Chơi game trả phí – Nhắc đến 2020 phải nhắc đến sự phát triển của các dịch vụ đăng ký theo tháng như Netflix, Spotify, Apple Music hay Office 365, nhưng các dịch vụ chơi game trả phí theo tháng cũng không phải một trường hợp ngoại lệ.
Với hàng loạt dịch vụ khác nhau cho các đối tượng người dùng khác nhau, cùng những game độc quyền chỉ có trên những nền tảng nhất định, chọn một dịch vụ để đăng ký vào không phải là một điều dễ dàng.
Vì thế, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu 11 dịch vụ chơi game trả phí theo tháng tốt nhất dành cho game thủ, trải dài từ các thiết bị di động lên đến console!
1. APPLE ARCADE
Sinh ra dành riêng cho iPhone, iPad, Apple TV và Mac, Apple Arcade là một dịch vụ chơi game trả phí theo tháng của Apple, với hơn 100 game được chăm chút khá kĩ càng khi liên tục thêm những tựa game mới trong tháng.
Chỉ 119000 VNĐ một tháng (1199000 VNĐ khi đăng ký theo năm) dành cho cả gia đình đến sáu người, Apple Arcade chắc chắn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo với các tựa game từ nhiều nhà phát triển lớn đến độc lập (indie) như Sayonara Wild Hearts, Assemble with Care và INMOST.
Tuy nhiên, dù được bổ sung thêm game mỗi tháng nhưng Apple Arcade vẫn có thư viện game ít hơn tương đối so với các đối thủ khác và chỉ có mặt độc quyền trên các thiết bị của Apple.
2. GOOGLE PLAY PASS
Trái ngược với những game độc quyền di động của Apple Arcade, Google Play Pass lại mang đến cho người dùng Android một thư viện khổng lồ với hơn 350 game và ứng dụng khác nhau, tuy tất cả đều đã có mặt trên cửa hàng Google Play từ trước.
Một điều đáng tiếc là đa số các tựa game trong Google Play Pass đều đã cũ, bao gồm luôn cả những tựa game miễn phí với quảng cáo và hoàn toàn không độc quyền với dịch vụ như Monument Valley, Terraria, Stardew Valley và LIMBO.
Với mức giá tương tự Apple Arcade ở 4.99 USD, các tựa game và ứng dụng thuộc gói Google Play Pass sẽ hoàn toàn không có quảng cáo và các gói mở rộng, mua thêm cũng sẽ được “mở khóa” hoàn toàn miễn phí để thưởng thức.
3. XBOX GAME PASS
Là một trong những dịch vụ chơi game trả phí theo tháng khá được quan tâm gần đây khi có giá chỉ 1 USD cho ba tháng đầu tiên, Xbox Game Pass chắc chắn là một trong những gói mà người chơi PC sử dụng Windows hay Xbox không thể không đăng ký.
Với hơn 250 game chất lượng và hàng loạt tựa game như Untitled Goose Game, Yakuza 0 và mới đây là A Plague Tale: Innocence được thêm vào liên tục mỗi tháng, danh sách game của Xbox Game Pass chắc chắn sẽ không thể nào làm bạn thất vọng.
Không chỉ thế, các tựa game độc quyền của Microsoft sẽ có mặt ngay trên Xbox Game Pass trong ngày đầu tiên ra mắt, theo đó dịch vụ còn bao gồm nhiều tựa game từ hệ máy Xbox 360 và các tựa game hỗ trợ chương trình “Play Anywhere” của Microsoft.
Hiện Xbox Game Pass có ba gói dịch vụ khác nhau là Game Pass for Console dành cho hệ máy Xbox One, Game Pass for PC cho máy tính sử dụng Windows và Game Pass Ultimate bao gồm hai bản Game Pass trên cùng Xbox Live Gold với mức giá lần lượt là 9.99 USD, 4.99 USD và 14.99 USD (1 USD cho tháng đầu tiên).
Trong 2020, Xbox Game Pass cũng sẽ được bao gồm với dịch vụ chơi game trả phí “trên mây” (xCloud) của Microsoft.
4. PLAYSTATION NOW
Ra mắt lần đầu vào năm 2014 và liên tục phát triển đến nay, PlayStation Now là dịch vụ chơi game trả phí dạng thuê bao hiếm hoi có số lượng game lên đến 800, bao gồm các tựa game từ PlayStation 2, PlayStation 3 và cả PlayStation 4.
Tất cả các game bao gồm trong dịch vụ hoàn toàn có thể được tải về và lưu vào máy cũng như chơi trực tuyến qua PlayStation 4, và thậm chí là chơi trực tuyến trên PC khi sử dụng tay cầm DualShock 4!
Tuy nhiên, điểm yếu duy nhất của PlayStation Now phải nói đến việc cập nhật game mới không nhanh như đối thủ Xbox Game Pass, nhưng lại không cần phải đăng ký PlayStation Plus để chơi trực tuyến các game có trong dịch vụ.
Hiện PlayStation Now được bán với ba gói thời gian khác nhau, với giá 9.99 USD cho gói một tháng, 24.99 USD cho gói ba tháng và 59.99 USD cho gói năm.
5. NINTENDO SWITCH ONLINE
Dường như được ra mắt để… “móc ví” người dùng, Nintendo Switch Online chỉ được trang bị ba tính năng chính: hỗ trợ chơi trực tuyến tương tự Xbox Live Gold và PlayStation Plus, chơi các game cũ trên Switch và lưu dữ liệu chơi trên mây.
Với bốn mức giá khác nhau trải dài từ 3.99 USD cho một tháng, 7.99 USD cho ba tháng, 19.99 USD cho một năm và 34.99 USD cho gói gia đình lên đến tám người trong một năm, Nintendo Switch Online thật sự chỉ bao gồm khoảng 100 game NES và SNES như Super Mario Bros. 3 và StarTropics cùng với một số ưu đãi đặc biệt của Nintendo.
6. EA ACCESS VÀ ORIGIN ACCESS
Với EA Access, người dùng PlayStation 4 và Xbox One sẽ có quyền truy cập vào “hòm” chứa các tựa game mới nhất từ EA, cùng với 10 tiếng chơi thử các tựa game sắp ra mắt và giảm 10% tất cả các đơn mua hàng EA.
Trên PlayStation 4, “hòm” của EA Access sẽ có khoảng 40 game trong khi trên Xbox One sẽ có đến 70 game, đều chung một mức giá là 4.99 USD một tháng và 29.99 USD một năm.
Trong khi đó trên PC, dịch vụ tương tự và cùng giá của EA sẽ có tên gọi là Origin Access, với số lượng game lên đến 240 game, nhiều hơn đáng kể so với dịch vụ tương tự trên hai hệ máy chơi game.
Với Origin Access, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp lên gói “Premier”, với khả năng chơi không giới hạn các tựa game của EA thay vì chỉ 10 tiếng cùng với các bản mở rộng hoàn toàn miễn phí.
Trong năm nay, EA cũng đã có kế hoạch thay gói Origin Access bằng gói EA Access ra mắt trên Steam.
7. UPLAY+
Bao gồm hơn 100 game đến từ chỉ một nhà phát hành là Ubisoft, Uplay+ là câu trả lời cho một bước đi táo bạo của hãng nhằm phát triển dịch vụ chơi game trả phí theo tháng của riêng mình tại E3 2019.
Đầy đủ từ các tựa game Assassin’s Creed từng được ra mắt trong quá khứ đến những tựa game sắp ra mắt như Watch Dogs: Legion và Gods & Monsters, Uplay+ chắc chắn sẽ mang lại một trải nghiệm cực kỳ trọn vẹn nếu bạn có hứng thú với Ubisoft, và dịch vụ hoàn toàn độc quyền với người dùng PC.
Hiện Uplay+ có giá 14.99 USD cho một tháng đăng ký sử dụng dịch vụ.
8. UTOMIK
Utomik là một dịch vụ chơi game trả phí tương đối kì lạ khi nó không tải game về máy cũng như chơi trực tiếp từ các máy chủ, nó lại tải về một số chi tiết đang và sắp chơi để tiết kiệm dữ liệu cũng như băng thông.
Nhưng, Utomik dường như lại có thư viện game đồ sộ nhất khi có hơn 1000 game khác nhau, đa số từ các nhà phát triển độc lập cũng như Warner Bros., Epic Games và Deep Silver.
Dịch vụ có mức giá cũng khá dễ chịu chỉ 6.99 USD một tháng và 14.99 USD một tháng cho gói gia đình lên đến bốn người.
9. HUMBLE CHOICE
Thay thế cho Humble Monthly, Humble Choice được ra mắt để giúp người mua dễ dàng lựa chọn hơn về các gói dịch vụ: 4.99 USD cho gói Lite để chơi các game trong thư viện Humble Trove, 14.99 USD cho gói Basic để nhận ba game trong danh sách các tựa game thay đổi theo tháng và 19.99 USD cho gói Premium để nhận chín game.
Theo đó, gói Lite và Basic sẽ nhận được giảm giá 10% trên Humble Store trong khi gói Premium sẽ được giảm đến 20%.
Tất cả các gói từ Lite trở lên đều sẽ được tải các game trong thư viện Humble Trove.
Dù khó có thể nhận được các game mới, game nhận được từ Humble Choice đều là mã key và hoàn toàn có thể giữ được game dù hủy gói dịch vụ.
10. GOOGLE STADIA
Khi tiền thì thiếu, máy thì cùi, console thì không có, nhưng mạng lại khỏe, cách duy nhất để trải nghiệm một tựa game mới phải nói đến Google Stadia, dịch vụ chơi game trả phí sử dụng công nghệ điện toán đám mây của Google.
Tuy nhiên, Stadia hiện vẫn là một dịch vụ chưa hoàn chỉnh khi để bắt đầu trải nghiệm, bạn phải mua gói “Premier Edition” với giá 129 USD gồm một chiếc Chromecast Ultra được thiết kế cho Stadia, một tay cầm và gói Stadia Pro trong ba tháng.
Theo đó, bạn cũng cần một đường truyền internet tương đối nhanh với tốc độ tối thiểu 35 Mbps.
Nhưng đừng nhầm lẫn Stadia Pro với “Netflix dành cho game”, khi Stadia Pro chỉ đi kèm với một số game miễn phí và hầu hết các game mới đều phải mua trên cửa hàng riêng của dịch vụ là Stadia Store.
Google Stadia hiện hỗ trợ chơi trực tuyến trên PC, Chromecast Ultra và một số điện thoại Android với chất lượng lên đến 4K 60FPS cùng âm thanh 5.1 khi đăng ký gói Stadia Pro có gia 9.99 USD một tháng. Trong tương lai, họ dự kiến sẽ ra mắt thêm gói thường khi cho chơi với chất lượng chỉ 1080p và âm thanh stereo cũng như hỗ trợ thêm các điện thoại Android khác như ASUS ROG Phone 2 và Samsung Galaxy S20.
11. GEFORCE NOW
Cũng là một dịch vụ chơi game sử dụng công nghệ điện toán đám mây như Google Stadia, nhưng GeForce Now lại có cách thức hoạt động tương đối khác, khi không đi kèm với bất kì game nào trong dịch vụ.
Với mức giá giới thiệu ở 4.99 USD một tháng, người đăng ký sẽ có khả năng chơi trực tuyến với tối đa bốn giờ mỗi lượt, cùng các quyền truy cập ưu tiên và gói đồ họa cao cấp hơn.
Có nghĩa là, mỗi lượt chơi chỉ có thể kéo dài bốn giờ, sau đó người đăng ký phải xếp hàng lại để nhận lượt chơi mới.
Theo đó, GeForce Now cũng có một gói chơi hoàn toàn miễn phí với khả năng chơi trực tuyến được giảm xuống thành một giờ mỗi lượt, không có quyền ưu tiên đồng nghĩa với việc chờ đến lượt sẽ lâu hơn rất nhiều.
BÀI MỚI NHẤT
- Star Wars Outlaws ra mắt bản mở rộng Wild Card! – Tin Game
- Heart Machine, hãng phát triển Hyper Light Breaker, sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Black Myth: Wukong thắng Ultimate Game of the Year tại Golden Joystick Awards – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl công bố kế hoạch ra mắt bản cập nhật! – Tin Game
- Kadokawa, công ty mẹ của FromSoftware, xác nhận Sony có ý định mua lại tập đoàn! – Tin Game