Legend of Mana – Tuy không còn rầm rộ như những năm về trước, trào lưu “làm mới, làm lại” (remake, remastered) vẫn âm thầm diễn ra đều đặn.
Khi mà những game thủ đang dần “già hóa” và những tựa game mới không còn đủ sức hút để họ chịu móc hầu bao ra để thưởng thức thì những tựa game cũ kỹ ăn khách một thời lại trở thành “con gà đẻ trứng vàng mới” của các nhà phát hành.
Là phần ngoại truyện của “bộ ba Mana” nổi tiếng, thế nhưng không vì thế mà Legend of Mana mất đi chỗ đứng trong tim người hâm mộ.
Và mới đây, tựa game tuổi thơ này lại một lần nữa được “tái xuất giang hồ”, với đồ họa được làm mới nhằm thu hút người chơi trở lại thế giới Fa’Diel đầy mộng mơ.
Vậy, liệu Legend of Mana có phải là một tựa game tốt hay sẽ là một pha biến “lợn lành thành lợn què” từ Square Enix.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
BẠN SẼ THÍCH
THẾ GIỚI ẢO MỘNG
Với những người mới làm quen với Legend of Mana mà chưa từng chơi qua bản gốc thì sẽ có khá nhiều thứ mới mẻ để khám phá.
Đầu tiên là khác với những tựa game mới, “luôn cầm tay chỉ việc” hoặc chí ít thì sẽ hiện cho bạn cái bản đồ hoặc mũi tên bí ẩn nào đó để bạn còn biết mình phải đi đâu.
Còn với Legend of Mana, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn một chút, và bạn hãy cứ chuẩn bị tinh thần trước đi, vì nhìn chung là game sẽ không đưa ra một chỉ dẫn nào cho người chơi.
Mọi thứ trong game đều được làm một cách phi tuyến tính một cách triệt để, người chơi sẽ phải tự tìm hiểu cách chơi, tự tìm hiểu cốt truyện và tất nhiên, bạn cũng phải lựa chọn hội thoại để tự tạo ra một chuyến phiêu của riêng mình.
Nhắc riêng về phần cốt truyện, là anh em của “ảo mộng cuối cùng” thế nên Legend of Mana có một cốt truyện cũng ảo và mộng không kém.
Khó có thể coi là game có một cốt truyện hoàn chỉnh, bạn hãy cứ xem như trò chơi này là một tuyển tập các câu chuyện cổ tích và bạn là một nhân tố bất ngờ để tuyển tập này hoàn chỉnh.
Thế nhưng, tuy là một tuyển tập những truyện ngắn nhưng game vẫn có một cốt truyện nền để cho bạn không lạc trôi trong thế giới “tôi là ai, tôi đang làm cái gì đây”.
Game sẽ bắt đầu lại vùng đất Fa’Diel, một vùng đất đã bị cháy rụi cùng với cổ thụ Mana (Mana Tree) – thứ được cho là nguồn sống của vạn vật.
Sau khi Mana Tree lâm nguy, nhân loại, tiên tộc, người thú và các chủng loài khác ở Fa’Diel lao vào cuộc chiến không có hồi kết để giành giật chút năng lượng sống (Mana) còn sót lại trong các cổ vật.
Là anh hùng được chọn, bạn sẽ có nhiệm vụ thu thập lại các cổ vật và khôi phục Mana Tree nhằm đem lại hòa bình cho thế giới và tái tạo lại vùng đất Fa’Diel trù phú một thời.
Và chuyến phiêu lưu của chúng ta bắt đầu từ đây.
bạn hãy cứ chuẩn bị tinh thần trước đi vì nhìn chung là game sẽ không đưa ra một chỉ dẫn nào cho người chơi.
PHI TUYẾN TÍNH
Nếu như bạn nghĩ rằng mình đã chẳng lạ lẫm gì với những tựa game thế giới mở và phi tuyến tính thì Legend of Mana sẽ cho bạn biết phi tuyến tính đích thực sẽ như thế nào.
Mở đầu game sẽ diễn ra khá bình thường với việc lựa chọn giới tính và vũ khí.
Sau khi xong việc thì bạn sẽ về nhà và bắt đầu chuyến phiêu lưu của riêng mình bằng cách này hay cách khác (theo nghĩa đen).
Sẽ không có cô gái nào va vào bạn và kể bạn nghe truyền thuyết về mấy viên bi gọi rồng hay thứ gì tựa tựa như thế cả, mọi thứ đều được diễn ra hết sức điên rồ và ngẫu nhiên, cả thế giới như một tấm màn mù mờ, kể cả lai lịch của nhân vật chính và chúng đều được quyết định dựa trên quá trình chơi.
Nếu không biết phải làm gì, bạn có thể thử nói chuyện với các NPC, đôi khi bạn sẽ được cung cấp một manh mối để dẫn đến một chuyến phiêu lưu lớn hơn.
Các chuyến phiêu lưu có thể liên quan tới nhau hoặc không và khi hoàn thành chúng thì bạn sẽ nhận được các cổ vật để kiến tạo lại Fa’Diel theo ý thích của mình.
Các cổ vật sau khi được trả về với hình dạng gốc của mình sẽ trở thành một hầm ngục hoặc một thành phố mới và tùy thuộc vào vị trí mà bạn đặt cổ vật trên bản đồ mà độ khó hoặc thậm chí là cốt truyện của chúng sẽ rẽ theo chiều hướng khác.
Các mê cung và hầm ngục của Legend of Mana Remastered đều có bản sắc rất riêng, và không sắp xếp theo thứ tự xuất hiện, nghĩa là các thử thách luôn luôn mới mẻ và lạ lẫm với người chơi.
Song song với những mê cung ngoằn nghèo là những câu chuyện kỳ ảo, có câu chuyện mang màu sắc vui tươi nhưng cũng có những câu chuyện mang đầy đau thương, có những câu chuyện ngây thơ, trẻ con thì cũng có những câu chuyện bệnh hoạn và điên loạn.
cả thế giới như một tấm màn mù mờ, kể cả lai lịch của nhân vật chính và chúng đều được quyết định dựa trên quá trình chơi
Trên chuyến đi, chúng ta biết về cuộc đại diệt chủng bộ tộc Jumi bởi những thợ săn tham lam thèm khát trái tim bằng ngọc của họ, sự chia rẽ trong nội bộ tộc Dragoon và cuộc nội chiến thảm khốc giữa các phe phái, mối tình ngang trái giữa vua quỷ và thánh nữ…
Và toàn bộ đoạn kết của các câu chuyện trên đều sẽ do bạn định đoạt.
Tuy Legend of Mana Remastered có một vài chuỗi các sự kiện dài dòng và lê thê, thực tế là bạn không cần hoàn thành toàn bộ các câu chuyện trong game, khi đạt mốc nhất định thì bạn sẽ được chỉ dẫn để mở khóa được cách hồi sinh Mana Tree.
CHƠI VÀ NHÌN
Tuy lối chơi của Legend of Mana được coi là một sự thay đổi rất lớn trong lịch sử phát triển của dòng game khi nó mới ra mắt (từ đánh theo lượt sang hành động màn hình ngang) thì ở thời điểm hiện tại đã có hàng nghìn tựa game làm được giống như vậy.
Thế nhưng cách kết hợp nhiều thể loại game vào với nhau nhưng vẫn giữ được hồn của chính mình thì Legend of Mana lại là một ví dụ điển hình cho sự “độc bản”.
Khó có thể so sánh Legend of Mana với bất cứ tựa game nào và cũng khó có thể so sánh bất cứ tựa game nào với Legend of Mana.
Cốt truyện game đã dư sức làm bạn “khổ” thì cách bạn kết nối các câu chuyện còn khổ hơn, để ra một cốt truyện hoàn chỉnh thì bạn còn phải học cách tương tác với các nhân vật và sắp xếp các cổ vật, với lần thử đầu tiên, việc bỏ lỡ nhân vật hoặc xếp bản đồ ẩu là việc bình thường.
Và ngay khi đã (tạm) hoàn thành game, Legend of Mana luôn rất biết cách khiến bạn phải bật máy chơi lại lần nữa.
Các vùng đất khác nhau có các cách chơi khác nhau nhưng đôi khi, chỉ cần ở yên một ngày ở nhà cũng khiến bạn rã rời mệt mỏi.
Rất nhiều hoạt động diễn ra ngay chính nơi mà bạn khởi hành, từ trồng cây, gọi hồn, chế tạo Golem, nâng cấp vũ khí, ấp trứng, nuôi thú cưng tới các hoạt động hội nhóm.
Cách chiến đấu của game khá đơn giản với một nút đỡ, một đánh mạnh và một đánh nhẹ, khi người chơi đầy cây RT thì sẽ sử dụng được kỹ năng tối thượng.
Các NPC đôi lúc cũng có thể giúp đỡ bạn trong trận đánh và có thể được điều khiển bởi người chơi thứ hai (nếu bạn chơi chế độ co-op)
Khó có thể so sánh Legend of Mana với bất cứ tựa game nào và cũng khó có thể so sánh bất cứ tựa game nào với Legend of Mana
Song hành với phần “chơi” là phần “nhìn” được chăm chút kỹ lưỡng. Từng nhân vật, bối cảnh đều là những ảnh vẽ tay cực chi tiết và làm bật lên không khí của chuyến phiêu lưu.
Từ cánh rừng xương điên loạn nhưng lại là biểu trưng cho lòng tự tôn và trung thành của các chiến sĩ rồng, cho tới cánh đồng tuyết trắng tuyệt đẹp nhưng chẳng khác gì một con thú dữ đang ẩn mình chờ mồi…
Những địa danh khác nhau mang trong mình những câu chuyện khác nhau và được tăng thêm muôn phần kịch tính bởi âm nhạc của Yoko Shimomura – nghệ sĩ, nhà soạn nhạc tài ba của xứ sở mặt trời mọc.
BẠN SẼ GHÉT
KHÔNG THAY ĐỔI
Dẫu biết rằng “tút” lại (remastered) cũng có thể đơn giản chỉ là làm mới lại tựa game, hay nói cách khác là giúp game lên các hệ máy tân tiến với đồ họa không đến độ “mù mắt”.
Nhưng một nhà sản xuất có tâm thì cũng không nên chỉ làm mỗi một việc như thế.
Thế nhưng, tiếc là Legend of Mana lại rơi vào trường hợp đơn giản và những lỗi “tồn tại chục năm” vẫn cứ được giữ nguyên như một sự trêu ngươi người chơi.
Đầu tiên là bạn không thể đi xuyên qua các NPC, tức là bạn phải chờ NPC di chuyển thì mới có thể lách qua họ, vậy nếu như bạn gặp trường hợp NPC “kẹt” tại cửa ra vào thì sao?
Ít ra thì với việc NPC bị kẹt thì chúng ta có thể khởi động lại bản đồ hoặc chạy lại bản lưu, còn với những nhiệm vụ mà NPC là người dẫn đường thì đúng là cực hình!
Bạn sẽ phải lẽo đẽo theo tốc độ rùa bò của họ và tệ hơn là nếu bạn lỡ “cầm đèn chạy trước ô tô” thì khi quay lại, bạn sẽ thấy NPC yêu dấu của mình đang… đứng trên vạch xuất phát và chúng ta phải thực hiện lại quá trình lê thê một lần nữa.
Việc không thể hủy đòn tấn công là thiết kể hoàn toàn có chủ đích của nhà sản xuất.
Một số linh hồn cực kì “trâu bò” và hữu ích như Gerrod có hoạt cảnh tấn không khá chậm, bắt buộc bạn phải cân đo đong đếm chính xác thời gian ra đòn tấn công, bởi một đi là không trở lại.
Lối chiến đấu của game cũng được giữ nguyên và cả độ trễ nữa, bạn sẽ cảm nhận sự giật giật, cục cục của tựa game cả chục năm tuổi và nó không hề dễ chịu chút nào!
Nhân vật cũng chỉ có những chuyển động hết sức hạn chế và chỉ hơn mức cầm tấm hình kéo nó đi qua đi lại một chút.
Đồ họa của game cũng được tút tát một chút là điều phải công nhận, thế nhưng phần trình đơn (menu) thì lại lạc hậu và lỗi thời quá trớn.
Màu của tùy chỉnh thiết lập luôn từa tựa nhau với việc đổi từ vàng sang… vàng nhạt và luôn khiến người viết tự hỏi mình đang làm cái gì vậy?
Lối chiến đấu của game cũng được giữ nguyên và cả độ trễ nữa, bạn sẽ cảm nhận sự giật giật, cục cục của tựa game cả chục năm tuổi và nó không hề dễ chịu chút nào.