà còn cả những người anh hùng, con quái vật trong truyền thuyết như Perseus, Hydra. Sự tham gia của các đơn vị thần thánh nào góp phần khiến cho các trận chiến trở nên dữ dội đến cả “long trời lở đất”.

Đáng tiếc là mặc dù có số lượng fan đông đảo, Ensemble Studios lại bị buộc phải đóng cửa, dập tắt đi hi vọng về một phiên bản tiếp theo của dòng game. Trò chơi trở nên im hơi lặng tiếng mãi cho tới năm 2014, khi Microsoft Games cùng hai hãng phát triển là Forgotten EmpiresSkybox Labs hồi sinh dòng game với phiên bản Age of Mythology: Extended Edition, nâng cấp đồ họa và lối chơi.

Không chỉ dừng lại ở việc cải tiến phiên bản gốc của trò chơi, hai hãng phát triển non trẻ này còn quyết định ra mắt các nội dung hoàn toàn mới xoay quanh về thần thoại Trung Hoa. Trong phiên bản mở rộng Age of Mythology EX: Tale of the Dragon, người chơi sẽ được lựa chọn thờ phụng ba vị thần là Phục Hy, Thần Nông, và Nữ Oa cũng như các nhân vật chỉ có trong truyền thuyết Trung Hoa như Tôn Ngộ Không, Bát Tiên. Trò chơi cũng được bổ sung thêm các bản đồ mới dựa trên các địa danh nổi tiếng của đất nước Trung Quốc cổ đại.

5. BATTLEFLEET GOTHIC: ARMADA
THÔNG TIN

Dưới sự nổi dậy của thế giới Warhammer Fantasy trong Total War: Warhammer, “người anh em” Warhammer 40K cũng không hề khiêm nhường khi ra mắt tựa game chiến thuật Battlefleet Gothic: Armada.

Nhắc tới thế giới Warhammer với phong cách viễn tưởng, fan của thể loại game chiến thuật không ai không biết đến dòng game Warhammer 40: Dawn of War lừng danh của Relic Entertainment, vốn đã “làm mưa, làm gió” gần một thập kỉ trước. Trò chơi cũng là một điều đáng tiếc khi kể từ sau phần hai ra mắt vào năm 2011, không có tựa game nào có chất lượng xứng đáng để “nối gót” những gì Relic Entertainment đã làm.

Chính vì vậy, việc Battlefleet Gothic: Armada được làm bởi hai hãng phát triển “hạng B” Tindalos InteractiveFocus Home Interactive tuy làm dấy lên khá nhiều mối nghi ngờ về chất lượng, nhưng lại đủ để làm khuấy động cộng đồng Warhammer 40K.

Khác với Warhammer 40K: Dawn of War, trò chơi sẽ tập trung vào các chiến trường không gian giữa bốn phe phái khác nhau, nhằm tranh giành lấy vùng không gian chiến lược mang tên Gothic. Nhằm thể hiện một môi trường và các đơn vị lính hầm hố và chân thực nhất, hãng phát triển đã mạnh dạn sử dụng Unreal Engine 4, vốn là engine đồ họa đình đám nhất hiện nay.

LỜI KẾT

Tuy cùng chung một thể loại, nhưng mỗi tựa game đều mang trong mình một phong cách riêng ở cả lối chơi lẫn đồ họa. Bên cạnh đó, chúng còn được phát triển bởi những bàn tay kì cựu với nhiều năm kinh nghiệm. Chính vì vậy mà nếu bạn thật sự đam mê “bày binh bố trận”, việc sở hữu cả 5 trò chơi là điều chắc chắn phải làm.

Năm 2016 chưa thật sự dừng lại ở 5 tựa game chiến thuật trên, vì ở kì tiếp theo, chúng ta sẽ cùng biết thêm “ngũ hổ tướng” khác, hứa hẹn xưng hùng trong năm Bính Thân này!

Tác giả

Thảo luận