Skip to content

7 tựa game bị ngừng bán bởi những lý do… lãng nhách

7 tựa game bị ngừng bán với những lý do... lãng nhách

BÀI VIẾT THAM KHẢO THÔNG TIN TỪ LOOPER.Thời gian cuốn đi gần như mọi thứ, video game đương nhiên không phải ngoại lệ.

Liệu có phải chỉ những sinh vật sống như con người, động vật hay cây cối mới có cái gọi là “vòng đời”? Bạn có tin game cũng có vòng đời riêng của nó? Bắt đầu từ những ý tưởng khởi nguồn đơn giản, đến những dòng mã lập trình đầu tiên trên máy của nhà sản xuất, đó là cách mà một tựa game được hình thành. Tiếp đó là những chiến dịch quảng bá, tới thời điểm phát hành cụ thể cũng là ngày game chào đời. Rồi những nhận xét từ người chơi, những phản hồi để nhà sản xuất vá lỗi, những gói mở rộng được phát hành cũng là những ngày tháng game “lớn lên”. Sau 2-3 năm trên kệ, vài đợt giảm giá, vài bản mở rộng mới, gói tổng hơp “Game of The Year”, và nó sẽ chìm vào quá khứ để nhường chỗ cho những tựa game mới hơn, cải tiến hơn, hợp công nghệ hơn.

Đương nhiên, cũng có một số game tuyệt phẩm được ca tụng “sống mãi với thời gian” hay được phát hành lại dưới dạng bản nâng cấp, nhưng đó là một số ít những cây trong một khu rừng ngày càng mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, có những tựa game đã chết, thực sự chết. Không phải một cái chết chậm rãi trong vòng xoáy thời gian, mà chết vì nó bị khai tử bởi chính con người.

XEM THÊM
[timeline post=”137017, 136629″]
PARANAUTICAL ACTIVITY
Trước hết, ta hãy khai vị bằng một bài học mang tính nhân văn sâu sắc.

Paranautical Activity là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được phát triển bởi nhà sản xuất nhỏ Code Avarice. Game được phát hành trên hệ thống Early Access của Steam vào tháng 2/2013. Hệ thống Early Access là một chức năng của Steam cho phép nhà sản xuất đưa game chưa được hoàn thành lên để cộng đồng mua game, chơi thử, phản hồi lại những vấn đề và ý kiến của họ, từ đó nhà sản xuất sẽ cải thiện game của mình. Sau hơn một năm triển khai, Code Avarice tự tin vào thành quả của họ và cho ra mắt game vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, do lỗi hệ thống nên vào ngày phát hành, trang chủ của Paranautical Activity trên Steam vẫn hiện dòng chữ Early Access.

Tưởng chừng như một lỗi nhỏ có thể được khắc phục bằng vài tin nhắn trao đổi, nhưng sự nhầm lẫn này đã khiến cho Mike Maulbeck, nhà sáng lập của Code Avarice tức giận. Nếu có điều gì tệ hơn việc chửi bới công ty mà bạn đang phụ thuộc vào, thì có lẽ đó là động chạm người đứng đầu công ty đó, và Mike Maulbeck đã xuất sắc hoàn thành cả hai. Anh lên Twitter của mình để chỉ trích Steam/Valve một cách “khá không mĩ miều” và đe dọa lấy mạng Gabe Newell – CEO của Valve. Những kẻ “ăn cháo đá bát” nhận lấy kết cục không tốt đẹp cũng là dễ hiểu. Paranautical Activity bị “trục xuất” khỏi Steam ngay khi công ty biết được điều này.

Trong một cuộc phỏng vấn về sau, Mike Maulbeck thú nhận mình đã quá nóng tính, Những lời hù dọa của anh thực sự là do thiếu kiềm chế và một phần anh sợ việc game được hứa phát hành hoàn chỉnh nhưng vẫn xuất hiện trong Early Access sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và danh tiếng công ty. Nhưng mọi sự đã rồi. Paranautical Activity được bán lại cho Digierati Distribution và được phát hành dưới cái tên mới là Paranautical Activity: Deluxe Atonement Edition.

FLAPPY BIRD
Tiếp đó, chúng ta hãy cùng nhắc lại một cái tên quá quen thuộc và phần nào mang tới… tự hào.

Flappy Bird là một game di động đơn giản. Tất cả những gì người chơi cần làm là bấm vào màn hình để đưa một chú chim bay lên, né những cột màu xanh và đi xa nhất có thể. Đồ họa không có gì nổi bật, cách chơi vô cùng đơn giản, nhưng Flappy Bird đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Tới tháng 2 năm 2014, game được tải về 50 triệu lần, mang về túi anh Nguyễn Hà Đông – “cha đẻ” của trò chơi, 50,000 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, game đã bị gỡ bỏ khỏi App Store của iPhone, Google Play của Android và biến mất biệt tăm. Cho tới giờ, game mới chỉ tái xuất hiện trên hệ thống Fire TV của Amazon.

Trả lời phỏng vấn, anh Nguyễn Hà Đông thú nhận rằng thành công mà trò chơi mang lại là hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng. Anh đã khiến rất nhiều người phí phạm thời gian vào trò chơi của mình và cảm thấy một phần lỗi là từ phía mình. Đồng thời, áp lực từ dư luận cũng đè nặng lên vai anh. Tất cả những điều đó đã khiến anh quyết định gỡ bỏ trò chơi này.

Tới ngày hôm nay, Flappy Bird vẫn là một cái tên được công chúng biết đến chủ yếu nhờ vào danh tiếng truyền miệng, và anh Đông vẫn tiếp tục công việc phát triển game với một số sản phẩm mới như Swing Copters.

BOYFRIEND MAKER
Boyfriend Maker là một game ứng dụng, sử dụng trí thông minh nhân tạo để học tập cách nói chuyện của con người. Game cho phép người chơi tạo một bạn trai ảo và nhắn tin trò chuyện. Người bạn trai ảo này sẽ dần dần học ngôn ngữ giao tiếp từ người dùng, và tự trở nên “thông minh”.

Đây thực sự là một ý tưởng hay. Việc phát triển trí thông minh nhân tạo đang là một trong những xu hướng công nghệ hàng đâu. Hơn nữa, con người lúc nào cũng có nhu cầu nói chuyện, sẻ chia, giãi bày tâm sự. Kết hợp được cả hai vấn đề này trong một game/ứng dụng thì thật là hoàn hảo.

Ở Nhật Bản, Boyfriend Maker ở thành ứng dụng số một iOS và cũng khá thành công khi được phát hành toàn cầu. Tuy nhiên, nhà phát triển Boyfriend Maker đã không lường trước một sai lầm nghiêm trọng, đó là… để nó học từ loài người.

Dần dần, bộ “óc” của Boyfriend Maker bị “tha hóa”. Rất nhiều người tải nó về và dạy cho nó những thứ “bậy bạ”. Chẳng mấy chốc, ứng dụng này cũng biết văng tục, nói bậy, nhắc tới những vấn đề nhạy cảm. Và do ứng dụng này ban đầu được chỉ định dành cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên, rất nhiều phụ huynh đã tải nó về cho con em mình nghịch ngợm.

Đương nhiên tình trạng này không kéo dài lâu. Boyfriend Maker bị khai tử vào năm 2012. Một năm sau đó, nhà sản xuất phát hành bản mới của ứng dụng được chỉ định dành cho người 12 tuổi trở lên, có bộ lọc ngôn ngữ không đẹp, và được thiết kể để “thông minh” trong việc chọn lựa ngôn ngữ hơn.

ENDGAME: SYRIA
Video game có thể được sử dụng để truyền tải nhiều thông điệp mạnh mẽ mang tính thời sự. Đương nhiên, không phải công ty nào cũng muốn sản phẩm liên quan tới mình được dư luận quá chú ý. Apple là một ví dụ điển hình.

Năm 2013, nhà sản xuất game ở Anh – Auroch Digital, cho ra mắt trò chơi Endgame: Syria trên iOS. Họ muốn gửi gắm thông điệp về hòa bình, về tính mạng con người trong cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, ý tưởng này không qua nổi vòng gửi xe sau khi được đưa lên để Apple xem xét. Điều khoản của Apple không chấp nhận những ứng dụng nào ám chỉ cụ thể một chủng tộc, nền văn hóa, chính phủ, tập đoàn, hay bất kì một thực thể nào khác.

Đây không phải lần đầu tiên Apple loại bỏ những game mang sắc màu ảm đạm của thực tế. Liyla and The Shadows of War, một tựa game phiêu lưu nói về cuộc sống trên dải Gaza, đã từng bị loại khỏi App Store. Apple liền gặp phải sự phản đối của dư luận, đặc biệt là những game mang màu sắc tươi vui nhưng “nhạy cảm” từ tên gọi như Israel Heroes lại được chấp nhận. Trước sức ép đó, Apple buộc phải cho đăng tải lại Liyla and The Shadows of War. Công ty cũng từng gỡ Sweatshop – một trò chơi nói về thực tế của việc lạm dụng lao động, vì cảm thấy “không thoải mái” với chủ đề này.

Nếu chiếu theo luật định và tiêu chí kinh doanh thì Apple có lẽ không sai. Dù gì, việc một công ty muốn tránh khỏi những rắc rối là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, việc nới lỏng luật để ủng hộ lẽ phải và nhất quán trong thực thi chúng cũng là điều nên làm.

TOO HUMAN
Chúng ta cũng đã đi được quá nửa đường. Hãy cùng chậm lại để mặc niệm cho số phận hẩm hiu của tựa game Too Human.

Too Human là một tựa game nhập vai hành động được công bố phát triển từ năm 1999. Sản xuất bởi Silicon Knights, trò chơi được lên kế hoạch sẽ có mặt trên PlayStation vào cùng năm đó. Tuy nhiên, ít lâu sau, do thiết lập quan hệ độc quyền với Nintendo nên Silicon Knights chuyển hướng phát triển Too Human cho Nintendo GameCube vào năm 2000. Do quá bận bịu với những dự án khác, hãng đã gác việc phát triển Too Human lại. 5 năm sau, Silicon Knights kí hợp dodòng với Microsoft và game lại được chuyển hướng phát triển cho Xbox 360. Cuối cùng vào năm 2008, Too Human đã được chính thức phát hành.

Too Human bán được 168,200 bản ở Bắc Mỹ trong tháng đầu, có doanh số cao thứ 8 trong khu vực. Hai tựa game nối tiếp là Too Human 2 Too Human 3 đã được lên kế hoạch phát triển. Những tưởng cuối cùng, Too Human đã có thể an bài, nhưng khi định mệnh muốn trù, nó sẽ trù bằng nát.

Vào năm 2007, Silicon Knights khởi kiện Epic Games vì đã cung cấp công cụ làm game Unreal Engine 3 kém chất lượng, không kịp thời hạn, và thiếu thông tin hỗ trợ cho công đoạn phát triển. Tháng 8 năm đó, Epic Games kiện ngược lại Silicon Knights, cho rằng Unreal Engine 3 của họ đang bị Silicon Knights sử dụng bừa bãi mà không trả phí. Vụ kiện kéo dài tới tháng 5/2012, tức 4 năm sau ngày Too Human được phát hành thì mới có kết quả. Theo đó, những cáo buộc của Epic Games là chính xác. Silicon Knights đã sử dụng lại mà nguồn của Unreal Engine 3 trái phép và tự ý sửa đổi chúng để ngụy trang.

Cuối cùng, Silicon Knights phải đền bù thiệt hại 4,45 triệu USD cho Epic Games, hủy mã nguồn tất cả những game đang sử dụng Unreal Engine 3 và phải thu hồi tất cả những bản chưa bán được để hủy nốt

Quyết định này đơn giản là giấy báo tử cho Silicon Knights. Tháng 5/2014, công ty đâm đơn phá sản. Kết cục của tựa game làm mất 10 năm, 2 lần đổi chủ, ngốn dự kiến 60-100 triệu USD để phát triển là… bị xóa sạch khỏi lịch sử ngành game, bởi chính nhà sản xuất ăn ở không tốt.

ALAN WAKE
Alan Wake là tựa game có kết cấu như một bộ phim, gồm 6 tập với nhiều tình tiết bất ngờ, gay cấn và gợi mở đến từ Remedy Entertainment – nhà phát triển của dòng game Max Payne đình đám. Khoảng thời gian phát triển kéo dài 5 năm kết thúc với nhiều thành công cùng những phản hồi vô cùng tích cực từ các nhà phê bình cùng cộng đồng người chơi, được tạp chí Times bình chọn là game hay nhất năm 2010.

Cuối mỗi tập của game, Alan Wake phát một bản nhạc để người chơi thường thức. Những bản nhạc được lấy bản quyền và sáng tác bới những nghệ sĩ danh tiếng như Roy Orbison, Nick Cave & The Bad Seeds, David Bowie và Harry Nilsson. Tuy nhiên, bản quyền cho những bản nhạc đó chỉ kéo dài 7 năm. Và khi bản quyền hết hạn, Alan Wake sẽ bị… khai tử.

Ngày 15/5/2017, Alan Wake đã chính thức bị xóa khỏi Steam. Tuy nhiên trước đó, game đã được giảm giá mạnh, tạo cơ hội cuối cho những ai chưa được thưởng thức tuyệt phẩm này.

LITTLEBIGPLANET
Bạn biết đấy, mỗi sinh vật sống đều mắc lỗi. Thế nhưng, bạn biết loài người đấy, luôn vươn lên để đạt tới tầm cao mới. Do vậy đối với loài người, mắc lỗi một lần chưa bao giờ là đủ. Tại sao ta có thể mắc cùng lỗi đó một lần khi có thể mắc lại hai, ba, và nhiều hơn nữa…?

Bạn hẳn đã nghe qua cái tên The Legend of Zelda: The Ocarina of Time? Tựa game nhận được vô vàn sự tán dương tới mức dựa trên tổng hợp đánh giá của Metacritic, được xem là trò chơi hay nhất mọi thời đại. Trong game, phần nhạc được chơi ở Fire Temple chứa một đoạn cầu nguyện của Hồi giáo. Nintendo khẳng định đoạn nhạc đó được lấy từ một thư viện mã nguồn mở, và các thành viên trong đội phát triển game không hề biết ý nghĩa tôn giáo của nó. Do đó, đoạn nhạc trên đã bị cắt khỏi những bản phát hành sau và những bài nhạc của game. Bài học kinh nghiệm đã được rút ra…

Năm 2008, Sony buộc phải thu hồi mọi bản của tựa game phiêu lưu LittleBigPlanet. Một bài nhạc nền trong game có chứa một đoạn kinh Qu’ran của đạo Hồi và đương nhiên, một số người không thấy vui vẻ lắm khi kinh thành của họ làm nhạc nền cho trò chơi điện tử. 100,000 bản LittleBigPlanet đã được thay thế và sự việc được giải quyết êm đẹp. Bài học kinh nghiệm đã được rút ra lần nữa….

Năm 2017, Capcom phát hành một màn chơi mới trong tựa game đối kháng Street Fighter V. Tuy nhiên, đoạn nhạc nền của màn chơi này là một bài thành ca của đạo Hồi. Ngay sau khi nhận được ý kiến, Capcom lập tức gỡ bỏ gói mở rộng và xin lỗi người chơi. Bài học kinh nghiệm đã được rút ra thêm lần nữa…

Thông qua bài viết, hi vọng bạn hiểu thêm và đồng cảm về “cuộc đời” bi ai của một số game từng được sản xuất. Hãy nâng niu những gì bạn có, kể cả thứ bạn không chạm vào được vì có thể, chỉ ngày mai thôi, nó sẽ mãi biến mất khỏi thế giới này.

Tác giả

Thảo luận